Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 7 năm 2020 | 17:27

NN ĐBSH: Nhà vườn lao đao mất ăn, mất ngủ với mùa nhãn

Năm nay, do thời tiết thuận lợi cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây nhãn được mùa và hiện nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Nhiều nhà vườn đang lao đao mất ăn, mất ngủ lo lắng mùa nhãn rơi vào tình cảnh "được mùa, mất giá".

Hà Nam: Nhãn được mùa, mất giá

Theo một số hộ dân trồng nhãn tại các vùng nông thôn, hiện tại giá nhãn quả tại vườn chỉ từ 3.000-6.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Hộ anh Nguyễn Văn Dương, Thôn 3, xã Nhân Bình (Lý Nhân) có 60 gốc nhãn, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 8-10 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng. Năm nay, do thời tiết thuận lợi cùng với việc chăm sóc đúng quy trình nên vườn nhãn của gia đình anh dự tính thu hoạch khoảng 15 tấn nhãn, tuy nhiên giá nhãn lại quá rẻ.

 

nhan-duoc-mua-mat-gia-56-0.jpg
Vườn nhãn của gia đình anh Nguyễn Văn Dương, Thôn 3, xã Nhân Bình (Lý Nhân).

 

Anh Dương chia sẻ: Những năm trước, khi quả nhãn chỉ bằng đầu ngón tay là các thương lái đã tìm đến đặt mua cả vườn. Đối với giống nhãn sớm, như: Hương chi, Khoái Châu thì họ hái xuất bán hàng chợ, hoặc cung cấp cho các sạp hoa quả, còn với loại nhãn muộn (cây lâu năm) thì hái để sấy long nhãn xuất đi Trung Quốc. Nhưng năm nay, vườn nhãn nào cũng sai trĩu quả, lượng hàng nhiều nên không thương lái nào dám mua cả vườn vì sợ lỗ. Do đó, số nhãn sớm đầu mùa khi gia đình hái bán cũng chỉ được 6 - 8 nghìn đồng/kg, hiện tại giảm xuống còn 5.000 đồng/kg. Hơn thế, toàn bộ số nhãn muộn, nhất là những cây nhãn lâu năm thương lái chỉ trả 2 - 3 nghìn đồng/kg và yêu cầu gia đình phải tự bẻ, cắt cuống, họ chỉ việc đóng hàng mang đi. Với giá như vậy, cộng thêm tiền thuê nhân công bẻ với giá trung bình 250 – 300 nghìn đồng/công, tính ra thì lỗ nên gia đình tôi quyết định không bẻ.

Hộ ông Trần Văn Trọng, Thôn 4, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) cũng đang lao đao mất ăn mất ngủ vì nhãn. Với trên 80 gốc nhãn, năm nay ông dự kiến thu khoảng 20 tấn quả, hiện tại nhãn đã vào nước 2 bắt đầu thu hoạch. Do giá quá rẻ nên ông tăng cường thuê người hái đem bán tại các chợ mong bù lại một phần tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Trọng nói: Nhãn quá rẻ nhưng vẫn phải hái để bán vì không thể để lâu được. Loại quả này chỉ có khoảng thời gian nhất định khoảng 10 ngày kể từ khi nhãn được nước, nếu để lâu nhãn sẽ bị quá nước, đội cùi, nhạt dần và không ai mua. Còn nếu để sấy long thì nhãn cũng không đạt vì lượng đường giảm, long không bảo đảm.

Có mặt tại một số chợ, nhất là chợ vùng nông thôn, cho thấy nhãn bày bán la liệt, giá rẻ, nhưng lượng tiêu thụ khá khiêm tốn. Chị Nguyễn Thị Hiền, người bán hoa quả tại chợ Chanh, xã Nhân Mỹ (Lý Nhân) cho biết: Ở thời điểm đầu tháng 7, nhãn đầu mùa còn bán được với giá từ 12 - 15 nghìn đồng/kg, bây giờ vào thời kỳ nhãn chín rộ, giá chỉ từ 3 – 4 nghìn, nếu quả to, ngon thì có thể bán được 6 - 8 nghìn đồng/kg.

Còn tại làng Vạn Thọ (nay là thôn 3, 4) xã Nhân Bình (Lý Nhân), nếu như những năm trước vào thời điểm hiện tại người dân luôn duy trì từ 45-50 lò sấy to nhỏ. Sản lượng nhãn tiêu thụ tại đây trung bình hằng năm từ 250-300 tấn nhãn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các lò sấy ở đây đều bỏ không.

Anh Nguyễn Văn Hải, Thôn 2 chia sẻ: Nhãn sấy long thường là loại nhãn muộn, cây lâu năm. Hiện tại giá nhãn rất rẻ chỉ từ 2 -3 nghìn đồng/kg, nhưng ngược lại thuê công bẻ lại rất cao. Trung bình, mỗi công bẻ nếu thuê phải mất từ 300 – 350 nghìn đồng, cộng thêm tiền than, thuê người bóc đến khi thành phẩm thì hầu như không có lãi. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, thị trường Trung Quốc chưa mở cửa trở lại, chưa biết giá long thế nào nên không hộ nào sấy.

Có thể nói, bài toán “được mùa, mất giá” vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của người nông dân, không chỉ đối với cây nhãn. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, như: chưa có quy hoạch phát triển vùng phù hợp; người nông dân chủ yếu trồng tự phát, giống nhãn không bảo đảm chất lượng, khó cạnh tranh trên thị trường.

Để giải quyết vấn đề này, cần có quy hoạch trong trồng cây ăn quả nói chung và cây nhãn nói riêng. Ngành chức năng, chính quyền cần sớm đưa ra các giải pháp quy hoạch vùng, tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn người dân chọn giống nhãn bảo đảm chất lượng, chăm sóc theo đúng quy trình để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như hiện nay.

Hưng Yên: Nhãn lồng xếp hạng 13/50 trái cây nổi tiếng Việt Nam

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 4,5 nghìn ha trồng nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng trên 3,5 nghìn ha, tập trung nhiều tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên.

Nhãn Hưng Yên gồm 3 trà chính là trà sớm, trà chính vụ và trà muộn, gồm các giống chất lượng cao như: Nhãn Hương Chi, nhãn cùi, nhãn đường phèn, nhãn Miền Thiết, nhãn T6... Trong đó, các giống nhãn chín sớm và chính vụ được trồng chủ yếu tại thành phố Hưng Yên, các huyện Tiên Lữ, Kim Động. Nhãn chín muộn chủ yếu được trồng ở huyện Khoái Châu. Hiện nay, nhãn lồng Hưng Yên đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, nhãn được mùa, sản lượng dự kiến đạt 50 nghìn tấn quả.

 

dsc1836result_20200721183323.jpg
Thu hoạch nhãn tại Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (thành phố Hưng Yên).

 

Những ngày này về vùng nhãn Hưng Yên, đâu đâu cũng thấy rộn ràng, người, xe tấp nập đến khảo sát, ký hợp đồng tiêu thụ, thu mua vận chuyển nhãn đi các nơi. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nhãn rộng hàng chục héc ta, cây nào cũng sai trĩu quả, ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên) cho biết: Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng có trên 30ha nhãn được trồng theo tiêu chuẩn VietGap đang cho thu hoạch. Năm nay nhãn được mùa, hợp tác xã ước thu khoảng 100 tấn quả. Từ đầu vụ đến nay, hợp tác xã đã thu hoạch 10 tấn quả, xuất bán chủ yếu cho hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội với giá 30 nghìn đồng/kg. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt nên nhãn của hợp tác xã cho năng suất cao, chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, đặc biệt là giống nhãn T6.

 Trái nhãn lồng Hưng Yên được xếp hạng 13 trong số 50 trái cây nổi tiếng của Việt Nam, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là loại trái cây ngon nhất và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa “Nhãn lồng Hưng Yên hương vị tiến vua”, được công nhận chỉ dẫn địa lý giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu Nhãn lồng Hưng Yên. Năm nay, tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn quả với nhiều chuỗi sự kiện như: Hội nghị xúc tiến thương mại  tiêu thụ nông sản  - Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên; tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội; hội thi bình chọn nhãn ngon...

Việc quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã tạo nên mối liên kết nông dân với doanh nghiệp chặt chẽ, bền vững, có sự liên kết “4 nhà”, gắn sản xuất với chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng. Qua đó, góp phần đưa trái nhãn lồng Hưng Yên vươn xa ra thị trường ngoại tỉnh và xuất khẩu, nông dân gạt bỏ nỗi lo “được mùa rớt giá”.

Thanh Hóa: Đề xuất 2 sản phẩm OCOP cấp tỉnh thành sản phẩm OCOP Quốc gia

Tại huyện Hoằng Hóa, cơ sở sản xuất mắm tôm và nước mắm cốt truyền thống Lê Gia, xã Hoằng Phụ, là 2 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa vào năm 2019; mới được Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đề xuất Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Quốc gia công nhận sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia.

 

156d5131658t4173l2-3.jpg
Đóng chai sản phẩm bằng máy tại cơ sở Lê Gia.

 

Qua tìm hiểu, đánh giá, các thành viên đoàn công tác Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương đều nhận định, đây là 2 sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có cách phát triển nhãn hiệu tốt; đã mở rộng được thị trường nhiều tỉnh và xuất khẩu đi một số nước châu Á và Nam Phi; chú trọng chất lượng; triển khai sản xuất bài bản… Riêng sản phẩm mắm tôm Lê Gia hoàn toàn theo công nghệ truyền thống của Việt Nam; sản phẩm nước mắm cốt có sự du nhập công nghệ của quy trình sản xuất nước mắm của Phú Quốc, các sản phẩm đều có màu sắc đẹp, mùi thơm đặc trưng…

Tuy nhiên, các thành viên đoàn công tác cũng góp ý thêm một số vấn đề liên quan, như: Cần cải thiện thêm về tính lợi thế, chỉnh sửa lại các tiêu chí liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trên nhãn hiệu nên bổ sung thêm từ “Khúc Phụ” – sản phẩm của làng nghề làm mắm địa phương để chứng minh tính truyền thống, tính cộng đồng của sản phẩm. Nên địa phương hóa sản phẩm, cụ thể trong nhãn sản phẩm nên có hình ảnh đăc trưng của Thanh Hóa, của vùng biển Hoằng Hóa hoặc xã Hoằng Phụ. Quá trình sản xuất và phát triển sản phẩm, cần thúc đẩy phát triển cộng đồng bằng cách tăng cường liên kết sản xuất với những hộ dân xung quanh…

Những đóng góp, đánh giá của các thành viên đoàn công tác cần được cơ sở sản xuất và địa phương khắc phục, đồng thời hoàn thiện các hồ sơ cần thiết để làm cơ sở cho Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Quốc gia xem xét, công nhận 2 sản phẩm nói trên./.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Techcombank: Lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ

    Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (“Techcombank” hoặc “Ngân hàng”) công bố kết quả kinh doanh quý 1 năm 2024.

  • Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City “chơi lớn” chào hè bằng cả một mùa lễ hội

    Cư dân Ocean City đã chính thức bước vào một mùa hè sôi động và ngập tràn hứng khởi với Lễ hội “Chào mùa hè 2024” - sự kiện khởi đầu cho một mùa lễ hội náo nhiệt, bùng nổ với loạt sự kiện hấp dẫn, độc đáo và mãn nhãn tại “đại đô thị đáng sống bậc nhất hành tinh”.

  • BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    BAC A BANK ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp vay ngắn hạn

    Hỗ trợ Khách hàng doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội tăng trưởng bằng nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh được bổ sung đầy đủ và kịp thời, giúp phản ứng “nhanh” với môi trường hoạt động thường xuyên biến đổi, Ngân hàng TMCP Bắc Á chính thức triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn “Nhận vốn ưu đãi - Đón đầu thời cơ” với tổng hạn mức lên tới 5.000 tỷ đồng.

Top