Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 3 năm 2017 | 2:50

Phụ nữ Khmer Bảy Núi làm kinh tế giỏi

Dựa vào thực tế vùng đất gò cao, ven triền núi và đặc điểm sinh hoạt trong phum, sóc, nhiều chị em phụ nữ Khmer các xã, thị trấn vùng Bảy Núi (An Giang) đã tích cực lao động, sản xuất, duy trì nghề truyền thống, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình và xóa đói, giảm nghèo.

Dạy thêu cho chị em Khmer.

Từ người thợ dệt Srây Sakốth…

Ở huyện Tịnh Biên, hai xã Ô Lâm và Văn Giáo vốn ­nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm Khmer, hầu hết các khâu đều do chị em đảm nhận. Song, hiện nay nghề dệt thổ cẩm chỉ còn tồn tại ở xã Văn Giáo,  tập trung tại ấp Srây Sakốth. Ông Lê Thái Thuận, Phó trưởng phòng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tịnh Biên, cho biết, làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Srây Sakốth có 25 thợ dệt hoa văn và họa tiết phức tạp, 118 thợ dệt các sản phẩm đơn giản. UBND tỉnh đã công nhận 2 nghệ nhân và 1 thợ giỏi; chiếc sà rông hình được công nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp tỉnh năm 2014.

Bà con Khmer Văn Giáo kể, nghệ nhân Neáng Nhây là người cao niên, có công gìn giữ làng nghề không bị thất truyền và hướng dẫn cho hàng trăm chị em thợ dệt. Hoạt động tuy có lúc thăng trầm nhưng nghề dệt đã giải quyết việc làm cho số đông lao động. Với lòng say mê nghề nghiệp, quyết không từ bỏ khó khăn, bà Neáng Nhây đã đưa làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Srây Sakốth chuyển mình, cho ra đời nhiều loại sản phẩm độc đáo, giới thiệu qua các kỳ hội chợ, triển lãm khu vực và phạm vi cả nước, rất được ưa chuộng.

Theo ông Lê Thái Thuận, Srây Sakốth còn có nghệ nhân Neáng Sa Mol là người kế tục làng nghề, khéo tay thiết kế hoa văn và họa tiết phức tạp, nhất là các loại sản phẩm đặt hàng theo yêu cầu của khách hàng. Những năm qua, việc khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Srây Sakốth có công lớn của chị Neáng Sa Mol, với sản phẩm khăn hình (tượng Phật, hoa văn, cây lá…) mang đậm nét văn hóa Khmer. Mới đây, chị Neáng Sa Monl tiếp tục chào hàng sản phẩm hoa văn, hình về truyền thuyết Phật giáo Nam Tông, Brahma (thần Sáng tạo)…

Đến nhiều lĩnh vực ngành nghề

Chị em làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Srây Sakốth phấn khởi khi có thêm bà Neáng Sóc Khên cũng được công nhận là thợ giỏi cấp tỉnh. “Có người giỏi truyền dạy mới được, nếu không nghề dệt thổ cẩm sẽ bị thất truyền. Nghề dệt này, coi vậy mà khó lắm”, bà Neáng Som, người có hơn 60 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm tại Srây Sakốth, nói.

Ngoài làng nghề dệt thổ cẩm, ở Văn Giáo còn có nghề truyền thống làng nghề khai thác nước và nấu đường thốt nốt, tập trung tại Mằng Rò và Đây Cà Hom, địa bàn được xem là thế mạnh đứng thứ 2 ở Tịnh Biên, chỉ sau xã An Phú.

Với nghề nấu đường thốt nốt, chị em đảm nhận 50% công việc từ khâu chế biến đến sản xuất và cho ra thành phẩm. Theo ông Muth So Ny, Phó chủ tịch HĐND xã Văn Giáo, niên vụ 2016-2017, xã xây dựng mô hình “Phát triển làng nghề đường thốt nốt”, hỗ trợ vốn vay cho 40 hộ nghèo và khó khăn, giúp bà con chuẩn bị công việc làm ăn. “Chị em tham gia mô hình còn được tập huấn, hướng dẫn quy trình thu nhận nước và sản xuất đường thốt nốt”, ông Muth So Ny cho hay.

Trong 2 năm 2015-2016, các chị Neáng Diêu (ấp An Hòa), Neáng Sóc Bane, Neáng Sóc Pha (ấp An Thạnh) được xét chọn danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, với mô hình trồng lúa chất lượng cao, kết hợp với chăn nuôi bò và tổ chức dịch vụ phục vụ nông nghiệp. “Đây là những nữ nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi địa phương. Hàng năm, mỗi hộ có tổng thu nhập từ 150 triệu đồng đến 500 triệu đồng”, ông Si Sô Vath, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo, nói.

Phan Trọng An

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top