Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 7 năm 2020 | 21:26

Phấn đấu tăng trưởng 3-4% năm nay

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng quý 3 và 4 cụ thể, mục tiêu tăng trưởng của chúng ta phấn đấu cao nhất nhưng có khoảng 3-4 %.

01.jpg

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chủ trương 1, tôi xin đề nghị các đồng chí bộ trưởng, các đồng chí bí thư, các đồng chí chủ tịch phải có biện pháp 10 để chủ trương vào cuộc sống một cách quyết liệt, cụ thể”.

Thủ tướng bày tỏ. “Các đồng chí bí thư, chủ tịch tự hỏi vì sao giải ngân chậm, khâu nào, do cái gì để làm cho được”. Lần này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải ra tay, không để tình trạng trì trệ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương vào chiều nay (2/7).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%.  Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ đô la Mỹ, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 850.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 697.000 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký hơn 507.000 lao động. Đồng thời có hơn 25.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ.

Địa phương hiến kế

Tại hội nghị, các địa phương đã thảo luận đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư như: tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế; hỗ trợ vốn đầu tư cho các công trình quan trọng; Thực hiện gói đảm bảo an sinh xã hội đạt hiệu quả.

Trong đó nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét, giao Bộ Tài chính xác định nguồn vốn của giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở đó có nguồn vốn cho các địa phương để chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh dẫn Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định tổng số vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không vượt quá 20 % và cho rằng quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các địa phương.

"Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, theo đó quy định nhu cầu vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2066-2030” - ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng gần 260.000 khách hàng với dư nợ gần 180.000 tỷ đồng; đã miễn giảm và hạ lãi suất cho khoảng 421.000 khách hàng với dư nợ khoảng 1,3 triệu tỷ đồng; đã cho vay mới khoảng 1,1 triệu tỷ cho khoảng 240.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 2,5 %.

Từ nay đến cuối năm hệ thống ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm, để đảm bảo tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng cả nước. Cũng như cam kết thu ngân sách theo kế hoạch được giao là 285.000 tỷ đồng.

Hà Nội đề xuất thành lập ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19, từ đó chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội cả nước có hiệu quả hơn.

Đồng thời, Hà Nội chuẩn bị 10-15 khu vực bán hàng, mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng nông, lâm, thủy hải sản ra bán hàng trên địa bàn thành phố và miễn phí chỗ bán hàng này để kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt các mặt hàng nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam.

Còn Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề xuất đẩy nhanh những công trình trọng điểm mang tính chất liên vùng, trong đó, mong Thủ tướng sớm đồng ý chủ trương mở rộng sân bay Đà Nẵng. Cụ thể, mở rộng nhà ga T1 về phía Nam, đầu tư xây dựng ga hàng hóa, sớm đầu tư xây dựng nhà ga T3. Ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh việc mở rộng sân bay là quan trọng khi khách đến Đà Nẵng đang tăng rất nhanh qua các năm.

Tập trung vào các kiến nghị, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng mong muốn Chính phủ sớm xây dựng quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch, làm cơ sở cho địa phương đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.

Hải Phòng đề nghị Chính phủ phân cấp cho các địa phương được chủ động chuyển đổi trên 10 ha đất lúa sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ và xây dựng các khu tái định cư. Bên cạnh đó, không khống chế diện tích đất lúa đối với các địa phương có khả năng phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đề nghị Chính phủ, Bộ KH&ĐT sớm phê duyệt việc đầu tư, mở rộng một số khu công nghiệp trên địa bàn.

Không chùn bước

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh, giải quyết tốt mục tiêu kép cả kinh tế và chống dịch là một thành công, qua đó nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế.

 

003.jpg

Tuy nhiên, theo Thủ tướng dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước với số ca nhiễm ngày càng cao, nền kinh tế thế giới phát triển âm rất sâu ở tất cả các khu vực. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng những nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần là vừa chống dịch Covid-19 vừa tấn công trên mặt trận kinh tế, để thực hiện tốt mục tiêu kép.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kịch bản tăng trưởng quý 3 và quý 4 cụ thể, mục tiêu tăng trưởng của chúng ta phấn đấu cao nhất nhưng có khoảng 3-4 %.

“Tôi yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch các tỉnh một tinh thần là khó khăn gấp đôi ta phải phấn đấu gấp ba, không chùn bước, không bàn lùi để phát triển đất nước. Cả nước chung sức đồng lòng để xây dựng đất nước trong lúc khó khăn. Các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ hoạt động hiệu quả và có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu tinh thần là kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Theo Thủ tướng, đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, các ngành y tế, quân đội, công an, chính quyền các địa phương rà soát có giải pháp, phương án cụ thể phù hợp, không chỉ đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch mà còn tạo điều kiện phát triển đất nước. Đồng thời, cần có các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng tạo việc làm thu nhập, bảo đảm đời sống của nhân dân.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị phải điều hành chính sách tài khóa tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt hơn để kích thích tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp. Đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm những cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. 

"Ổn định vĩ mô, nhất là chỉ tiêu lạm phát dưới 4% là mục tiêu xuyên suốt vì ổn định, tăng cường niềm tin là rất quan trọng. Đi cùng đó, cần chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Trong đó đặc biệt lưu ý bảo đảm việc làm, thu nhập của người dân, của người lao động", người đứng đầu Chính phủ nói.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top