Chuyện những nông dân có doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định sự vươn lên bền bỉ dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư lớn, thay đổi tư duy để thay đổi cuộc sống.
Bắc Ninh: Khi nông dân đầu tư lớn
Anh Đào Viết Xuê, thôn Phù Lang, xã Phù Lương được biết đến là ông chủ trang trại chăn nuôi lớn của huyện Quế Võ với quy mô 3.200 lợn nái và lợn thương phẩm. Tổng doanh thu năm 2020 của trang trại đạt hơn 20 tỷ đồng, trừ chi phí thu nhập 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Trang trại tổng hợp của gia đình anh có diện tích 7 ha, được quy hoạch bài bản với 4 ha thả cá, 7 dãy chuồng khép kín, tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Anh Xuê tâm sự: “Gắn với nghiệp chăn nuôi đã hơn 20 năm, nhưng để đầu tư quy mô lớn, bài bản như hiện nay mới được 5 năm trở lại đây. Khi bắt tay vào làm ăn lớn, tôi nhập 200 lợn nái về để tự sản xuất con giống bảo đảm chất lượng sản phẩm”.
Nhờ nắm vững về kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, từ đầu năm đến nay, mỗi tháng trang trại của anh xuất hơn 40 tấn thịt lợn, với giá bán 75 nghìn đồng/kg. Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, mới đây anh đầu tư hơn 4 tỷ đồng mở rộng khu chuồng nuôi nâng tổng quy mô đàn lợn thịt lên 3.000 con; duy trì, ổn định đàn lợn nái 200 con xây dựng cơ sở giết mổ với trang thiết bị hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần phục vụ hiệu quả hơn nhu cầu của khách hàng và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Bén duyên với nghề chăn nuôi từ năm 1995, nhưng 6 năm trở lại đây ông Trần Văn Tường, phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn) mới mở rộng, đầu tư hàng chục tỷ đồng để sản xuất con giống. Sở hữu khu chăn nuôi rộng 3.000 m2 nuôi 15.000 gà bố mẹ đẻ trứng theo mô hình chuồng nuôi khép kín và khu ấp nở rộng 800 m2 có 20 máy ấp, công suất 19.200 trứng/mẻ. Cứ 4 ngày xuất ra 30.000 gà giống với giá bán thời điểm hiện tại 7.000 đồng/con, thời điểm cao nhất 14.000 đồng/con. Doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng/tháng. Cơ sở đã tạo việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng, riêng 3 lao động kỹ thuật cao (phân loại giới tính gà) thu nhập hơn 15 triệu đồng/người/tháng. Trang trại thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn gia cầm, bảo đảm an toàn sinh học, con giống trong 24 giờ đầu sau khi nở được tiêm phòng vacxin MaJex.
Tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh nên con giống của cơ sở sản xuất bảo đảm các yêu cầu tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh. Trang trại được Chi cục Thú ý tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần phát triển ngành chăn nuôi gia cầm địa phương. Nhiều năm liền ông Tường đạt danh hiệu “Hộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh”.
“Mục sở thị” trang trại tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Hồng Thái, thôn Tam Á, xã Gia Đông (Thuận Thành) chúng tôi không khỏi “choáng ngợp” bởi quy mô, diện tích, sự chuyên nghiệp từ khâu quy hoạch đến tổ chức sản xuất. Anh Thái từ tốn kể: “Năm 2003, gia đình nhận thầu 2,5ha diện tích đất khó canh tác tại xứ Đồng Ngượt, thôn Tam Á (cách xa khu dân cư). Vừa làm vừa xây dựng, tìm tòi nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các địa phương trong và ngoài tỉnh, đến nay trang trại của gia đình đã quy hoạch được 6 dãy chuồng chăn nuôi lợn với diện tích 5.000m2”. Để giảm lao động chân tay, anh áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đầu tư hệ thống dây chuyền cho ăn bán tự động trị giá gần 1 tỷ đồng, xây dựng hệ thống Biogas để xử lý chất thải, bảo đảm vệ sinh môi trường. Hiện nay, trang trại giải quyết việc làm cho 8 lao động, trong đó 2 lao động kỹ thuật với mức lương bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, sản phẩm lợn thương phẩm của trang trại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap; trang trại có 40 lợn nái, gần 1.000 lợn thịt (lúc cao điểm nuôi 2.000 lợn thịt).
Anh Xuê, ông Tường, anh Thái chỉ là 3 trong hàng nghìn nông dân thời đại mới dám nghĩ, dám làm từng bước thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với yêu cầu khắt khe của thị trường. Đây có thể xem là “chìa khóa” mở cánh cửa thành công trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Vĩnh Phúc: Trại trưởng đam mê làm nông nghiệp
Không ngừng học hỏi, nỗ lực theo đuổi đam mê làm nông nghiệp, chị Đỗ Thị Thuận, Trại trưởng Trại sản xuất Giống cây trồng Hợp Thịnh thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng KHCN, đưa một số giống cây trồng mới, năng suất vào trồng thử nghiệm tại địa phương, góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, đem lại hiệu quả cao, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở xã Văn Tiến (Yên Lạc), ngay từ nhỏ, chị Thuận đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người nông dân khi làm ra sản phẩm nông nghiệp.
Với quyết tâm góp phần thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác để cải thiện thu nhập, cuộc sống người nông dân, tốt nghiệp THPT, chị Thuận đã thi đỗ vào Trường đại học Nông nghiệp (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
Trong những năm tháng theo đuổi “nghề nông” trên giảng đường đại học, chị Thuận không ngần ngại đi đến các vùng miền, lội trên các thửa ruộng cùng bà con cấy lúa, trồng ngô. Đồng thời, hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa giống mới vào sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Năm 2006, sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, chị trở về công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân. Năm 2011, chị Thuận chuyển công tác về Trại Giống Vũ Di (Trung tâm Giống cây trồng tỉnh).
Hơn 2 năm trực tiếp ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất những giống cây trồng mới, năng suất cao rồi cung cấp cho bà con nông dân, chị Thuận luôn tận tâm, không ngại vất vả và hết mình với công việc trồng trọt, nghiên cứu.
Ghi nhận những nỗ lực đã đạt được, cuối năm 2019, khi UBND tỉnh có Quyết định sáp nhập các đơn vị, gồm: Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Giống vật nuôi và Trung tâm Giống thủy sản thành Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc, chị Thuận được giao phụ trách Trại sản xuất Giống cây trồng Hợp Thịnh. Từ đầu năm 2020 đến nay, chị được bổ nhiệm chức Trại trưởng Trại sản xuất Giống cây trồng Hợp Thịnh.
Phát huy niềm đam mê với nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa cây trồng vụ Đông, chị Thuận cùng cán bộ nhân viên trong trại đã cải tạo hệ thống nhà lưới cũ với diện tích 500 m2 trồng 2.000 chậu dâu tây (giống Hana chịu nhiệt, có nguồn gốc từ Nhật Bản). Sau gần 4 tháng trồng thử nghiệm, dâu tây Hana sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống và đậu quả 100%. Đồng thời, cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Cần mẫn, say mê công việc, lại nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ phía gia đình- Đó là động lực để chị Thuận tiếp tục cố gắng, đem nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất trên đồng đất của địa phương.
Vừa qua, tôi đã tìm hiểu và đưa giống Dưa lê F1- Bạch Long về trồng thử nghiệm. Đây là giống dưa mới, lần đầu tiên sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau 2 tháng chăm sóc, Dưa lê F1 – Bạch Long sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả đẹp, phù hợp với khí hậu địa phương.
Dự kiến, năng suất đạt 6-7 tạ/sào/vụ, giá bán 10-15 nghìn đồng/kg, hiệu quả hơn hẳn những cây trồng truyền thống. Hy vọng, sau khi khảo nghiệm thành công, giống dưa mới này sẽ được nhân rộng trên đồng đất Vĩnh Phúc, làm phong phú cơ cấu giống nông nghiệp trên địa bàn góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người nông dân".
Tiếp tục theo đuổi đam mê, chị Thuận không ngừng học hỏi, tìm tòi, chọn tạo, khảo nghiệm những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng để ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT về giống cây trồng vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Thanh Hóa: Đưa KH - KT vào sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, huyện Thiệu Hóa luôn quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học – kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Là tài xế lái xe ô tô tải, anh Lê Văn Minh, tiểu khu 3, thị trấn Thiệu Hóa, không nghĩ có ngày mình lại bén duyên với nông nghiệp. Đưa chúng tôi đi thăm nhà màng trồng dưa Kim Hoàng Hậu rộng hơn 2.000m2 của gia đình, nhìn những trái dưa vàng lúc lỉu đang đợi ngày thu hoạch, anh Minh tự hào khoe với chúng tôi thành quả sau nhiều lần thử nghiệm trồng. Trên diện tích đất được thuê lại từ người dân địa phương sau khi chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế, gia đình đã đầu tư cải tạo đất, xây dựng nhà lưới, ứng dụng KHKT sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Theo anh Minh, nhà lưới, nhà màng trồng rau, quả được thiết kế vật liệu bằng khung thép chịu lực, dễ tháo lắp, phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập. Bên cạnh đó, anh còn lắp đặt hệ thống tưới phun tự động, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm... tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, có tác dụng nhận những thông số từ bộ cảm biến được lập trình sẵn. Việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt giúp lượng nước và chất dinh dưỡng từ phân bón cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên chỉ sau gần 3 tháng quả có trọng lượng từ 1,5 kg trở lên. Từ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, bởi quy trình canh tác chủ động gần như hoàn toàn nên chất lượng sản phẩm đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Với vai trò của KHKT trong phát triển sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ người dân triển khai xây dựng, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng KHKT. Đối với giống lúa, huyện sản xuất rộng rãi các giống có năng suất, chất lượng cao, như: CP134, TBR225, BC15, VNR20, cTBR225, Q5, VNR88, cVNR20, Đài Thơm 8,... Chú trọng các biện pháp kỹ thuật bảo đảm mật độ gieo cấy, bón phân cân đối. Để tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng KHKT, huyện đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung 360 ha ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, trong đó sản xuất theo hướng công nghệ cao là 169 ha. Huyện tập trung chỉ đạo việc ứng dụng KHKT vào các lĩnh vực giống cây trồng chất lượng cao, kỹ thuật canh tác, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP... Trình diễn các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, các phương pháp canh tác tiên tiến như: nhà lưới, nhà màng, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt,... để tạo ra các sản phẩm năng suất, chất lượng cao, mang tính đột phá cho các nhóm cây trồng chính.
Trong chăn nuôi, huyện đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ trong thụ tinh nhân tạo, tạo ra các giống bò lai có năng suất và chất lượng cao như bò lai Zebu, bò lai BBB, riêng bò lai BBB có giá trị cao gấp 1,5 lần các giống bò khác cùng thời điểm.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn, gà ứng dụng KHKT vào sản xuất như chăn nuôi trong chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa nhiệt độ và ẩm độ nhờ bộ phận làm mát, thức ăn và nước uống được cung cấp bán tự động, chủ động xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh...
Từ các mô hình cho thấy, việc ứng dụng, chuyển giao KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được ưu thế vượt trội và yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, sản lượng và giá trị của sản phẩm. Đồng thời, nâng cao kỹ thuật canh tác và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân áp dụng KHKT để phát triển sản xuất, như: cải tạo tầm vóc đàn trâu, bò, xây dựng hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ,... và xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; tăng cường các mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh tăng cường hoạt động tập huấn, tổ chức hội nghị đầu bờ đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới... giúp người dân tiếp cận với những yêu cầu kỹ thuật canh tác, mức đầu tư, trình độ quản lý cao hơn để dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người dân giúp nông dân ứng dụng hiệu quả KHKT./.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.