Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 9 năm 2019 | 14:23

Những người lưu giữ ký ức tuổi thơ

Khu vực Quảng Nam- Đà Nẵng có hàng chục cơ sở hành nghề sản xuất bộ đồ “múa lân” phục vụ Tết Trung Thu. Chúng tôi có dịp tham quan 2 cơ sở sản xuất được người dân nơi đây gắn với tên gọi “những người lưu giữ ký ức tuổi thơ”.

tr8.JPG
Ông Cư bên những đầu ông địa.

 

Giúp trẻ em phát huy năng khiếu

Chúng tôi đến tham quan cơ sở sản xuất “đầu lân” tầm cỡ tại tỉnh Quảng Nam có tên: “Mai Vàng- Song Lân Hội”, ở thôn Đồng Hạnh, xã Điện Minh (TX. Điện Bàn - Quảng Nam). Vừa phun sơn cho một đầu lân, ông  Mai Văn Vàng (52 tuổi), chủ cơ sở “chế tác” đầu lân cho hay, nguyên do ông đến với nghề này là từ thời thơ ấu, ông đã đam mê trò chơi múa lân, thường theo các bậc đàn anh trong thôn, xóm đi múa lân trong vùng nhân dịp Tết Trung thu hay Tết Nguyên đán. “Giờ U50 rồi, nhưng cứ nghe tiếng trống ếch rộn ràng là tôi lại muốn đi múa lân đón Trung thu cùng các cháu”, ông Vàng hồ hởi.

Hằng năm, cứ sau mùa Trung thu năm trước, ông bắt đầu mua các vật tư, giấy, sơn, vải… với tổng số tiền là 300 triệu đồng để bắt đầu sản xuất bộ đồ múa lân cho mùa Trung Thu năm sau, bán các sản phẩm ra thị trường thu về 500 triệu đồng. Trừ chi phí, cơ sở thu lãi 200 triệu đồng/năm.

Hiện nay, cơ sở sản xuất các loại đầu lân, đầu các ông địa, Tôn Hành Giả, Trư Bát Giới với 14 loại mẫu mã khác nhau. Mùa lân 2019, cơ sở ông Vàng bán ra thị trường khoảng 15.000 bộ lân, trong đó có 9.000 bộ cho thanh niên và 6.000 bộ cho thiếu niên, nhi đồng. Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là miền Trung và Tây Nguyên; một số đầu lân theo chân khách du lịch đến Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang (Khánh Hòa), TP. Hồ Chí Minh và ra cả nước ngoài.

Ông Vàng cho hay: Với nghề này, “thầy trò” thỏa mãn được niềm đam mê, sở thích, đồng thời tôi rất nui vì đã mang công việc đến cho các em trong kỳ nghỉ hè, góp một phần nhỏ giúp cho học sinh phát huy năng khiếu, đồng thời có thêm thu nhập trang trải việc học hành, mà lại tránh xa được thói hư tật xấu ngoài xã hội. Thêm vào đó, học sinh nghèo có tiền mua sắm đồ dùng học tập, mua xe đạp để đến trường trong năm học mới…

Hằng năm, vào dịp Tết Trung Thu, cơ sở của ông xuất 2 bộ lân “đặc biệt” nhằm múa biễu diễn cho trẻ em khuyết tật ở huyện nhà xem. Điều đáng hoan nghênh, cơ sở sản xuất đầu lân của ông Vàng không dùng sơn dầu hay kim tuyến sơn lên ông địa trên những bộ lân dành cho thiếu nhi, nhi đồng nhằm bảo vệ sức khỏe cho các em.

 

tr8a.JPG
Học sinh trang trí đầu lân tại cơ sở của ông Vàng.

 

“Tuy nhiên, hiện nay, cung không đủ  cầu, tôi dự định mở rộng cơ sở sản xuất đầu lân để có điều kiện cho học sinh làm thêm nhiều hơn và mong muốn dạy nghề cho trẻ em khuyết tật để các em có thể tự nuôi sống bản thân bằng chính nghề truyền thống. Song, lo ngại nhất là vấn đề thiếu vốn”, ông Vàng chép miệng.

Cạnh tranh “hàng ngoại”

Chúng tôi cũng có dịp đến tham quan “lò lân” của ông Nguyễn Văn Cư (K235/28-Tiểu La, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) với căn nhà rộng chưa đầy 16 m2 nhưng chứa đầy đầu lân, mặt nạ, quạt mo... Đây là một trong những lò lân hiếm hoi ở Đà Nẵng.

Vừa “chỉnh trang” cho một đầu lân, ông Cư cho hay,  ông đến với nghề này là từ thời thơ ấu do ông cha truyền lại. Đến nay có hơn 50 năm gắn bó với nghề làm đầu lân và xem đó là niềm đam mê phải gìn giữ và phát triển thương hiệu đầu lân truyền thống. Ngày xưa, “lò lân” của ông còn làm cả mặt nạ, các loại đèn cá chép, đèn kéo quân, đèn ông sao và cả quạt mo theo nhu cầu, thị hiếu của khách hàng.

“Đầu lân của mỗi miền đều có những đặc trưng và cách tạo hình riêng, tuy nhiên, điều quan trọng nhất là đôi mắt của lân. Người nghệ nhân phải làm sao đó để tạo được đôi mắt lân vừa có hồn, vừa toát lên được sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Tạo hình đôi mắt đó chính là khâu quan trọng nhất và khó nhất của người nghệ nhân làm đầu lân. Sản phẩm đầu lân của gia đình tôi chủ yếu được tiêu thụ bằng đơn đặt hàng của các bạn hàng quen thuộc, các đội lân trong và ngoài thành phố. Mặt khác, tôi còn ký gửi tại các cửa hàng tạp hóa để tiêu thụ...”, ông Cư cho biết.

Những năm trở lại đây, đầu lân truyền thống cần sự tỉ mỉ và đòi hỏi sự sáng tạo dần bị lép vế bởi sự lấn sân mạnh mẽ của những loại đầu lân có xuất xứ từ Trung Quốc với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, thu hút người mua và giá thành thấp. Mặt khác, theo ông Cư, nghề này giống như đánh bạc với trời, bởi nếu Trung thu mà trúng ngày mưa là coi như thất bại thảm hại. Song, với nghề “cha truyền con nối”, ông vẫn bám nghề đến bây giờ, chuyện lời lãi không đặt nặng.

“Tôi ngoài 60 tuổi rồi, tay không khỏe, mắt không còn nhìn rõ nhưng tôi vẫn miệt mài với căn nhà bề bộn xếp đầy đầu lân, mặt nạ... Và cứ đến mùa Trung thu, nghe tiếng trống ếch rộn ràng đầu con phố, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những mùa lân lúc tuổi còn thơ, và mong cho các cháu có mùa Trung thu vui tươi, rộn ràng, đầy ý nghĩa...”, ông Cư trầm ngâm chia sẻ.

          

 

 

Tiên Sa
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top