Trong gần 2 năm qua, nhất là đợt dịch lần thứ 4 từ cuối tháng Tư đến nay, trước khó khăn của người dân, những mô hình “0 đồng” nở rộ ở mọi địa phương, mang đậm tinh thần nhân văn, nhân ái. Không thể thống kê hết các mô hình, các cách làm.
Kinh tế nông thôn chỉ điểm lại vài nét.
Tặng cả vườn rau, ao cá
Với tinh thần đoàn kết, truyền thống “tương thân, tương ái” trong lúc dịch bệnh bùng phát, hai anh Trần Văn Khởi và Trương Ngọc Hà ngụ ở ấp Cống Đôi, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành - Sóc Trăng) quyết định tặng cả ruộng rau, ao cá hỗ trợ người khó khăn vùng dịch, hỗ trợ bếp ăn khu cách ly tập trung của Ban Chỉ huy quân sự huyện và bà con nghèo ở địa phương.
Cứ 5 ngày một lần, anh Khởi lại chèo xuồng thu hoạch bông súng với số lượng 800 - 1.000 kg, để gửi đến bếp ăn khu cách ly tập trung và bà con nghèo trong vùng.
Theo anh Khởi, bông súng từ khi trồng đến thu hoạch là 2,5 tháng và thu hoạch được khoảng 3,5 tháng. Hiện tại, giá bán trung bình 3.500 - 4.000 đồng/kg. Thế nhưng, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà con gặp nhiều khó khăn nên anh quyết định không bán mà dành tặng những người khó khăn.
Bên cạnh đó, anh Trương Ngọc Hà cũng đã kéo gần 2 tấn cá với nhiều loại như trê, tra, tai tượng… dưới ao của gia đình để hỗ trợ cho bếp ăn trong khu cách ly tập trung của Ban Chỉ huy quân sự huyện Châu Thành và cho các hộ nghèo tại khu vực cách ly y tế ở ấp Đắc Thời.
Thượng tá Huỳnh Thanh Hà, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Châu Thành, cho biết, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, đơn vị đã tổ chức bếp ăn nấu cơm để phục vụ những công dân đang cách ly tập trung và lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.
Để duy trì hoạt động của bếp ăn, đơn vị đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thực phẩm. Qua đó, bà con đồng tình ủng hộ, đóng góp như gạo, mì gói, thịt, cá, rau củ quả các loại cho đơn vị nổi lửa mỗi ngày.
“Những việc làm đầy ý nghĩa của bà con thể hiện được tinh thần đoàn kết, truyền thống “tương thân, tương ái”, giúp đỡ lẫn nhau. Những việc làm đó đã tiếp thêm sức mạnh cho những người đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch và những người đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Để đáp ứng lại tinh thần của bà con, bếp ăn chúng tôi cố gắng nấu những món ăn ngon, đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ, nâng cao sức khỏe cho mọi người”, Thượng tá Huỳnh Thanh Hà cho biết.
Thuê đất trồng rau tặng người dân
Anh Phạm Văn Soạn ở phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa - Đồng Nai) thuê mảnh đất rộng gần 2.000m2 để trồng rau. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Những ngày qua, được chứng kiến đời sống của người dân và công nhân trong khu nhà trọ trên địa bàn TP. Biên Hòa gặp nhiều khó khăn. “Bản thân mình cũng là người lao động nghèo khó nên có thể hiểu được nỗi lo lắng thường nhật của bà con”, anh Soạn nói.
Rau trong vườn có nhiều loại: cải, mồng tơi, rau dền, thỉnh thoảng có cả xà lách, bầu, bí. Tất cả đều được anh gửi tặng miễn phí dù giá bán những loại rau này trên thị trường không hề rẻ.
Đồng Nai đã nới lỏng giãn cách xã hội, gia đình anh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cứ mỗi khi rau đến kỳ thu hoạch, anh không ngần ngại trích ra một phần rau trong vườn để đi làm từ thiện. Lượng rau mà anh hỗ trợ miễn phí cho người dân đã gần 2 tấn, số lượng rau này có thể không đáp ứng đủ cho nhu cầu cấp thiết của người dân lúc khó khăn nhưng mang nhiều nghĩa tình.
Vườn rau “0 đồng” cho khu cách ly
Từ tháng 7, các bạn đoàn viên ở xã Tiên Châu (Tiên Phước - Quảng Nam) cùng với UBMTTQVN xã lên ý tưởng xây dựng mô hình “vườn rau 0 đồng” phục vụ bữa ăn của những người đang thực hiện cách ly tại nhà và khu cách ly tập trung.
Anh Lưu Trần Duy An, Chủ tịch MTTQVN xã Tiên Châu, cho biết, sau khi lên ý tưởng xây dựng vườn rau, anh đã nhường thửa ruộng rộng khoảng 600m2 của gia đình để trồng rau. “Có vườn rau sạch, mình sẽ chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm cho các khu cách ly”, anh An nói.
Để đảm bảo cho vườn rau phát triển tốt, nhiều bạn đoàn viên còn tự nguyện góp tre, bạt, lưới để làm giàn, hàng rào bảo vệ tránh nắng, mưa để không làm rau bị khô héo, giập nát. “Một số bạn còn tự mình bỏ chi phí để mua hạt giống. Nhờ sự chăm sóc cần mẫn, vườn rau đủ loại như cải muỗng, rau muống, rau dền, rau lang, đậu bắp, mướp, rau ngót… đã qua nhiều đợt thu hoạch, cung cấp cho bếp ăn tại khu cách ly tập trung trên địa bàn xã”, chị Trần Thị Mỹ Lộc, Bí thư đoàn xã Tiên Châu, nói.
Chị Lộc kể, cứ thu hoạch lứa này là chúng tôi trồng dặm thêm. Cứ vậy, hơn hai tháng qua tiếp thêm nguồn rau, quả cho các khu cách ly”.
Đoàn xã cùng với các cấp chính quyền đang kêu gọi người dân cho mượn đất mở rộng quy mô cho “vườn rau 0 đồng”. Hiện, địa phương còn nhiều hộ dân thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, nhiều người già đang neo đơn chưa được giúp đỡ.
“Sau khi mở rộng quy mô vườn rau, chúng tôi sẽ mang những bó rau, củ quả thu hoạch được mang đi bán nhằm gây quỹ giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, học sinh nghèo khó”, anh An nói.
Siêu thị mini “0 đồng”
Siêu thị mini “0 đồng” là nơi người khó khăn được mua hàng hoàn toàn miễn phí. Mỗi người khi trải nghiệm sẽ được phát một phiếu mua hàng trị giá 400.000 đồng, sau đó có thể lựa chọn tất cả các mặt hàng phù hợp theo nhu cầu. Trung bình có 66 mặt hàng thiết yếu tại một siêu thị. Đã có 24 cửa hàng offline và 1 cửa hàng online của siêu thị mini “0 đồng” được tổ chức tại 8 tỉnh, thành phố.
Ra đời từ đợt dịch đầu tiên ở Bắc Giang, trong lúc cao điểm, những ngày nhiều địa phương giãn cách xã hội, chuỗi siêu thị “0 đồng” do Tập đoàn PNJ khởi xướng đã mở rộng tới 24 cửa hàng offline, 1 cửa hàng online và có mặt tại 8 tỉnh, thành phố khắp 2 miền Nam - Bắc.
Chỉ tính riêng tại TP. Hồ Chí Minh, chương trình đã cứu trợ cho trên 52.000 hộ gia đình, 5.500 sinh viên bị mắc kẹt trong các ký túc xá, 6.000 lực lượng tuyến đầu và hàng nghìn người yếu thế trong xã hội với 18 đợt tặng quà.
Mô hình sau đó nhận được sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp khác bằng những sự hỗ trợ về hàng hóa, địa điểm, nhân lực... Đó là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Nữ doanh nhân TP.Hồ Chí Minh, Hội Doanh nhân trẻ TP.Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội...
Tại miền Bắc, mô hình có sự hưởng ứng và giúp đỡ của Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ với nhiều doanh nghiệp như Deloitte Việt Nam, Eurowindow, Shinec, Alphanam, Geleximco...
“Chuyến xe 0 đồng” hỗ trợ người bệnh khó khăn
Mô hình “Chuyến xe 0 đồng” được Đoàn xã Ngọc Sơn (Thạch Hà - Hà Tĩnh) triển khai từ tháng 9. Đến nay, Đoàn xã đã thực hiện 5 chuyến xe chở bệnh nhân từ nhà đến các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Tĩnh và từ bệnh viện trở về nhà.
Đây đều là những người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng và thường xuyên phải đến bệnh viện để kiểm tra, chữa trị.
Anh Nguyễn Công Bảo, Phó Bí thư phụ trách Đoàn xã Ngọc Sơn, cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cuộc sống người dân ảnh hưởng rất nặng nề. Đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, họ gặp rất nhiều bất tiện trong quá trình di chuyển.
Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Đoàn xã đã nỗ lực kêu gọi các mạnh thường quân chung tay góp sức, tổ chức những chuyến xe 0 đồng. Cùng với hỗ trợ xe đưa, đón, chúng tôi cũng trích kinh phí hỗ trợ nước uống, sữa, đồ ăn nhẹ cho các bệnh nhân trong quá trình di chuyển. Quá trình di chuyển đều được đảm bảo các yếu tố phòng, chống dịch bệnh”.
Là một trong những bệnh nhân được hỗ trợ, chị Lương Thị Tuyết ở thôn Nam Sơn, xã Ngọc Sơn chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 3 mẹ con nương tựa vào nhau. Cách đây 20 năm, tôi không may bị tai nạn xe máy; dù đã trải qua 11 lần phẫu thuật nhưng không đi lại được bình thường. Năm 2020, khi vết thương cũ chưa lành, tôi lại bị tai nạn gãy xương đùi, hiện nay chân trái không thể cử động được. Mỗi tháng, tôi vẫn phải lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, theo dõi vết thương. Được Đoàn xã hỗ trợ đưa đón tận tình, miễn phí, tôi rất xúc động và biết ơn”.
“Gian hàng 0 đồng” lan tỏa yêu thương
Những “Gian hàng 0 đồng” do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên tỉnh Nghệ An triển khai góp phần lan tỏa yêu thương, chung sức cùng bà con vượt qua khó khăn.
Anh Thái Minh Sỹ, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, cho biết: “Cách ly xã hội khiến cuộc sống của nhiều người, nhất là các gia đình nghèo, đối tượng chính sách, sinh viên ở trọ, học sinh, trẻ em tại các khu vực cách ly, phong tỏa gặp khó khăn. Mô hình “Gian hàng 0 đồng” được triển khai với mục đích giúp đỡ đồng bào vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Tại các gian hàng, đoàn viên, thanh niên đảm nhiệm tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ và đóng gói cung cấp miễn phí cho nhân dân. Gian hàng được bố trí tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 thuộc khu vực phong tỏa, cách ly ở các xã: Diễn Thịnh, Diễn Trung, Diễn Kim, Diễn Cát, Diễn Tân (Diễn Châu) và phường Hưng Dũng (TP. Vinh).
Nhận túi hàng từ “Gian hàng 0 đồng”, bà Hoàng Thị Hải, ở khối Văn Tiến, phường Hưng Dũng không khỏi xúc động: “Nhà tôi bán hàng ăn, việc cách ly xã hội khiến gia đình gặp không ít khó khăn. Nhưng, nhờ sự hỗ trợ của các đoàn viên, thanh niên thông qua “Gian hàng 0 đồng” gia đình tôi phần nào vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Anh Thái Minh Sỹ cho biết thêm, mô hình “Gian hàng 0 đồng” không chỉ hỗ trợ bà con trong lúc khó khăn mà còn nhân lên tình thương yêu, sự sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. Qua mô hình cũng khẳng định tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ Nghệ An.
Nỗ lực của doanh nghiệp
Ông Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc quan hệ đối ngoại công ty PNJ, người phụ trách tổ chức siêu thị mini “0 đồng” ở miền Nam, chia sẻ: “Để làm siêu thị mini “0 đồng” tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng lại là bài toán khó với những người tổ chức. Để có một buổi bán hàng của siêu thị mini “0 đồng”, thử thách về sự an toàn trong lúc dịch bệnh, thời gian, địa điểm, nguồn hàng và cả cách trao... là điều mà những người tổ chức luôn trăn trở.
Ban tổ chức mong muốn những người dù nghèo khổ đến với siêu thị mini “0 đồng” đều được đối xử như khách hàng được tư vấn, phục vụ tận tình để họ có một tâm thế tự tin, chứ không phải tâm lý mặc cảm của người được cứu trợ…
Một trong những điều quan trọng nhất khi tổ chức là phải an toàn trong điều kiện TP. Hồ Chí Minh đang giãn cách xã hội, số lượng người ra đường bị hạn chế, các ca nhiễm liên tục tăng cao. Do đó, phải xây dựng một mô hình hoàn thiện, thuyết phục được các cấp chính quyền yên tâm và đồng ý cho tổ chức.
Còn theo bà Nguyễn Ngọc Mỹ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam, đại diện Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ hỗ trợ tổ chức chương trình “siêu thị mini 0 đồng” tại Hà Nội, một trong những khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình là vấn đề thủ tục, xin giấy phép của cơ quan chức năng.
Bà nhấn mạnh, đây là chương trình chưa từng có trong tiền lệ, việc mở siêu thị mini “0 đồng” không hề đơn giản như mọi người nghĩ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
“Làm thế nào để liên hệ Sở Công Thương TP. Hà Nội xin giấy phép mở siêu thị chỉ trong vòng 5 ngày? Và làm thế nào để tổ chức hàng hóa giống một siêu thị trong khi không chắc chắn trước địa điểm sẽ tổ chức?”, bà Mỹ nói ra bài toán mà nhóm tổ chức phải giải quyết.
Để làm những công việc này, ban tổ chức phải “chạy đua” với diễn biến của dịch bệnh. Ví dụ, Ban tổ chức đã chuẩn bị xong xuôi một siêu thị mini 0 đồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội). Nhưng sát ngày tổ chức, địa phương xuất hiện một ca F0, khiến toàn bộ kế hoạch phải thay đổi ngay lập tức, thậm chí có nơi phải hủy bỏ.
Hay ở quận Hai Bà Trưng, từng là ổ dịch lớn, Ban tổ chức đã chuẩn bị 600-700 suất nhưng địa phương chỉ bố trí cho 100-200 người đến nhận. Ngay sau đó, Ban tổ chức phải tìm cách giao các suất quà còn lại đến tận tay người dân. Đó là bài toán vừa bất ngờ, vừa khó khăn.
Bà Nguyễn Ngọc Mỹ chia sẻ: “Mọi thứ tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng trong lúc dịch thì không hề đơn giản nữa. Không có một công thức cụ thể nào, lần đầu tiên các doanh nghiệp phải ngồi cùng nhau, gỡ rối từng vấn đề về địa điểm, tài chính, giấy phép, nguồn hàng... Nhưng tôi tin, chung tay cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua tất cả”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.