Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2017 | 4:25

Những cán bộ Hội Phụ nữ năng động

Không chỉ "đảm việc nhà", những cán bộ Hội Phụ nữ này còn rất năng động, tháo vát với việc làng, việc nước. Sự nỗ lực, cố gắng của họ đã giúp nhiều chị em phụ nữ có việc làm, thu nhập ổn định, giúp nhiều gia đình thêm ấm no, hạnh phúc.

Hội viên Hội Phụ nữ xã An Nhựt Tân có ý thức bảo vệ môi trường.

Nhiệm kỳ “ngược dòng” đáng nhớ

Chị Đặng Thị Kim Xuân làm Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ (Long An) khi đã gần 40 tuổi. Lúc đó, thành tích của Hội chỉ xếp thứ 10/11 xã, thị trấn.

Với thứ hạng như thế, Hội bị Đảng ủy xã phê bình, kiểm điểm rất nghiêm túc. Có lần trong hội nghị tổng kết công tác Hội, Bí thư Đảng ủy xã phát biểu: “Các đồng chí làm công tác Hội, phải ăn không ngon, ngủ không yên, lo âu, trăn trở với phong trào, đôi lúc còn phải rơi nước mắt. Nhiều chị em tham gia công tác Hội không được sự ủng hộ của gia đình bởi họp tổ phụ nữ ngoài giờ hành chính, là chủ nhật, về vào ban đêm... nhưng chị em phải biết vượt qua. Có như thế phong trào mới vươn lên được”. Lúc ấy, chị Xuân cho rằng anh nói quá, làm gì mà dữ vậy. Đến sau này khi giữ cương vị Chủ tịch, chị mới hiểu lời anh nói là đúng.

Khi Chủ tịch Hội chuyển công tác, chị Xuân được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Nhựt Tân. Niềm vui thì ít, nỗi lo càng nhiều và chị bắt đầu suy ngẫm lời phát biểu của đồng chí bí thư. Có những lúc nửa đêm thức giấc, vừa hé ra suy nghĩ nào đó chị cảm thấy hay hay là vội vàng ngồi dậy, bật đèn, lấy giấy bút ghi lại. Ngay những lúc đang nấu cơm, bất kỳ suy nghĩ nào về công tác Hội mà chị cảm thấy có thể làm được là vào phòng ghi vội vàng vì sợ suy nghĩ biến mất. Thậm chí có đôi lúc trong giấc ngủ, chị cũng nằm mơ thấy công tác Hội.

Như hiểu được người mới, việc mới, xã An Nhựt Tân được cán bộ phụ nữ huyện thường xuyên đến giúp đỡ, cầm tay chỉ việc. Chính vì vậy, các cuộc vận động, phong trào thi đua, mô hình... đều được chị em hưởng ứng tích cực như mô hình: Giỏ rác gia đình, cánh đồng sạch, dòng kênh sạch, đường quê sạch đẹp... Hội Phụ nữ cấp tỉnh còn tổ chức cho Ban chấp hành Hội đi giao lưu học tập ở tỉnh bạn như Bạc Liêu, Lâm Đồng, Đồng Nai...

Được sự chỉ đạo kịp thời của Hội cấp trên, Đảng ủy; tạo điều kiện của UBND và sự phối hợp của các ngành đoàn thể trong xã, Hội Phụ nữ xã An Nhựt Tân đã xây dựng được lực lượng hội viên nòng cốt rồi dần đưa phong trào phụ nữ và công tác Hội xã đi lên, dẫn đầu toàn huyện. 5 năm qua, phong trào phụ nữ xã đã giữ vững được thứ hạng này. “Đây quả thực là một nhiệm kỳ đáng nhớ của những người làm cán bộ Hội cơ sở như tôi”, chị Xuân nói.

Biết tận ngõ, gõ tận nhà

Chị Hồ Thị Lai (phải) đến tìm hiểu việc làm ăn của hội viên.

Đó là kinh nghiệm làm công tác Hội của chị Hồ Thị Lai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến (Hòa Vang - TP.Đà Nẵng). Xuất phát từ mong muốn được gần gũi, hỗ trợ hội viên phụ nữ một cách hiệu quả, năm 2013, chị cùng với lãnh đạo Hội xây dựng và triển khai mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”.  

“Từ thực tiễn công tác, chúng tôi nhận ra rằng, muốn sâu sát với hội viên, trước hết phải biết mặt các chị em. Thứ nhất là để gần gũi họ, thứ hai là có biết mặt thì mới tiếp cận được chị em, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của họ. Khi đã xác định được “3 biết” là: Biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu, câu hỏi đặt ra với chúng tôi là: Biết rồi thì làm gì? Trong khả năng của mình, nếu chọn hỗ trợ tiền hay vật chất là khó thực hiện vì nguồn lực ít. Suy đi, tính lại, chúng tôi thấy hỗ trợ kiến thức và hỗ trợ sinh kế là thiết thực nhất.

Tháng 3 năm đó, chúng tôi triển khai mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”. Khi tổ chức họp Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã để triển khai, không ít cán bộ chi hội cho rằng, việc biết mặt hơn 3.000 hội viên trên địa bàn trải rộng 12 thôn là điều khó thực hiện dù lâu nay, việc đến nhà hội viên họ vẫn làm. Trước những ý kiến đó, chúng tôi đã phải giải thích để các chị nhận thức đầy đủ hơn mục đích của mô hình cũng như cách thức đến nhà hội viên thế nào để nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu của chị em một cách hiệu quả nhất.

Thời gian đầu triển khai mô hình này rất khó khăn. Địa bàn xã rộng, muốn đến nhà chị em chúng tôi thường phải đi vào buổi tối. Dù đoạn đường không xa nhưng lúc đó điều kiện hạ tầng chưa được tốt như bây giờ, đường không có đèn điện, lại vắng bóng người. Tôi nhớ lúc đó con tôi chưa tròn 1 tuổi nhưng vì công việc, tôi cứ gồng mình mà đi, nhiều lúc là nhờ chồng đưa đến nhà hội viên. Mình đến với chị em không phải một lần là họ đã tin tưởng để chia sẻ mà phải đi nhiều lần. Tôi nhớ có một chị hội viên do bận rộn việc buôn bán ngoài chợ nên rất ít tham gia công tác Hội. Sau khi tôi cùng Chi hội trưởng qua thăm hỏi thường xuyên, lúc chị gặp khó khăn mình hỗ trợ kịp thời, dần dần chị thay đổi cách nghĩ và nhiệt tình hơn với hoạt động Hội.

Đến nay, cán bộ Hội Phụ nữ xã, các chi hội trưởng đều biết mặt từng hội viên trong Chi hội của mình, tới nhà ai cũng biết, biết tận ngõ, gõ tận nhà. Từ mô hình này chúng tôi nắm bắt nhu cầu của chị em chặt chẽ hơn. Nhờ đó, tỷ lệ thu hút hội viên hằng năm đều tăng 2%. Mỗi khi giúp được chị em nào, tôi đều thấy rất vui. Suy cho cùng, mục đích, đối tượng của mô hình đều hướng tới hội viên, mang lại sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực cho chị em”, chị Lai tâm sự.

Cứ công tâm thì việc khó mấy cũng làm được

Là Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Vật Yên, xã Vật Lại (Ba Vì - Hà Nội), chị Phùng Thị Mai Hương nhớ nhất là những lần đấu tranh để có thể cho những chị em phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Chị Phùng Thị Mai Hương.

Đó là trường hợp của chị Phùng Thị Lâm, chồng chị nghiện ma túy, chị là người chăm chỉ làm ăn, chịu thương, chịu khó. Với hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn như vậy, chị Lâm được nằm trong diện được vay vốn. Tuy nhiên khi đưa ra cuộc họp chi hội, nhiều chị em cũng nghi ngại bởi chồng chị nghiện ma túy. Nhiều chị em còn bàn tán sau lưng việc này nên đó là những tác động không nhỏ đến tâm lý của chị Hương. Nhưng nếu mà không cho chị Lâm vay, chồng nghiện, con nhỏ, thì bao giờ chị mới thoát nghèo, cuộc sống cơ cực. Để nguồn vốn đảm bảo an toàn cho vay, chị Hương đã gặp trực tiếp mẹ chồng chị Lâm, em trai chồng để cầm hộ tiền cho chị. Sau đó khoản tiền này đã được chị Lâm mua bò nái và hai lợn nái để có thể yên tâm làm ăn. 

“Tuy vậy, tâm tôi vẫn thấy có gì không ổn, vì vậy mà tôi đã cùng bàn với gia đình chồng chị Lâm và chị Lâm đưa chồng chị đi cai nghiện. Tôi đã cùng với Ban Công an xã đến động viên chồng chị Lâm, cũng trong quá trình này, tôi đã nhiều lần trao đổi với chị Lâm về việc quan hệ vợ chồng, tuy chồng nghiện nhưng tâm sinh lý con người, lại là cán bộ dân số nữa nên tôi đã tư vấn cho chị các biện pháp an toàn. Dần dà, với sự giúp đỡ đó, gia đình chị Lâm đã có cuộc sống tốt hơn, kinh tế gia đình khá lên, đó là niềm vui mà tôi nhìn thấy, cảm nhận thấy trong gia đình chị. 21 năm làm công tác Hội cơ sở có muôn vàn khó khăn, nhưng mình phải là người dám nghĩ, dám làm, bảo vệ quyền cho chị em để mỗi chị em có thêm động lực, có nguồn lực để xây dựng gia đình mình ngày một tốt hơn”, chị Hương chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động công tác Hội.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top