Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 4 năm 2021 | 19:9

Nỗi khổ của người dân sinh sống xung quanh mỏ khai thác đá

Sai phạm liên quan tới công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ đá gây hư hỏng đường dân sinh, người dân quanh năm hít bụi, luôn đối mặt với nguy cơ mất ruộng lúa do sạt đất…

 
Thất thoát tài nguyên và bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương
dscn4589.jpg
Khu vực nhà máy sản xuất, chế biến Cao lanh tại xã Dị Nậu của Công ty cổ phần Khoáng sản Hùng Vương (Nguồn: ĐỨC SƠN - Báo Đại Đoàn Kết)
Trước tiên phải kể đến vụ việc mà người dân xã Dị Nậu (huyện Tam Nông, Phú Thọ) bức xúc phản ánh. Cụ thể, từ khi Công ty cổ phần Khoáng sản Hùng Vương tiến hành khai thác mỏ và chế  biến Cao lanh tại Khu 3 xã Dị Nậu thì cuộc sống của người dân nơi đây bị xáo trộn.
 
Những quả đồi xanh mướt bỗng chốc bị doanh nghiệp cày xới, bị “moi ruột” để lấy quặng khiến những quả đồi bị “cạo trọc" và cùng với đó là bãi đất đá thải cao sừng sững nham nhở.
 
Sau khi “moi” quặng từ khu vực mỏ, Công ty Hùng Vương sẽ vận chuyển quặng về khu nhà máy cách đó không xa để chế biến thành các sản phẩm chính như Kaolin, Fenspat, Mica. Hàng năm Công ty Hùng Vương xuất khẩu các sản xuất đi nhiều nước trên thế giới thu lợi nhuận tiền tỷ.
 
Trong khi doanh nghiệp giàu lên thì người dân xung quanh khu vực Công ty Hùng Vương lại “nghèo” đi cả về vật chất và tinh thần.
 
Do chưa chú trọng các biện pháp bảo vệ môi trường nên mỗi khi mưa lớn là khối lượng lớn bùn đất thải đỏ quánh từ khu vực khai thác mỏ quặng của Công ty Hùng Vương tràn “ào ào” vườn tược và đồng ruộng của người dân. Diện tích đất nông nghiệp rộng lớn trước đây vốn phì nhiêu, màu mỡ đã bị bùn vùi lấp, năng suất bị giảm sút.
 
Nguồn sống của bà con nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vậy mà nhiều năm nay, cấy lúa, trồng màu năng suất bấp bênh. Cuộc sống, thu nhập của người dân xung quanh bị ảnh hưởng không nhỏ khiến nhân dân rất bất bình.
20210306_122113.jpg
Khu vực bãi thải mỏ quặng của Công ty Hùng Vương xây dựng rất sơ sài nên cứ mưa lớn là xảy ra sự cố xô sạt đất đá xuống ruộng lúa của người xung xung quanh (Nguồn: ĐỨC SƠN - Báo Đại Đoàn Kết)
“Hàng năm, mỗi mùa mưa đến, chúng tôi lại nơm nớp lo sợ. Núi thải cao ngất ngưởng trên đỉnh núi của Công ty Hùng Vương có thể tràn xuống vùi lấp ruộng vườn bất cứ lúc nào. Mỗi lần đất xô sạt xuống ruộng lúa của người dân, Công ty có khắc phục nhưng năng xuất không thể như lúc chưa bị ảnh hưởng được, năng suất giảm rõ rệt…Người dân kêu mãi nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng trên…” bà Thanh, người dân gần khu vực mỏ quặng bức xúc cho biết.
 
Không chỉ tại khu vực mỏ quặng, tại khu nhà máy chế biến Cao lanh (khu 3, xã Dị Nậu) của Công ty Hùng Vương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân xung quanh. Tại đây, Cao lanh chất cao ngất ngưởng mà không có biện pháp che chắn. Mỗi khi có gió thổi là lớp bụi Cao lanh dày đặc bay tung tóe, tràn xuống đất đai, nhà cửa của nhân dân trong vùng.
 
Thêm vào đó, là tiếng máy chế biến quặng “đinh tai, nhức óc”, tiếng xe tải chạy rầm rập suốt ngày đêm, khiến các hộ dân “ăn không no, ngủ không yên”.
 
Điều làm bà con nhân dân bức xúc nhất là hàng ngày, hàng trăm lượt xe tải hạng nặng ra vào Công ty Hùng Vương chạy rầm rập khiến tuyến đường giao thông từ mỏ quặng Hùng Vương ra quốc lộ 316B (dài khoảng 3 km) và tuyến tỉnh lộ 316B bị xuống cấp nghiêm trọng.
20210306_124257.jpg
Nơi chế biến Cao lanh nhầy nhụa, nước thải, bùn đất chảy lênh láng khắp nơi (Nguồn: ĐỨC SƠN - Báo Đại Đoàn Kết)
Trên thực tế, mỗi lần xe quặng chạy qua, là kéo theo “cơn bão bụi” ập vào người đi đường và ập vào nhà dân. Đặc biệt, tuyến đường vận chuyển quặng và các sản phẩm Cao lanh của Công ty Hùng Vương qua nhiều khu dân cư và trường học nên mỗi khi xe tải chạy người dân lại hoang mang tột độ.
 
“Nhiều năm nay, chúng tôi luôn thường trực nỗi bất an, khốn khổ vì đường xuống cấp nghiêm trọng. Ngày nắng thì bụi bẩn, lòi ra những ổ gà, ổ voi sâu hoắm, còn trời mưa thì lầy lội, bùn đất nhão nhoét. Chuyện ngã xe máy gây thương tích xảy ra nhiều. Lo nhất là lũ trẻ, hàng ngày xe tải chạy ầm ầm qua cổng trường và chạy bạt mạng trên đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Dù nhà cách trường không xa nhưng chúng tôi vẫn luôn phải cắt cử người đưa đón con em vì không yên tâm…”, ông Huy, người dân xã Dị Nậu than thở.
 
Trả lời báo chí về vụ việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Hùng Vương thừa nhận, hiện tượng xô sạt đất là có nhưng nguyên nhân ông Tuấn đưa ra là do mưa gió.
screenshot_20210407-145252_gallery.jpg
20210323_153452.jpg

 

20210227_141348.jpg
Xe tải chạy rầm rập suốt ngày đêm khiến đường xuống cấp (Nguồn: ĐỨC SƠN - Báo Đại Đoàn Kết)
Về vấn đề phá nát đường giao thông, ông Tuấn thừa nhận là xe của Công ty Hùng Vương chạy qua cung đường nêu trên.
 
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cũng xác nhận với báo chí, hàng năm từ khu vực khai thác mỏ của Công ty Hùng Vương có chuyện xô sạt đất xuống ruộng của người dân. Năm nào có mưa cũng xảy ra tình trạng đất xô sạt, bùn lắng từ trên Công ty Hùng Vương chảy xuống ảnh hưởng đến ruộng, giảm thiểu đi sản lượng. Theo ông Minh, trước đây, có năm công ty phải đến cho người dân cả tỷ đồng vì đất xô sạt xuống ruộng người dân.
 
Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 106/GP-BTNMT Ngày 17/1/2019, Bộ TN&MT của Bộ TN&MT cấp cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Hùng Vương khai thác cao lanh-Felspat bằng phương pháp lộ thiên tại khu vực Đồi Gianh- Ba Tri xã Dị Nậu (huyện Tam Nông) và xã Đào Xá (huyện Thanh Thủy). Theo đó, diện tích khu vực khai thác là 14,5 ha, trữ lượng khai thác cao lanh là 1.129.501 tấn, Felspat 2.058.067 tấn, công suất khai thác cao lanh từ 15.000 tấn/năm đến 40.000 tấn/năm. Felspat từ 50.000 tấn/năm đến 80.000 tấn/năm. Thời gian khai thác là 28,5 năm, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 1 năm.
 
Giấy phép yêu cầu, Công ty Hùng Vương phải thực hiện đầy đủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
img_20210407_143404.jpg
Giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp cho Công ty Hùng Vương (Nguồn: ĐỨC SƠN - Báo Đại Đoàn Kết)
Trong quá trình khai thác, phải thực hiện chương trình quản lý và giám sát môi trường. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật để quản lý chất thải rắn, lỏng, khí khi thải ra môi trường phải tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam.
 
Trong quá trình khai thác phải có biện pháp bảo đảm ổn định, an toàn không để ảnh hưởng đến tuyến đường tỉnh 316, đoạn đi qua khu vực mỏ.
 
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở xã Dị Nậu thì liệu Công ty Hùng Vương đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định theo Giấy phép…?
 

Vi phạm về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, qua kiểm tra trực tiếp hoạt động khai thác khoáng sản tại 30 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường của 27 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế như: Làm ảnh hưởng đến môi trường, đường giao thông, nhiều đơn vị chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác theo quy định. Một số cơ sở khai thác mất mốc giới mỏ, chưa làm đường lên xuống núi cho công nhân, tại gương khai thác còn đá om, đá treo chưa được cậy gỡ gây mất an toàn.

 

011-1119.jpg
Nhiều điểm mỏ đang tiến hành khai thác đá nhưng vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường. Ảnh: Internet

Cụ thể, có đến 25/30 mỏ khai thác chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành. Trong đó, 21/30 cơ sở đang tiến hành khai thác khoáng sản nhưng vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành trong hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ được cấp. Những việc này đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường và Khoản 6, Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, có 2 đơn vị đang tiến hành khai thác nhưng mất mốc giới gồm: mỏ đá vôi tại xã Đông Lương, huyện Lang Chánh của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Thanh và mỏ đá vôi tại thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Loan.

Có 02 đơn vị chưa làm đường lên xuống núi cho công nhân, tại gương khai thác còn đá om, đá treo chưa được cậy gỡ, gây mất an toàn tại khu vực khai thác là: mỏ đá vôi tại xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hoá của Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ du lịch Sinh Vượng và mỏ đá vôi tại thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn của Doanh nghiệp tư nhân Tiến Loan.

Một mỏ khai thác đá ở xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) gặp sự cố hồi tháng 3/2021 khiến 1 người tử vong

Qua kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện có 4 cơ sở đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác nhưng tại thời điểm kiểm tra, các đơn vị này vẫn chưa tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và chưa đưa mỏ vào hoạt động gồm: Công ty CP Thống Nhất STC (Mỏ đá vôi tại xã Cao Thịnh, Ngọc Lặc, GP số 126 ngày 05/8/2019), Công ty CP Khai thác khoáng sản Lam Sơn (mỏ đá vôi tại xã Cao Ngọc, Ngọc Lặc, GP số 149 ngày 12/9/2019), Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mỏ đá vôi tại xã Cao Ngọc, Ngọc Lặc, GP số 117 ngày 22/7/2019) và Công ty CP Sản xuất và Thương mại Tự Lập (mỏ đá vôi tại xã Cẩm Lương, Cẩm Thủy, GP số 293 ngày 21/7/2017).

Căn cứ khoản 1 Điều 58 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định: “Giấy phép khai thác khoáng sản bị thu hồi trong các trường hợp sau đây: a) Sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng; b) Sau 12 tháng, kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng; c) Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản vi phạm một trong các nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 55 của Luật này mà không khắc phục trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về khoáng sản có thông báo bằng văn bản”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, 04 đơn vị chưa xây dựng cơ bản mỏ và chưa tiến hành khai thác thì UBND tỉnh Thanh Hóa có thể xem xét để thu hồi giấy phép khai thác của các đơn vị này.

Ngoài ra, hầu hết các điểm mỏ khai thác chưa được lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ, vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 42 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.

Những tồn tại trên, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác của các đơn vị trên địa bàn; hướng dẫn các đơn vị thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản , đất đai, môi trường.

Chấn chỉnh tình trạng người dân tự do khai thác đá

Tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An đang xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng khai thác đá mồ côi, nhất là trên địa bàn hai huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Đây là loại đá có sẵn tại địa phương, nằm rải rác ở nhiều khu vực kể cả trong vườn nhà hoặc trên thửa đất sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình. Loại đá này thường có chất lượng tốt, phù hợp để chế tác những tác phẩm đá điêu khắc, làm hòn non bộ, trang trí trong khu du lịch, nhà riêng… Chính vì vậy, đá có giá trị kinh tế cao và là mục tiêu "săn lùng", khai thác của nhiều người.

Riêng trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, hiện nay nhiều hộ dân đang canh tác tại hai xã Nghĩa Hiếu và Nghĩa Đức đã thuê máy cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp. Quá trình cải tạo có tận thu đá mồ côi và tập kết với số lượng lớn trong khu vực các thửa đất nông nghiệp.

Theo chính quyền các địa phương, tình trạng khai thác đá mồ côi tự do gây thất thoát tài nguyên và mất an ninh trật tự trên địa bàn. Một số địa phương trong tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh, các ngành chức năng có hướng dẫn về việc quản lý, khai thác, xử lý loại đá này; nghiên cứu cơ chế có thể cấp phép cho một doanh nghiệp đủ điều kiện tận thu loại đá này để nộp ngân sách Nhà nước một phần.

 

20210323_153452.jpg
(ảnh minh họa)

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, về nguyên tắc, đây cũng là loại tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, trước mắt, chính quyền địa phương phải bảo đảm, không để xảy ra tình trạng khai thác trái quy định. UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương có giải pháp xử lý phù hợp, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân khi khai thác loại đá này.

 

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top