Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 12 tháng 7 năm 2020 | 13:42

Phú Thọ đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa

Phú Thọ được Chính phủ xác định là địa bàn trọng điểm trong vùng du lịch trung du, miền núi Bắc Bộ. Những năm qua, chính quyền và nhân dân nơi đây đang cố gắng phát huy những lợi thế của mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch văn hóa.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch

Những năm qua du lịch Phú Thọ đã có những bước chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ đạt mức tăng trưởng trên 10%/năm. Năm 2019, đón và phục vụ 8,2 triệu khách tham quan, 610.000 lượt khách lưu trú, trong đó 7.800 lượt khách quốc tế lưu trú, công suất sử dụng phòng đạt 43% với ngày lưu trú trung bình là 1,1 ngày, doanh thu du lịch dịch vụ khách sạn nhà hàng đạt 3.450 tỷ, thu hút 13.400 lao động làm việc trong ngành du lịch, trong đó có 3.850 lao động trực tiếp.

 

những-năm-gần-đây-đồi-chè-long-cốc-huyện-tân-sơn-được-khai-thác-tiềm-năng-du-lịch-thu-hút-đông-đảo-khách-tham-quan.jpg
Những năm gần đây, đồi chè Long Cốc, huyện Tân Sơn được khai thác tiềm năng du lịch, thu hút đông đảo khách tham quan.

 

Đặc biệt, nơi đây đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh du lịch như Tập đoàn Mường Thanh, Tổng Công ty Saigon Tourist, các công ty tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao đã đưa vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu chất lượng cơ sở dịch vụ ngày càng cao của khách du lịch. 

Đáng mừng nhất là những sản phẩm du lịch đã được đầu tư phát triển theo chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới đa dạng sản phẩm du lịch, dịch vụ bước đầu khai thác có hiệu quả.

Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản phi vật thể của Phú Thọ được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ... các điều kiện hạ tầng, hoạt động, dịch vụ đáp ứng yêu cầu, hài lòng khách du lịch khi đến tham quan và thực hành tín ngưỡng, qua đó đã thu hút 6,5 - 7,5 triệu lượt khách hành hương, tham quan du lịch mỗi năm.

Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, như Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch Vườn Vua, Thanh Lâm (Thanh Thủy)... được nâng cấp hoàn thiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch, xây dựng các điểm nhấn đặc trưng phục vụ khách tham quan chụp ảnh check in điểm đến, bổ sung các dịch vụ bổ trợ... khách tham quan, lưu trú ngày một tăng, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ, những ngày cuối tuần công suất sử dụng phòng đạt 100%.

Sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng, được đầu tư nâng cấp điều kiện hạ tầng kỹ thuật, cải tạo cảnh quan môi trường du lịch điểm đến, hỗ trợ người dân địa phương phát triển hoạt động du lịch cộng đồng tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách tham quan chụp ảnh, check-in tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan.

Sản phẩm du lịch MICE: Với việc đầu tư đi vào hoạt động một số công trình du lịch, dịch vụ thương mại; cảnh quan môi trường, hạ tầng giao thông được nâng cấp cải tạo, nhiều nhà hàng cao cấp, khách sạn 3 - 5 sao đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố Việt Trì đã thu hút lượng khách du lịch với loại hình du lịch MICE tham gia các sự kiện hội nghị, hội thảo của các cơ quan, ban, ngành đăng cai tổ chức tại Phú Thọ. 

Hoạt động xúc tiến du lịch cũng được tỉnh coi trong triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho các tour du lịch phục vụ khách; các đơn vị đã đưa vào khai thác một số chương trình du lịch như: City tour Việt Trì, Tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ, Hát Xoan Làng cổ gắn với trải nghiệm làng nghề thu hút được lượng lớn khách tham quan tìm hiểu, Hành trình về nguồn, Chương trình du lịch quốc tế đường sông, duy trì ổn định bình quân 1-2 đoàn khách/tháng với loại hình du lịch văn hóa - trải nghiệm làng nghề, Du lịch sinh thái cộng đồng Xuân Sơn, Nghỉ dưỡng sinh thái Thanh Thủy - Xuân Sơn, Khám phá di sản - trải nghiệm thiên nhiên Việt Trì - Xuân Sơn, Du lịch cuối tuần sinh thái, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, Du lịch liên kết - Vòng cung Tây Bắc...

Bên cạnh đó, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch dịch vụ được quan tâm chú trọng. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội thi Tay nghề Du lịch tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất với 5 nghề du lịch, tham gia Hội thi Tay nghề du lịch Việt Nam, khu vực miền Bắc đạt nhiều giải cao; tổ chức hội thi Thuyết minh viên du lịch tại điểm năm 2019; mở trên 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho gần 2.000 lượt học viên là lực lượng lao động trong lĩnh vực du lịch tham dự, góp phần tăng tỷ lệ lao động trực tiếp trong ngành du lịch đã qua đào tạo và tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch từ 45% lên 55%...

Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng khu vườn Quốc gia Xuân Sơn

Nằm ở phần cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, Vườn Quốc gia Xuân Sơn cách Hà Nội 120km, cách TP. Việt Trì 80km, với diện tích rộng hơn 15.000ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam Vườn được ví là “lá phổi xanh”, là điểm du lịch hấp dẫn nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ. 

 

homestay-điểm-đến-thu-hút-khách-du-lịch-nghỉ-dưỡng.jpg
Homestay - Điểm đến thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng.

 

Nơi đây có nhiều giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên nổi bật, hệ sinh thái vô cùng phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm có giá trị trong nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn nguồn gen, tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, độc đáo, những giá trị văn hoá các dân tộc Dao, Mường còn được bảo lưu. Thiên nhiên ở đây vẫn giữ được nguyên vẻ hoang sơ một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa là điểm đến lý tưởng của du khách ưa khám phá và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện tại, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đã xây dựng được 8 mô hình homestay và dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn đảm bảo phục vụ khoảng trên 300 lượt khách lưu trú du lịch và 500 lượt khách phục vụ ăn uống, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách như kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, pha chế đồ uống, chế biến và trình bầy món ăn... cho trên 200 lượt người tham gia.

Xây dựng một số mô hình tạo điểm nhấn phục vụ du khách thăm quan chụp ảnh check-in điểm đến như các chòi nghỉ chân; “Cọn nước Xuân Sơn”, “Đường hoa du lịch Xuân Sơn”; biển “Du lịch Xuân Sơn”; “Đôi tượng gà nhiều cựa”...; xây dựng điểm tư vấn hỗ trợ khách du lịch gắn trưng bày, hoạt động văn hóa du lịch cộng đồng tại xóm Dù, xã Xuân Sơn; cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái khu vực xóm Dù, xã Xuân Sơn với các hạng mục bồn hoa cây cảnh, hệ thống tường rào, cổng hoa dây leo đồng nhất tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng địa phương chung tay phát triển sinh thái cộng động...

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn bước đầu được đầu tư, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đang hình thành rõ nét đã thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan trải nghiệm, ước khoảng 60 ngàn lượt khách mỗi năm.

Homestay ở Phú Thọ níu chân du khách

Đồi chè Long Cốc được coi là đồi chè đẹp nhất Việt Nam với hàng trăm quả đồi như những chiếc bát úp màu xanh khổng lồ, xen kẽ nhau tạo nên khung cảnh độc đáo nhất là trong những thời điểm có sương mù huyền ảo bao quanh. Món quà thiên nhiên ban tặng cho Long Cốc chính là chất liệu đẹp thu hút du khách đến “săn” những khoảnh khắc đẹp ở đồi chè.

Muốn săn được khoảnh khắc đẹp, người chụp phải lên đồi chè từ khoảng 4h sáng, chờ đợi những ánh bình minh đầu tiên nên du khách thường đến Long Cốc từ chiều hôm trước. Nắm bắt được nhu cầu của du khách nên một số hộ ở đây đã mở homestay để đáp ứng nhu cầu này. Một trong những hộ sớm nắm bắt cơ hội này là gia đình anh Hà Văn Luận - chủ homestay Tony Luận (khu Bông 1 xã Long Cốc, Tân Sơn); không chỉ làm dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi với quy mô khoảng hai chục khách, chàng trai dân tộc Mường Hà Văn Luận còn tìm hiểu về nhiếp ảnh, những thời điểm, góc chụp đẹp để làm “hướng dẫn viên” cho những người lần đầu đến Long Cốc.

 

chuẩn-bị-nơi-nghỉ-ngơi-cho-khách-tại-các-homestay-tony-luận-ở-xã-long-cốc.jpg
Chuẩn bị nơi nghỉ ngơi cho khách tại các homestay Tony Luận ở xã Long Cốc

 
Ông Hà Văn Luận chia sẻ: Ban đầu, du khách đến với Long Cốc gần như chỉ để chụp ảnh, sau một thời gian tham gia làm du lịch cộng đồng, chúng em đã cải thiện nâng cao chất lượng dịch vụ từ cách chế biến món ăn đặc trưng, sửa sang phòng ở, công trình phụ đảm bảo tiện nghi mà vẫn giữ được nét văn hóa dân tộc và liên kết với các hộ sản xuất chè để du khách có thêm các hoạt động trải nghiệm, dần dần đã thu hút được nhiều khách đến nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần.

Cách Long Cốc gần 20km, vườn Quốc gia Xuân Sơn là nơi có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm, nhiều suối, thác nước, hang động. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc Mường, Dao sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia còn bảo tồn được những nét văn hóa đặc trưng phù hợp phát triển nhiều loại hình du lịch. Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Sơn (Tân Sơn) có gần 20 hộ tham gia mô hình homestay phục vụ du khách; đa phần các cơ sở lưu trú được xây dựng theo hình thức nhà sàn của người dân bản địa, có khuôn viên đẹp, nhiều hoa, cây cảnh, khung cảnh thoáng đãng, các công năng sử dụng đáp ứng nhu cầu của du khách nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và giữ được nét truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Phương Nhung (Cổ Nhuế, Hà Nội) cho biết: Tôi cùng những người bạn đã có những trải nghiệm thú vị tại homestay Xuân Sơn và thưởng thức các món ăn đặc trưng như cá suối, măng chua, rau sắng và chắc chắn chúng tôi sẽ có dịp trở lại đây.

Hạ Hòa phát huy tiềm năng du lịch

Là huyện cửa ngõ phía Tây Bắc của tỉnh, Hạ Hòa được thiên nhiên ban tặng nhiều địa điểm có cảnh đẹp tự nhiên và lịch sử lâu đời của nhiều khu di tích, tạo tiềm năng, lợi thế phát triển về du lịch rất lớn.

Với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua, nhất là khi nút giao IC11 đưa vào sử dụng đã tạo nên lợi thế về giao thông để thu hút đông đảo du khách trong cả nước về với địa phương.

 

hát-xoan-phú-thọ-trải-nghiệm-hấp-dẫn-khách-du-lịch-quốc-tế-đến-với-đất-tổ.jpg
Hát Xoan Phú Thọ - Trải nghiệm hấp dẫn khách du lịch quốc tế đến với Đất Tổ

Điểm đến nổi bật nhất của du lịch tâm linh ở huyện Hạ Hòa được nhiều du khách biết đến là Đền Mẫu Âu Cơ - Di tích lịch sử văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được xếp hạng năm 2017, gắn với truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân nằm ở xã Hiền Lương.

Trong các điểm du lịch sinh thái của huyện có Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh. Cách thành phố Việt Trì 70km, Ao Châu được ví như Vịnh Hạ Long của Phú Thọ. Với diện tích mặt nước khoảng 300ha và khoảng 100 hòn đảo lớn, nhỏ được bao phủ bởi một thảm thực vật đa loài dày đặc và phong phú, khu du lịch Ao Châu đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch chi tiết Khu du lịch Đầm Ao Châu với diện tích khoảng 1.500ha; đồng thời phát triển thành Khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: Nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi... 

Trong Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2030, Hạ Hòa được xác định là một trong 5 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh. Trong những năm qua, tỉnh và huyện đã tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề, sức hút lớn đối với các nhà đầu tư “rót” vốn vào các khu du lịch như Đầm Ao Châu, Đầm Vân Hội, Ao Giời - Suối Tiên,…

Bà Hà Thị Phương Bắc- Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch, Hạ Hòa đã và đang tập trung nguồn lực xây dựng mới và nâng cấp hệ thống hạ tầng du lịch tại một số điểm du lịch trọng tâm của huyện; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tâm linh. Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với các hoạt động trải nghiệm thâm nhập thực tế, ẩm thực. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch cộng đồng và tạo môi trường thuận lợi, huy động các nguồn vốn, thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển du lịch, dịch vụ…

Xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 817/QĐ-TTg năm 2020 phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Hiện tại, Việt Trì đã xây dựng không gian trung tâm lễ hội từ Khu di tích lịch sử đền Hùng – Trung tâm thành phố - Bến Gót, Bạch Hạc. Bên cạnh đó, các phường, xã và khu dân cư có kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; đồng thời tạo dựng môi trường sinh thái chất lượng nhằm tăng cường cảnh quan du lịch, tận dụng không gian xanh để phát triển các khu chức năng dịch vụ. Công viên Văn Lang cùng các công trình công cộng khác đã và đang được hoàn thiện cùng với quy hoạch kết nối liên hoàn hệ thống cây xanh đô thị, cây xanh tự nhiên xung quanh.

 

nghi-lễ-rước-kiệu-ở-đền-hùng.jpg
Nghi lễ rước kiệu ở Đền Hùng

 

Thời gian tới, theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ tiếp tục được triển khai xây dựng với nhiều hạng mục; các kết cấu hạ tầng đô thị và mạng lưới giao thông tiếp tục được hoàn thiện. Các tuyến đường nội thị như: Nguyệt Cư, Tô Vĩnh Diện, Vũ Duệ, Thạch Khanh, Nguyễn Tất Thành, Thụy Vân, Vũ Thê Lang, Phù Đổng, Tiên Sơn... và trên 130km đường giao thông nội bộ, nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu và đường đối ngoại như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 2, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang... tiếp tục được đầu tư, nâng cấp và xây dựng mới, giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế, tạo thành điểm nhấn cho thành phố. 

Cùng với đó, Việt Trì tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, quốc gia có các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại, tạo sự hòa quyện, kết dính giữa các chức năng của thành phố công nghiệp và lễ hội du lịch.

Ông Đặng Trần Minh - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết: Thời gian tới, Việt Trì tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tập trung đầu tư các công trình trọng điểm trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú ý đến thực hiện các khâu đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh văn hóa; khai thác, sử dụng hiệu quả các tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững; hướng tới phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu phát triển du lịch là một trong bốn khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội; Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU ngày 15/7/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020. Với những định hướng rõ ràng và sự nỗ lực của chính quyền các cấp và nhân dân toàn tỉnh, tin tưởng Phú Thọ sẽ sớm khẳng định là vị trí trung tâm du lịch của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.

 

 

Đình Hợi (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top