Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 3 năm 2018 | 16:35

Phá đồi khai thác cao lanh “lậu”: Chính quyền bất lực hay bao che?

Phá đồi, mở đường cho xe lớn nghênh ngang ra vào, khai thác theo kiểu “tận thu”, thậm chí lấn sang phần đất sản xuất của người dân… Đó là thực trạng đang diễn ra tại khu vực khai thác cao lanh “lậu” thuộc xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Thâm nhập “thủ phủ” cao lanh

Trên thị trường, cao lanh (một loại đất sét màu trắng, chịu được nhiệt độ cao, dùng sản xuất đồ gốm sứ, vật liệu mài, sản xuất nhôm, giấy, xi măng trắng...) hiện có giá dao động từ 200.000 đồng/tấn đến 500.000 đồng/tấn (tùy chất lượng). Chính vì lợi nhuận khủng như vậy nên hiện tại có rất nhiều điểm khai thác cao lanh “lậu” mọc lên tại khu vực đồi Cao, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc. Mặc dù nằm ngay sát trung thâm thành phố nhưng để vào “thủ phủ cao lanh” trên là việc không hề dễ dàng bởi trên các tuyến đường trước đây là đường vào phòng cháy - chữa cháy rừng và đường dân sinh đều bị các đối tượng đào mương chặn tất cả các lối vào và đều có bố trí tai mắt để “báo động” khi phát hiện bóng dáng lực lượng chức năng cũng như để kiểm soát người lạ. Phải mất gần 1 tuần thuyết phục, anh M. - một người dân địa phương mới đồng ý dẫn chúng tôi thâm nhập vào khu vực trên.

 

Nhờ người dẫn đường thông thuộc đường đi lối lại nên chỉ sau 2 giờ leo núi, chúng tôi tiếp cận được mỏ của ông H. và ông V. (nhà ở Bảo Lộc, được dân trong giới coi là “trùm” khai thác cao lanh trái phép có tiếng ở vùng) nằm sâu trong ngọn đồi. Hiện ra ngay trước mắt chúng tôi là là các vạt đồi rộng hàng chục héc ta bị đào nham nhở, chỗ sâu nhất đến hơn cả chục mét, xung quanh ngổn ngang đất đá không khác gì một đại công trường. Cứ cách vài trăm mét lại có một mỏ lộ thiên khai thác cao lanh. Mỗi mỏ này đều có từ 2-3 xe xúc, xe đào các cỡ liên tục “hoạt động” - đưa hàng lên các xe tải vận chuyển đi tiêu thụ. Theo quan sát của chúng tôi chỉ hơn nửa giờ đồng hồ nhưng có đến hơn 30 lượt xe ra vào để vận chuyển cao lanh. Xe nào xe nấy cao lanh đều đổ ngập nóc xe, chậm rãi đi về nơi tập kết.

img_9334.JPG
Xe đào các cỡ liên tục khai thác cao lanh trái phép rồi đưa hàng lên các xe tải vận chuyển đi tiêu thụ như chốn không người

Khi chúng tôi đang quan sát thì bất ngờ xuất hiện một tốp 4 nam thanh niên tiến đến. Một tay trong nhóm quắc mắt, gằn giọng hỏi: “Vào đây làm gì mấy ông?”. Nhờ chuẩn bị trước, tôi và 2 người đi cùng giả là người đi thu mua trà xanh . Do không biết đường đi nên bị lạc. Nhờ ông anh chỉ đường ra giúp”. Thấy chúng tôi ăn mặc, hoạt động giống hệt dân buôn bán nên tên này liền đổi giọng, bớt đề phòng hơn trước: “Cứ theo đường này mà đi, sẽ tới nơi”. Để tránh bị nghi ngờ, bọn tôi liền cảm ơn và sải bước đi ngay. Những người đó vẫn đứng nhìn cho đến khi chúng tôi khuất hẳn.

Rời khu vực mỏ trên chúng tôi tiếp tục tiến đến khu vực mỏ khác cách đó 300m. Tuy không bị làm khó dễ như mỏ kia nhưng tại mỏ này, lúc chúng tôi tới thì không thấy mỏ hoạt động dù xung quanh có nhiều lán trại dành cho công nhân với hơn chục máy xúc, xe tải chở hàng đang nằm phơi nắng. Thỉnh thoảng chúng tôi phát hiện nhiều khuôn mặt lạ từ bên trong những lán trại nhìn ra như đang dò xét chúng tôi. “Động rồi”, chúng tôi đưa mắt ra hiệu với nhau rồi rút…

Vì đâu nên nỗi?

Được biết trước đây, khu vực khai thác cao lanh hiện tại là những đồi chè xanh mướt. Tuy nhiên từ khi phát hiện có cao lanh, những đồi chè trên nhanh chóng bị phá bỏ nhường chỗ cho việc khai thác cao lanh… Đây cũng là điều dễ hiểu vì khai thác loại đất sét quý này đem lại lợi nhuận gấp mấy việc trồng chè vốn ít nhiều may rủi theo thời tiết, thị trường. Để tiếp cận những mỏ cao lanh này, các đối tượng thường tìm đến những chủ đất gần đó (trước đây trồng chè) để đặt vấn đề làm ăn. Theo thông tin chúng tôi có được, mỏ mà “trùm” H. đang khai thác chính là trên khu đất đã được cấp phép của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho một số công ty trên địa bàn. Khi chúng tôi có mặt ở công trường “chung” của 2 người này có đến 4 máy xúc cật lực làm việc, liên tục xúc cao lanh lên các xe tải. Được biết, cao lanh sau khi khai thác được tập kết ở ngoài đường lớn Lê Thị Riêng cách đó chừng 1 km. Do quãng đường từ nơi khai thác đến nơi tập kết ngắn nên chủ xe “nghênh ngang” chẳng cần phông bạt gì cả, cứ để cao lanh chất đầy mui xe. Dưới thời tiết khô nắng, cao lanh liên tục rơi vãi trên đường, tung bụi mù mịt trắng xóa cả con đường khiến người dân xung quanh chẳng dám mở cửa… Ở khu vực này, ngoài bà N.A cũng có một vài chủ đất khác đang lên kế hoạch bắt tay với các “chủ khai thác” để khai thác trái phép cao lanh.

img_9328.JPG
Các xe vận chuyển cao lanh lậu đưa đi tiêu thụ mà không gặp một trở ngại nào từ chính quyền địa phương

Một người dân sống gần khu vực ở đây cho biết: “Xe chạy ban ngày lẫn ban đêm, cứ ầm ầm suốt chẳng thể nào ngủ được. Rồi khói bụi mịt mù làm một số người ở đây bị viêm phổi, có dấu hiệu ho lao… Trước tình trạng đó, con cái và bố mẹ già tui phải gửi về quê, chẳng dám cho ở lại đây”. Rồi tình trạng sạt lở, vùi lấp nhiều diện tích trồng chè của cư dân địa phương xảy ra liên tục. Người dân nhiều lần kêu gào, làm đủ mọi cách vẫn chẳng thể nào ngăn nổi tình trạng trên. “Họ mờ mắt và bất chấp bởi lợi nhuận trước mắt” - người dẫn đường thở dài…

Tiếp chúng tôi tại trụ sở, ông Vũ Hoàng Tập, Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, cho biết: Địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra và cử người trực tiếp chốt chặn ở các tuyến đường có xe vận chuyển cao lanh đi qua. Đích thân tôi cũng đã đi kiểm tra khu vực này và nhận thấy hầu hết doanh nghiệp khai thác ở đây đều chấp hành đúng quy định, chỉ một bộ phận nhỏ là khai thác lậu. Cụ thể hiện nay tại khu vực này có ba công ty lớn được cấp phép khai thác cao lanh là Phú Gia Phát và ju Tông, Tuấn Thiện. Đồng thời, hai công ty có giấy phép thăm dò là Anh Kiên và Pengiata. Mặc dù người dân phản ánh hai công ty được cấp phép thăm dò nhưng hoạt động giống như được phép khai thác. Tuy nhiên, theo xã được biết thì Công ty Anh Kiên chỉ mua lại cao lanh chứ không khai thác.

img_9362.JPG
Các bãi tập kết cao lanh lậu của các đầu nậu

Tuy nhiên những gì ông Tập trao đổi với phóng viên hoàn toàn không đúng với thực tế. Phóng viên đến hiện trường tại đây nạn khai thác cao lanh lậu diễn ra rất phức tạp, những đối tượng này dùng xe cơ giới đến khai thác như chốn không người.

Được biết, khu vực khai thác cao lanh lậu thuộc tiểu khu 472 (rộng hơn 100 ha) nằm ở thôn 1, 2, 4 của xã. Mặc dù “chính quyền mạnh tay, kiên quyết” theo lời của ông Tập nhưng thực tế hoạt động trên vẫn diễn ra như “chuyện thường ngày ở huyện”.

Với cách trả lời của ông Chủ tịch xã Lộc Châu, dư luận đặt nghi vấn chính quyền địa phương bất lực hay có sự bào che, khi tình trạng khai thác cao lanh lậu tại địa bàn xã diễn ra từ lâu nhưng chính quyền giải quyết không dứt điểm.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ thông tin tiếp diễn biến vụ việc đến bạn đọc./.

 

Quốc Hùng - Việt Hà
Ý kiến bạn đọc
Top