Với mô hình nuôi dế, anh Nguyễn Kim Ngữ ở thôn Bình Minh, xã Bách Thuận (Vũ Thư - Thái Bình) không chỉ có nguồn thu nhập ổn định mà còn thu hút nhiều nông dân tham gia liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Năm 2010, anh Ngữ dành toàn bộ vốn liếng tích góp đầu tư nuôi dế bởi dế dễ nuôi, sức đề kháng tốt, công chăm sóc ít mà thị trường tiêu thụ lớn, hiệu quả kinh tế đem lại cao. Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn bởi kinh nghiệm chưa có, nguồn giống không bảo đảm chất lượng nên dế nuôi bị chết nhiều, thất thu hơn 100 triệu đồng.
Sau đó, anh vào Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) để tìm và nhập giống dế có chất lượng về nuôi. Anh cũng quan tâm hơn đến môi trường sống của dế, chịu khó lên mạng nghiên cứu cách thiết kế chuồng nuôi bảo đảm nhiệt độ môi trường, mua thêm vỉ xốp để làm nơi trú ngụ cho dế.
Hiện nay, anh Ngữ thiết kế chuồng nuôi với mái tôn chống nóng, lồng nuôi tách biệt, lắp đặt 4 máy điều hòa để điều chỉnh nhiệt độ nuôi cho phù hợp. Anh chia sẻ thêm: Nuôi dế quan trọng nhất là luôn bảo đảm nhiệt độ trong lồng nuôi đúng với yêu cầu của từng độ tuổi dế. Đối với dế con cần lắp thêm bóng đèn sưởi và bổ sung cám cùng các loại rau xanh cho dế ăn nhằm tăng sức đề kháng. Kinh phí đầu tư mỗi lồng nuôi cũng không quá tốn kém, chỉ hết 200.000 đồng/lồng và có thể nuôi được 10 - 12kg dế thành phẩm.
Toàn bộ khu vực nuôi dế của gia đình anh Ngữ rộng gần 200m2 với 30 lồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm cá truyền thống, kinh doanh cây cảnh nên tổng thu nhập đạt gần 500 triệu đồng/năm.
Anh Ngữ cho biết: Nuôi dế không tốn công chăm sóc, buổi sáng chỉ cần cho ăn rau xanh và thu dọn chuồng nuôi. Tôi có thêm thời gian chăm sóc cây cảnh, đi giao hàng cho khách ở nhiều nơi. Nuôi dế tốn nhất là tiền điện với khoảng 40 triệu đồng/năm nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, vốn đầu tư chỉ 100.000 đồng/kg dế con và sau 3 tháng nuôi có thể thu 5 - 6kg dế thành phẩm, giá bán thị trường 100.000 đồng/kg. Với mô hình này, gia đình thu hút được 5 hộ dân trong xã cùng tham gia liên kết nuôi dế và bao tiêu sản phẩm cho họ. Các thành viên trong tổ liên kết hiện nay có nguồn thu bình quân 120 - 200 triệu đồng/năm nhờ nuôi dế thương phẩm.
Ông Trịnh Xuân Hiểu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bách Thuận, đánh giá: Mô hình nuôi dế của Nguyễn Kim Ngữ là hướng đi mới trong phát triển sản xuất ở địa phương. Anh Ngữ đã duy trì mô hình liên kết các hộ nuôi dế với nhau được hơn 10 năm nay và tạo thị trường đầu ra ổn định cho con dế, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Thời gian tới, xã Bách Thuận sẽ tổ chức các lớp tham quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi dế từ anh Ngữ để nhân rộng mô hình. Hàng năm, xã sẽ động viên, khen thưởng kịp thời đối với nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh giỏi như anh Ngữ nhằm tạo động lực, khí thế thi đua sôi nổi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.