Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 2 tháng 12 năm 2020 | 9:30

Phát triển cây sắn bền vững: Cần liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN

Diễn đàn KN@NN với Chủ đề: “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung” là cơ hội để người trồng sắn được nghe các giải pháp về việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn…

Sáng nay (02/12), tại tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với Chủ đề: “Giải pháp nâng cao năng suất sắn và liên kết tiêu thụ sản phẩm khu vực miền Trung”. 
 
Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

 

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, tại diễn đàn các đại biểu và nông dân sẽ được nghe các nhà quản lý, khoa học, các doanh nghiệp, nông dân điển hình trao đổi về một số giải pháp xung quanh việc phát triển bền vững vùng nguyên liệu sắn, các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo đất, thâm canh tăng năng suất, sử dụng giống sắn mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, gắn kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến, chính sách thu mua và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
 
Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc diễn đàn.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu khai mạc diễn đàn.

 

Theo đó, để tạo điều kiện phát triển ổn định, cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước và chủ động của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sắn, thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người trồng sắn đầu tư thâm canh tăng năng suất. Hỗ trợ giống sắn mới cho nông dân và có chính sách thu mua, vận chuyển, chế biến kịp thời đảm bảo chất lượng sắn và đặc biệt là bảo biểm giá sắn cho nông dân.
 
Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sắn
 
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sắn năm 2019 khẳng định Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sắn, diện tích trồng sắn đứng thứ ba sau lúa và ngô. Vai trò của cây sắn đã chuyển đổi từ cây lương thực sang cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học có tốc độ phát triển cao trong những năm qua. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sắn cũng như các sản phẩm từ sắn đang tăng cao, ổn định và có thị trường đầu ra tốt, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2018 đạt 2,4 triệu tấn, giá trị khoảng gần 1 tỷ USD.
 
Tuy nhiên, việc phát triển thiếu bền vững như hiện nay, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn,... tiếp tục là những vấn đề nan giải, cần được quan tâm, điều chỉnh nhằm phát triển ổn định, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cấp thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp hiện nay.       
 
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ: Có diện tích sắn lớn nhất cả nước, trong những năm qua nhờ có các chính sách mở cửa cho phép các tổ chức liên doanh đầu tư xây dựng mới nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn và qui hoạch vùng sản xuất sắn nguyên liệu nên diện tích sắn tiếp tục phát triển ổn định trong thời gian qua. Năm 2019, diện tích sắn toàn vùng đạt 156,9 nghìn ha (chiếm 30,2 tổng DT sắn toàn quốc), năng suất đạt 19,5 tấn/ha, sản lượng 3,06 triệu tấn củ tươi (chiếm 30,4% tổng sản lượng sắn toàn quốc).
 
Vùng Tây Nguyên có diện tích sắn lớn thứ 2 cả nước, với ưu thế về điều kiện tự nhiên và con người diện tích sắn phát triển ổn định trong thời gian qua. Năm 2019, diện tích sắn toàn vùng đạt 162,7 nghìn ha (chiếm 31,3 DT sắn toàn quốc), năng suất đạt 18,4 tấn/ha, sản lượng đạt 3,0 triệu tấn củ tươi (chiếm 29% tổng sản lượng sắn toàn quốc).
 
Đến nay, cơ cấu giống sắn tại các địa phương đã có sự thay đổi lớn, các giống sắn có năng suất thấp nhưng chất lượng tốt được trồng để làm lương thực như: HL20, HL23, HL24, sắn xanh Vĩnh Phú,... đã được thay thế bằng một bộ giống sắn mới có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao, được gieo trồng chủ yếu để phục vụ chế biến công nghiệp mới như: KM60, KM94, KM95, SM937-26, KM98-1 và KM140, KM98-7.
 
Hiện, cơ cấu các giống sắn mới đang là giống chủ lực tại các tỉnh, vùng trồng sắn nguyên liệu với khoảng 75% tổng diện tích sắn cả nước (trên 400.000 ha). Chính sự có mặt của các giống sắn thế hệ mới đã tạo nên bước đột phá về năng suất, sản lượng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm khác chế biến từ sắn.
 
Nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và giải quyết nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến ngoài việc nghiên cứu chọn tạo các giống sắn có năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao thì tiêu chí thời gian sinh trưởng ngắn có thể trồng rải vụ cung cấp củ tươi cho công nghiệp chế biến đang được tập trung nghiên cứu.
 
Sự phát triển sắn còn thiếu tính bền vững
 
Hiện nay, trên địa bàn cả nước có khoảng trên 100 nhà máy chế biến tinh bột sắn qui mô công nghiệp tập trung hầu hết ở các tỉnh, vùng trồng sắn trọng điểm của cả nước, qui mô chế biến tồn tại dưới 2 dạng qui mô vừa và lớn.
 
Sự phát triển sắn còn thiếu tính bền vững.
Sự phát triển sắn còn thiếu tính bền vững.

 

Hiện nay, trình độ công nghệ chế biến tinh bột sắn, Việt Nam ở mức trung bình so với thế giới và sử dụng công nghệ chủ yếu của Trung Quốc, Thái Lan, chính vì vậy vấn đề nổi cộm trong chế biến sắn đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
 
Thực hiện Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, đến nay Chính phủ Việt Nam đã cho xây dựng nhiều nhà máy sản xuất ethanol từ nguyên liệu sắn.
 
Các nhà máy sản xuất ethanol sinh học hầu hết được xây dựng tại các vùng trồng sắn trọng điểm, có nguyên liệu sắn lát khô dồi dào. Theo công xuất thiết kế, khi các nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ cần một lượng sắn lát khô nguyên liệu khoảng 1,47 triệu tấn.
 
Tuy nhiên, đến nay cả 7/7 nhà máy sản xuất ethanol từ nguyên liệu sắn được xây dựng với tổng công suất thiết kế 502 nghìn tấn ethanol/năm (bảng 1) đều đã dừng hoạt động.
 
Về tiêu thụ, hiện nay thị trường Trung Quốc và Thái Lan, trong đó thị trường Trung Quốc là chính (95%), thị trường lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, giá cả biến động khó lường là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp trong nước tranh mua, bán tháo để kiếm lợi nhuận khi được giá và ngược lại.
 
Nhìn chung, năm 2019, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cho thấy sự phát triển sắn còn thiếu tính bền vững.
 
Diện tích sắn phát triển không theo qui hoạch, kế hoạch dẫn đến tình trạng làm phá vỡ qui hoạch chung cả nước và qui hoạch của từng địa phương; liên kết sản xuất và tiêu thụ còn lỏng lẻo, sản phẩm thu hoạch không kết hợp với kế hoạch thu mua, chế biến làm tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch rất cao, chất lượng sản phẩm bị giảm thấp.
 
Nhiều diện tích trồng sắn theo tập quán quảng canh, người trồng không đầu tư chăm sóc dẫn tới năng suất thấp và làm suy kiệt dinh dưỡng đất trồng. Thị trường giá cả thu mua không ổn định đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đầu tư, thu nhập của người trồng sắn. Việc xử lý nước thải trong quy trình chế biến tinh bột sắn còn rất hạn chế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
 
Định hướng, giải pháp phát triển cây sắn thời gian tới
 
Phát huy tối đa lợi thế so sánh của các tỉnh để hình thành các vùng chuyên canh sắn tập trung với quy mô thích hợp, gắn chặt chế biến với các vùng nguyên liệu, phát triển mạnh các dịch vụ hỗ trợ, nhằm tạo ra sản lượng sắn cao nhất, từng bước hoàn thiện phân công lao động xã hội trong lĩnh vực trồng và chế biến sắn.
 
Phát triển các vùng sắn nguyên liệu phải chú trọng đến lựa chọn cơ cấu giống, chế độ canh tác hợp lý, gắn liền với phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, đặc biệt quan tâm đến nâng cao dân trí, đào tạo cán bộ kỹ thuật để có thể phát triển đồng bộ, lâu bền gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và phát triển môi trường sinh thái.
 
Tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy đã xây dựng và có điều kiện xử lý tốt ô nhiễm môi trường để ổn định sản xuất, trên quan điểm sử dụng hợp lý quỹ đất đai, sử dụng các giống mới có tiềm năng năng suất cao, ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến để đạt sản lượng cao nhất.
 
Kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng sắn theo qui hoạch, tuyệt đối không phá rừng trồng sắn, không phát triển theo hướng tự phát; áp dụng các phương thức canh tác mới, hiệu quả đã được thực tiễn khẳng định để bảo vệ đất đai, chống xói mòn.
 
Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao cho sản xuất bộ giống sắn có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất và chất lượng củ tốt có thể trồng rải vụ đáp ứng đủ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến đồng thời nghiên cứu chuyển giao các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, chất lượng củ, hạn chế tối đa các tác động xấu đến môi trường.
 
Quản lý chặt chẽ tất cả các khâu trong chế biến tinh bột sắn để bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định để có cơ sở tổ chức phát triển sản xuất sắn đạt hiệu quả cao nhất.
 
Liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp theo hướng các doanh nghiệp đầu tư kinh phí mua giống, phân bón cho vùng sản xuất tập trung có hợp đồng bao tiêu sản phẩm ổn định. Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống mới có năng suất và hàm lượng tinh bột cao để chuyển giao cho các vùng đã được qui hoạch…
 
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top