Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 5 năm 2019 | 13:49

Phòng dịch tả lợn châu Phi: Nơi quyết liệt, nơi chưa hết trách nhiệm

Với hai ổ dịch vừa được phát hiện ở huyện Cẩm Xuyên thì Hà Tĩnh đã chính thức “ghi danh” vào bản đồ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

tr12d.jpg
Việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các chốt trạm tạm thời còn mang tính hình thức.

 

Ngay sau khi xuất hiện dịch, các ngành chức năng của Hà Tĩnh đã vào cuộc, tuy nhiên, không phải nơi nào cũng quyết liệt và làm hết trách nhiệm.

Xuất phát điểm vùng dịch

Tại Hà Tĩnh, ổ DTLCP đầu tiên xuất hiện tại hộ ông Đặng Văn Đoàn (thị trấn Cẩm Xuyên) ngày 16/5/2019. Đến ngày 22/5/2019, ổ dịch thứ hai tiếp tục lây lan tại hộ ông Nguyễn Trọng Cuông (thị trấn Thiên Cầm), 67 con lợn (4.007kg) ở hai ổ dịch này buộc phải tiêu hủy.

Ngay sau khi công bố dịch, tỉnh Hà Tĩnh cũng như huyện Cẩm Xuyên đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, công tác chống dịch chưa thực sự quyết liệt; việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các chốt còn mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng vận chuyển lợn không xác định nguồn gốc qua đường tiểu ngạch; người dân còn trông chờ kinh phí hỗ trợ vôi bột, thuốc khử trùng của Nhà nước nên thiếu chủ động các biện pháp phòng chống.

Khi hỏi: Vì sao dịch bệnh luôn khởi phát từ Cẩm Xuyên, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú ý Hà Tĩnh, thừa nhận, Cẩm Xuyên có tổng đàn lợn khoảng 69.000 con (tổng đàn toàn tỉnh hơn 400.000 con), chủ yếu chăn nuôi nông hộ (6.000 hộ), mật độ cao, điển hình là các xã Cẩm Bình, Cẩm Thăng, Cẩm Thành, Cẩm Lạc...

Trong khi đó, người chăn nuôi chủ quan chưa thực hiện các biện pháp phòng dịch như tiêu độc khử trùng, tiêm phòng... Thậm chí, không ít hộ khi trâu, bò bị LMLM, thay vì nuôi nhốt để ngăn chặn dịch lây lan, bà con vẫn thả rông, gọi “thú y làng” về chữa trị mà không báo cơ quan chức năng.

“Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại hầu hết ý thức phòng chống dịch rất tốt, tự bỏ tiền mua vắcxin tiêm phòng. Nhưng với hộ nuôi nhỏ lẻ, khi đã phòng dịch lơ là thì thực hiện chống dịch ở những đối tượng này cũng rất khó”, ông Hùng nói.

Nguyên nhân thứ 2 là số hộ tham gia buôn bán, vận chuyển gia súc lớn. Địa phương này cũng có khá nhiều điểm tắm rửa cho lợn và các điểm tập kết. Việc đổ lợn, trung chuyển đi các địa phương trong tỉnh thường đột xuất và ở những thời điểm có sự chênh lệch về giá cả.

“Dù đã cố gắng nhưng việc kiểm soát các hoạt động này rất khó khăn, bởi chủ hàng thường lách đi đường tránh, vào đêm khuya hoặc sáng sớm. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn phát sinh, lây lan dịch bệnh ra diện rộng”, ông Hùng phân tích thêm.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ tháng 12/2018 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ gần chục chiếc xe tải vận chuyển gia súc bị bệnh, không có giấy tờ kiểm dịch từ các tỉnh phía Bắc đi qua địa bàn. Điển hình là 2 vụ vận chuyển 170 con lợn bị LMLM bắt giữ tại xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) và xã Phù Việt (Thạch Hà).

Theo tìm hiểu của PV, hiện trên QL1A, cách cổng chào xã Cẩm Sơn khoảng 600m về phía Nam, thường có xe tải vận chuyển lợn từ các tỉnh phía Bắc vào đổ cho thương lái. Việc dừng đổ lợn chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút vào khung giờ từ 5-6 giờ và 17-18 giờ hàng ngày.

Nguy cơ bùng phát dịch

Tối 24/5, trên địa bàn huyện Thạch Hà, phát hiện hàng chục con lợn chết trong giai đoạn phân huỷ trôi trên Kênh Kẻ Gỗ N9, đoạn qua xã Thạch Lạc. Ngày 25/5, Chi cục thú y vùng III đã có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm, số lợn chết dương tính với DTLCP.

Tuyến kênh N9 chảy qua địa bàn vẫn tiếp tục phát hiện lợn chết. Qua chốt chặn tại địa bàn giáp ranh giữa xã Thạch Hội với các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên phát hiện lợn mắc kẹt lại. Cụ thể là ở sông tiêu tại điểm chắn cống Đò Bang giáp ranh xã Cẩm Yên với xã Thạch Hội và xã Cẩm Hoà với xã Thạch Hội qua dòng chảy kênh Kẻ Gỗ N9.

Chính quyền các địa phương vùng bãi ngang Thạch Hà đã lập tức trục vớt và chôn, tiêu độc khử trùng lợn chết ngay khi phát hiện; đồng thời lập các chốt chặn tại điểm kênh vào địa bàn và tổ chức các tổ đội tuần tra dọc tuyến kênh. Tuy nhiên, nguồn nước đã nhiễm bệnh. Gần 50.000 con lợn trên địa bàn Thạch Hà đang ở mức báo động đỏ.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà bức xúc: Trên địa bàn chưa phát hiện DTLCP. Việc phát hiện hàng chục con lợn trôi sông   dương tính với DTLCP khiến cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn thêm khó khăn. Thạch Hà đang yêu cầu công ty thủy nông đóng kênh Kẻ Gỗ để tiêu độc khử trùng toàn tuyến nhằm bảo vệ đàn lợn trên địa bàn.

Thiết nghĩ, ngành chức năng của tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương trên cả nước cần quyết liệt hơn trong cách làm, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống DTLCP. Bởi không làm tốt, ngoài việc lãng phí ngân sách của Nhà nước thì nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng sẽ rất cao và thiệt hại nhất vẫn là người chăn nuôi. 

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top