Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 9 năm 2021 | 9:6

Nữ sinh nghèo nhịn bữa sáng, đi nhổ cỏ thuê đậu Đại học Y Vinh, mong được đến giảng đường

Hằng Nga là chị cả trong gia đình có 3 chị em, có bà nội là mẹ liệt sĩ 97 tuổi bị liệt toàn thân, cha bị thoái hóa xương khớp nặng, mẹ bị bệnh tim. Vượt nghịch cảnh, Nga xuất sắc đậu vào Đại học Y Vinh, mơ ước trong tầm tay đành gác lại vì nhà quá nghèo .

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Nguyễn Thị Hằng Nga (SN 2003, trú tại xóm 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh), học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phúc Trạch, xuất sắc trúng tuyển Trường Đại học Y khoa Vinh (bác sĩ đa khoa),  đạt 27,05 điểm thi và điểm vùng ưu tiên (Khối B: Toán 9, Hóa 8,50, Sinh 9). Cánh cổng trường đại học đã mở rộng chào đón, ước mơ trở thành bác sỹ đa khoa đã trong tầm tay nhưng Nga lại ngậm ngùi lau nước mắt trong lo lắng buồn tủi vì nhà quá nghèo.

img_1629885724640_1632910671158.jpg

Cánh cổng trường đại học đã mở rộng chào đón, nhưng với em, giường như ước mơ được đến trường vẫn còn xa bởi gia cảnh quá nghèo.

 

 

Cả gia đình 3 người lớn đều bệnh tật thường xuyên. Bà Nội của em là mẹ liệt sĩ (97 tuổi), bị liệt toàn thân, nằm một chỗ phải có người chăm sóc thường xuyên. Mẹ em là chị Nguyễn Thị Lan, 45 tuổi, nhưng rất gày và yếu, chỉ nặng vỏn vẹn 38kg, đang bị bệnh tim, khi làm việc nặng hoặc hoạt động nhiều gắng sức mẹ lại lên cơn khó thở. Cha em là anh Nguyễn Văn Thắng (49 tuổi) bị thoái hóa cột sống nặng do  thường xuyên bốc vác kiếm tiền về nuôi cả nhà. Cuộc sống của cả gia đình 6 miệng ăn  chỉ trông vào 1.000m2 đất nông nghiệp, nên dù bệnh tật, đau ốm liên miên nhưng cha mẹ em vẫn phải ráng sức thay nhau vừa chăm bà, vừa tranh thủ ai kêu gì làm nấy để chạy ăn từng bữa cho cả gia đình. Hơn hai năm lại đây, mọi thứ lại càng trở nên bế tắc khi bố em bị tai nạn ngã thang trong lúc làm việc, tình hình dịch bệnh phức tạp nên công việc cũng ít hơn, khó khăn lại càng chồng chất.

img_1629889395275_1632910623117-1.jpg

Cả 3 năm THPT, Hằng Nga đều là học sinh giỏi toàn diện của Trường THPT Phúc Trạch.

Mặc dù gia cảnh hết sức khó khăn nhưng  em luôn nỗ lực học tập và phấn đấu. Ba năm THPT, Hằng Nga đều là học sinh giỏi của trường, là lớp phó học tập; là đoàn viên ưu tú, tham gia tích cực vào các hoạt động của đoàn, hội. Tháng 5 năm 2021, Nguyễn Thị Hằng Nga được Chi bộ Trường THPT Phúc Trạch kết nạp vào Đảng.  

Suốt những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, Nga không có lấy một buổi học thêm, cũng không có nổi một bữa sáng lót dạ. Em tâm sự: “Em không có tiền để đi học thêm, bài vở em đều tự ôn luyện tại nhà. Em cũng không có bữa sáng, bình thường em đợi đến trưa rồi ăn luôn. Phải lâu thật lâu nhà mới có tí cá, tí thịt mẹ mua nhưng cũng để dành cho bà nội và 2 em nhỏ. Còn cha mẹ và em thì cứ đều đặn cơm rau và nhút”.

img_1629885678282_1632910645127.jpg

Bà nội của Nga bị liệt phải nằm một chỗ nhiều năm nay.

Trong khi các bạn cùng trang lứa phấn khởi với niềm vui vào đại học được ba mẹ thưởng quà thì Hằng Nga lại khác. Em vẫn còn đó nỗi lo canh cánh vì còn hai em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, bố mẹ sức khỏe ngày một yếu đi. Nếu bây giờ em đi học nữa thì gia đình không đủ khả năng. Cầm tờ giấy báo trên tay, ước mơ đã cận kề giờ lại đành khép lại vì hoàn cảnh, mỗi lần nghĩ đến đó là Nga lại bật khóc nức nở, vừa buồn vừa tủi vừa xót xa cho hoàn cảnh của gia đình.

"Từ khi nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Y khoa Vinh, ban ngày Nga đi nhổ cỏ thuê với mẹ thấy vui hơn và cố gắng rất nhiều, cháu làm không biết giờ giấc. Nhưng về đêm, tôi biết hầu như đêm nào Nga cũng khóc cho chặng đường phía trước của mình, có lần Nga nói: Ước gì ngày nhận giấy báo nhập học không đến với con chắc gia đình ta suy nghĩ nhẹ nhàng hơn phải không mẹ? Những câu nói của Nga như ngàn cây kim đâm vào trái tim của một người mẹ như tôi”, mẹ Nga chia sẻ.

img_1629944633227_1632910610394.jpg

Rời sách bút là Hằng Nga lại theo mẹ đi nhổ cỏ, bọc cam thuê để kiếm tiền phụ cha mẹ có thêm tiền chạy bữa cho cả nhà.

 

Sở dĩ Hằng Nga khao khát được vào Trường Đại học Y vì em muốn sau này khi tốt nghiệp, có thể trở về chữa bệnh cho những người nghèo như cha mẹ em ở vùng sâu, vùng xa trên chính mảnh đất quê hương. Em biết chỉ có học, học thật giỏi  thì em mới có thể giúp cha mẹ em thoát khỏi cảnh nghèo đói, lay lắt.

Trong căn nhà xập xệ trống huơ, trống hoác, chị Lan yếu ớt đưa bàn tay gày gò vuốt mái tóc cô con gái nhỏ khóc nghẹn, nói không thành tiếng: “Biết bố mẹ sức khỏe yếu, đông con lại nghèo nên Nga luôn chăm chỉ học. Từ bé đến lớn em chưa  bao giờ đòi hỏi cha mẹ một điều gì. Nhiều người thấy gia cảnh khó khăn quá cũng bảo với chị cho Nga học hết cấp 3 được rồi, đừng vào đại học nữa vì cả nhà giờ còn phải lo chạy bữa từng ngày. Bản thân chị sức khỏe quá yếu đi làm ngày có ngày không, cả ngày có lúc còn chưa được 100.000 đồng, tiền ăn cho cả nhà còn không đủ thì lấy đâu ra để trang trải chi phí  học hành, ăn uống, sinh hoạt cho cháu. Hơn nữa, với trường y lại càng vất vả vì theo chuyên ngành phải học tới tận 6 năm, chi phí cho học tập, thực hành cao hơn rất nhiều so với các trường khác.

img_1629944616865_1632910627886-3.jpg

Từ lúc nhận giấy báo nhập học đến nay, câu chuyện của mẹ con Nga lúc nào cũng xoay quanh việc học hành của Nga và kết thúc bằng những giọt nước mắt.

 

Biết là vậy, nhưng từ lúc nhận giấy báo nhập học đến nay, thấy Hằng Nga vui hẳn, có những lần đi sinh hoạt Đảng về em lại xúng xính hỏi mẹ: - Mẹ ơi! Con có giống tân sinh viên trường y không mẹ! Rồi con sẽ cố gắng học thật giỏi để chữa bệnh cho bà con quê mình, cho bà, cho cha, cho mẹ…”  

Chị ngậm ngùi: “Biết là khó khăn, là sẽ vất vả hơn trước rất nhiều. Nhưng cố được từng nào tôi cũng sẽ cố để cô con gái bé nhỏ đỡ tủi thân. Chỉ mong sắp tới đây cháu ra Vinh nhập học sẽ được các nhà hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ giúp cháu”.

Còn Nga lại nói trong nghẹn ngào: Cô chú ơi, khi cháu nhận được giấy báo nhập học như nhận được ánh sáng phía cuối đường hầm. Cả nhà vui mừng trong chốc lát nhưng rồi mọi hy vọng  lại sớm vụt tắt. Cháu ước rằng mình sẽ gặp được một chương trình tài trợ, hay là một quỹ phi chính phủ, hoặc một tập đoàn nào đó… cho cháu được vay tiền thực hiện ước mơ ngồi trên giảng đường y khoa để cháu có thể trở thành bác sỹ. Khi đó cháu  sẽ cố gắng học thật giỏi để có thể cống hiến hết mình cho ngành y và không phụ lòng giúp đỡ của mọi người.

img_1629886032692_1632910638343.jpg

Căn nhà nơi cô học trò nghèo ngày ngày nhịn ăn bữa sáng và đi nhổ cỏ thuê để đến trường.

Cô Hà Thị Quyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 - Trường THPT Phúc Trạch, chia sẻ: Gia đình em Hằng Nga rất nghèo, hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Nhưng Nga luôn cố gắng chăm chỉ học tập. Nga không có điều kiện đi học thêm, chỉ học ở trường và về nhà tự ôn luyện. Cả 3 năm liền em đều là học sinh giỏi toàn diện của trường, là đoàn viên ưu tú và vinh dự được kết nạp Đảng ngay tại trường. Em Nga học đều và rất giỏi tất cả các môn, ý thức học rất tốt.

Rất mong Hằng Nga sẽ nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các cơ quan, đoàn thể… để em được viết tiếp ước mơ của mình. Đó không chỉ là niềm hạnh phúc của riêng gia đình em mà còn là niềm vui, niềm tự hào và mong muốn của nhà trường và rất nhiều người biết đến tấm gương về nghị lực học tập của em.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:

1. Trực tiếp: Em Nguyễn Thị Hằng Nga

Xóm 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh

Điện thoại: 0343171003

2. Ủng hộ qua Tạp chí Kinh tế nông thôn

Ghi rõ nội dung ủng hộ em Nguyễn Thị Hằng Nga (Hương Khê - Hà Tĩnh)

Chuyển khoản Tạp chí Kinh tế nông thôn

Số tài khoản: 114000000924

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Hai Bà Trưng

 

Hoàng Hằng - Đình Lụa
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top