Ở nhiều thôn, xã của tỉnh Lào Cai có những người phụ nữ hàng ngày chỉ quanh quẩn làm việc vặt trong nhà, người vợ sống phụ thuộc vào chồng đã biết tự tin vươn lên, mạnh dạn phát triển kinh tế, trở thành những nhà lãnh đạo gương mẫu.
Đây là thành quả của một số dự án về tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ gắn với phát triển chuỗi giá trị lợn bền vững trên địa bàn xã Xuân Quang (Bảo Thắng) và Bảo Nhai (Bắc Hà) do tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT Lào Cai thực hiện.
Tổ chức Oxfam và các đối tác đã áp dụng hệ thống học tập hành động về giới để thay đổi nhận thức, cách nghĩ, cách làm cũng như các nhân tố khác trong chuỗi giá trị lợn như: đại lý cung cấp thức ăn, giống, thương lái, cơ sở giết mổ, cơ quan khuyến nông, thú y… Bằng hình thức sinh hoạt theo tổ, nhóm mà các thành viên được tham gia các lớp tập huấn về bình đẳng giới, về phân công lao động trong gia đình và các quyền ra quyết định. Nhiều cặp vợ chồng đã mở mang kiến thức về đời sống hôn nhân, gia đình, được khuyến khích và gợi mở tư duy làm kinh tế, đoàn kết và trợ giúp để biến ý tưởng thành hành động…
Hạnh phúc từ sự sẻ chia
Thăm nhà anh Chấu Văn Đức (dân tộc Mông), thôn Cửa Cải, xã Xuân Quang (Bảo Thắng), đúng lúc anh đang thoăn thoắt nổi lửa chuẩn bị bữa cơm trưa cho cả gia đình, mùi đỗ xào, thịt lợn rang… thơm nức. Anh Đức cho biết vợ anh đi chợ chưa về nên anh tranh thủ nấu cơm và giặt giũ quần áo để chiều vợ chồng anh còn đi sinh hoạt tổ. Trước kia, việc nuôi lợn, gà, nấu cơm, rửa bát, quét nhà, chăm sóc bố mẹ già… chủ yếu là vợ làm. Việc lớn trong gia đình anh quyết định là chính. Nên vợ anh quanh năm chỉ ở trong nhà, ít khi ra ngoài, xe máy cũng không biết đi, mua bán những đồ dùng trong nhà cũng là anh Đức “tay hòm chìa khoá”. Nhưng từ khi tham gia sinh hoạt cùng các thành viên tổ nhóm dự án, anh Đức mới hiểu ra rằng công việc nội trợ của vợ cũng khá mệt mỏi và mất nhiều thời gian. Vợ anh mất nhiều cơ hội được học hỏi nâng cao năng lực và chăm sóc cho bản thân. Những lần tụ tập uống rượu say càng làm vợ vất vả, kinh tế gia đình khó khăn hơn, anh Đức đã dần thay đổi, tham gia làm việc nhà để vợ có thời gian giao lưu học hỏi cùng các chị em khác.
Kinh tế khá giả, vợ anh cũng chủ động mua thêm xe máy để tự chạy việc, tham gia các hoạt động thôn, xã tổ chức. Anh thấy cuộc sống gia đình đầm ấm hơn khi trong bữa cơm cả gia đình quây quần trò chuyện làng trên xóm dưới, bàn tính cách phát triển kinh tế, không còn cảnh ăn mỗi người một phách, kẻ say, người tất tả việc nọ việc kia nữa.
Chia sẻ việc nhà với vợ là thay đổi căn bản ở hầu hết các gia đình trong tổ nhóm thôn Cửa Cải. Gia đình anh Đặng Văn Sơn, chị Lý thị Ân nhờ chia sẻ công việc gia đình giúp vợ chồng hiểu nhau hơn, thương nhau hơn. Anh Sơn cũng tự cắt giảm những khoản bia rượu, thuốc lá, lô đề… cùng vợ tham gia các hoạt động thôn, xã tổ chức và tập trung làm kinh tế, tăng thu nhập.
Tự tin làm kinh tế
Chị Trần Thị Dung tổ nhóm chăn nuôi lợn xã Bảo Nhai cho biết: “Trước đây, do chỉ quanh quẩn trong nhà nội trợ, không tiếp xúc, giao lưu nhiều nên được mời đi họp hay đi tập huấn tôi không dám phát biểu, chỉ muốn ngồi ở chỗ mà mọi người không để ý đến mình, thậm chí trong lòng muốn nói nhưng sợ lắm không dám nói. Từ khi tham gia các hoạt động dự án, đặc biệt là cách tiếp cận các công cụ Gals, tôi mất hẳn sự e dè, hào hứng, nhiệt tình, mạnh dạn tham gia chia sẻ, phát biểu tại các cuộc họp. Thậm chí, tôi còn tự đưa ra các quyết định với chồng con và tự tin với quyết định đó”.
Cũng từ những buổi sinh hoạt tổ, nhóm mà chị Dung mạnh dạn đầu tư vốn vào làm các sản phẩm từ măng: Măng khô và măng muối. Hàng năm, cứ vào tầm tháng 7 đến tháng 9, măng trên các tán rừng trổ nhiều, chị Dung đi thu mua gom lại, búp măng thì xé nhỏ phơi khô bán với giá 200.000/kg, củ măng chị ngâm dấm ớt bán 25.000/kg. Được các chị em trong tổ chia sẻ cách chế biến, bảo quản và cùng nhau tìm đầu ra cho sản phẩm, chị Dung nhẩm tính mỗi vụ, chị thu lãi gần 40 triệu đồng.
Đến nay, năng lực về phát triển chăn nuôi lợn của người dân xã Bảo Nhai, Xuân Quang được nâng lên rõ rệt. Hầu hết các tổ nhóm đều có kế hoạch phát triển chăn nuôi. Việc thảo luận xây dựng kế hoạch chăn nuôi đã giúp các nhóm chủ động trong các công việc, tính toán hợp lý chi phí đầu vào, cũng như chủ động quản lý và phòng trừ dịch bệnh. Bên cạnh việc duy trì số lượng lợn để phát triển chăn nuôi, nhiều hộ biết phát triển sinh kế mới như: chăn nuôi ong, nuôi dê, nuôi cá, trồng ăn quả, trồng rau.. tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Chị Vàng Thị Hiền tổ nhóm Cửa Cải xã Xuân Quang cho biết: “Gia đình tôi trước kia sống bằng nghề chăn nuôi lợn là chính lúc đó chăn nuôi chưa có kinh nghiệm, chuồng trại thì đơn sơ, con giống không tốt, không dám nuôi nhiều, dịch bệnh nhiều có lúc mất trắng cả đàn.... Từ khi có dự án tổ chức các lớp tập huấn, tiếp thu được nhiều kiến thức, gia đình tôi đã biết cách chăm sóc, mở rộng chuồng trại theo quy mô gia trại, chuồng cao thoáng mát, biết chọn con giống tốt, thức ăn chăn nuôi tốt và được mọi người mời đi tham gia, chia sẻ với các nhóm trong thôn, xã lân cận để tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Vợ chồng tôi cùng chia sẻ công việc, không còn hành vi bạo lực gia đình. Năm 2018 do giá lợn thấp, dịch bệnh xảy ra làm cho gia đình suy sụp về kinh tế nhưng 2 vợ chồng động viên nhau phải cố gắng tiếp tục vay vốn đầu tư vào chăn nuôi lợn. Ngoài ra, chúng tôi còn đi làm thêm, trồng thêm diện tích đồi quế, nuôi gà để tăng thêm thu nhập”.
Cũng từ dự án mà trong hầu hết các tổ nhóm, số phụ nữ tham gia vai trò quản lý, lãnh đạo ở tổ nhóm sản xuất, bí thư chi bộ thôn, chi hội nông dân, trưởng thôn, Hội phụ nữ thôn, Tổ trưởng tổ vay vốn, đoàn thanh niên… đạt trên 50%. Đây đều là những lãnh đạo gương mẫu dám nghĩ dám làm trong phong trào phát triển kinh tế và kết nối cộng đồng.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.