Nhờ biết khai thác lợi thế sẵn có, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cùng các món ăn ẩm thực độc đáo của người Tày, chị Hà Thị Vân, sinh năm 1991, ở thôn Na Lo, xã Tà Chải (Bắc Hà - Lào Cai) đã khá thành công với mô hình dịch vụ lưu trú hometay.
Vân cũng là điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, cho hiệu quả kinh tế thiết thực.
Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Mỗi dịp cuối tuần, lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Hà đông hơn. Họ tìm hiểu, khám phá các sắc màu văn hóa, qua hoạt động chợ phiên vùng cao, hòa mình trong “chợ đêm thứ 7” hay đến thăm thú các bản làng du lịch cộng đồng hometay…
Theo chân họ, chúng tôi đến thăm mô hình du lịch cộng đồng của chị Hà Thị Vân. Trước đó, chúng tôi từng nghe nhiều về những đặc sắc của du lịch bản, làng, song thật may mắn khi được chứng kiến đêm văn nghệ, biểu diễn múa xòe phục vụ du khách của chị em phụ nữ thôn Na Lo. Buổi tối tĩnh lặng với không gian yên bình, mát mẻ, nhịp xòe “uyển chuyển” hòa cùng âm thanh “dìu dặt” của tiếng đàn Tính, tiếng chiêng, tiếng trống… khiến đoàn khách nước ngoài rất thích thú. Họ giao lưu, kết nối vòng tay thân ái qua điệu xòe vòng rồi bắt tay thân mật, cùng các thành viên đội xòe nâng chén rượu ngô Hồng Mi Bản Phố thơm nồng.
Chị Vân, chủ cơ sở lưu trú “Vân Khuya”, cho biết: “Khách du lịch mỗi khi đến đây rất thích xem biểu diễn múa xòe. Chính vì vậy, chúng em luôn sử dụng điệu The (múa xòe Tà Chải) như một “báu vật” để tạo điểm nhấn hấp dẫn khách. Qua mỗi tối như vậy, khoảng 2 tiếng, chị em đội xòe có thêm thu nhập “chính đáng” từ phát huy bản sắc văn hóa quê hương qua phục vụ nhu cầu của du khách”.
Để phát triển mô hình du lịch của mình, bên cạnh việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Vân cũng lựa chọn các món ăn ẩm thực “độc đáo” của địa phương như: Thắng cố, mèn mén, xôi bảy màu, bánh chưng đen,… phục vụ du khách. Quan trọng nhất là việc thay đổi phong cách phục vụ nhằm hướng đến sự hài lòng của du khách, để họ thấy du lịch cộng đồng thực sự thân thiện, gần gũi, hấp dẫn và… có thể đặt tour lâu dài.
Mô hình đầy triển vọng
Sau khi tốt nghiệp Trường CĐSP Lào Cai, Vân lập gia đình, sinh con và ra ở riêng. Khi ấy, còn trẻ, công việc chưa có, cuộc sống gia đình chỉ trông vào đồng lương của chồng nên kinh tế khá eo hẹp. Sau nhiều trăn trở, chị quyết định lựa chọn mô hình du lịch cộng đồng bởi nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế để phát triển. “Vợ chồng em cũng luôn cố gắng để nâng cao hiệu quả và tính “ bền vững” của mô hình này”, Vân nói.
Vượt qua khó khăn ban đầu, hiện tại, lượng khách đến với gia đình chị khá ổn định, luôn duy trì 50-70 lượt người/tháng, thu nhập bình quân của cơ sở đạt 10- 20 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về duyên khởi nghiệp của mình, Vân cho biết: “Những ngày đầu khi mới chập chững bước vào nghề, em cũng gặp phải không ít khó khăn bởi thời điểm đó, một phần do bản thân còn thiếu kinh nghiệm về du lịch, nên rất ít tour khách, thêm nữa do là người địa phương, vốn tiếng Anh giao tiếp rất hạn chế... Vấn đề phục vụ nhu cầu của khách cũng rất “vụng về”, bởi mình là nông dân thiếu cơ bản những yếu tố cần thiết để làm du lịch chuyên nghiệp, chỉ nghĩ đơn giản mình có nhà sàn rộng… nếu không làm phòng ở cho khách thì để không vậy cũng rất lãng phí”.
Thế rồi, Vân mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn về du lịch mở tại huyện để có thêm kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết làm du lịch cộng đồng. Chị tự trau dồi tiếng Anh thông qua tự học trên internet và trò truyện thực tế cùng khách nước ngoài. Vân cũng tìm hiểu cách nấu các món ăn phù hợp với nhu cầu ẩm thực của khách du lịch. Đáng chú ý, du khách khi đến tham quan nghỉ dưỡng, sẽ được trực tiếp tham gia các hoạt động sinh hoạt của gia đình như: Đi làm nương, trồng rau màu, chăm sóc vườn mận Tam Hoa hay trực tiếp tổ chức các bữa ăn hàng ngày… Tất cả những điều đó, khiến khách du lịch rất thích thú và đặt tour ngày càng nhiều hơn.
Gia đình bà Joli, đến từ Cộng hòa Pháp, sau khi đến Bắc Hà, đã chọn địa điểm lưu trú của Vân để nghỉ dưỡng. Qua chia sẻ, bà Joli Ana cho biết, mặc dù bà và các thành viên gia đình đã đi du lịch ở nhiều nơi, cũng đã trải nghiệm nhiều mô hình làm du lịch cộng đồng homestay ở nhiều địa phương, song khi đến đây, được trực tiếp tham gia các hoạt động cùng với gia đình chị Vân, bà cảm thấy rất thú vị.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Vân còn là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nậm Châu. Nhiều chị em trong chi hội nhận xét: Vân là người nhiệt tình, có trách nhiệm trước công việc, dám nghĩ, dám làm... Bản thân chị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tích cực vận động nhân dân và chị em phụ nữ thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mô hình lưu trú homestay đã và đang khẳng định là hướng đi đúng, phù hợp trong khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Từ hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng của Hà Thị Vân và một số mô hình khác, là cơ sở để Bắc Hà đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, bản, qua đó gắn việc duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với công tác phát triển du lịch trên địa bàn.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.