Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 5 năm 2018 | 20:14

Phi công nhiều lần được gặp Bác Hồ: Bắn rơi 7 máy bay Mỹ

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát và theo dõi từng bước trưởng thành của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN). Bác đã nhiều lần đến các sân bay động viên bộ đội Không quân, và nhiều phi công được đến thăm Bác.

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát và theo dõi từng bước trưởng thành của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam (KQNDVN). Bác đã nhiều lần đến các sân bay động viên bộ đội Không quân, và nhiều phi công được đến thăm Bác. Mỗi phi công bắn rơi máy bay Mỹ đều được Bác tặng thưởng Huy hiệu của Người.
 
Một trong số các phi công được gặp Bác, được Bác thưởng Huy hiệu là Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân (LLVTND), phi công Nguyễn Văn Bảy, phi công huyền thoại của KQNDVN.
Cho đến bây giờ dù đã mấy chục năm, nhưng Nguyễn Văn Bảy vẫn nhớ ngày đầu được gặp Bác khi Bác đến đơn vị thăm hỏi và động viên các học viên chuẩn bị đi học lái máy bay ở nước ngoài. Nhìn Bác giản dị, ân cần, gần gũi như người Cha quan tâm đến các con, Bảy và đồng đội không kìm được nước mắt. Anh thầm hứa sẽ làm bằng được điều gì đó để Bác vui, muốn vược qua mọi gian khó trong học tâp, trở thành phi công để lái máy bay đưa Bác Hồ vào thăm miền Nam, vào quê hương Đồng Tháp của anh, nơi có mộ Cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ.
nh-2.JPG
Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Bảy

Chàng thanh niên mới lớn, chỉ quen với đồng ruộng, cày cuốc ... nửa đêm bỏ trốn nhà ra đi sau khi ba má anh bắt anh phải lấy cô hàng xóm. Anh tìm đến đơn vị bộ đội xin nhập ngũ nhưng đơn vị không nhận vì thấy anh nhỏ thó. Anh làm tất cả mọi việc phụ giúp đơn vị để chứng minh việc gì cũng làm được và đủ sức khỏe để tòng quân. Nhờ anh ba của anh, là cán bộ Việt Minh bảo lãnh nên nguyện vọng của Bảy đã được toại nguyện.

Năm 1954 Bảy cùng đơn vị xuống tàu tập kết ra Bắc với hy vọng hai năm sau trở về ...
 
Một hôm có lệnh trên xuống: toàn bộ đơn vị tập trung để khám tuyển phi công. Với Bảy chưa bao giờ anh nghĩ mình trúng tuyển phi công, khi trình độ văn hóa còn hạn chế.
 
Một ngày đẹp trời, Ban chỉ huy Tiểu đoàn gọi anh lên và thông báo anh trong danh sách trúng sơ tuyển đi học lái máy bay. Bảy như ù tai không nghe thấy gì, lúc sau định thần lại, anh mới tin đấy là sự thật.
 
Vượt qua những vòng khám sức khỏe căng thẳng khác, anh chính thức được chọn đi học lái máy bay.
 
Trình độ văn hóa lớp 3 khi trốn nhà theo bộ đội, một thời gian học bình dân học vụ ở đơn vị bộ binh, anh được điều về Trường Văn hóa Lạng Sơn để bổ túc kiến thức toán, lý theo chế độ riêng biệt cho người có học vấn thấp.
nh-4.JPG
Bồi hồi bên chiếc MiG17, loại máy bay đã cùng ông lập nhiều chiến công

Sau mấy tháng học ở Lạng Sơn, đoàn học viên bay chuyển về sân bay Cát Bi, từ đây các anh phải làm quen với các định luật, hình học, khí động học, nguyên lý bay, ngoại ngữ ... những môn học mà từ bé Bảy chưa nghe thấy bao giờ. Lại phải đánh vật với các con số, các bài toán ...  còn khổ hơn đi cày ruộng. Với quyết tâm và nỗ lực phi thường, dần dần Nguyễn Văn Bảy đã nắm cơ bản về nguyên lý bay.

Năm 1964, kết thúc huấn luyện bay, các phi công được lệnh chuyển sân về nước tiếp tục các bài bay huấn luyện và sẵn sàng cho trận đánh đầu tiên.
 
Ngày 3/4/1965, Biên đội MiG17: Lan - Túc - Quỳ - Phương đã lập công xuất sắc, bắn rơi tại chỗ máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng. Tiếp theo, các Biên đội cũng lập công hạ máy bay rơi. Phi công Nguyễn Văn Bảy náo nức muốn được bay lên lập công đầu kính dâng Bác.
nh-1.jpg
Phi công Nguyễn Văn Bảy trong niềm vui chào đón của đồng đội sau trận chiến thắng trở về

Ngày mong chờ cũng đã tới với phi công Nguyễn Văn Bảy, anh cùng Biên đội được lệnh xuất kích, nhưng 10 lần rồi 20 lần xuất kích vẫn chưa gặp địch.

Rồi cũng đến một ngày Biên đội gặp địch, Bảy thấy nôn nao, trống ngực đập liên hồi. Biên đội phát hiện mục tiêu, triển khai đội hình chiến đấu. Số 1 ra lệnh: "bắp ngô". Phi công Nguyễn Văn Bảy tự nhiên không hiểu "bắp ngô" là gì, anh vẫn để máy bay mang thùng dầu phụ và không nhìn thấy các số trong Biên đội đâu nữa. Rất may Bảy lại nhìn thấy các số trong Biên đội và anh chợt hiểu "bắp ngô" là thả thùng dầu phụ ... Biên đội trở về hạ cánh và không bắn được loạt đạn nào. Bảy rất áy náy trong lần gặp địch đầu tiên. Trận đánh là kỷ niệm nhớ đời của anh.
 
Trận tiếp theo, Bảy đã bình tĩnh, tự tin hơn. Khi Biên đội gặp địch, Bảy đã bám được một máy bay địch, anh đưa vào vòng ngắm và chờ đến cự ly thích hợp thì nổ súng ... bỗng nhiên một quả tên lửa từ máy bay Mỹ phóng ra đã nổ gần máy bay của anh, mặt đất lệnh cho anh nhảy dù. Thấy máy bay vẫn còn điều khiển được, Bảy xin phép không nhảy dù và điều khiển máy bay về sân bay hạ cánh. Các chuyên gia Liên Xô và thợ máy của ta trầm trồ thán phục và không thể tưởng tượng nổi khi nhìn thấy trên chiếc máy bay MiG17 của phi công Nguyễn Văn Bảy có 82 vết thủng do mảnh đạn tên lửa của Mỹ. Một kỳ tích trong không chiến trên thế giới mà cho đến nay vẫn chưa có.
nh-3.JPG
Anh hùng LLVTND - phi công Nguyễn Văn Bảy đang kể về một trận không chiến với nguyên Chủ tịch Nguyễn Minh Triết

Nhưng Nguyễn Văn Bảy vẫn cảm thấy có lỗi với Bác, đã hai lần gặp địch mà vẫn chưa bắn rơi chiếc nào.

Chiều 26/4/1966, Không quân Mỹ cho đội hình F105 vào đánh đường 1B, đoạn Bình Gia - Bắc Sơn và cho tiêm kích F4 yểm hộ tại khu vực đông Chợ Mới 30km. Sở chỉ huy Quân chủng sử dụng hai loại máy bay MiG21 và MiG17 tác chiến hợp đồng.
 
Biên đội MiG17: Hồ Văn Quỳ - số 1, Lưu Huy Chao - số 2, Nguyễn Văn Bảy - số 3 và Trần Văn Triêm - số 4 của Trung đoàn KQ923 xuất kích từ sân bay Kép.
 
Biên đội MiG21: Nguyễn Hồng Nhị - số 1, Đồng Văn Song - số 2 của Trung đoàn KQ921 cất cánh làm nhiệm vụ yểm trợ.
 
Sở chỉ huy dẫn Biên đội MiG17 lên độ cao 2500m vào khu vực nam Bình Gia - Bắc Sơn 15km. Do địch cơ động đổi hướng liên tục nên ta lâm vào thế đối đầu nhưng Sĩ quan dẫn đường hiện sóng đã thông báo liên tục, kịp thời, số 1 đã nhanh chóng phát hiện đội hình F4, ở cự ly 6km. Được sự yểm hộ của số 1, phi công Lưu Huy Chao bay số 2 lao vào nổ súng và bắn rơi 1 chiếc F4. Số 1 và số 2 vòng lại thì gặp một tốp F4 khác, hai số vào công kích tiếp và bắn bị thương 1 chiếc.
nh-6.jpg
Đón tiếp các cựu phi công Mỹ tại quê nhà Lai Vung

Trong lúc này, số 3 Nguyễn Văn Bảy, số 4 Trần Văn Triêm được lệnh của Biên đội trưởng lao vào tấn công tốp bay đầu. Tốp F4 phát hiện có MiG nên cơ động rất gấp, phi công Nguyễn Văn Bảy vòng cắt bán kính bám sát chiếc F4, khi cự ly dưới 300m, anh nổ súng bắn rơi 1 chiếc F4. Trận không chiến diễn ra trong 5 phút, các phi công Lưu Huy Chao và Nguyễn Văn Bảy, mỗi ngườì bắn rơi 1chiếc F-4, Biên đội bắn bị thương 1 chiếc F4 khác. Đây là chiếc máy bay Mỹ đầu tiên do phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi. Cho đến cuối tháng 12/1966 phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 4 chiếc máy bay Mỹ.

Tháng 1/1967, Thượng úy phi công Nguyễn Văn Bảy được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, cũng năm 1967 ông được bầu vào Quốc hội khóa 3, nhiều lần được gặp Bác Hồ.
Sau khi được tuyên dương Anh hùng LLVTND, phi công Nguyễn Văn Bảy còn tham gia nhiều trận đánh khác và bắn rơi thêm 3 máy bay Mỹ nữa.
 
Để giữ gìn lực lượng nòng cốt phù hợp với sự phát triển của Không quân, sau khi Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bắn rơi 7 máy bay, Bác Hồ chỉ thị không để Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia trực tiếp chiến đấu, tập trung làm công tác chỉ huy và nhiệm vụ bay kèm các phi công trẻ trong huấn luyện bay. Sau này nhắc đến chuyện này, phi công Nguyễn Văn Bảy nói: "Nếu Bác cho trực tiếp đánh nữa thì có thể tôi sẽ bắn rơi thêm 5, 7 chiếc nữa, nhưng cũng có thể đã hy sinh".
 
Chuyến bay mà Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy nhớ suốt đời, chuyến bay mà các phi công phải nén đau thương, gạt nước mắt để bước lên máy bay, đấy là chuyến bay ngang Quảng trường Ba Đình để chào Vĩnh biệt Bác kính yêu.
 
Trong cuộc chiến đấu trên không, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (còn gọi là Bảy A) đã xuất kích 94 lần, nổ súng 13 lần, bắn rơi 7 máy bay Mỹ mà không nhảy dù một lần nào (tỷ lệ 7 - 0), được Bác Hồ tặng 7 Huy hiệu của Người, tặng đồng hồ Poljot có khắc chữ ký của Người.
 
Phi công Nguyễn Văn Bảy được ghi nhận là phi công duy nhất dùng MiG17 bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất trên thế giới (7 chiếc) được nhiều phi công kỳ cựu của Mỹ và quốc tế phải kính nể, thán phục. Nhiều phi công của Mỹ khi sang thăm Việt Nam đều muốn đến thăm phi công Nguyễn Văn Bảy.
nh-5.jpg
Thú vui điền viên của lão nông - Phi công huyền thoại của KQNDVN

Hiện nay ông về nghỉ hưu và sống tại Lai Vung, Đồng Tháp trên mảnh đất quê nhà ông. Nhìn ông lão với chòm râu bạc, hàng ngày chăm sóc vườn cây, ao cá, không ai nghĩ rằng đấy là phi công huyền thoại, phi công Ace của KQNDVN Anh hùng./.

Việt Cường (nguyên Sĩ quan Dẫn đường KQNDVN)
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top