Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 7 năm 2016 | 2:22

Nông dân xã EaM’Droh ồ ạt trồng tiêu: Hệ lụy khó lường!

Những năm gần đây, hồ tiêu được giá, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nông dân xã Ea M’Droh nói riêng, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) nói chung. Dù trồng loại cây này tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng với lợi nhuận mà nó đem lại, nhiều hộ bất chấp khuyến cáo, liên tục mở rộng diện tích hồ tiêu.

Anh Nguyễn Văn Tuấn trồng tiêu trên diện tích thuê được ở buôn Cuôr, xã EaM’Droh.

Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Hiệp Đạt, xã Quảng Hiệp cùng các thành viên trong gia đình tiến hành cải tạo 06 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) đất trồng hoa màu ở buôn Cuôr để trồng tiêu. Đây là diện tích đất được anh thuê lại từ một gia đình trong buôn, với thời hạn 15 năm. Trên diện tích này, anh dự kiến đưa 1.000 trụ tiêu vào trồng; đến nay sau hơn 3 tháng, 80% số trụ đã hoàn thành. Số cây còn lại đã được anh dựng trụ, chỉ còn đào hố và xuống giống. Anh Tuấn cho biết: “Ở xã Quảng Hiệp, gia đình tôi có khoảng 1ha cà phê, sau trồng xen hồ tiêu, cả nhỏ cả lớn khoảng 700 - 800 trụ, thu hoạch được 4 năm rồi, năng suất trung bình 2 tấn/năm. Thấy trồng tiêu hiệu quả, tôi vào đây mua đất nhưng không ai bán nên hỏi thuê, làm nông mà cây nào hiệu quả thì mình trồng thôi”.

Tại thôn Hợp Thành, hồ tiêu cũng được người dân đưa vào trồng khá nhiều. Thấy các hộ khác trồng hồ tiêu thu về cả trăm triệu đồng mỗi năm, ông Đăng Hiếu Kim cũng làm theo. Điều đáng nói là, gia đình ông chưa trồng và chăm sóc loại cây này bao giờ. Do vậy, trong quá trình canh tác, nhiều trụ bị chết, phải trồng lại. Hiện, với 1,3ha đất ông Kim trồng hơn 1.000 trụ tiêu, trong đó có khoảng 700 trụ được xen trong vườn cà phê và 400 trụ  trồng độc canh. Đến nay, tiêu chưa cho thu hoạch, trụ được trồng lâu nhất mới hơn 02 năm. Nói về quyết định trồng hồ tiêu của mình, Kim chia sẻ: “Tôi thấy trồng hồ tiêu hiệu quả khá cao, trồng khoảng 200 trụ vài năm là có xe hơi đi rồi. Cây tiêu chết rất nhiều, nhưng chết rồi trồng lại vẫn hơn trồng cà phê. Tôi mới trồng cách đây 3 năm, không liều đâu vì tôi trồng xen, tiêu chết vẫn còn cà phê. Đối với diện tích trồng độc canh, đất này trồng cà phê không được, trồng bắp nhiều năm thì lỗ nên trồng tiêu được ăn thì được, không được cũng không sao”.

Xã EaM’Droh hiện có khoảng 500ha hồ tiêu, phần lớn đều được người dân trồng xen trong vườn cà phê...    

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã EaM’Droh, cho biết: “Diện tích tiêu tăng nhanh là do giá tiêu mấy năm gần đây khá cao, mang lại lợi nhuận khá nên bà con đưa cây tiêu vào trồng, chủ yếu là xen trong vườn cà phê. Chúng tôi đã có khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích nhiều, thứ nhất là bệnh ở cây tiêu sẽ không kiểm soát được, thứ hai tăng nhiều quá đầu ra sẽ gặp khó... Vì lợi nhuận nên người dân cứ trồng, và diện tích tăng đều hàng năm. Một số bà con nắm chưa vững kỹ thuật nên khi trồng, tiêu bị chết phải trồng lại...”.

Việc đưa cây hồ tiêu vào trồng ồ ạt tại xã EaM’Droh đang ở mức báo động, thực tế tại địa phương đã có nhiều nông dân “trắng tay” do cây tiêu bị nhiễm bệnh và chết. Chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp huyện cần định hướng rõ cơ cấu cây trồng thích hợp riêng cho từng vùng; nông dân cũng cần cân nhắc kỹ trước khi đưa loại cây này vào trồng để tránh hệ lụy khó lường trong thời gian tới.

Trung Dũng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top