Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2016 - 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã đạt được nhiều thắng lợi cơ bản. Nổi trội nhất là hình thành nhiều vùng trồng rau an toàn (RAT), lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi sạch; đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu 2017, chúng tôi có dịp phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, về những sản phẩm chất lượng cao trong “mâm cỗ” mừng xuân mới.
GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ (đứng giữa) cùng đoàn cán bộ thăm cánh đồng rau xã Văn Đức (Gia Lâm).
Được biết, RAT Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về chất lượng, sản lượng và diện tích. Xin ông cho biết, đâu là nguyên nhân của thành công này?
Đúng là RAT Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về diện tích, hiện đạt trên 5.000ha. Điều đáng ghi nhận là, với diện tích lớn như vậy nhưng chỉ có 1 - 2% số mẫu phân tích đa dư lượng (khoảng 300 - 1.000 mẫu, chi phí cho mỗi lần phân tích rất tốn kém, khoảng 3,3 - 5 triệu đồng/mẫu). Trong khi những vùng rau lớn trên cả nước như TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng,... chưa làm được điều này, vì vậy, có thể khẳng định, rau Hà Nội cơ bản đảm bảo an toàn thực phẩm. Về năng suất, chỉ tính từ năm 2009 đến năm 2016 đã tăng 28%; sản lượng tăng 34%; giá trị kinh tế đạt bình quân 300 - 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có 1.200ha đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.
Để đạt được điều đó, Hà Nội đã có 4 giải pháp đồng bộ: nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất RAT và nhận thức của người tiêu dùng; thay đổi tập quán canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thông qua các lớp học đồng ruộng. Đầu tư 4.300 thùng chứa bao bì thuốc BVTV cho vùng RAT tập trung (2.000ha). Hiện, nông dân Hà Nội đã sử dụng thuốc sinh học thảo mộc tới 60%, giảm 30% số lần phun thuốc BVTV, tiết kiệm 50% chi phí sản xuất. Đây là những con số đủ để minh chứng rau Hà Nội đảm bảo an toàn.
Dự kiến, giai đoạn 2017 - 2020, sẽ kiểm soát dư lượng thuốc BVTV dưới mức giới hạn tối đa cho phép (dưới ngưỡng) cho toàn bộ diện tích rau của địa phương. Trong tương lai không xa, rau Hà Nội sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân hóa học. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là thuốc BVTV. Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước cấp huyện, xã; phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị của Sở với các địa phương.
Thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng hoạt động các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và thành lập HTX kiểu mới chuyên sản xuất, kinh doanh RAT. Lựa chọn hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện địa phương để nâng cao hiệu quả sau đầu tư. Có chính sách đầu tư hạ tầng xã hội: chợ đầu mối, chợ bán buôn, bán lẻ để quản lý an toàn thực phẩm và tạo điều kiện tốt cho tiêu thụ. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh về tiêu thụ thực phẩm tươi sống, trong đó có rau.
Ngoài rau, Hà Nội còn dẫn đầu cả nước về diện tích lúa chất lượng cao. Ông có thể cho biết đó là những giống lúa gì, sức chống chịu biến đổi khí hậu (BĐKH) như thế nào?
Cùng với RAT, Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về thay đổi tập quán canh tác lúa nhờ hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật năm 2007. Từ đó đến nay, chúng tôi đã có trên 15.000ha ứng dụng toàn phần và khoảng 5.000 - 10.000ha ứng dụng từng phần. Theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cần khoảng 55kg lúa giống /ha canh tác ở Đồng bằng Bắc Bộ thì Hà Nội chỉ sử dụng 14kg/ha nhờ cấy theo phương pháp mới. Điều đáng ghi nhận là, bà con Hà Nội sử dụng rất ít thuốc BVTV (khoảng 3% so toàn quốc). Canh tác theo lối mới còn giảm 30% phân đạm; giảm 3 - 4 lần tưới nước/năm; chống phát thải khí nhà kính do canh tác ngập nước. Hiện, địa phương sản xuất nhiều gạo hữu cơ nhất toàn quốc là huyện Chương Mỹ, giá gạo bình quân lên tới 40.000đồng/kg.
Từ năm 2011 đến nay, Sở đã giúp các địa phương nhân rộng được 1.000ha giống lúa Nếp cái hoa vàng (NCHV), tập trung nhiều ở các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Oai,... Đáng ghi nhận là, xã Tam Hưng (Thanh Oai), từ chỗ không trồng NCHV, nay đã có 5/7thôn cấy giống lúa này với diện tích 250ha. Năng suất lúa NCHV ở Hà Nội đạt 6 tấn/ha, trong khi các tỉnh có truyền thống trồng NCHV chỉ đạt 4 tấn/ha. Đặc biệt, các giống lúa truyền thống, chất lượng cao như: Séng Cù, Nếp cái hoa vàng, Tám xoan, Nàng thơm... hoàn toàn có thể nhân rộng ra toàn quốc. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại con đường xuất khẩu lúa gạo thời gian qua; nếu muốn hạt gạo Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế thì phải sản xuất các giống lúa bản địa, như cách làm của Campuchia, Thái Lan. Mặt khác, phải thay đổi canh tác, cấy “siêu thưa” mới ăn chắc. Giống truyền thống có ưu điểm là chống chịu được nhiệt độ cao, sâu bệnh, chỉ cần thay đổi phương thức canh tác là có thể tăng năng suất.
Thực phẩm sạch hiện đang là vấn đề “nóng”, Hà Nội đã tái cơ cấu ngành chăn nuôi như thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm?
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được chúng tôi thực hiện từ năm 2010, với 3 nội dung: sắp xếp lại chăn nuôi quy mô lớn theo xã, vùng trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đưa chăn nuôi ra xa khu dân cư và ứng dụng công nghệ cao; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thực hiện liên kết chuỗi. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa và nâng cao chất lượng con giống.
Nếu như năm 2010 tỷ lệ chăn nuôi quy mô lớn mới chiếm 11% thì năm 2016 đã đạt 36%. Đã có nhiều giống ông bà, cụ kỵ tốt, đảm bảo chất lượng nguồn giống, ví như, Công ty Việt Hưng (Sơn Tây) đang trong quá trình xây dựng tháp giống; Công ty An Phú (Mỹ Đức) đảm bảo 25 lợn con cai sữa/nái/năm. Từ chỗ chưa có chuỗi liên kết sản phẩm thì đến cuối 2014 đã có 21 chuỗi. Ví như, cơ sở lợn hữu cơ Bảo Châu (Sóc Sơn) lúc đầu chỉ là 1 trang trại lợn sạch, nay đã thành Tập đoàn Bảo Châu, tiêu thụ 1,5 tấn/ngày, với 4 cơ sở vệ tinh tại Hà Nội, Thanh Hóa và sắp tới là Tây Ninh. Để đảm bảo thực phẩm an toàn cho thành phố 10 triệu dân, Hà Nội đã có 1,7 triệu con lợn; gần 200.000 con trâu, bò; 27 triệu con gia cầm; đàn bò sữa trên 15.000 con. Tuy nhiên, con số này mới đáp ứng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô, còn lại phải nhập từ các địa phương khác.
Hà Nội có 17 huyện, 1 thị xã, 387/407 xã, phường có người chăn nuôi, giết mổ và chợ truyền thống; có chợ tiêu thụ 4 - 5tấn thịt/ngày. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Điều này thúc đẩy người chăn nuôi, giết mổ phải có trách nhiệm hơn với người bán hàng và toàn xã hội. Để giúp các bên liên kết chặt chẽ với nhau, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội sẽ có một số giải pháp như: yêu cầu ký cam kết giữa người chăn nuôi, giết mổ và người buôn bán. Người giết mổ phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, đảm bảo ATTP. Đồng thời, yêu cầu người chăn nuôi ký cam kết với người giết mổ, như vậy, trong hợp đồng đã có trách nhiệm của các bên. Sau đó, bàn giao cho người buôn bán ở chợ truyền thống để họ thực hiện việc xuất trình giấy tờ này với người mua.
Cùng với những vấn đề trên, công tác XDNTM cũng được đặt lên hàng đầu, ông có thể cho biết một vài thành tựu đã đạt được trong thời gian qua và định hướng cho giai đoạn tới?
Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đã được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa trong đề án phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016 - 2020. Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha; năm 2016 đã có 2 huyện Đan Phượng, Đông Anh đạt chuẩn NTM. Hiện, ngoài 201/386 xã đạt chuẩn NTM, có 58/386 xã đạt 19/19 tiêu chí, đang đề nghị Thành phố xét công nhận. Thu nhập bình quân tăng từ 14 triệu đồng/người (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người (năm 2015). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; 100% trạm y tế có bác sỹ công tác tại trạm; trên 91% số hộ có vô tuyến truyền hình; 100% số hộ có máy tính kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại.
Đặc biệt, thành phố xác định công tác dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nhân dân. Tạo tiền đề tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa; hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn. Thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội sẽ phát triển theo hướng hàng hóa giá trị cao, bền vững; giá trị sản xuất đạt 250 triệu đồng/ha trở lên, nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, có 80% số xã trở lên đạt chuẩn NTM, tăng 110/130 xã so năm 2015. Có 10 huyện, thị xã trở lên đạt huyện NTM; thu nhập bình quân đạt 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 80% trở lên; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 100%.
Chúc Đảng bộ, chính quyền, ngành nông nghiệp và nông dân Thủ đô hoàn thành kế hoạch!
Xin cảm ơn ông!
Dương An Như (thực hiện)
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.