Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Do vậy, việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Nông sản chủ lực của Bảo Yên khó tiêu thụ
Những năm trước, sả và dâu tằm được xác định là 2 trong 5 cây trồng chủ lực của Bảo Yên (Lào Cai). Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trên địa bàn huyện Bảo Yên có 210 ha sả. Sả được người dân tận dụng canh tác tại đất đồi, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Hòa, Xuân Thượng, Vĩnh Yên… Tại vùng trồng sả, người dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), phát huy hiệu quả kinh tế trong thời gian dài.
Nông dân Bảo Yên gặp nhiều khó khăn khi bán kén tằm. Ảnh: Báo Lào Cai
Giai đoạn chuỗi liên kết sản xuất sả hoạt động ổn định, giá lá sả đạt 1.600 - 1.900 đồng/kg. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá thu mua lá sả giảm, các đơn vị chế biến tinh dầu vẫn thu mua để tích trữ. Thế nhưng, sau một thời gian dài, thị trường tiêu thụ tinh dầu sả trong nước vẫn ảm đạm, xuất khẩu tinh dầu sả đóng băng, các đơn vị đã tạm dừng thu mua nguyên liệu. Cây sả phải được chăm sóc, thu hoạch liên tục, việc tạm dừng thu mua khiến người dân không cắt lá sả nữa, cây sả lụi dần, diện tích trồng sả giảm.
“May mắn” hơn cây sả, sản phẩm kén tằm của huyện Bảo Yên dù rớt giá nhưng chuỗi liên kết giữa sản xuất và bao tiêu vẫn được duy trì. Trước đây, kén tằm Bảo Yên được thu mua với giá 120.000 đồng/kg, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu các sản phẩm từ tơ tằm của Việt Nam gặp khó, kéo theo đó, tình hình tiêu thụ kén tằm chịu nhiều ảnh hưởng, có thời điểm giá kén tằm giảm xuống chỉ còn 60.000 đồng/kg.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, tổng diện tích trồng dâu toàn huyện là 170 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Kim Sơn, Lương Sơn, Minh Tân, Việt Tiến, Cam Cọn, Phúc Khánh.
Ông Trần Quốc Đoàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Hà cho biết: Hợp tác xã liên kết với người dân xã Kim Sơn và khu vực lân cận sản xuất, thu mua kén tằm cho nhà máy chế biến ở Nam Định. Thời điểm này, hợp tác xã đang thu mua kén tằm cho bà con với giá 80.000 - 90.000 đồng/kg. Ảnh hưởng của dịch bệnh không chỉ khiến việc tiêu thụ kén tằm gặp khó khăn mà còn gây tác động tới chất lượng con giống do phải nhập khẩu, thời gian vận chuyển kéo dài. Hợp tác xã vẫn đang nỗ lực đồng hành với người dân trong giai đoạn khó khăn với hy vọng khi thị trường ổn định trở lại, mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo.
Ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Trước tình hình nông sản chủ lực của địa phương gặp khó trong tiêu thụ, ngành nông nghiệp huyện có định hướng trước hết là tập trung vào sản xuất lương thực, thực phẩm để đảm bảo nguồn cung tại chỗ cho người dân. Với vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn người dân thâm canh tăng năng suất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thu hút thêm doanh nghiệp, nhà máy chế biến sâu, sản xuất đảm bảo đủ nguồn cung và con giống cho người dân. Bên cạnh đó, tùy theo lợi thế, thế mạnh của từng vùng, chúng tôi sẽ quy hoạch cụ thể vùng sản xuất hàng hóa với các nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực, nâng cao chuỗi giá trị.
Bảo Thắng: Người nuôi cá như “ngồi trên đống lửa”
Hàng trăm hộ nuôi cá ở thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng, Lào Cai) như “ngồi trên đống lửa” vì giá cá giảm sâu.
Thị trấn Nông trường Phong Hải có hơn 200 hộ nuôi cá theo hình thức thâm canh, bán thâm canh với hơn 100 ha mặt nước. Trung bình mỗi năm, sản lượng cá thương phẩm của thị trấn đạt khoảng 1.000 tấn (chủ yếu là cá chép, rô phi), chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng cá thương phẩm toàn tỉnh. Hiện có gần 400 tấn cá thương phẩm đến thời kỳ thu hoạch đang tồn đọng tại các ao nuôi.
Mỗi ngày, anh Vũ Thế Mạnh (áo đỏ) tốn thêm khoảng 2,4 triệu đồng tiền thức ăn cho cá vì không thể xuất bán. Ảnh Báo Lào Cai.
Nay đang là cao điểm thu hoạch cá, nhưng các ao nuôi tại khu vực thị trấn Nông trường Phong Hải lại im ắng lạ thường, không còn cảnh tấp nập, xe tải ra, vào vận chuyển cá đi khắp nơi tiêu thụ như trước. Giá cá thương phẩm xuất bán tại ao hiện ở mức 33.000 đồng/kg (giảm khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020). Giá cá giảm, thương lái không đến mua trong khi giá thức ăn tăng khiến hàng trăm hộ nuôi cá đối diện nguy cơ lỗ.
Là hộ nuôi cá nhiều năm nay, chưa bao giờ anh Vũ Thế Mạnh, tổ dân phố số 4, lại gặp khó khăn như hiện tại. Mỗi năm, gia đình anh đầu tư tiền tỷ vào 3 ao nuôi cá. Nếu giá cám ổn định (360.000 đồng/bao), giá cá thương phẩm thuận lợi (38.000 - 40.000 đồng/kg), mỗi năm gia đình anh có lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Nhưng nay, gia đình anh mới bán được 1 ao cá (hơn 3 tấn), vẫn còn 2 ao chưa bán được (khoảng 6 tấn). Cá không thể bán, giá cám lại tăng (400.000 đồng/bao) nên mỗi ngày anh Mạnh phải mất khoảng 2,4 triệu đồng chi phí mua cám cho đàn cá.
Anh Vũ Thế Mạnh tâm tư: Trước đây, khi có nhu cầu bán cá, chỉ cần chúng tôi gọi là có cả chục thương lái đánh xe đến tận ao thu mua, thậm chí có người đặt cọc tiền trước để mua cá, nhưng năm ngay nhiều lần gọi bán mà vẫn chưa có thương lái tới xem. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì người nuôi cá chắc chắn lỗ nặng.
Giống như anh Mạnh, 120 hộ nuôi cá tại thôn Khởi Khe cũng ngày ngày bấm bụng đổ thêm tiền xuống ao chờ được xuất bán. Khởi Khe là thôn tập trung diện tích mặt nước và số hộ nuôi cá nhiều nhất thị trấn Nông trường Phong Hải. Ông Bàn Trọng Nghĩa, Trưởng thôn Khởi Khe cho biết: Nghề nuôi cá hình thành ở thôn khoảng 10 năm nay, đặc biệt phát triển từ năm 2014 - 2015. Khi thị trường ổn định, cùng trên một diện tích, việc nuôi cá mang lại lợi nhuận gấp 6 lần trồng lúa. Nhiều hộ trong thôn đã có của ăn, của để nhờ nuôi cá. Có nhiều hộ đầu tư vài ha mặt nước để nuôi cá, nên thời điểm hiện tại lại càng khó khăn vì mỗi ngày số tiền mua thức ăn cho cá tốn khoảng 10 triệu đồng. Trong thôn cũng có 7 hộ đầu tư xe tải chở cá đi các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Điện Biên, Lai Châu… nhưng nay chỉ có 1 - 2 hộ mua nhỏ lẻ để bán cho các đầu mối trong tỉnh.
Theo đánh giá của UBND thị trấn Nông trường Phong Hải, giá cá thương phẩm giảm do thị trường khó tiêu thụ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Lê Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải, mỗi xe tải chở cá đi các tỉnh tiêu thụ thường có 3 người phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR với chi phí 750.000 đồng/lần. Hiệu lực của kết quả xét nghiệm ngắn, giá tiền cao nên không mấy tiểu thương chở cá đi tiêu thụ ở tỉnh khác. Ngoài ra, nhu cầu thị trường giảm khiến người dân rất khó bán cá mặc dù giá đã giảm sâu. Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý chờ giá tăng mới xuất bán, nên sản lượng cá thương phẩm tồn đọng lớn.
Ông Cương cho biết thêm: Trước những khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ cá, UBND thị trấn đã báo cáo và đề xuất huyện, một số sở, ngành của tỉnh tìm giải pháp tháo gỡ. “Chúng tôi mong các cấp, các ngành kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến cá và sản xuất thức ăn cho cá ngay tại địa phương để giảm áp lực cho người nuôi. Chỉ cần một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến cá (400 tấn/năm giai đoạn 1; 800 tấn/năm giai đoạn 2) có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân khu vực thị trấn và huyện Bảo Thắng, đồng thời tận dụng phụ phẩm từ chế biến để sản xuất thức ăn cho cá.
Nông dân Tuần Giáo thất thu
Người dân bản Lồng (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) thu hoạch sơn tra. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ
Theo thống kê của UBND huyện Tuần Giáo (Điện Biên), năm nay sơn tra được mùa, tổng sản lượng sơn tra ước đạt trên 900 tấn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quả sơn tra không có người mua, giá giảm kịch sàn. Những năm trước, sơn tra bán ven quốc lộ có giá 30.000 đồng/kg quả loại 1; bán đổ cũng từ 7.000 - 10.000 đồng/kg đối với quả loại 2 và loại 3. Nhưng nay thì giá bán 1.000 - 2.000 đồng/kg cũng chẳng có người hỏi mua.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Để giúp người dân tháo gỡ phần nào khó khăn trong tiêu thụ quả sơn tra, ngày 20/8 UBND huyện Tuần Giáo đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn huyện hỗ trợ trong việc kết nối, tiêu thụ sơn tra. UBND huyện đã phối hợp với Bưu điện huyện Tuần Giáo, Bưu điện tỉnh đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đưa sản phẩm sơn tra Tuần Giáo lên sàn thương mại điện tử POSTMART, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển nông sản đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay số lượng sơn tra tiêu thụ rất ít.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội LHPN xã Tỏa Tình đã thành lập Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc xã Tỏa Tình để giới thiệu, bày bán nông sản, trong đó có quả sơn tra, song sức tiêu thụ cũng không mấy cải thiện.
Ông Lê Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình cho biết: Hợp tác xã đã liên hệ với các cơ sở sản xuất, chế biến quả sơn tra ngoài tỉnh theo đầu mối những năm trước, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên có cơ sở sản xuất dừng hoạt động, có cơ sở giảm công suất đã lựa chọn hàng từ các địa bàn lân cận để giảm giá thành nên từ chối đặt hàng. Thành viên hợp tác xã cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội nhưng hiệu quả không cao. Từ đầu vụ đến nay, tổng sản lượng sơn tra hợp tác xã bán giúp người dân chỉ đạt khoảng 3 tấn.
Nhiều doanh nghiệp chịu lỗ
Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green là một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm gạo Điện Biên chất lượng cao lớn nhất tỉnh. Hiện nay, Công ty đang là chủ thể của chuỗi liên kết sản xuất gạo an toàn có vùng nguyên liệu trên 100ha tại 2 xã: Thanh An và Thanh Xương (huyện Điện Biên), với 400 hộ dân tham gia. Bình quân mỗi vụ lúa, Công ty thu mua khoảng 500 - 600 tấn thóc, sau đó chế biến và tiêu thụ tại các thị trường: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hải Dương, Đà Nẵng… Thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, sản phẩm gạo của Công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, có những thời điểm “cháy hàng”. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, lượng hàng tồn kho nhiều khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty bị gián đoạn, thua lỗ.
Bà Hoàng Thị Hiên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green cho biết: Lúa gạo là sản phẩm thiết yếu nên các đại lý, siêu thị vẫn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là không có phương tiện vận chuyển hàng hóa do nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Những phương tiện được phép lưu thông lại nâng phí vận chuyển lên rất cao, khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg gạo thành phẩm. Nếu chấp nhận mức giá vận chuyển đó thì doanh nghiệp không có lợi nhuận, còn bị lỗ. Đầu vụ Công ty thu mua thóc tươi với giá 9.000 đồng/kg. Sau quá trình chế biến, đóng gói, bao bì, dán tem chỉ dẫn địa lý, nhãn mác… 1kg gạo thành phẩm trị giá khoảng 18.000 đồng, thêm cước vận chuyển 5.000 đồng/kg sẽ nâng mức giá gạo lên khoảng 23.000 đồng/kg.
Trong khi Công ty ký hợp đồng với khách hàng mức giá 22.500 đồng/kg. Như vậy, Công ty phải chịu lỗ 500 đồng/kg. Đó là chưa tính các chi phí về nhân công, khấu hao máy móc, lãi suất ngân hàng… Hiện nay Công ty chưa đầu tư được hệ thống nhà kho bảo quản đủ tiêu chuẩn nên bắt buộc phải bán thóc với giá rẻ để cắt lỗ trước vụ thu hoạch lúa mới. Năm 2020, Công ty tồn kho 60 tấn thóc. Năm nay, dù lường trước ảnh hưởng dịch Covid-19 và có phương án ứng phó song lượng hàng tồn kho vẫn còn khoảng 30 tấn. Nếu 1 - 2 tháng tới, dịch bệnh chưa được kiểm soát, vụ lúa mùa năm nay, Công ty sẽ không thể bao tiêu 100% diện tích vùng liên kết.
Tương tự, Công ty TNHH Hương Linh cũng đang phải gồng mình chịu lỗ khi doanh thu bán chè từ đầu năm đến nay giảm 60% so với những năm trước.
Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh cho biết: Hiện nay, Công ty đang triển khai 2 hình thức bán hàng: Trực tiếp tại thị trường nội tỉnh và online đối với thị trường ngoại tỉnh, trong đó hình thức online chiếm 60% doanh số. Khi dịch Covid-19 phức tạp, lây lan nhanh khiến các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì kênh bán hàng online cũng ngừng hoạt động. Doanh thu từ thị trường ngoài tỉnh gần như bằng 0 vì không thể vận chuyển sản phẩm đến người tiêu dùng. Do đó, lượng hàng tồn kho năm nay tăng so với những năm trước. Để hạn chế thua lỗ, từ nay đến cuối năm Công ty sẽ tập trung toàn lực khai thác thị trường nội tỉnh.
Dịch Covid-19 là khó khăn chung của cả nước song các chủ thể kinh tế vẫn mong mỏi giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Trung Quốc nhập khẩu trở lại thanh long và chuối của Việt NamCục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đối với mặt hàng chuối, hiện nay đã chính thức được thông quan trở lại qua cặp cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc). Còn đối với quả thanh long, hiện chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu đã có thông báo cho thông quan trở lại. Tuy nhiên, hai bên đang tiếp tục hội đàm và thống nhất các biện pháp kiểm dịch để thông quan chính thức. Do đó, hiện tại thanh long chưa được thông quan bình thường trong thời điểm này. Doanh nghiệp cần theo dõi thông tin để tránh tình trạng vận chuyển hàng lên cửa khẩu nhưng không xuất khẩu được. Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng biện pháp đóng cửa tạm thời, hạn chế một số cửa khẩu thông thương với Việt Nam do lo ngại dịch COVID-19 diến biến phức tạp. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã gửi thông báo tới các địa phương để thông tin đến các cơ sở sản xuất, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc biết, nhằm tránh tình trạng vận chuyển hàng lên cửa khẩu nhưng không xuất khẩu được. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng hơn 600.000 tấn thanh long. Chuối cũng được trồng nhiều tại các tỉnh phía Nam phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Từ nay đến cuối năm, sản lượng chuối còn khoảng trên 560 nghìn tấn, tập trung tại các tỉnh gồm: Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh… |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…