"Ô nhiễm trắng" là cụm từ mà các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi ni-lông gây ra cho môi trường.
Vận động "mua sắm không dùng túi ni-lông" để bảo vệ môi trường
Mỗi ngày, ở khắp các nơi trên thế giới, tại các siêu thị, các cửa hàng đồ ăn nhanh, các chợ cóc... hay các cửa hàng đồ uống đều đã và đang sử dụng hơn 1 túi nilon để đựng thực phẩm và thức ăn nhanh mang về... Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi ni-lông đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường…
Theo báo cáo của Liên Hợp quốc, mỗi năm trên toàn thế giới, con người đã sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi nilon. Do đó, chất thải từ những chai nhựa hay túi nilon được tính đủ để phủ kín gấp bốn lần diện tích bề mặt Trái Đất và trong đó có khoảng 13 triệu tấn rác được cho là nhựa, túi nilon được thải ra đại dương gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Việc lạm dụng sử dụng túi nilon khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường, về lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự an toàn chung của thế giới.
Tại Việt Nam, vấn nạn “ô nhiễm trắng” đang ngày càng gia tăng lên đến mức báo động. Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải là nhựa bị đổ ra biển, trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam đã thải ra hơn 1 túi nilon mỗi ngày và hàng triệu túi nilon được sử dụng thải ra môi trường hằng ngày.
Nguyên nhân là bởi hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon đã trở thành những vật dụng phổ biến và trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Không thể phủ nhận sự tiện ích từ các sản phẩm từ nhựa và túi nilon nhưng cũng chính vì sự tiện lợi đó trở thành tác nhân lớn gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Theo các chuyên gia phân tích, đối với túi nilon được thải ra môi trường, thì cần ít nhất thời gian phân hủy là 100 năm, còn đối với chai nhựa thì cần ít nhất là 200 năm – đó là một con số đáng báo động. Nếu xét về quỹ thời gian đó, rác thải nhựa không được phân hủy, mà tồn tại sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu đối với môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Mới đây, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với các đơn vị tổ chức thực hiện chuỗi hoạt động cộng đồng với tên gọi "Mua sắm không dùng túi ni-lông" nhằm thúc đẩy và truyền cảm hứng cho những sự thay đổi trong việc nói "không" với túi ni-lông khi đi mua sắm và thúc đẩy túi tái sử dụng.
Nổi bật trong chuỗi hoạt động lần này là "Triển lãm ảnh và nghệ thuật sắp đặt - Mua sắm không dùng túi ni-lông". Tuần lễ triển lãm sẽ được bắt đầu từ 17/7 tới đây và được tổ chức tại Big C Thăng Long, Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ngoài ra, chuỗi hoạt động của dự án cũng sẽ công bố MV ca nhạc và phim ngắn với sự tham gia của những diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng trong thời gian tới.
Cần tăng thuế bảo vệ môi trường với túi nylon
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt Nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực như: Giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa. Sử dụng vật liệu thay thế túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần, sử dụng công nghệ tái chế rác thải túi nylon, rác thải nhựa. Sử dụng trang bị thùng thu gom đồ nhựa, túi nylon tại các điểm thu gom rác, tránh vứt bừa bãi.
Hạn chế sử dụng túi nylon, đồ nhựa sử dụng một lần và thay thế bằng đồ sử dụng nhiều lần như túi, giỏ đi chợ bằng vải, sứ, gỗ, tre... Các hộ gia đình cần phân loại rác thải nhựa trước khi mang ra điểm tập kết rác, hoặc để người thu gom rác đến xử lý giúp việc tái chế nhựa dễ dàng hơn.
Các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, và mỗi cá nhân cần hạn chế dùng cốc nhựa, túi nylon, các đồ dùng nhựa 1 lần và thay vào đó hãy sử dụng sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường. Nâng cao giá bán và thuế các sản phẩm túi nylon và đồ nhựa dùng 1 lần. Thay thế túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần là yêu cầu cấp bách.
“Cần tăng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon và các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ đó làm thay đổi thói quen sử dụng của các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, tại các cửa hàng, thay vì phát miễn phí túi đựng hàng hóa mua về thì yêu cầu người dân phải mua túi để thay đổi thói quen mua bán”, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Cũng từng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, rác thải nhựa đang gia tăng không ngừng và hiện hữu mối hiểm họa khôn lường với môi trường sống. Việc đánh thuế bảo vệ môi trường túi nylon không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng. Đây được coi là một trong những giải pháp để hạn chế sử dụng sản phẩm có hại và hủy hoại môi trường, tuy nhiên không được như kỳ vọng.
“Mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng túi nylon là 50.000đ/kg trong khi giá bán sản phẩm này trên thị trường chỉ 20.000 - 30.000đ/kg, rõ ràng là có vấn đề. Chả ai kinh doanh mà để tiền bán ra thấp hơn tiền thuế cả. Thực tế, nếu giá bán túi nylon thấp hơn giá thuế thì chắc chắn có vấn đề hoặc túi đó là sản xuất lậu. Ở đây cần phải quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý cụ thể là trách nhiệm của người đứng đầu quản lý thị trường”, ông Thịnh cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu tính đúng, đủ và giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nylon, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nylon phải bán cao gấp ít nhất 4 - 5 lần hiện nay. Bởi ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000đ/kg, một ký túi nylon còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn... Vì thế, để kiểm soát và ngăn chặn được việc này cần bài toán quyết liệt và lâu dài.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Để tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, hướng sửa đổi là mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc. Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nylon.
Cùng với đó, chỉ thị cũng nêu rõ Bộ Tài chính phối hợp Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa.
Xem xét cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với túi nylon thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí ưu tiên hoặc định mức áp dụng mua sắm công đối với các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường.
Dùng vỏ thanh long tạo màng sinh học thay thế túi nilon
Theo đuổi hướng nghiên cứu chế tạo các vật liệu mới từ các nguyên liệu sinh học rẻ, dễ kiếm nhằm xử lý môi trường, sau thời gian làm nghiên cứu sinh từ Nhật Bản trở về, TS Trương Thị Cẩm Trang (bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia TP HCM) đã tìm cách để tạo vật liệu mới từ phụ phẩm nông nghiệp. Năm 2019, nhận thấy vỏ thanh long chứa lượng pectin lớn (chiếm 19-33%) cao hơn vỏ cam, quýt, nhưng ít được ứng dụng, TS Cẩm Trang đã tìm cách tận dụng phụ phẩm này để tạo màng pectin sinh học.
Nhóm nghiên cứu của TS Cẩm Trang tiến hành cắt nhỏ vỏ thanh long, sấy khô trong 36 giờ ở nhiệt độ 60 độ C nhằm tăng khả năng tiếp xúc diện tích với các dung môi khi tách chiết và thu được triệt để lượng pectin sau tách chiết.
Với mỗi 30 g vỏ thanh long nhóm nghiên cứu sẽ thêm vào hỗn hợp axit clohydric với nồng độ 0,1 M trong 250 ml nước cất, môi trường này giúp độ pH ở mức an toàn khoảng 3-3,5. Khuấy liên tục hỗn hợp đã trộn trong 30 phút ở mức nhiệt 70 độ C. Kết quả thu được là hợp chất pectin dạng khô với hiệu suất 18%, cao hơn lượng pectin thu được ở vỏ táo, cam (chỉ khoảng 12%).
Pectin dạng khô mà nhóm thu được sau tách chiết có màu hồng nhạt và hơi vàng, chứa đầy đủ cấu tạo thành phần hóa học và chất xơ có lợi. Sau đó, hợp chất này sẽ được trộn với nước cất và bảo quản trong tủ lạnh để chuẩn bị cho công đoạn tạo màng dẻo.
Yếu tố quan trọng nhất trong quá trình chuyển pectin từ dạng rắn thành dạng dẻo là phải tìm ra chất có khả năng hóa dẻo. Sau khi thử một số hợp chất khác nhau, TS Cẩm Trang và nhóm nghiên cứu phát hiện chất poly ethylene glycol, khi kết hợp với pectin theo tỷ lệ 1:5, giúp tạo màng sinh học có tính ổn định, trong suốt, độ dẻo và dày vừa phải.
Thành phẩm sau cùng là vật liệu pectin không thấm nước, không bị ô xi hóa nhanh, có khả năng phân hủy tới 62,5% sau 7 ngày chôn trong môi trường đất.
"Kết quả cho thấy tiềm năng trong ứng dụng làm màng bọc thực phẩm hoặc túi sinh học phân hủy của vật liệu này", TS Trang chia sẻ.
Ngoài ứng dụng màng pectin từ vỏ thanh long làm màng bọc thực phẩm thay thế túi nilon, màng nhựa PPE… nhóm đang nghiên cứu để chế tạo loại chỉ y học tự tiêu.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.