Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 9 năm 2018 | 13:55

Nông sản nội - ngoại: Vàng thau lẫn lộn

“Hãy cẩn trọng khi ăn rau củ, quả, ở Đà Lạt”, đó là cảnh báo của cậu em, người đã đi lại Đà Lạt (Lâm Đồng) kinh doanh vài năm nay khiến tôi băn khoăn trước khi đặt chân lên xứ sở được coi là vựa rau của cả nước.

cho-nong-san-dl.jpg
Rau, củ, quả tại chợ nông sản Đà Lạt không ghi nguồn gốc xuất xứ nên người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là nông sản địa phương, đâu là nông sản Trung Quốc.

 

Lẫn lộn nông sản Việt-Trung

Tôi đến Đà Lạt (Lâm Đồng) vào những ngày đầu tháng 9, phố núi mùa mưa ẩm ướt với những cơn mưa rào bất chợt níu chân du khách lâu hơn. Chợ nông sản lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua, với nhiều loại nông sản lạ mắt. Tất nhiên, khi đến Đà Lạt, ai cũng nghĩ, chỉ có nông sản địa phương được bán tại chợ nếu cậu em và anh lái taxi không cảnh báo trước là có rất nhiều nông sản Trung Quốc được bán tại đây.

Quả thật, du khách sẽ rất khó phân biệt được đâu là rau củ Đà Lạt và Trung Quốc. Rau, củ Trung Quốc tuy giá rẻ nhưng hình thức bên ngoài đẹp không kém, thậm chí một số loại còn đẹp hơn của Đà Lạt. Các loại nông sản nhập từ Trung Quốc cũng rất phong phú, từ bắp cải, bông cải, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, cà chua, gừng, hành, tỏi; đến các loại trái cây như táo, dưa hấu, mận… Ngay cả các loại quả đặc sản của Đà Lạt như hồng, dâu tây vẫn bị “đụng hàng” Trung Quốc.

Đà Lạt là vùng sản xuất rau lớn nhất Việt Nam với sản lượng khoảng 2 triệu tấn rau, củ, quả mỗi năm. Tuy nhiên, do không có đặc điểm phân biệt rõ rệt nên nông sản Đà Lạt đang mất dần thị phần tại địa phương. Cụ thể, nông sản Trung Quốc đang chiếm lĩnh hơn 70% thị phần đối với một vài nông sản ôn đới là thế mạnh của Đà Lạt trước đây. Tại một số chợ truyền thống ở TP. Hồ Chí Minh, 80% khoai tây, 70% hành củ, cà rốt và bông cải xanh là hàng Trung Quốc.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, mấu chốt của sự nhập nhằng nói trên là do nông sản Đà Lạt khi đưa ra thị trường chưa có nhãn mác. Hơn 80% sản lượng rau Đà Lạt được tiêu thụ ở các chợ truyền thống. Nông dân và chủ vựa cung ứng các mặt hàng nông sản Đà Lạt đã quen với chuyện nông sản làm ra, gom lại rồi đưa ra thị trường chứ không nghĩ đến chuyện phải gắn nhãn mác. Khi được bày bán chung với nông sản của các tỉnh, thành khác và nông sản nhập từ Trung Quốc, người tiêu dùng rất khó phân biệt, dẫn đến mua nhầm và vì thế mà rau Đà Lạt đang mất dần thị trường.

Khoai tây là một trong những nông sản chủ lực của Lâm Đồng bị hàng Trung Quốc đội lốt trắng trợn nhất. Mỗi vụ có tới hàng ngàn tấn khoai tây Trung Quốc nhập về Đà Lạt, rửa sạch và phủ đất đỏ lên giả mạo khoai tây bản địa rồi đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành, chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh. Việc “khoác áo” Đà Lạt cho khoai tây Trung Quốc diễn ra công khai ngay tại Chợ nông sản Đà Lạt và nhiều khu vực khác nhưng ngành chức năng chưa xử lý được bởi không có quy định nào cấm bôi đất đỏ vào khoai tây. 

“Giải cứu” nông sản Việt nhưng vẫn nhập khẩu hàng tỷ USD

Mấy năm gần đây, người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với cụm từ “giải cứu nông sản”, từ  hành tím, tỏi..., đến củ cải, dưa hấu, thịt lợn… Trong khi nông sản dư thừa, giá xuống thấp, các cuộc giải cứu liên tiếp diễn ra, thì trong vòng 2 năm qua, Việt Nam đã chi từ mức 200 triệu USD/năm lên đến 1 tỷ USD/năm cho việc nhập khẩu nông sản.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu trên 120 triệu USD rau củ quả, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này từ đầu năm 2018 lên tới gần 600 triệu USD (tăng 110 triệu USD so với cùng kỳ năm 2017). 

Như vậy, bình quân mỗi ngày, Việt Nam chi khoảng 91 tỷ đồng để mua và sử dụng các loại rau củ quả nhập khẩu, chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc. Đồng nghĩa với việc, cứ xuất khẩu 3 phần giá trị, thì Việt Nam lại chi phí mất 1 phần cho nhập khẩu.

Điều đáng lo ngại là, rau củ quả nhập khẩu hiện đã có mặt không chỉ ở các siêu thị, mà còn thâm nhập vào các chợ nhỏ lẻ, truyền thống. Và trong khi rau củ quả Thái Lan không phải chịu thuế nhập khẩu vào Việt Nam qua đường chính ngạch, nông sản Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, do đó, cũng không thu được thuế và khó quản lý được giá.

Ngoài ra, còn có các mặt hàng trái cây được nhập về chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), táo xanh (Pháp, Mỹ), lựu (Hàn Quốc)…

Những năm qua, Việt Nam luôn được xem là một trong những quốc gia có tiềm năng xuất khẩu nông sản nói chung, rau củ quả nói riêng lớn nhất thế giới. Nhưng vì sao tỷ lệ nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam vẫn lớn đến vậy? Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng: Câu trả lời là ở khâu tổ chức sản xuất.

Thực tế thấy, phương thức canh tác truyền thống, hàm lượng khoa học - công nghệ áp dụng vào sản xuất thấp, khiến năng suất, chất lượng rau củ quả của Việt Nam không cao. Đặc biệt, công nghệ sơ chế, chế biến, bảo quản rau củ quả của Việt Nam còn hạn chế, khiến các mặt hàng sau thu hoạch chưa đa dạng. Trong khi đó, một số phân khúc tiêu dùng nhất định lại đòi hỏi cao về mẫu mã, chất lượng và cách thức chế biến rau củ quả.

Ngay với mặt hàng chủ lực - gạo, là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng một nghiên cứu mới đây trên chuyên trang cơ sở dữ liệu nghiên cứu, phân tích về các ngành kinh tế và kinh doanh Vibiz.vn (Công ty CP Yoilo Toàn cầu) cho thấy, sau khi khảo sát thói quen của người tiêu dùng Việt Nam kết luận, 53% người tiêu dùng Việt Nam thích ăn gạo ngoại xuất xứ Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản… Do vậy, trên thị trường hiện nay, gạo Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản được bày bán tràn ngập các chợ và siêu thị.

“Nông sản Việt như cô gái quê danh giá, chỉ ngồi nhà chờ người khác hỏi mua”

Tại Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp mới đây, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico, chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi là một thương lái” và từng bán được 400 tấn cam một ngày ở chợ Long Biên (Hà Nội), từng xắn tay đi mua cả nông trường những năm 2000. Năm 2002, có ngày tôi cũng xuất khẩu 200-300 tấn vải thiều. Thế nhưng, hiện nay, lực lượng thương lái như tôi không còn nhiều khi không tham gia vào khâu thu mua tận gốc như trước. Thay vào đó là những thương lái Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc vào đến tận vùng sâu, vùng xa, đến bất cứ ngõ hẻm nào của Việt Nam và họ giỏi hơn chúng ta, họ biết Việt Nam có gì ngon nhất, thời điểm nào thu hoạch để thu mua.

Theo bà Thực, nông sản Việt muốn bán hàng cần phải đi ra chợ và một trong những cái chợ lớn nhất thế giới hiện nay chính là Trung Quốc. Nhưng chúng ta chưa có gian hàng nào ở đó, chỉ ngồi ở nhà chờ họ đến mua. Nông sản Việt Nam đang như cô gái quê danh giá, chỉ chờ họ tới nhà tán tỉnh và nói hãy mua tôi đi. Đây là điều chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ, thay vì nghĩ tới những thứ cao sang.

Thực tế thấy, các mặt hàng nông sản đang được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, việc kết nối cung cầu và xây dựng thương hiệu hiện nay chưa thực sự nhiều, điều đó khiến người nông dân và doanh nghiệp đang có một khoảng cách khá xa, trong khi người tiêu dùng thực sự cần là sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc và có thương hiệu.

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
Top