Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 9 năm 2021 | 9:49

Nhiều doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL đóng cửa, rời khỏi thị trường

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới sản xuất, chế biến, xuất khẩu nhiều doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL, đặc biệt, khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch khiến doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Nhiều nhà máy chế biến cá tra đóng cửa

Vào cuối tháng 7/2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã khiến các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, xuất khẩu (XK) cá tra gặp rất nhiều khó khăn, có tới 50% DN tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, kéo theo đó cá tra tại ao lớn quá cỡ.

Tại Đồng Tháp, tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn nhất nước, giá cá tra nguyên liệu hiện ở mức 20.500-22.000 đồng/kg, trong khi chi phí để sản xuất ra 1kg cá nguyên liệu hết gần 22.500 đồng. Giá cá nguyên liệu giảm là do nhiều nhà máy chế biến hạn chế mua vào do giảm công suất hoặc tạm thời đóng cửa nghỉ do dịch bệnh.

 

 Doanh nghiệp vùng ĐBSCL đang gặp vô vàn khó khăn, (Ảnh Cảnh Kỳ).

 

Một số doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất của các nhà máy chế biến là thực hiện “3 tại chỗ” vì phát sinh nhiều chi phí, công và lương người lao động tăng, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gặp nhiều khó khăn, trong khi người lao động không muốn làm theo phương án này…

Tại Cần Thơ, Vĩnh Long… nguồn cung cá tra cho XK dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoạt động hoặc giảm công suất nên tạm ngưng mua nguyên liệu, khiến giá cá giảm. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi cá tra thâm canh, dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới. Công suất hoạt động của toàn ngành cá tra hiện còn khoảng 10-20%.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VASEP), ưu tiên hàng đầu là công nhân phải được tiêm vắc xin Covid-19. Bên cạnh đó, với tình hình sản xuất kinh doanh đình đốn, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm về thuế, phí… để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo VASEP, tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 520 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Trong đó, sản xuất và chế biến cá tra vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề, tình hình xuất khẩu cá tra khó cải thiện trong tháng này. Dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD.

Tìm cách gỡ khó cho ngành tôm

Theo Tổng cục Thuỷ sản cho biết, cả nước có 2.063 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm. Sản lượng ước đạt 106,6 tỷ con; trong số đó, tôm sú 30,8 tỷ con, tôm chân trắng 75,8 tỷ con, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.

Từ đầu tháng 7, tại nhiều tỉnh miền Nam các cơ sở chủ động giảm sản lượng từ 30-40%, đến 15/8 các cơ sở giảm sản lượng 50%, thậm chí tạm dừng hoạt động. Hiện các doanh nghiệp không giảm giá bán tôm giống, thay vào đó hỗ trợ tôm giống từ 50-100%. Dự báo với số lượng tôm bố mẹ hiện có thì có thể sản xuất được khoảng từ 7-10 tỷ con/tháng.

 

 Doanh nghiệp gặp khó khăn khiến người nuôi cũng gặp khó trong tiêu thụ.

 

Tại các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc tiêu thụ tôm hiện bị đình trệ. Nguyên nhân do hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ phải thực hiện giãn cách hoặc phải đóng cửa; thiếu người, phương tiện vận chuyển, thu mua, cung ứng vật tư sản xuất do yêu cầu kiểm soát người và phương tiện từ các vùng dịch đều bị cách ly, nên rất khó đáp ứng kịp thời và phát sinh tăng chi phí.

Một số nhà máy chế biến tôm phải dừng hoạt động hoặc thực hiện “3 tại chỗ” nên công suất giảm. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống bà con. Nguy cơ đứt gãy sản xuất của ngành hàng này đang hiện hữu trong khi nhu cầu tôm trên thế giới vẫn tăng.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, hiện việc vận chuyển tôm về nhà máy cũng rất khó khăn. Tiêu thụ khó, bà con sẽ không thả tôm nuôi cho vụ sau. Tháng 10-12 là thời điểm có nhu cầu tôm cao trên thị trường, khi hết giãn cách xã hội thì sẽ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng. Hiện giá tôm lớn bán tốt, nhu cầu cao. Để tăng công suất nhà máy thì tăng cường chế biến tôm cỡ lớn. Giá tôm cỡ từ 10-30 con/kg tiêu thụ rất tốt, giá cũng tốt nên bà con nên yên tâm, không nên lo ngại.

Ông Lê Văn Quang cũng khuyến cáo, bà con cần nuôi để thu hoạch chậm nhất trong tháng 11, kịp chế biến bán cho thị trường châu Âu cuối năm. Thời gian chế biến 3 kg tôm lớn bằng 1 kg tôm nhỏ. Do đó, bà con nên giảm mật độ nuôi, nuôi tôm cỡ lớn.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau kiến nghị, ngành nông nghiệp 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL đã có đầu mối kết nối để tháo gỡ khó khăn nhưng không giải quyết được nhiều vì liên quan nhiều ngành khác. Tổng cục Thủy sản nên tham mưu Bộ Nông nghiệp PTNT có văn bản với địa phương có biện pháp phòng chống dịch, mà vẫn linh hoạt trong sản xuất.

Trong khi đó, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang cho rằng, trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội cần có đánh giá, dự báo thị trường tiêu thụ, bởi hiện đang rất ít thông tin. Nếu tổ chức sản xuất mà không biết đầu ra thế nào thì rất khó.

Còn đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng kiến nghị, cơ quan quản lý cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong quản lý giá thức ăn; xem xét, kiến nghị giảm tiền điện cho người nuôi tôm cho phù hợp, từ 10-30%, để một phần bù đắp khó khăn cho sản xuất. Đồng thời có các chương trình vay vốn, quỹ tín dụng cho các nhà máy chế biến, nhà cung ứng vật tư đầu vào để có sự hỗ trợ về giá đối với người nuôi.

Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay giá tôm thương phẩm ngày càng sụt giảm, cùng với đó hoạt động thả nuôi cũng có chiều hướng giảm, do doanh nghiệp thu mua, chế biến, dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải tạm ngừng hoạt động do Covid-19 dẫn đến tâm lý e ngại của người nuôi. Dự báo các tháng cuối năm sẽ khan hiếm tôm nguyên liệu.

Theo Tổng cục Thủy sản, quy trình nuôi tôm cần phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Người nuôi cần tham gia trong chuỗi liên kết để vượt qua khó khăn. Địa phương tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh tổ chức thu mua tôm cho người nuôi đến giai đoạn thu hoạch. Đồng thời kêu gọi các thương lái, nhà máy chế biến thủy sản chung tay ủng hộ, tiếp tục thu mua sản phẩm thủy sản cho người dân trong giai đoạn hiện nay, không được nhân cơ hội ép giá gây thiệt hại cho người nuôi. Huy động các kho dịch vụ để chứa tôm nguyên liệu.

Qua đây, Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, tiếp tục duy trì sản xuất nuôi tôm nước lợ tránh xảy ra tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và năm 2022.

Hơn 10.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 3 tháng

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 gây ra khủng hoảng tại các tỉnh phía Nam, nhất là với các ngành chế biến nông thủy sản ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề, gần như tê liệt hoàn toàn, chưa bao giờ có tiền lệ.

Từ tháng 6-8, vùng ĐBSCL có trên 10.000 doanh nghiệp (DN) rời khỏi thị trường, trong khi con số này của 6 tháng đầu năm 2021 là trên 6.000 DN. Còn DN tạm ngưng hoạt động là gần 90%; doanh thu quý II giảm còn 40-50%...

 

Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL đóng cửa, rời khỏi thị trường, (Ảnh Cảnh Kỳ).

 

Theo ông Lâm, ĐBSCL hiện DN đang gặp khó khăn do thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng, chính sách, rào cản chồng chéo. 13 tỉnh/thành có 13 chỉ đạo khác nhau, trong khi quá trình sản xuất đến tiêu thụ phải lưu thông… DN phản ánh, lẽ ra ưu tiên cho những ngành sản xuất thì phải ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, nhưng việc này một số tỉnh làm rất chậm.

Mô hình “3 tại chỗ” thì DN đánh giá không khả thi, kéo dài sẽ gây hao tổn, không an toàn. Trong khi chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa kịp thời. DN đang rất băn khoăn, nhiều DN đóng cửa nhưng lo lắng, nếu không có khoản hỗ trợ nào thì khả năng phá sản là “trong tầm tay”.

Dẫn số liệu thống kê của Bộ KH&ĐT, ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng cho biết, 7 tháng đầu năm nay có tới 79.673 DN phải rút khỏi thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Thời gian tới có khả năng hàng chục ngàn DN tiếp tục rời khỏi thị trường.

Tại ĐBSCL, tình trạng dừng hoạt động của ngành vận tải khiến hàng triệu tấn lúa bị ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài vẫn đợi ở phao số 0 chờ “ăn hàng”. Nhiều sản phẩm nông, thủy sản khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. DN hoạt động cầm chừng, sản xuất với 20-30% công suất. Nhiều DN chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng, một số khác đành bỏ cuộc…

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, vấn đề DN đặt ra là khi nào thì hết giãn cách (theo Chỉ thị 15, 19, 16, 16+), DN cần chuẩn bị gì khi nới lỏng giãn cách…?. Theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, sau ngày 15/9/2021 mục tiêu các tỉnh/thành sẽ kiểm soát dịch (các tỉnh ĐBSCL còn sớm hơn?), nhưng không ai trả lời được sau 15/9 có hết giãn cách chưa.

Ông An khuyến nghị, chính quyền cần có chiến lược ứng phó dịch bệnh rõ ràng, nhất quán với sự chuẩn bị tốt cho kịch bản xấu. Chuẩn bị khả năng chung sống với Covid-19, với những điều kiện cụ thể. Trao quyền, trách nhiệm chủ động phòng bệnh và chăn sóc sức khỏe cho người dân, tổ chức. Trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho DN trong tình trạng chung sống với Covid-19với sự hỗ trợ từ phía nhà nước…

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top