Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 2 năm 2022 | 10:40

OCOP Lào Cai nâng tầm nông sản địa phương

Nức tiếng trong cả nước là mảnh đất có nhiều đặc sản nông nghiệp, nhất là những sản phẩm đạt OCOP, thời gian qua, nông sản Lào Cai đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Bát Xát: Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững

 

le.jpg

Quả lê Tai nung ở Nậm Pung được xây dựng thành sản phẩm OCOP. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Ngay sau khi có hướng dẫn của tỉnh, huyện Bát Xát đã thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Bát Xát; giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là cơ quan thường trực, cử cán bộ chuyên theo dõi, hướng dẫn các chủ thể xây dựng và hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP theo 2 đợt trong năm.

Cùng với tuyên truyền, huyện Bát Xát đã vận động người dân thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, triển khai nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Chỉ đạo các xã xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực, tổ chức tập huấn về quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ kiểu dáng, nhãn hiệu; chỉ đạo các xã thực hiện Chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, huyện Bát Xát đã có 6 sản phẩm được xếp hạng đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, gồm 3 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao (giấm táo mèo Hoàng Liên, miến đao Thành Sơn, rượu Fansipan) và 3 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao (miến đao sâm, gạo Séng cù, gạo lứt Séng cù).

 

mien.jpg

Miến đao Thành Sơn được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Báo Lào Cai.

 

Năm 2021, huyện Bát Xát đã ban hành kế hoạch tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu đến năm 2025 có 39 sản phẩm OCOP. Từ đầu năm đến nay, đã hoàn thành đánh giá cấp huyện 2 sản phẩm, đang chờ hội đồng đánh giá phân hạng cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng, gồm lê Nậm Pung của Tổ hợp tác lê Nậm Pung (xã Nậm Pung) và chè Bát Tiên Hướng Tâm (xã Mường Hum).

Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xây dựng mục tiêu đạt 85 triệu đồng/ha canh tác. Vì vậy, địa phương đã xây dựng Đề án Phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao. Đây sẽ là điều kiện để đến năm 2025, Bát Xát thực hiện được mục tiêu Chương trình OCOP đã đề ra.

Ông Nguyễn Trung Triều, Bí thư Huyện uỷ Bát Xát cho biết: Huyện Bát Xát xác định thực hiện thành công Chương trình OCOP sẽ góp phần nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đồng thời, mở ra cơ hội thuận lợi để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Khó khăn trong xây dựng sản phẩm OCOP

 

chuoi.jpg

Quả chuối tiêu hồng xã vạn hòa đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Báo Lào Cai

 

Sau gần 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thành phố Lào Cai có 5 sản phẩm của 8 xã, phường đạt từ 3 sao cấp tỉnh, 4 sản phẩm đạt từ 3 sao cấp thành phố trở lên. Bên cạnh những địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, vẫn có những nơi đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.

Câu chuyện xây dựng sản phẩm OCOP ở xã Cốc San được Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Dương chia sẻ với chúng tôi rằng: Đặc thù của xã với nhiều thành phần dân tộc sinh sống, lập nghiệp theo kiểu “chín người mười làng”. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp cũng theo kiểu mỗi gia đình một thế mạnh, quê ai quen trồng cấy cây gì thì khi đến đây lập nghiệp sẽ canh tác cây đó. Nhìn ra cánh đồng, hoa, rau, lúa, mía, khoai... thứ gì cũng có nhưng để thống kê xem có sản phẩm nông nghiệp nào đặc hữu, có quy mô lớn thì không. Tính kỹ ra hiện trên địa bàn có hơn 1,5 ha cam, sản lượng đạt khoảng 15 tấn/năm là quy mô lớn nhất.

Tuy nhiên, theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng, đây không phải là sản phẩm đặc hữu của địa phương nên chưa thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Ngoài ra, diện tích manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu về quy mô, tính độc đáo, khả năng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài. Để có thể xây dựng thành công quả cam thành sản phẩm OCOP, thời gian tới, xã sẽ vận động người dân mở rộng diện tích sản xuất, thành lập tổ hợp tác liên kết đưa sản phẩm ra thị trường.

Tương tự, xã Hợp Thành đã xác định một số sản phẩm như cốm, vịt bầu để xây dựng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện gặp nhiều trở ngại. Đơn cử như cốm, hiện tại mỗi năm người dân chỉ sản xuất vào vụ hè thu với sản lượng nhỏ, không có tem nhãn sản phẩm, cũng không áp dụng công nghệ đóng gói bảo quản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Phạm Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Trên địa bàn hiện có khoảng 30 hộ chế biến cốm, diện tích đất trồng lúa nếp chừng 5 - 6 ha. Sản phẩm này gặp khó bởi đây là món ăn tươi, mùa vụ ngắn, khó bảo quản khi đưa đi tiêu thụ và chưa thể duy trì hoạt động xuyên suốt để cung cấp ra thị trường liên tục.

Theo ông Trần Đình Ngọc, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lào Cai, sản phẩm OCOP cần đáp ứng một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có sự tham gia của nhiều hộ, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền. Do vậy, để xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm nào là chủ lực và đã được quy hoạch trong vùng sản xuất hay chưa.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Lào Cai đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết, có những khó khăn mang tính chất chủ quan, đó là quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Sự hiểu biết của một số cán bộ địa phương và chủ thể sản xuất về quản lý chất lượng sản phẩm còn hạn chế, nhiều nội dung vẫn phụ thuộc vào tư vấn. Một số sản phẩm chủ lực gặp khó trong công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị, kéo dài thời gian tiêu thụ...

Góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Lào Cai

Sau gần 3 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn vùng cao Lào Cai phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh hiện có 123 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đến 4 sao; có 71 doanh nghiệp, hợp tác xã với 266 sản phẩm đã gắn tem truy xuất nguồn gốc QR-Code, 60 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia tương tác, giới thiệu quảng bá trên hệ thống thương mại điện tử.

Đến nay, những sản phẩm đã được phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, với một số huyện vùng cao có thế mạnh về nông nghiệp, chương trình OCOP đã tiếp thêm nguồn lực để thúc đẩy sản xuất phát triển.

 

cac-san-pham-dat-tieu-chuan-ocop.jpg
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

 

Mường Khương, một trong những địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp và đã hình thành các vùng chuyên canh rõ nét, thì chương trình OCOP như luồng sinh khí mới, khơi dậy tiềm năng nông nghiệp vốn có. Huyện hiện có 13 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương khẳng định: Một số nông sản của Mường Khương ngày càng khẳng định giá trị, như gạo Séng cù, tương ớt Mường Khương, chè Tuyết Shan; dứa, chuối… Chương trình OCOP đã mở cánh cửa cho nông sản Mường Khương hội nhập với thị trường nông sản trong cả nước.

Không riêng Mường Khương, chương trình OCOP đã lan tỏa hầu hết các địa phương, tạo động lực phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh của các ngành, nghề truyền thống, đặc sản địa phương. Đơn cử như huyện Bảo Yên, việc phát triển sản phẩm OCOP cũng dựa trên tiềm năng, thế mạnh của nông nghiệp địa phương. Đến nay, huyện Bảo Yên đã có 11 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó mật ong Thanh Xuân, chè xanh Ô long Đại Hưng, tinh dầu quế Bảo Yên… không chỉ góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, mà còn mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi giá trị từ cung cấp nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Chè Đại Hưng cho biết: Sản phẩm chè của Công ty đạt tiêu chuẩn OCOP cũng đồng nghĩa uy tín sản phẩm với đối tác, bạn hàng cũng được nâng lên. Do yêu cầu cao về chất lượng đòi hỏi Công ty phải đầu tư dây truyền, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường tốt hơn.

Hầu hết khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể hướng đến sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định. Vì thế, người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như các cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ đã thay đổi căn bản tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô, đặc biệt đã tạo ra các liên kết chuỗi, vùng sản xuất hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Đích đến cuối cùng của hầu hết chủ thể tham gia chương trình OCOP là mong muốn sản phẩm làm ra được nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo đó, các cơ sở  sản xuất dịch vụ OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết với hộ gia đình để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Điển hình như sản phẩm chè có hơn 4.900 ha với khoảng 6.000 hộ tham gia; gạo Séng cù có 1.200 hộ tham gia trồng 400 ha lúa; tương ớt Mường Khương có 120 ha với 755 hộ tham gia… Các sản phẩm được nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu, mẫu mã đẹp, tạo sự yên tâm, tin tưởng cũng như sự hài lòng của người tiêu dùng. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, sản phẩm OCOP Lào Cai đang dần hướng đến thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để nối dài cánh tay đưa các sản phẩm OCOP vươn xa thị trường, tỉnh xác định đòn bẩy quan trọng là quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại. Do vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương đã tích cực định hướng cho các chủ thể sản xuất tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại 14 hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng cai tổ chức thành công Hội chợ Nông nghiệp và các sản phẩm khu vực phía Bắc tại Lào Cai, thu hút 180 tổ chức, doanh nghiệp tham gia với hơn 300 gian hàng và các khu trưng bày sản phẩm. Đồng thời, các địa phương chủ động phối hợp tích cực với Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart…

Khẳng định những ưu việt từ chương trình OCOP, ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không chỉ thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, phát huy được lợi thế sản vật ở các địa phương, chương trình OCOP còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã phát huy nội lực, tích cực tham gia hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chú trọng chất lượng sản phẩm đầu vào và đầu ra. 

Chương trình OCOP đã và đang góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Lào Cai, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của các địa phương phát triển bền vững.

 

Hiện, Lào Cai đã có 123 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó thị xã Sa Pa có 32 sản phẩm, thành phố Lào Cai có 5 sản phẩm, huyện Bát Xát 8 sản phẩm, huyện Mường Khương 13 sản phẩm, huyện Bắc Hà 8 sản phẩm, huyện Bảo Thắng 27 sản phẩm, huyện Bảo Yên 11 sản phẩm, huyện Văn Bàn 15 sản phẩm và huyện Si Ma Cai 4 sản phẩm. Trong tổng số sản phẩm có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm đạt 3 sao.

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top