Bà con nông dân ở 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang điêu đứng do nhà máy thu mua sắn chậm.
Sắn là nguồn thu nhập chính của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đang vào mùa chính vụ thu hoạch nhưng nhiều nơi bà con không bán được sắn do Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua quá chậm.
Những ngày này đến thôn, bản nào ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cũng nghe bà con phàn nàn chuyện Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua sắn chậm.
Gia đình bà Hồ Thị Liềng ở thôn Prin C, xã A Dơi trồng 5 sào sắn, nhưng đến nay mới chỉ bán được 2 sào. Bà Liềng cho biết, để bán được sắn, bà con phải đến tận nhà máy đăng ký, khi nhà máy cấp giấy hẹn ngày mua, bà con mới thu hoạch để bán. Suốt mấy tháng nay, gia đình bà Liềng và bà con trong thôn, bản đến sắp hàng tại Nhà máy để xin phiếu bán sắn, nhưng cán bộ nhà máy hẹn phải chờ đến lượt.
Bà Liềng chia sẻ nhà bà có 10 xe sắn mà mới bán được 2 xe, còn lại 8 xe. Sắn bán từ tháng 10/2015 lấy tiền mua gạo, mua đồ ăn. Giờ đã hết tiền mà công ty không cho bán nên gia đình mà không có tiền mua đồ ăn, không có tiền sắm Tết, cũng không có đất trồng lại.
Người dân ở huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, tỉnh Quảng Trị thu nhập chủ yếu nhờ cây sắn. Thời điểm này mọi năm, bà con cơ bản thu hoạch xong và bán hết sắn cho nhà máy, có tiền trang trải cuộc sống, mua sắm Tết và chuẩn bị trồng lại vụ mới. Năm nay, Nhà máy thu mua quá chậm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của bà con.
Ông Hồ Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết, toàn xã có 520 héc ta sắn, ước sản lượng đạt hơn 20 ngàn tấn củ nhưng đến nay mới bán chưa được 1 nửa. Từ khi Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa thực hiện chủ trương phát phiếu hẹn thu mua sắn đã khắc phục tình trạng sắn củ thu hoạch để dồn ứ, hư hại do không tiêu thụ kịp, nhưng người dân lại quá phụ thuộc vào nhà máy. Điều khiến ông Hồ Văn Thăng bức xúc, trong khi người trồng sắn bị khống chế thời gian thu mua thì nhà máy lại ưu ái cho tư thương.
“Đáng lẽ ra phải ưu tiên trên địa bàn khu vực đóng nhà máy, nhưng nhà máy nhập hết từ bên ngoài. Khu vực này nhà máy có nhập nhưng nhập hạn chế, rất ít, trong khi đó thương lái cho nhập 2 ngày một xe, mà không biết bao nhiêu thương lái ở trên khu vực này. Bà con đất không có, muốn trồng vụ mới thì phải thu hoạch. Đợt này nắng hạn nhiều, nếu không trồng kịp mùa vụ thì cây không thể lên được,” ông Thăng nói.
Vì sao có nghịch lý này?
Ông Lê Văn Thể, Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giải thích, công suất nhà máy mỗi ngày chỉ tiêu thụ hơn 700 tấn, trong khi đó nhu cầu bán sắn củ của bà con quá lớn, không thể thu mua cùng một lúc. Nhà máy phải phân bổ lịch thu mua trải đều ra các tháng để bà con chủ động thu hoạch, tránh tình trạng dồn ứ nguyên liệu.
Ông Thể cho biết, trước mắt nhà máy phân bổ, đảm bảo thu mua mỗi gia đình một ít, còn lại bà con phải chờ đến lượt. Lãnh đạo Công ty cũng đã có phương án cho bà con tạm ứng tiền trước để mua sắm Tết. Theo ông Lê Văn Thể, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đã có kế hoạch nâng công suất lên 900 tấn/ngày, sẽ góp phần giải quyết tình trạng dồn ứ nguyên liệu.
“So với công suất nhà máy bây giờ, nếu dài trải ra một năm 9 tháng thì vẫn thiếu nguyên liệu. Ví dụ tháng 8 nhà máy chỉ sản xuất nửa tháng, tháng 9 chỉ khoảng 50% đến 60% công suất nhưng đến tháng 11, 12 hoặc tháng 1, tháng 2 năm sau vượt quá công suất. Khi nào hoàn thành nâng công suất từ 700 đến 900 tấn/ ngày thì giảm bớt căng thẳng,” ông Thể cho hay.
Năm nào cũng vậy vào chính vụ thu hoạch, người trồng săn ở các xã vùng cao huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sắn củ. Dù Nhà máy cam kết sẽ thu mua hết sắn củ cho bà con nhưng ai cũng lo lắng vì sắn để lâu ngày trên nương sẽ giảm chất lượng tinh bột, mất giá và ảnh hưởng đến lịch trồng mới vụ sau.
Bài toán phát triển vùng nguyên liệu và giải quyết đầu ra cho nông sản cần được chính quyền cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị tính toán kỹ lưỡng./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…