Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 12 năm 2019 | 13:27

Nuôi lợn an toàn sinh học, giải pháp đẩy lùi dịch TLCP

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh vừa tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH) vùng Đồng bằng sông Hồng".

2.JPG
2.JPG

 

Tại Diễn đàn, đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực về giải pháp giữ gìn và phát triển bền vững đàn lợn, cũng như chuẩn bị nguồn cung thực phẩm kịp phục vụ Tết Nguyên đán 2020.

Chăn nuôi ATSH, ngăn ngừa dịch bệnh

Chăn nuôi ATSH là biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học, xuất hiện tự nhiên, hoặc do con người tạo ra, gây hại đến con người, gia súc và hệ sinh thái. Nói cách khác, chăn nuôi ATSH là “Tổng thể các biện pháp ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh”.

Lợn được chăn nuôi ATSH sẽ khoẻ mạnh, ít bệnh, nhanh lớn, tốn ít thức ăn. Mặt khác, lợn nái khoẻ mạnh, nhanh lên giống, số con trên nái/năm tăng, tỷ lệ hao hụt sau cai sữa thấp. Người  chăn nuôi tránh được các bệnh nghề nghiệp, do nhiễm liên cầu khuẩn, xoắn khuẩn...

Các nguyên tắc chăn nuôi ATSH:

Nguyên tắc 1: Cách ly, kiểm soát vào/ra khu vực chăn nuôi, cách ly lợn giống. Kiểm soát con người, phương tiện vận chuyển; sát trùng chuồng trại, trang thiết bị dụng cụ. Kiểm soát thức ăn, thực phẩm, tối đa đưa thực phẩm vào trại 1 lần/tuần. Kiểm soát môi trường nuôi, hệ thống cấp nước, khí sạch; và các động vật, côn trùng khác: gia súc thả rông, chuột, côn trùng, ruồi muỗi.

Nguyên tắc 2: Vệ sinh, loại bỏ bụi bẩn không nhìn thấy bằng mắt thường. Làm sạch quần áo, chuồng nuôi cả trong và ngoài. Vệ sinh khô, thu gom rác, chất thải; vệ sinh ướt, cọ sạch dụng cụ, chuồng trại, thực hiện sau khi đã vệ sinh khô.

Nguyên tắc 3: Tổng vệ sinh khử trùng khi kết thúc 1 lứa nuôi; chỉ sử dụng các chất khử trùng được khuyến cáo.

Cuối cùng là xử lý chất thải trong chăn nuôi: lợn bệnh, lợn chết; xử lý chất thải chăn nuôi, bằng cách ủ phân hiếu khí. 

Tuy nhiên, ngoài chăn nuôi ATSH, tại Diễn đàn, nông dân 5 địa phương vùng ĐBSH còn biết thêm về công nghệ chăn nuôi lợn sinh học của Nhật Bản, do Công ty cổ phần FUKOKU Hà Long (Hà Nội) giới thiệu. Nguyên liệu thức ăn gồm: ngô hạt, khô đậu tương; cám gạo, bột cá, cám mạch (hoặc khoai sắn, rau, củ, quả); bột đá, nước, men vi sinh độc quyền của người Nhật. Tất cả nguyên liệu trên, trộn lẫn với nhau, ủ kín 7 – 10 ngày (thời hạn bảo quản 1 năm), sau đó cho lợn ăn, có thể kháng bệnh DTLCP. Đây là phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống cho lợn, đã thành công ở Nhật Bản. 

Ông Nguyễn Quang Hiệu, Giám đốc Công ty, cho biết, chi phí để sản xuất 1 tấn nguyên liệu nói trên khoảng 7 triệu đồng. Trong đó, quan trọng nhất là men vi sinh của Nhật, DTLCP đi theo đường ruột, men vi sinh giúp diệt vi khuẩn gây DTLCP. Nhờ nguồn thức ăn này, đàn lợn trong các trang trại của Công ty luôn khoẻ mạnh, chăn nuôi bình thường, cả trong chuồng kín và chuồng hở, như không hề có dịch xảy ra. Đặc biệt, bà con không phải dùng thêm bất kỳ loại kháng sinh nào, ngoại trừ việc phải tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.

Sau khi gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Công ty FUKOKU tại Diễn đàn, nhiều bà con đã hẹn lịch làm việc và hợp tác.

Nỗ lực của các địa phương

Tham gia buổi toạ đàm có đại diện 5 tỉnh, thành vùng ĐBSH : Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.

Mặc dù Bắc Ninh là tỉnh công nghiệp, sản xuất nông nghiệp năm 2018 chỉ còn 2,7 %, song, mảng nông nghiệp vẫn được quan tâm, đặc biệt là việc giữ gìn đàn lợn giống gốc. Về DTLCP, tính từ tháng 3 – 11/2019, đã có 12.445 hộ/124 xã, phường của 8/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh có dịch, với tổng số 131.087 con lợn mắc bệnh, ước thiệt hại 400 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh đã có 113 đơn vị đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới; 10 xã, phường qua 30 ngày không tái phát dịch. Bệnh chủ yếu xảy ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ sử dụng thức ăn thừa từ bếp ăn tập thể, chủ yếu ở giai đoạn đầu. Số lượng phải tiêu huỷ ít, tỷ lệ chết cao ở lợn nái, đực giống.

Chủ trương của tỉnh là phòng chống, ngăn chặn, hạn chế tối đa dịch lan rộng, song, phải cẩn trọng từng việc. Không tiêu huỷ cả đàn, chỉ tiêu huỷ lợn bệnh, để giảm tổn thất. Để nâng cao chất lượng đàn giống, Bắc Ninh đã chủ động nguồn giống tại chỗ; giao Công ty TNHH lợn giống DABACO nuôi giữ 970 con lợn ngoại, giống gốc. Hàng năm, từ đàn lợn này, đã cung cấp cho các địa phương trên địa bàn 4.000 – 5.000 con lợn giống ông bà, bố mẹ chất lượng cao.

Thời gian tới, Bắc Ninh chú trọng chăn nuôi trang trại tập trung, ngoài khu dân cư, giảm chăn nuôi nhỏ lẻ. Đẩy mạnh chăn nuôi ATSH, VietGAHP, hữu cơ gắn với chuỗi giết mổ, chế biến, tiêu thụ.

Trong khi đó ở Hà Nội, chăn nuôi lợn 9 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do DTLCP, ước thiệt hại 1.170 nghìn con, trong khi nhu cầu thịt lợn của Hà Nội trên 600 – 700  tấn/ngày, tương đương 240.000 tấn/năm. Khó khăn Hà Nội phải đối đầu là ô nhiễm môi trường chăn nuôi lợn lớn; chăn nuôi quy mô lớn gần khu dân cư; chăn nuôi nhỏ lẻ ở gia đình.

Việc kiểm dịch, vận chuyển trong nội thành không được thực hiện, do quy định của Luật Thú y, nên kiểm soát dịch vô cùng khó khăn; chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư lớn (60%), chăn nuôi tự phát chưa được quản lý chặt, nguy cơ lây lan cao. Các chuỗi khép kín, chuỗi liên kết chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô nhỏ. 

Giải pháp thời gian tới các địa phương đưa ra là việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý giống, thực hiện bình tuyển, đánh số, gắn chíp, ghi chép theo dõi, đánh giá chất lượng. Chăn nuôi  theo vùng trọng điểm, phù hợp sinh thái; chăn nuôi theo chuẩn VietGAHP, hữu cơ và ATSH. Xây dựng chuỗi khép kín, chuỗi liên kết, và chuỗi cung ứng điểm, trong đó HTX, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và tiêu thụ là đơn vị đi đầu. Đặc biệt, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng ngày cho thị trường Hà Nội,  trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu.

Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn

Trong 3 năm (2016 – 2018), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã  xây dựng mô hình chăn nuôi ATSH có kiểm soát dịch bệnh, hướng tới xuất khẩu tại 7 tỉnh, đã có 133 cơ sở đảm bảo an toàn. Các dự án  tập trung vào các sản phẩm chủ lực, theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Phối hợp với địa phương sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực khuyến nông cơ sở, để tiếp tục duy trì, sau khi dự án kết thúc.

Về hiệu quả, các dự án đều cao hơn so với sản xuất đại trà, tối thiểu 15%. Nhất là, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và quy trình VietGAHP trong chăn nuôi. Năm 2019, do DTLCP nên chỉ có 2 dự án: chăn nuôi lợn và gia cầm phục vụ xuất khẩu; dự án chăn nuôi lợn sinh sản bản địa (lợn Lũng Pù, lợn Mán, lợn Mường Khương), theo hướng ATSH. Các dự án đảm bảo tiến độ, yêu cầu đề ra, nhất là mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, đã trở thành điểm sáng tại cơ sở.

Về giải pháp phòng chống DTLCP, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: "Để giảm thiểu dịch bệnh, chúng tôi khuyến cáo bà con thực hiện tốt chăn nuôi ATSH, đối với tất cả đàn vật nuôi cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để tăng sức đề kháng của vật nuôi. Ngoài ra, phải áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh; con giống phải đảm bảo được nguồn gốc hoặc mua từ các đơn vị uy tín; thực hiện tái đàn cần tuân thủ các quy định của cơ quan thú y.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Vấn đề an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn được Bộ Nông nghiệp và PTNT quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Trước tình hình diễn biến DTLCPdiễn ra phức tạp, nhiều mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi ATSH đã vượt qua được “cơn bão” này. Điều đó chứng tỏ, chăn nuôi ATSH là “vũ khí” tối ưu giúp ngành chăn nuôi lợn bảo đảm tính bền vững.

Theo bà Hạnh, DTLCP hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Vì vậy, để khống chế bệnh DTLCP và đảm bảo chăn nuôi an toàn, công tác chăn nuôi ATSH là giải pháp quan trọng nhất hiện nay. Phải thực hiện nghiêm ngặt 3 nguyên tắc cơ bản trong chăn nuôi an toàn: Cách ly – Làm sạch – Khử trùng; Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để tăng sức đề khỏe cho đàn lợn; Tăng cường kiểm soát các cơ sở sản xuất giống, đảm bảo nguồn giống không bị nhiễm DTLCP. Việc tái đàn cần đảm bảo thực hiện tốt quy trình chăn nuôi ATSH và tái đàn có kiểm soát.

"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng các dự án chăn nuôi ATSH, an toàn dịch bệnh; Tiếp tục chuyển giao các tài liệu phòng chống DTLCP, giới thiệu các mô hình hay để nhân rộng trong sản xuất; Tiếp tục tổ chức các Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp với bà con nông dân để hỗ trợ tối đa cho khôi phục sản xuất, phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới", bà Hạnh nói.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top