Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 3 năm 2020 | 14:21

Nhiều giải pháp cấp bách thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Theo đánh giá của Cục Xuất - nhập khẩu, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc - thị trường XK lớn thứ 3 và là thị trường NX lớn nhất của Việt Nam từ cuối tháng 1/2020 đến nay, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của nước ta.

tr3.jpg
Tất cả các xe nhập cảnh vào Việt Nam tại Cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đều được phun thuốc khử trùng trong khoang lái và tổng thành xe. ảnh: Quốc Khánh

 

Nông sản vẫn tồn nhiều tại cửa khẩu

Sau 1 tuần nối lại hoạt động thương mại tại một số cửa khẩu cũng như các cặp chợ cư dân biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã có chuyển biến.

Tuy nhiên, lượng hàng hóa (chủ yếu là hàng nông sản) chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu vẫn còn cao. 

Để xuất - nhập khẩu tại biên giới nhanh chóng ổn định, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai công tác bảo đảm chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) khi xuất - nhập khẩu (XNK), vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Cũng như phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải...

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu Vụ Thị trường châu Á - châu Phi rà soát, đánh giá tình hình XNK sang các nước có Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia ký kết trong khu vực thị trường phụ trách.

Các địa phương tích cực hỗ trợ DN thông quan hàng hóa

Từ cuối tháng 2, tại Lạng Sơn, việc mua bán hàng hoá của cư dân biên giới qua cặp cửa khẩu phụ Tân Thanh (Việt Nam) – Pò Chài (Trung Quốc) chính thức được khôi phục. 

Đề cập đến việc tạo thuận lợi cho DN XNK, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Vy Công Tường cho biết, Tổ công tác hỗ trợ cho các hoạt động XNK hàng hóa, phòng chống dịch Covid-19 hoạt động tích cực và hiệu quả. Lượng hàng hóa được làm thủ tục thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mỗi ngày đã lên đến 300 xe hàng, trước đó vào đầu tháng 2 con số này chỉ từ 30 đến 60 xe/ngày…

Tại cửa khẩu biên giới Lào Cai, hoạt động hỗ trợ DN tạo thuận lợi thông thương hàng hóa cũng được lực lượng hải quan tích cực triển khai. Theo Cục Hải quan Lào Cai, những ngày gần đây, đơn vị thông quan cho hàng nghìn tấn hàng hóa XNK mỗi ngày. Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã bố trí đủ lực lượng để thông quan cho DN liên tục 7 ngày trong tuần (kể cả thứ bảy, chủ nhật). Điển hình như ngày 23/2, mặc dù là chủ nhật nhưng lực lượng hải quan và cơ quan chức năng tại Lào Cai vẫn làm thủ tục thông quan cho hơn 2.000 tấn thanh long, dưa hấu xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.

Đối với Cục Hải quan Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sẵn sàng các phương án, bố trí đầy đủ lực lượng, chủ động triển khai nhiệm vụ thông quan hàng hóa kịp thời, tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu khi lưu lượng hàng hóa XNK tăng cao; tăng cường tổ chức các đoàn công tác gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp với DN, để nắm bắt thông tin, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Theo Cục Hải quan Hà Giang, trong những ngày gần đây, thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã dần cải thiện. Hiện, mỗi ngày cơ quan hải quan làm thủ tục cho hơn 10 tờ khai XNK, trị giá hàng hóa  hơn 1 tỷ đồng, chủ yếu là hàng nông sản (thanh long, dưa hấu…).

Cần phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới

Theo đánh giá của Cục XNK, dịch Covid-19  ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam do hầu hết nguyên liệu sản xuất của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

Để hóa giải những khó khăn trước mắt, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa, chỉ đạo các thương vụ tại các thị trường châu Á – châu Phi; châu Âu – châu Mỹ đánh giá nhu cầu tiêu thụ, dung lượng thị trường, thị hiếu, tỷ trọng và khả năng tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam để bù đắp sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó, đặc biệt lưu ý tận dụng hiệu quả ưu đãi mang lại của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Đồng thời, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của DN xuất khẩu trước biến động khó lường của thị trường thế giới trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ về thông tin thị trường, kinh doanh quốc tế, quy định xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hóa đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn theo đúng thông lệ quốc tế…, kịp thời ứng phó với phương án chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường khác.

Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam, bà Lưu Thị Thảo, kiến nghị, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xúc tiến và xây dựng thương hiệu Việt thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và tính minh bạch cho các hoạt động thương mại.

Đồng thời, “chúng ta cần tiếp tục tăng cường phối hợp với các đối tác, sàn thương mại điện tử ở nước ngoài để tổ chức hỗ trợ các DN mở rộng thị trường đầu ra, phát triển kênh phân phối mới qua thương mại điện tử xuyên biên giới”, bà Thảo nhấn mạnh.

Triển khai ngay 2 gói hỗ trợ cho DN và người dân

Tại phiên họp Chính thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tinh thần chung là phải giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các địa chỉ cụ thể để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, không nói lòng vòng. Đặc biệt là tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết cho du lịch, thương mại, dịch vụ, hàng không, XNK những ngành này chịu tác động rất lớn. Hỗ trợ cho  đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 gây ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng lãi suất thấp. Một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ đồng. Chúng ta chưa gọi đây là gói kích thích kinh tế. Tinh thần là có hiệu lực ngay để hỗ trợ DN và người dân. Cấm tư tưởng xin, cho, không minh bạch”.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để ổn định vĩ mô. Đây là cơ sở then chốt để thực hiện các nhiệm vụ khác. Cùng với đó là chưa đặt ra việc nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra các gói kích thích kinh tế. Tuy vậy, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đưa ra các kịch bản, đối sách đối với Covid-19 và tình hình thế giới để không bị động, bất ngờ. 

Đối với chính sách tiền tệ, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước ổn định lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, cung ứng tín dụng đầy đủ, kịp thời cho sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại cần chia sẻ với khó khăn của người dân và DN, giảm lãi suất để DN có khả năng phục hồi sản xuất.

Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính: “Về tài chính ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ ngành rà soát khẩn trương đề xuất  miễn, giảm, giãn, hoãn chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội. Nhất là quan tâm các ngành, DN bị ảnh hưởng của Covid-19.

Đối với hoạt động đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, nhất là giao thông vận tải, công thương; tập trung giải ngân các dự án dùng vốn ODA.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị hội nghị giải ngân vốn đầu tư công toàn quốc để đưa ra giải pháp thúc đẩy giải ngân. Đây là giải pháp rất có ý nghĩa để thúc đẩy tổng cầu, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó là tạo điều kiện thúc đẩy dự án đầu tư tư nhân và dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm trình phương án tổng thể nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và giảm chi phí cho sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh: Phải tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, nhất là các địa phương, “đừng để ngâm ngày này sang ngày kia, sở này sang sở kia”. Quy định nào chưa sát thực tế thì phải bãi bỏ, “nhất là xóa bỏ cái quyền tôi, quyền anh, xin-cho”.

 

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KTXH tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, ổn định; giá nhiều nhóm mặt hàng về cơ bản giữ ổn định, hoặc giảm; CPI tháng 02/2020 giảm 0,17% so với tháng trước.

Xuất khẩu vẫn tăng trưởng; nhập siêu trong kiểm soát. Xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực FDI tăng 0,9% và trong nước tăng 6%.

Nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, nhiều lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng; dịch bệnh dần được kiểm soát (đàn gia cầm tăng 13,8%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng trồng tăng 1,3%; khai thác gỗ tăng 3,6%; sản lượng thủy sản tăng 2,7%).

Xuất khẩu ước đạt 5,34 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó xuất khẩu gạo tăng cả về lượng và giá trị. Xuất khẩu rau quả giảm 11,9%, chỉ đạt 513 triệu USD.

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top