Trong thời đại kinh tế tri thức, đẩy mạnh ứng dụng số hiện nay, ngày càng có nhiều nông dân chuyên nghiệp là những người vừa có tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm SX, lại vừa có tư duy kinh tế. Họ không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn biết tạo ra giá trị cho SX.
Làm gì để ngày càng có nhiều nông dân chuyên nghiệp? Đó là nội dung được thảo luận tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức tại Hà Nội.
Nông dân cần học cách làm chuyên nghiệp
Chia sẻ bên lề Diễn đàn, nông dân Nguyễn Thanh Tân (tỉnh Vĩnh Long) cho biết, để sản xuất hiệu quả, chất lượng, an toàn, ngoài việc nắm vững kiến thức sản xuất thì người nông dân hiện nay phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất. Quan trọng nhất hiện nay là phải biết làm marketing cho sản phẩm của mình.
Cùng quan điểm, bà Hoàng Thị Chắp, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đến từ tỉnh Lào Cai, cho hay, bà đang sản xuất mô hình nuôi và ương cá giống. Bên cạnh những kiến thức tích lũy từ nhiều năm có được thì khâu quan trọng nhất hiện nay là liên kết tổ chức sản xuất và đặc biệt người nông dân phải biết cách quảng bá, nắm bắt thị trường đang cần gì để đáp ứng nhu cầu.
“Theo tôi, chủ đề của Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần này rất phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, trước xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng thì người nông dân cũng phải thay đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta không thể sản xuất manh mún, nhỏ lẻ mà điều cần nhất hiện nay là phát triển tập trung, hàng hóa, nắm vững về quy luật vận động của thị trường và đi kèm với đó là quảng bá thật tốt sản phẩm của mình làm ra”, bà Chắp chia sẻ.
Bà Trương Thị Hương, đến từ Long An cho biết, gia đình gieo cấy 50ha lúa, mọi khâu sản xuất đều được đầu tư máy móc hiện đại như gieo sạ, thiết bị bay phun thuốc trừ sâu, máy gặt... nên hạn chế được nhân công mà năng suất, chất lượng vẫn tăng cao. Trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch 700-800 tấn lúa, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng.
Mặc dù bản thân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa chất lượng cao nhưng việc tiêu thụ sản phẩm vẫn khá bấp bênh. Trong chuyến công tác ra Hà Nội lần này, bà Hương rất mong được gặp gỡ, kết nối với nhiều nông dân giỏi ở các địa phương để học cách tiêu thụ sản phẩm.
Anh Hồ Tấn Cược (tỉnh Khánh Hòa) nói, HTX trồng táo Cam Thành Nam của anh đang trồng 11ha táo Thái xanh trong nhà lưới theo quy trình VietGAP, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 800 tấn sản phẩm bán cho thương lái, hệ thống siêu thị, khu du lịch khắp cả nước, doanh thu khoảng 12 tỷ đồng.
HTX trồng táo Cam Thành Nam đang kết nối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ để mua được nguồn hàng giá thấp giúp giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, sản phẩm đầu ra vẫn có lúc bấp bênh. Chính bởi vậy, những thông tin có được từ Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” sẽ là cơ hội rất lớn để có thể nhìn nhận HTX đang thiếu những gì? Và cần những gì? Để từ đó thay đổi tư duy sản xuất, tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm táo Thái xanh.
Định hướng để người nông dân trở thành “đầu tàu”
Khẳng định tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: “Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Thay vì thương cảm, xót xa với thực trạng của người nông dân, hãy định hướng cho người nông dân hướng đến chuyên nghiệp. Muốn vậy, cần nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng, huấn luyện chuyên môn, tạo ra không gian mở để người nông dân tiếp cận, kết nối những thứ mới mẻ, đa dạng, phong phú trong xã hội. Đây là câu chuyện sống còn của tiến trình chuyển đổi nền nông nghiệp nước nhà.”
Bộ trưởng nhận định, nông dân mình trước nay quanh quẩn trong nhà, sau luỹ tre làng, suốt ngày ra vô cánh đồng, mảnh vườn. Không gian sống bó hẹp thì suy nghĩ, tầm nhìn, khát khao cũng bị bó hẹp. Theo ông, muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng.
Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết,... Theo đó, nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội.
Người nông dân chuyên nghiệp khởi nguồn từ những con người sống tử tế, làm ăn tử tế. Sự tử tế bắt đầu bằng chữ “Tín”. Một chữ thôi nhưng có thể đem lại thành công cho người này, thất bại cho người khác. Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành nền nông nghiệp chuyên nghiệp.
Tham luận tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành “đầu tàu” dẫn dắt các lớp nông dân khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng chỉ ra những hạn chế của phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi: Nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất. Một số nơi Hội Nông dân chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ Hội còn yếu, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, làm việc còn hành chính, thụ động, nên kết quả chung của phong trào có mặt còn hạn chế.
Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập; đào tạo người nông dân chuyên nghiệp; tăng cường liên kết hợp tác, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các địa bàn; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Cuộc “cách mạng mới” trong nông nghiệp
Tổ chức lại nông dân, phát triển kinh tế hợp tác và “phát triển đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có tri thức” sẽ là cuộc “cách mạng mới” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn”, TS. Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT nhấn mạnh tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII.
Theo TS. Thịnh, chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước).
Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự khan hiếm lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị.
Điều này dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động, làm sâu thêm những lỗ hổng về đội ngũ nhân lực ngành nông nghiệp ở khu vực nông thôn vốn hạn chế hơn.
“Nông nghiệp đang trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Đây là lý do khiến chúng ta phải hỗ trợ để trang bị thêm kiến thức cho người nông dân”, TS. Thịnh nói.
Người sản xuất nông nghiệp bắt buộc phải nắm vững quy luật thị trường, hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Kinh nghiệm có thể giúp cải thiện năng suất, nhưng tri thức vừa có thể gia tăng hiệu năng, năng suất, vừa tiết giảm chi phí, tối ưu quy trình.
Bên cạnh đó, theo TS. Thịnh, cần thực hiện một số giải pháp đẩy mạnh “tri thức hóa nông dân”: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trí thức hóa nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân (THT, HTX và các hội nghề nghiệp); phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau; Xây dựng một số mô hình “sáng tạo đổi mới” trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân; Nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.