Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 7 năm 2022 | 22:48

Nhiều tỉnh ở ĐBSCL thiệt hại nặng do mưa dông

Những ngày qua, nhiều tỉnh vùng ĐBSCL xảy ra mưa dông gây thiệt hại nặng tới kinh tế, đời sống của người dân, đặc biệt, hàng nghìn ha lúa hè thu đang chín và lúa thu đông mới xuống giống bị thiệt hại nặng; nhiều vị trí đê xung yếu có nguy cơ bị sạt lở.

Thiệt hại hàng nhìn ha lúa

Những ngày vừa qua, mưa dông đã gây thiệt hại nhiều nơi ở vùng ĐBSCL. Trong đó, Hậu Giang là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh, nông dân tất bật vào vụ thu hoạch rộ, tuy nhiên, do mưa kéo dài trong nhiều ngày qua khiến tiến độ thu hoạch lúa rất chậm.

Ông Nguyễn Khắc Lào, ở ấp 6, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ tâm sự, bà con đang rất lo lắng vì sợ mưa kèm theo giông lốc như những ngày qua sẽ làm cho cây lúa bị đổ ngã, từ đó dẫn tới giảm năng suất khi thu hoạch. Mưa dầm trong những ngày qua không chỉ ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa hè thu, còn gây thiệt hại trên nhiều cánh đồng lúa thu đông của bà con vừa xuống giống.

 

 Nhiều tỉnh vùng ĐBSCL xảy ra mưa dông gây thiệt hại nặng tới kinh tế, trong đó, Hậu Giang là địa phương chịu nặng nề nhất.

 

Đi thăm 7 công lúa thu đông mới cấy, ông Danh Dương, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy cho hay, gia đình gieo sạ xong chưa lâu thì gặp trời mưa liên tục cả ngày lẫn đêm đến hôm nay. Dù rất quyết liệt bơm rút nước những ngày qua, cũng như đi bắt và xịt thuốc ốc bươu vàng nhưng lúa vẫn chết mộng khá nhiều. Với tình cảnh này, tới đây chuyện phải cấy giặm lúa là khó tránh khỏi.

Qua thống kê, mưa dông kéo dài trong nhiều ngày qua đã làm cho gần 2.000ha lúa hè thu trong giai đoạn chín bị đổ ngã, trong đó có khoảng 1.150ha bị thiệt hại với tỷ lệ từ 20 - 40% năng suất, tập trung ở TP. Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ. Mưa dông cũng gây ngập úng 555ha lúa thu đông ở giai đoạn mạ, trong đó có khoảng 224ha bị thiệt hại, với tỷ lệ từ 40 - 50%, tập trung ở huyện Vị Thủy và TP Vị Thanh.

 

Toàn tỉnh Hậu Giang có khoảng 1.150ha lúa bị thiệt hại với tỷ lệ từ 20 - 40% năng suất.

 

Ngoài ra, Hậu Giang đã ghi nhận 18,6 ha rau màu bị ảnh hưởng, trong đó, có 2,3ha bị thiệt hại từ 15-20%; cây ăn trái có 2,5ha đổ ngã, gãy nhánh, tỷ lệ thiệt hại từ 10-15%. Dù chưa ghi nhận tình hình thiệt hại nhưng mưa kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao cũng đã gây ngập gần 2.000 ha vườn cây ăn trái của nông dân trong tỉnh, trong đó đáng lo ngại nhất là những vườn mít đang cho trái vì loại cây trồng này rất dễ bị thúi rễ, chết cây khi gặp nước.

Trước tình hình mưa dông, gió mạnh gây ra, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã vận động nông dân bơm thoát nước để hạn chế ngập úng cho lúa thu đông, hạn chế gây thất thoát khi thu hoạch và đảm bảo điều kiện thuận lợi cho máy gặt đập liên hợp hoạt động để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch sau áp thấp.

Triều cường gây thiệt hại lớn ở Cà Mau

Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, trong mấy ngày qua, dông lốc kèm nước biển dâng đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, 2 tàu cá và 4 xuồng máy bị chìm, 80 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 1.708m (trong đó có 464m đường bê tông).

 

 Cà Mau huy động lực lượng gia cố đê khi bị xuống cấp.

 

Có 975 căn căn nhà bị thiệt hại (sập 123 căn, tốc mái 829 căn, hư hỏng 23 căn). Thiệt hại 0,56ha nuôi tôm, 168ha muối, 345ha lúa và 1ha hoa màu bị đổ ngã; gây nên 9 vụ sạt lở đất ven sông làm hư hỏng hơn 100m lộ giao thông nông thôn; gây đổ, ngã 24 công trình nhà kho, trường học, trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp, cổng rào… Ước thiệt hại hơn 11,8 tỷ đồng.

Triều cường kèm mưa lớn khiến sóng biển vượt ngưỡng tràn qua dãy kè phòng hộ, xâm lấn đê biển Tây tỉnh Cà Mau, đoạn thuộc khu vực Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Sau khi nước rút đã để lại nhiều chướng ngại vật ảnh hưởng đến việc lưu thông tuyến đường tuần tra trên đê biển Tây. Ngành chức năng địa phương cũng phát hiện 3 vị trí quan trọng dọc chân đê biển Tây bị sạt lở và một số vị trí kè áp mái chân đê bị phương hại, phải tổ chức dặm giá, gia cố.

 

 Sóng biển vượt ngưỡng phương hại khu vực đê biển Tây tỉnh Cà Mau.

 

Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau cho biết, đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài khoảng 108km, thuộc địa bàn hai huyện Trần Văn Thời và U Minh, bảo vệ hơn 90.000ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài kèm theo dông đã làm triều cường dâng cao, sóng biển dâng cao gần 2m trực tiếp uy hiếp thân đê biển.

Tạị xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời xuất hiện 2 vị trí sạt lở nguy hiểm, 1 đoạn 100m và 1 đoạn khoảng 20m. Thân đê bị sóng đánh trực tiếp gây sạt lở nghiêm trọng, sóng đánh tràn lên mặt đê làm giao thông trên tuyến đê biển Tây bị chia cắt do sóng lớn kéo theo cây cối, rác phủ kín mặt đê. Tại Sông Đốc, Trần Văn Thời, nước biển dâng tràn qua nhiều đoạn đê gây sạt lở. UBND huyện huy động hàng trăm lực lượng tại chỗ ứng cứu.

 

 Nhiều đoạn đê biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Trước mưa dông, gây thiệt hại lớn, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phải xin vắng kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh để xuống tận nơi kiểm tra hiện trường sạt lở ở đê biển Tây, chỉ đạo và huy động lực lượng cùng các thiết bị máy móc để gia cố chân đê nhanh nhất, phòng những đợt triều cường tiếp theo có thể phương hại hoặc gây mất an toàn đê.

Là tỉnh duy nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long có 3 mặt giáp biển nên các vùng ven biển tỉnh Cà Mau rất dễ bị “tổn thương” do thời tiết xấu, thiên tai. Chỉ riêng khu vực biển Tây dài hơn 100 km, sạt lở diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là những tháng cao điểm mùa mưa bão. Trong nhiều năm liên tục, tỉnh này phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp nhằm gia cố đê biển, ứng phó với sạt lở. Tuy nhiên, việc ứng phó của tỉnh chỉ mang tính chất “chữa cháy” vì kinh phí địa phương gặp khó khăn, rất cần hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương.

Tại Bạc Liêu, thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh cho biết, những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các đợt mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm thiệt hại nhà cửa người dân tại các huyện Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải, Hòa Bình, làm sập 9 căn nhà, tốc mái 19 căn, tổng thiệt hại ước tính 233 triệu đồng.

 

 Gần 100ha hoa màu tại xã Vĩnh Trạch, Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cũng bị chìm sâu trong nước.

 

Mực nước trên kênh rạch ở vùng Bắc Quốc lộ 1A hiện có cao trình 0,5 – 0,6m, gây ngập một số khu vực trũng thấp. Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu đã phải mở toàn bộ hệ thống cống tiêu úng.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bạc Liêu đề xuất, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan khẩn trương điều tra, thống kê chi tiết số lượng nhà bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, thiệt hại quy ra tiền do lốc xoáy gây ra. UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân để khắc phục thiệt hại, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn (có nhà sập, tốc mái) huy động lực lượng đến địa bàn giúp dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Tại Vĩnh Long, mưa dông làm tốc mái 25 căn nhà (8 căn bị thiệt hại hoàn toàn, 5 căn thiệt hại từ 50 - 70% và 12 căn thiệt hại dưới 30%); 0,3ha cây ăn trái, 0,25ha cây công nghiệp ngắn ngày bị hư hại; một đoạn đường kết hợp đê bao dài 40m, rộng 10m bị sạt lở. Ước thiệt hại nhà cửa, cây trồng, đường sá... khoảng 627 triệu đồng.

Thông tin từ cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra 16 vụ dông, lốc làm sập và tốc mái 81 căn nhà, 1 người bị thương nhẹ, diện tích lúa bị ảnh hưởng 696 ha, sạt lở bờ bao, đê cồn 55 đoạn, chiều dài 3.146m (bờ bao 19 đoạn chiều dài 821m, đê cồn 36 đoạn chiều dài 2.325m). Ước thiệt hại khoảng trên 40 tỉ đồng. 

 

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2022, thiên tai đã làm 85 người chết và mất tích, 48 người bị thương; thiệt hại về kinh tế khoảng 4.044 tỷ đồng.

Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tại các tỉnh Nam bộ xảy ra 183 trận mưa lớn kèm lốc sét làm 12 người chết, 40 người bị thương; 162 điểm với tổng chiều dài 55.216m sạt lở bờ sông, bờ biển, ước tính thiệt hại 153 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, hệ thống thủy điện trên dòng sông Mê Công cơ bản hoàn thiện và đã gây tác động rất lớn cả về tích cực và tiêu cực tới khu vực hạ lưu; phần nào làm thay đổi quy luật khí hậu khu vực ĐBSCL.

 

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top