Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2019 | 14:0

Nhiều địa phương nỗ lực sản xuất sạch và phục vụ Tết

Nuôi gà bằng tảo xoắn, thảo dược; chuẩn bị rau phục vụ Tết 2020; giá lợn tăng cao, bà con phải nghỉ chợ là tin tuần tại các địa phương.

Nghệ An: Xây dựng thương hiệu gà từ tảo xoắn, dế, thảo dược

Một kỹ sư ở Quỳnh Lưu đã nuôi gà bằng tảo xoắn, dế và thảo dược, thay thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh.

Với mong muốn xây dựng thương hiệu gà sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, anh Lê Văn Dương, xóm Tân Giang, xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, đã chuyển từ sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh, sang thảo dược như tảo xoắn, dế, thảo dược..

 

ga-33.jpg
Nuôi dế làm thức ăn cho gà. Ảnh: Hồng Diên

 

Là kỹ sư thực phẩm, có công việc, lương cao, nhưng với niềm đam mê nuôi gà, đầu năm 2014, anh đã về quê, thuê 1 ha đất trống ở ven biển, xây dựng trang trại chăn nuôi gà, kết hợp trồng rau củ sạch.

Lúc mới khởi nghiệp, anh nuôi gà thương phẩm, nhưng chăm sóc theo phương thức cũ, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, thức ăn công nghiệp. Cách này, gà tăng trọng nhanh, thu nhập cao, nhưng không được sạch.

Vì thế, anh trăn trở, tìm hướng phát triển mới cho thương hiệu gà của mình. Sau khi nghiên cứu, năm 2018, anh Dương bắt đầu nuôi gà thử nghiệm bằng thảo dược.

Sau đó, dùng cà gai leo, chùm ngây, tía tô, lá lốt, ngải cứu, lá mơ, sả tươi... xay nhỏ, trộn vào thức ăn hàng ngày. Ngoài ra, thu gom xương bò, lợn ở các nhà hàng về phơi khô, đập bột, trộn với bột đậu tương, cám ngô, gạo, dế mèn, ngô, đậu tương, bột cá nấu chin, ép thành viên khoảng 2 tạ thức ăn/ ngày.

Đặc biệt, anh còn dùng bột tảo xoắn, cây hoàn ngọc và men tiêu hóa, do gia đình sản xuất, cho gà ăn để tốt cho đường ruột, tiêu hóa tốt.

Anh Dương chia sẻ: Thức ăn công nghiệp có chất bảo quản, tăng trọng và cả kháng sinh, nên không tốt cho người tiêu dùng. Nuôi thông thường, gà dễ mắc bệnh, khi uống nhiều kháng sinh, sẽ bị nhờn thuốc.

Vì thế, nhờ có người thân là thầy thuốc đông y, bản thân cũng tích lũy được chút kiến thức, nên đã mạnh dạn nuôi gà bằng thảo dược. Vì vậy, đã giảm vi khuẩn cho gà rõ rệt, gà khỏe mạnh hơn.

Khi giao mùa, gà hay bị bệnh hô hấp, viêm hoại tử niêm mạc ruột, anh lấy lá sả, lá mật gấu, chùm ngây, nhân trần, cam thảo, cà gai leo, có sẵn trong vườn nhà, kết hợp với gừng, tỏi đập dập, cho vào 3 nồi điện trong trang trại để xông cho gà.

Đồng thời, lấy nước thảo dược cho gà uống. Khi gà phát triển bình thường, xông 2 lần/tuần giúp gà hô hấp tốt.

Để bổ sung hàm lượng đạm tự nhiên cho gà, anh Dương còn nuôi dế trên diện tích 520 m2. Thức ăn của dế cũng phải chọn kỹ lưỡng, đảm bảo sạch, nếu vướng hóa chất, dế dễ chết. Do vậy, anh chỉ cho dế ăn rau cỏ tự trồng.

Anh Dương cho biết, gà nuôi bằng thảo dược, 4,5 - 5 tháng mới xuất bán được, chậm hơn 1 tháng so ăn thức ăn công nghiệp, nhưng bù lại, trứng và gà thịt thơm ngon, hàm lượng omega 3 cao hơn so cách nuôi thông thường.

Hơn nữa, do tự làm men khử mùi, nên chuồng trại không có mùi hôi thối, sạch sẽ. Nhờ cách nuôi này, trang trại 3.000 con gà đẻ của anh luôn khỏe mạnh.

TP. Vinh: Giá lợn tăng kỷ lục, nhiều tiểu thương nghỉ chợ

Do giá lợn hơi tăng phi mã, chạm mốc 100.000 đồng/kg, khiến người bán và mua đều gặp khó. Nhiều cửa hàng, siêu thị phải chịu lỗ để bình ổn giá; nhiều tiểu thương đành nghỉ chợ…

bo-399.jpg

Giá lợn tăng cao, nhiều tư thương bỏ chợ 

 

Nếu như năm trước, lò mổ cuả bà Nguyễn Thị Nhì ở chợ Vinh (Nghệ An) thời điểm này đang là cao điểm làm giò, xúc xích, lạp xưởng, ruốc bông, lợn giàng… phục vụ Tết, với  30 - 40 con lợn/ngày, thì nay đã đóng cửa 10 ngày.

Nguyên nhân, do giá lợn hơi tăng phi mã, chỉ 1 tuần đã tăng 25.000 - 30.000 đồng/kg, khiến lò mổ không thể hoạt động.

“Làm ăn phải có lãi. Đằng này, cứ mỗi con lợn tăng giá khoảng 500.000 đồng so với trước, trong khi đó, giá thịt chỉ tăng nhẹ, tính ra phải bù lỗ 300 - 400.000 đồng/con, nên đành đóng cửa, để không phải bù chi phí. Cũng chưa biết khi nào mở lại, vì giá lợn tăng từng ngày, không thể cầm cự được”, bà Nhì cho biết.

Không chỉ lò mổ ngừng hoạt động, nhiều tiểu thương bán lẻ ở chợ cũng phải nghỉ, kiếm các mặt hàng khác để kinh doanh, chờ giá lợn “hạ nhiệt” mới dám bán trở lại.

Chị Trịnh Thị Mai, tiểu thương chợ Đội Cung (TP.Vinh) cho biết: "Nguồn cung thịt lợn không thiếu, song giá tăng quá cao. Hiện, giá lợn hơi đã lên đến 95.000 - 98.000 đồng/kg, lợn móc hàm 115.000 - 125.000 đồng/kg trong khi giá bán lẻ 150.000 - 180.000 đồng/kg nên lãi rất ít, có khi lỗ.

Để đắp đổi qua giai đoạn này, tôi làm thêm chả cá, bán thêm thịt gà, vịt, bò, chỉ lấy một lượng ít thịt lợn để giữ khách”, chị Mai cho biết.

Chưa có thống kê cụ thể, song ở một số chợ dân sinh  T.p Vinh như chợ Quán Lau, chợ Hưng Chính, chợ Đội Cung, chợ Hưng Dũng… số tiểu thương kinh doanh thịt lợn giảm khoảng 1/3 so với trước.

Một số hộ nghỉ hẳn buôn bán, một số kinh doanh thực phẩm khác,những  hộ trước đây bán 2 - 3 con lợn/phiên, thì nay chỉ khoảng 20 - 30kg, để giữ khách

Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch cũng vậy. Giá lợn hơi tăng quá cao, giá thịt trong 1 tuần có tới 5 lần điều chỉnh, buộc các cửa hàng tăng theo.

Để giữ chân khách, nhiều cửa hàng, siêu thị bán thịt theo combo như: thịt ba chỉ + nạc vai + sườn tặng kèm cải bó xôi, hoặc đậu phụ…; nhiều nơi chấp nhận bán giá gốc để giữ mối.

Anh Hồ Văn Thế, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, cho biết: “Gần 1 tháng nay, giá thịt bán ra tương đương giá nhập vào. Lượng tiêu thụ cũng ít hơn, giá thịt quá cao, người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn thực phẩm khác”.

Chợ nông thôn, miền núi cũng vậy. Hiện, giá lợn hơi ở đây đã chạm mốc 90.000 đồng/kg.

Anh Võ Văn Quý - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thủy (Thanh Chương) cho biết: “Hiện, xã có khoảng 3.500 con lợn thịt và 350 con lợn nái, trong đó, có 1 trang trại còn 400 con lợn thịt, với nhiều lứa khác nhau. Giá lợn tăng cao, người dân dễ bán, có lãi.

Hiện, nguồn lợn thịt Tết hầu hết đã có đơn đặt hàng, song, các hộ chăn nuôi chưa chốt giá. Bởi, giá lợn hơi chắc chắn sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg. Nguồn lợn giống hiện tại, giá cũng tăng cao khi nhu cầu tái đàn của người dân tăng”.

Theo quy luật, cuối năm, nhu cầu thịt lợn phục vụ Tết tăng. Song, do giá cao, người tiêu dùng lựa chọn các thực phẩm khác thay thế như: bò, gà… nên sức tiêu thụ chậm, giảm 20% so trước.

Hiện, nhiều cơ sở sản xuất thịt lợn sấy khô, lạp xưởng, giò chả, xúc xích, dăm bông… cũng chưa dám chốt đơn hàng Tết, bởi theo dự báo, giá lợn sẽ còn tăng.

Làng rau Cừa Phú vào vụ Tết 

Tết Nguyên đán 2020 đang đến gần, đây cũng là thời điểm, người trồng rau thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh, nơi có diện tích trồng rau sạch lớn nhất T. phố Đồng Hới (Quảng Bình), tất bật chuẩn bị rau màu phục vụ Tết.



rau-191.jpg

Người dân Cừa Phú đang tích cực chăm sóc rau Tết                                                                                     

Dù vẫn trồng và chăm bón quanh năm, vụ nọ nối vụ kia, thế nhưng vụ Tết, vẫn được bà con chú trọng nhất, bởi đây là thời điểm rau bán “chạy” và được giá hơn cả.

Là một trong những hộ có thâm niên trong nghề trồng rau, bắt đầu từ đầu tháng 11 Âm lịch, ông Lê Xuân Khanh ở thôn Cừa Phú, đã tập trung làm đất, lên luống, chuẩn bị giống, phân bón, để gieo hạt giống đậu cô ve.

Tết năm nay, ông trồng 5 sào đâụ cô ve leo, loại này tuy dễ trồng, nhanh cho thu hoạch (50-60 ngày), nhưng để đạt năng suất cao, ông Khanh phải thường xuyên kiểm tra sâu bệnh, chú trọng tưới nước cho cây.

Ông Lê Xuân Khanh chia sẻ: “Đến thời điểm này, vườn đậu cô ve của gia đình phát triển khá tốt. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nên chắc chắn không ảnh hưởng đến năng suất. Dự kiến, Tết này, sẽ thu nhập trên dưới 30 triệu đồng”.

Gần đây, khoai lang Bảo Ninh được thị trường ưa chuộng, giá cao gấp nhiều lần, so các loại khác. Khoai lang Bảo Ninh là giống lá tím truyền thống, được gieo trên cát càng nhiều bột mịn, ngọt thơm.

Vào dịp Tết, nhu cầu càng cao, vì vậy nhiều hộ đã tính toán thời tiết để dâm ngọn từ tháng 7, 8. 1 sào cần khoảng 3.000 ngọn.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, khoai lang Bảo Ninh hứa hẹn được mùa. Vừa xới đất kiểm tra củ, Bà Hoàng Thị Hoa, thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh, phấn khởi nói: “ Khoai lang bình thường giá 15 - 20.000 đồng/kg, nhưng nay, giá 40 - 50.000 đồng/kg, giá cao, nhưng không có bán.

Trồng loại này cũng hên xui lắm, củ lúc nhiều lúc ít. Tui đang bới thử mấy luống, củ năm nay khá nhiều và đều. Dự kiến, năng suất này, thu được 7- 8 triệu đồng/sào.”

Nghề trồng rau ở Cừa Phú, xã Bảo Ninh có từ lâu, nhưng phải đến khi Công ty CP. chứng nhận GloblCert, chính thức cấp giấy chứng nhận rau  VietGap, thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Cừa Phú vào năm 2014, thương hiêu rau sạch Bảo Ninh mới được người tiêu dùng T.p Đồng Hới đón nhận.

Qua gần 5 năm hoạt động, hiện, tổ đã có trên 20 hộ, với 45 thành viên/ 6 ha, cung cấp ra thị trường bình quân khoảng 600 tấn/năm, doanh thu trên dưới 100 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thanh Bình,Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, cho biết: “Thực tế, nghề trồng rau ở Cừa Phú vẫn manh mún, nhỏ lẻ, canh tác theo kiểu cũ. Xã đang có kế hoạch xây dựng vườn mẫu, tập hợp những hộ có nhiều diện tích rau sạch, hỗ trợ làm nhà lưới, tập huấn KHKT… Góp phần nâng cao thu nhập cho bà con và phát triển thương hiệu rau sạch Bảo Ninh”.

Nghề nông vất vả, song, những người trồng rau ở Cừa Phú, Bảo Ninh vẫn bám vườn, chăm chỉ lao động. Hy vọng, Tết 2020, người tiêu dùng  Đồng Hới được sử dụng sản lượng lớn rau sạch của Cừa Phú, người trồng rau có một vụ mùa bội thu, một cái Tết đủ đầy.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top