Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 6 năm 2019 | 15:45

Nữ khoa học nặng tình với nhà nông

ThS. Dương Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh), đùa với tôi rằng, người say sưa với nông nghiệp, làm khoa học như chị luôn gắn với cái “mác” nông dân.

cn1.jpg
ThS. Dương Thị Ngân hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân vi sinh.

 

Làm bạn với ruộng đồng, với từng thí nghiệm, trăn trở lớn nhất của chị là làm thế nào để giúp nông dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hiệu quả nhất.

Biến ước mơ thành hiện thực

Sinh ra trong gia đình có truyền thống giáo dục từ nhỏ, ThS. Dương Thị Ngân  ước mơ sau này lớn lên sẽ theo sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Tốt nghiệp Đại học tổng hợp năm 1994, ra trường chị về công tác tại Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Hà Tĩnh (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) với nhiều vị trí khác nhau và có lẽ cái duyên với khoa học cũng từ đó.

Tự lập từ nhỏ, vươn lên trong gian khó, thiếu thốn nên chị thấu hiểu cái giá của thành công. Để có được ngày hôm nay, ít ai biết được chị đã trải qua nhiều khó khăn, với những thăng trầm trong sự nghiệp làm khoa học.

Chị Ngân chia sẻ, vào thời điểm chị mới đi làm, đất nước còn khó khăn về kinh tế, khoa học công nghệ chưa được chú trọng phát triển, điều kiện nghiên cứu không được như bây giờ nhưng chị vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn, càng nghiên cứu càng thấy yêu công việc mình làm. Niềm vui của người làm khoa học và các sản phẩm mình dày công nghiên cứu, chuyển giao được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Khoa học đồng hành cùng người dân

Sinh ra ở vùng biển Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh), từ nhỏ, thấy người dân làm mắm rất vất vả, tốn nhân công, chị Ngân ấp ủ ước mơ sẽ giúp bà con bớt gánh nặng. Từ đó chị đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu, hoàn thiện và nâng cấp công nghệ náo đảo tự động, kết hợp giữa năng lượng mặt trời và hệ thống ổn nhiệt để tạo ra nhiệt độ phù hợp giúp chuyển hóa tối đa nguyên liệu. Cách làm này giúp duy trì nhiệt độ ổn định, thay thế các công đoạn náo đảo và giang phơi theo phương pháp truyền thống, tiết kiệm chi phí nhân công, tạo ra loại nước mắm màu sắc đẹp, hương vị thơm ngon hơn. Ứng dụng trên thực tế cho thấy, quy trình công nghệ mới rút ngắn thời gian chế biến nước mắm khoảng 6 tháng và lượng nước mắm cốt thu được nhiều hơn 30% so với trước.

Say mê nghiên cứu khoa học, đồng cảm với nỗi vất vả của bà con, nhiều  nông dân Hà Tĩnh cũng đã quen với hình ảnh chị cùng cán bộ Trung tâm đến từng thôn, xã để tư vấn, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất giống cây, con, ứng dụng các chế phẩm sinh học làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, xử lý môi trường chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Trước nhu cầu thực tiễn của địa phương, chị Ngân cùng đồng nghiệp đã không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm nghiên cứu và sản xuất thành công các chế phẩm vi sinh vật hữu ích để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như Hatimic xử lý phế phẩm phụ phẩm nông nghiệp và rác thải hữu cơ làm phân bón; chế phẩm Hatibio xử lý mùi hôi chuồng trại chăn nuôi và xử lý điểm tập kết rác thải sinh hoạt; chế phẩm Bio-ra xử lý nhanh gốc rạ tại ruộng, chế phẩm nấm rễ cộng sinh giúp tăng cường khả năng chống chịu của bộ rễ…, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV, nâng cao chất lượng nông sản, tiết kiệm chi phí sản xuất. Các chế phẩm khi nghiên cứu thành công được ứng dụng cho các xã nông thôn mới, sau thấy hiệu quả nên được triển khai trên toàn tỉnh, được thị trường đánh giá cao.

Hiện chị đang cùng đồng nghiệp phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới, Chi cục bảo vệ môi trường, Hội Phụ nữ và một số địa phương thực hiện nghiên cứu đồng bộ hóa công tác quản lý và kỹ thuật trong thu gom phân loại xử lý nước thải và rác thải sinh hoạt tại nguồn, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường và tái sử dụng hiệu quả rác thải sinh hoạt làm phân bón cho trồng trọt, giảm thiểu chi phí xử lý tập trung.

 

cn3.jpg
Ths Dương Thị Ngân giới thiệu công nghệ năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống ổn nhiệt và náo đảo tự động nâng cao năng suất và chất lượng nước mắm.

 

Từ 2017 đến nay, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Hà Tĩnh, một trong những đơn vị tự chủ, tự trang trải 100% kinh phí chi thường xuyên theo Nghị định 115/2005/NĐ – CP, nay là Nghị định 54/2016 NĐ - CP của Chính phủ. Trên cương vị mới, chị và đồng nghiệp đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí của mình trong công tác chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, tạo ra các sản phẩm khoa học gắn với thị trường, tạo nguồn thu, chăm lo đời sống cho 20 nhân viên và nhiều lao động thời vụ.

Hiện, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ được đầu tư khang trang với nhiều xưởng sản xuất, nhà lưới, phòng thí nghiệm, vườn ươm, là điều kiện thuận lợi hơn để chị và đồng nghiệp phát huy thế mạnh trong nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các sản phẩm khoa học công nghệ, là nơi ươm tạo công nghệ để chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn.  

25 năm gắn bó với khoa học, ThS. Dương Thị Ngân đã gặt hái nhiều thành công trong nghiên cứu và trực tiếp chủ trì, quản lý, tham gia nhiều đề tài cấp nhà nước, dự án cấp bộ, cấp tỉnh phù hợp với thực tế nông thôn, có hiệu quả cao như: Nghiên cứu sản xuất các chế phẩm sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và xử lý môi trường; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống ổn nhiệt và náo đảo tự động nâng cao năng suất và chất lượng nước mắm; nghiên cứu công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo trên môi trường nhân tạo; nghiên cứu công nghệ mô – hom sản xuất một số giống cây trồng; xây dựng mô hình cộng đồng ngăn ngừa hoang mạc hóa và thoái hóa đất vùng ven biển Hà Tĩnh; khai thác và phát triển một số nguồn quỹ gen quý hiếm tại Hà Tĩnh…

Chị Ngân là nhà khoa học được tặng nhiều Bằng khen của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh; Giải thưởng sáng tạo Việt Nam lĩnh vực biến đổi khí hậu do Ngân hàng Thế giới tổ chức, Giải thưởng môi trường Việt Nam… Ghi nhận những thành tích đạt được năm 2018, chị đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Giản dị trong cuộc sống, nhiệt tình, tâm huyết với công việc nghiên cứu khoa học, ThS. Dương Thị Ngân lúc nào cũng trăn trở với những vấn đề gắn bó với cuộc sống nông dân, chị luôn tâm niệm, việc nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất quan trọng, nhằm tăng hiệu quả đầu tư, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm.  Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đất đai và chiếm nhiều nhân công lao động thì càng cần có sự tham gia vào cuộc của các nhà khoa học cùng đồng hành với người dân. Theo chị Ngân, làm khoa học khó, khó không phải là khổ. Khó để ta phải vượt qua thôi. Có khó, có vất vả mới là làm khoa học.

 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    UBND thành phố Huế vừa phối hợp cùng với Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD).

  • Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Trong hai ngày 16-17/3 (nhằm mồng 7 và mồng 8 tháng hai âm lịch) đã diễn ra Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An 2024 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với nhiều hoạt động đặc sắc.

  • Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Ngày 15/3, Đoàn bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo Khoa học Thanh niên với chủ đề “Thanh niên ứng dụng chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại”.

Top