Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 6 năm 2021 | 10:36

Nỗi lo từ nông sản mất an toàn thực phẩm

Tuy không trực tiếp nhìn thấy tận mắt nguy cơ mất ATTP từ những sản phẩm nông nghiệp, nhưng khi các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, thì nguy cơ mất ATTP từ những sản phẩm này lại không hề nhỏ. Biện pháp nào để giảm nguy cơ mất ATTP nông sản?

Mất ATTP từ sản phẩm nông sản
 
Nếu như mất ATTP của thực phẩm, đồ uống, hay những món ăn được các nhà hàng chế biến cho thực khách trên các bàn nhậu, là những thực phẩm ôi thiu được ngâm tẩm hóa chất, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… thì mất ATTP đối với nông sản là việc tồn dư hóa chất, chất kích thích, hay các sản phẩm nông sản được trồng tại những vùng bị ô nhiễm, sử dụng nước xả thải của những khu công nghiệp, không qua xử lý gây nhiễm độc các loại kim loại nặng làm nước tưới… tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
 
20170330103403-van-canh-2.jpg
Rau trồng tại Vân Canh đang sử dụng nguồn nước tưới ô nhiễm (ảnh Vietnamnet)
 
Hòa Đình (Bắc Ninh) có gần 300 hộ chuyên trồng rau và hoa màu với tổng diện tích hơn 32ha. Các loại rau màu ở đây được trồng xen kẽ, quanh năm nối tiếp nhau tạo vòng quay để sử dụng đất khép kín với nhiều loại cây như: Cà rốt, su hào, bắp cải, hành tây, cà chua, bí xanh, các loại rau gia vị…
 
Các loại rau ở đây đang được các chủ ruộng ở khu Hòa Đình tưới bằng nước thải ô nhiễm đầy hóa chất độc hại, do bị ảnh hưởng từ làng nghề giấy Phong Khê (TP. Bắc Ninh) thải ra.
 
Theo các hộ dân khu Hòa Đình, dòng nước xung quanh các kênh mương ở đây bị ô nhiễm từ lúc đô thị hóa phát triển. Nhiều dự án công trình mọc lên, khiến ao, hồ trữ nước bị thu hẹp dần, nước tưới tiêu phải lấy từ các kênh mương bị nước thải nhiễm đầy hóa chất độc hại không qua xử lý của làng nghề giấy Phong Khê, xả thẳng ra dòng sông Ngũ Huyện Khê ngay cạnh khu Hòa Đình, sau đó chảy tràn vào các hệ thống kênh mương thủy lợi của bà con nơi đây.
 
Hay tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức từ lâu được biết đến là khu vực chuyên trồng các loại rau cung cấp cho các chợ đầu mối ở Hà Nội và Hà Đông. Thế nhưng rau trồng ở đây được các chủ vườn tưới bằng nước thải đen kịt, nồng nặc mùi hôi thối. từ các điểm công nghiệp sản xuất dong riềng ở xã Dương Liễu, Cát Quế và một số công ty sản xuất thực phẩm, cơ khí, sơn màu… thuộc cụm công nghiệp Di Trạch (xã Di Trạch) thải ra.
 
Lãnh đạo xã Di Trạch cũng đã thừa nhận trên địa bàn xảy ra ô nhiễm là do hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Di Trạch xả thải ra môi trường. Lượng nước thải xả ra môi trường không chỉ khiến người dân ở xã bị ảnh hưởng mà các vùng lân cận như xã Vân Canh cũng chịu hậu quả...
 
Mê Linh là vùng đất trồng rau, màu cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà  Nội và các tỉnh lân cận. Tại thôn Đông Cao là vùng trồng rau tập trung nhất của xã có diện tích gieo trồng vào khoảng trên dưới 200 ha.
Tuy nhiên, những ruộng rau này thường xuyên bị ảnh hưởng do các loại sâu phá hoại, làm thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất của người nông dân. Để bảo vệ vườn rau của mình, nhiều chủ ruộng đã phải sử dụng rất nhiều các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt sâu, bọ và côn trùng hại rau. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun cho rau sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATTP khi dư lượng hóa chất tồn tại.
 
Việc sử dụng nước tưới ô nhiễm, hay sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật cho sản phẩm nông sản là một trong những nguy cơ gây mất ATTP, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Nhiều loại kí sinh trùng thường gặp là giun đũa, giun tóc, ấu trùng giun móc, giun lươn, nhiễm trứng sán lá gan nhỏ/sán lá ruột nhỏ, khuẩn E.coli và bào nang amíp…có trong nước bẩn dùng tưới rau sẽ bám vào nếu như người tiêu dùng không rửa sạch sẽ khi sử dụng.
 
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, giảng viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Nguồn nước nhiễm bẩn, ô nhiễm có thể mang theo các chất như lưu huỳnh, chì, thủy ngân… qua rễ lên thân rau sau khi tưới, đồng thời các chất bẩn lại bám trên bề mặt rau khi rửa vào nguồn nước ô nhiễm khiến rau bị nhiễm độc. Ngoài ra, nguồn nước bẩn còn là môi trường thuận lợi để các loại trứng giun, sán phát triển và kí sinh trong rau”.
 
Phải tạo ra những vùng trồng sạch
 
Muốn tạo ra được sản phẩm nông sản sạch, không bị mất ATTP, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, nhất thiết các loại sản phẩm nông sản đó phải được trồng, chăm sóc ở những vùng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ theo hướng VietGAP.
 
cham-soc-rau-thuy-canh-bao-1.jpg
Tạo vùng sản xuất rau an toàn để giảm nguy cơ mất ATTP
 
Xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản khép kín, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ trên thị trường.
 
Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới việc nhiều mẫu nông sản, thực phẩm vẫn chưa bảo đảm an toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, ISO, GlobalGAP, hữu cơ. Tỷ lệ sản phẩm được truy xuất nguồn gốc chưa cao, chủ yếu vẫn được tiêu thụ dưới hình thức thô, không tem nhãn mác, không tiêu chuẩn chất lượng…
 
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Ngô Đình Loát cho biết, hiện nay vấn đề quản lý an toàn thực phẩm có vai trò quan trọng nhằm cung cấp ra thị trường những mặt hàng nông sản được dán tem, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Do vậy cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
Đặc biệt, nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm từ các cơ sở sản xuất, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tổ chức ký cam kết hơn 92% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản...
 
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, cần tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch, trong đó ưu tiên đầu tư mở rộng các vùng trồng rau, cây ăn quả và chăn nuôi an toàn. Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất để hạn chế việc sử dụng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật...
 
cham-soc-dua-luoi-bao-dam-a.jpg
Dưa lưới được trồng theo phương pháp hữu cơ
 
Để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững thì cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, cần thúc đẩy các giải pháp kiểm soát chất lượng nông sản từ khâu sản xuất đến kinh doanh và có sự tham gia của cả cộng đồng.
 
Để người dân có một sức khỏe ổn định, rất cần phải có nguồn cung cấp các sản phẩm nông sản, dùng cho bữa ăn hàng ngày bảo đảm vệ sinh ATTP. Các ngành chức năng cần kiểm tra, kiểm soát và có những biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm trong quá trình sản xuất.
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top