Ngày 8/3 hàng năm, “một nửa thế giới” lại háo hức đón nhận đóa hoa cùng với những món quà từ người thân và bạn bè. Nhưng, cũng có những người phụ nữ chưa một lần được nhận hoa vào ngày này, họ là những người lam lũ, hàng ngày chỉ biết đến công việc.
Ngày Quốc tế phụ nữ của giáo viên bám bản
Từ khi lên non “gieo chữ”, những cô giáo ở các huyện vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa không còn biết đến ngày 8/3 và những món quà từ người thân. Đối với họ món quà ý nghĩa nhất là sự thành công của các em học sinh nơi đây
Cách thành phố Thanh Hóa 247Km về phía tây là huyện Mường Lát, nơi thượng nguồn của con Sông Mã anh hùng đang “gầm lên những khúc độc hành” trước khi về với biển. Ở đây có những cô giáo miền xuôi đang ngày đêm “cõng chữ” về với bản làng.
Họ là những người chịu biết bao thiệt thòi về vật chất và tinh thần. Từ khi bám bản, họ chưa một lần được nhận bông hoa từ các em học sinh cũng như người thân trong những ngày quốc tế phụ nữ.
Món quà ý nghĩa của học sinh bản địa
Rời xa những tiếng ồn ào của phố thị, chúng tôi tìm đến điểm trường Sài Khao, thuộc trường tiểu học Tây Tiến, trong những ngày đầu xuân Mậu Tuất (2018), khi một thế giới đang nô nức đón chờ món quà của người thân và bạn bè nhân ngày quốc tế phụ nữ (8/3).
Thấy có người dưới xuôi lên, các cô giáo hồ hởi như gặp lại chính người thân quen của mình bao nhiêu năm xa cách. Từ lâu họ đã quen với bản địa, ăn cùng dân làng, nói tiếng của dân tộc nên họ rất thèm nghe một câu chuyện từ người dưới xuôi.
Rót vội ly trà mời khách, cô giáo Lê Thị Thương bắt đầu câu chuyện về những thiệt thòi của giáo viên bám bản. Họ sống trong một môi trường chỉ có rừng rú và mây núi. Những ánh điện để thắp sáng cũng trở nên xa lạ đối với họ.
Cô Thương chia sẻ: “Những năm đầu lên đây công tác, các giáo viên ở bản như chúng em chưa một lần được tặng hoa hay quà. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, có các chú bộ đội biên phòng đi qua tặng quà nên các em học sinh cũng bắt trước đem quà tặng cô”.
Theo dòng ký ức của mình, cô Thương bắt đầu nhớ lại những ngày đầu tiên trong đời làm giáo viên của mình mà cô được nhận quà 8/3 từ các em. Đối với các cô, nó không chỉ là món quà mà còn là kỷ niệm, là tình thương của các em học sinh dân tộc dành cho họ.
“Món quà của các em là những bó rau rừng tự hái, những bông hoa Mua, hoa Sim… Đáng nhớ nhất là món quà của em Giàng A Tùng, nhà em gần trường học, hôm 8 - 3 - 2016, em đã xin bố mẹ con gà trống đến lớp để tặng cô. Thấy gà đẹp nên chúng em để lại nuôi, ai ngờ sáng ra nó lại chạy về chuồng nhà nó. Chúng em ngại nên không giám đến tìm”.
Cũng theo các cô, học sinh ở đây đều là dân tộc thiểu số, ngày ngày lên nương cùng bố mẹ đi làm, nên vận động các em đến trường đã là niềm vui, là món quà lớn của các đối với thầy cô ở đây.
Dù cơ cực, vất vả, không được nhận những đóa hoa từ các em như những giáo viên ở miền xuôi ở đây vẫn ngày đêm thắp đèn dầu soạn giáo án để sáng mai lên lớp. Họ không chỉ là những người thầy, mà quan trọng hơn họ còn là những người khai sáng, mang văn minh đến cho vùng đất mông muội này.
Do đường xá đi lại khó khăn nên, sóng điện thoại lại không có nên những ngày 8/3 họ không những không được nhận quà mà ngay cả những tin nhắn chúc mừng từ chồng, con và bạn bè cũng không có.
Cô Lê Thị Huê, giáo viên trường Mầm non khu Sài Khao cho biết: “Do nhà xa, đường xá đi lại rất khó khăn, có khi hai đến ba tháng chúng em mới về nhà một lần, sóng điện thoại không có nên những lời chúc từ gia đình và bạn bè bọn em cũng không nhận được. Lâu dần chúng em cũng quen, cũng chẳng nhớ gì đến ngày 8/3, có năm ngay cả ngày nhà giáo Việt Nam chúng em cũng không nhớ”.
Thầy Lê Xuân Viên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Thầy cô ở đây vất vả và thiếu thốn rất nhiều, ngay cả sóng điện thoại để dùng cũng không có. Để động viên và an ủi các cô, vào những ngày lễ, nhà trường thường tổ chức liên hoan nhẹ tại khu chính”.
Cần những bông hoa điểm mười
Chia sẻ về ước muốn của các cô giáo bám bản ở đây về những món quà nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Đa số họ đều chung một suy nghĩ đó là mong sao học sinh của mình học giỏi để lập nghiệp, sau này về giúp đỡ bà con thoát nghèo.
Cô Lê Thị Hiền chia sẻ: “Chỉ cần nhìn thấy các em đến lớp đầy đủ, học giỏi là chúng tôi vui lắm rồi, chứ chúng tôi cũng hiểu, nhà các em đa số là hộ nghèo, tiền mua quần áo mặc còn không có nói gì đến tiền mua hoa hay quà tặng các cô”.
Gắn bó cả tuổi xuân với bản để đem cái chữ về cho bà con, dù có nhiều khó khăn, lẫn thiệt thòi, nhưng chưa một thầy cô nào oán trách về những món quà nhân ngày lễ tết. Vì trong lòng họ, các em học sinh mới là món quà lớn nhất, là bông hoa núi rừng dành tặng cho thầy cô. Sự trưởng thành và tỏa hương của những bông hoa đó có một phần không nhỏ nhờ công chăm sóc của các thầy cô.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.