Cưỡng chế không đúng quy định, để 70 hộ dân tự xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp, phân lô bán nền tràn lan… là những sai phạm đang xảy ra tại xã Hà Hải (Hà Trung - Thanh Hóa).
Nhiều công trình được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp ở Hà Hải.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Hà Hải, xác nhận, kể từ ngày 02/12/2016, Đoàn Thanh tra của UBND huyện Hà Trung tiến hành thanh tra theo đơn tố cáo về những sai phạm trong quản lý đất đai trên địa bàn xã.
Trong các vấn đề sai phạm, nổi cộm nhất có việc cưỡng chế, phá dỡ công trình của hộ bà Nguyễn Thị Ngà (con trai là Tô Đình Anh) không có các thủ tục cưỡng chế theo quy định của pháp luật; tự ý cắt 2.742m2 đất mà hộ bà Ngà đang thuê để phân lô, bán cho 15 gia đình khác; buông lỏng quản lý đất đai, làm ngơ để cho gần 70 hộ gia đình xây dựng các công trình nhà ở trên đất nông nghiệp…
Cụ thể, năm 2013, bà Nguyễn Thị Ngà trú tại thôn Đông Quang, xã Hà Hải ký hợp đồng thuê 5.142m2 đất tại thửa đất số 52, tờ bản đồ số 03. Mục đích của việc thuê đất là sản xuất nông nghiệp (trồng lúa).
Hợp đồng thuê đất giữa UBND xã Hà Hải và hộ bà Ngà ký ngày 1/12/2013.
Trong khi người dân đang thuê đất, trồng hoa màu và có nộp thuế đầy đủ thì trong 2 năm 2014 -2015, UBND xã Hà Hải đã tự ý lấy lại 2.742m2 đất, chia làm 18 ô và bán đấu giá, chuyển đổi mục đích cho 15 hộ sử dụng.
Tuy nhiên, gia đình bà Ngà là người đang được nhận ký hợp đồng thuê đất lại không hề hay biết việc UBND xã cắt đất để bán. UBND xã Hà Hải cũng không tiến hành làm phụ lục điều chỉnh hợp đồng.
Trong khi đó, Điều 53, Luật Đất đai 2013 quy định: “Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng”.
Không những có dấu hiệu vi phạm Điều 53, Luật Đất đai, UBND xã Hà Hải còn có dấu hiệu vi phạm về quy trình cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cụ thể, thời điểm năm 2015, toàn bộ gia súc, gia cầm, thủy sản mà hộ ông Tô Đình Anh (con bà Ngà) đang nuôi bị lũ cuốn trôi, mất trắng, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ông Tô Đình Anh phải bán toàn bộ tài sản còn lại, kể cả nhà đang ở để trả nợ ngân hàng. Do không còn chỗ ở, gia đình ông Anh phải làm lều tạm trên phần đất đang thuê, mục đích là trông coi khu đất và tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngày 02/2/2016, UBND xã Hà Hải đã huy động lực lượng khoảng 30 người tiến hành phá dỡ, cưỡng chế, vận chuyển toàn bộ tài sản đi nơi khác, đến nay vẫn chưa trả lại cho gia đình ông Anh.
Việc làm này của UBND xã Hà Hải có dấu hiệu vi phạm trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Giải thích về việc làm trên, tại Báo cáo giải trình ngày 10/11/2016, do ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Hà Hải ký, cho rằng: “UBND xã lúc đó là ông Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch thấy như vậy (xây dựng công trình trái phép-PV) là coi thường Đảng và chính quyền địa phương nên đã cho tháo dỡ và chuyển về (tài sản - PV) trụ sở làm việc”.
Gia đình ông Anh bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do dựng lều tạm trên phần đất đang thuê.
Ngoài những vấn đề trên, đơn thư còn tố cáo lãnh đạo UBND xã Hà Hải buông lỏng quản lý, làm ngơ để cho gần 70 hộ gia đình xây dựng các công trình nhà tạm, nhà cấp 4, nhà kiên cố trên đất nông nghiệp nhận thầu khoán. Người dân cho rằng, để xây dựng được những công trình trên đất, họ phải chi phí rất tốn kém cho cán bộ xã!?
Giải thích về sai phạm trên, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết, diện tích đất có công trình xây dựng trái phép của gần 70 hộ dân đều nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế trang trại đã được UBND huyện Hà Trung phê duyệt. Tuy nhiên, tất cả các hộ trên chưa được UBND huyện thẩm định và cấp giấy chứng nhận trang trại nên việc xây dựng các công trình là sai phạm. Ông Dũng cũng lấy lý do cán bộ địa chính nhiều việc, nhân lực mỏng nên không kiểm soát được tình trạng xây dựng trái phép.
Rõ ràng, những vi phạm về quản lý đất đai trên địa bàn xã Hà Hải là khá nghiêm trọng và đang được UBND huyện Hà Trung tiến hành thanh tra. Dư luận cho rằng, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, đoàn thanh tra nên kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý nghiêm.
Công Lý
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.