Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 11 năm 2018 | 14:38

Quảng Ninh: Nhiều hộ dân đổi đời nhờ bắt con “nhút nhát”

Nhiều năm trở lại đây, nhờ bắt cáy, loài động vật có tiếng là "nhút nhát", nhiều hộ dân đã đổi đời,  thậm chí làm “thay da đổi thịt” cả một vùng cư dân dọc sông Cầm, huyện Đông Triều (Quảng Ninh)...

 

cay-qniih-9999.jpg

Rọ cáy được người dân rải dọc bờ ruộng để bẫy cáy.     

 

Nói về nghề bắt cáy khu vực sông Cầm, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), những người có thâm niên vẫn bảo, nghề này có lâu lắm rồi, từ đời cụ kỵ, ông bà, truyền lại cho con, cháu.

Chị Nguyễn Thị Trúc, khu Xuân Cầm, phường Xuân Sơn, cho biết: "Ngày trước, hiếm người ăn cáy, cho cũng không ai lấy. Nhưng giờ đã khác, con cáy từ chỗ “bỏ đi”, nay đã cao gấp hàng chục lần làm lúa, khi cáy “lên ngôi”, người bắt cáy cũng đã đổi đời”.

Bắt cáy tương đối khó, các cụ đã có câu “nhát như cáy ngày”. Cứ thấy động từ xa cáy đã chui tọt xuống lỗ, lỗ cáy ở khu vực đất bùn khá cứng. Để bắt cáy, phương pháp truyền thống vẫn là câu hoặc đặt rọ bẫy.

Thời vụ chính để đặt bẫy, từ tháng 3 - 9 âm lịch, tờ mờ sáng, khi trời còn nhá nhem, các "thợ săn cáy" đã phải ra đồng đặt rọ, mồi cáy là những vỏ ốc rang với cám. Theo kinh nghiệm của chị Trúc, khi thủy triều lên, cáy ra khỏi hang kiếm ăn, sẽ chui vào rọ, đến giữa buổi sáng phải tới gom rọ về, nếu để lâu dưới nắng to, cáy sẽ chết.

Chị Trúc nhấc một rọ cho tôi xem, bên trong là những con cáy lưng vàng béo mẫm. Chị thu rọ lại, xếp vào 2 đầu gánh mang về, đến nhà, chị đem cân, được hơn 15kg.

Giống như chị Trúc, nhiều hộ dân dọc sông Cầm cũng làm nghề bắt cáy, mỗi ngày từ 15-20kg. Được biết, giá cáy hiện tại: 80 -100.000 đồng/kg, nếu gặp ngày không được con nước, lượng cáy khan hiếm, giá bán có thể lên tới 150.000 đồng/kg. Người bắt cáy thu nhập cả triệu đồng/ngày là chuyện thường, do vậy, người dân Đông Triều đã “đổi đời” từ cáy.

Tuy nhiên, chị Trúc cho biết: Con cáy, con rươi với người dân sông Cầm như “lộc” trời cho, nhưng lộc trời chẳng tự nhiên có mãi. Nếu cứ khai thác nhiều cáy, rươi sẽ cạn kiệt, quan trọng là làm sao giữ được các con đặc sản trời phú trên, để đời con, cháu mình còn biết để phát triển…

Từ ý nghĩ trên, chị Trúc bàn với gia đình đấu thầu trên 5 ha đất bãi bồi ven sông, đắp bờ làm ruộng để nuôi rươi, cáy. Tại chân ruộng chị đắp bờ cao để cáy dễ đào hang, trên mặt bờ, trồng cây ăn quả: chuối, mít, thanh long để có thêm nguồn thu.

Đặc biệt, chị không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào để đảm bảo chất lượng nguồn nước, đất cho cáy sinh sống. Cáy được nuôi trong môi trường sạch, đủ thức ăn, càng sinh sôi, phát triển tốt.

Hiện, chị Trúc đã mở nhà hàng nhỏ, để bán đặc sản rươi, cáy do gia đình tự nuôi trồng. Nhiều khách hàng cũng đã tìm đến với chị để thưởng thức hương vị độc đáo của Đông Triều.

Giống như chị Trúc, Chị Nguyễn Thị Chuyên, thôn 1 cũng cải tạo đất nuôi cáy và rươi. Với gần 15 năm theo nghề, chị đã tái tạo được môi trường sống tuyệt vời cho chúng. Hàng năm, chị cũng trồng lúa, nhưng không phun thuốc trừ sâu, phân hóa học, để đất thơm mùi lúa cho cáy, rươi đến.

Hết vụ, chị lại tạo độ thoáng cho rươi sống, đắp bờ cao, trồng thêm cỏ cho cáy có chỗ trú. Đổi lại, con cáy, con rươi có môi trường phát triển tốt, lại càng sinh sôi nảy nở, giúp chi có thu nhập cao.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Sơn, Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Hiện, nhiều hộ gia đình nuôi cáy còn mở thêm nhà hàng phục vụ ăn uống tại chỗ. Hoặc, cho khách vào thăm ruộng, trải nghiệm bắt cáy. Cách làm dịch vụ từ đầm cáy, đầm rươi giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa.

Hòa Bình: Cho cá ăn tỏi để chữa bệnh, thu hàng trăm triệu đồng

Muốn cá ăn tỏi, phải bỏ đói chúng vài ngày. Sau đó đập dập tỏi rồi thả xuống lồng,  cá ăn tỏi 2 lần/tuần sẽ không mắc bệnh ký sinh trùng và đường ruột.

 

hb-ca-an-toi-1119.jpg

 Anh Linh thường xuyên cho cá ăn tỏi để phòng bệnh ghẻ và đường ruột.

 

Sau nhiều lần nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình thất bại, anh Đinh Văn Linh, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình), đã nghĩ ra độc chiêu trị bệnh cho cá bằng tỏi. Mỗi tháng 2 lần anh cho cá ăn tỏi, cá vừa hết bệnh, vừa lớn nhanh, cách phòng bệnh này, anh đã áp dụng 3 năm nay rất hiệu quả

 Theo đó, năm 2014, anh Linh đầu tư 10 triệu đồng nuôi  2 lồng cá trắm đen, trắm cỏ, vào khoảng đầu tháng 5, khi những trận mưa đầu mùa đổ xuống, nước trong các suối chảy ra sông, đem nhiều tạp chất bẩn, nên cá chết hết.

Không nản chí, anh tiếp tục làm thêm lồng với chi phí lên trên 30 triệu đồng. Cũng như năm trước, đến lúc thu hoạch, cá chết nổi trắng lồng, những hộ dân khác cũng như vậy. Anh Linh tìm hiểu và phát hiện, chỉ những hộ để lồng gần bờ cá mới chết, hộ nuôi xa bờ, cá không bị ảnh hưởng gì.

Năm 2016, anh vay vốn tiếp tục đầu tư tiếp 10 lồng, và kéo lồng ra xa bờ, thả cá trắm, cá lăng, cá chiên... Tuy công chăm sóc vất vả như vận chuyển thức ăn cho cá, trông coi bảo vệ, nhưng cá lại sống khỏe. Cuối năm, lồng cá của anh cho thu hoạch gần trăm triệu đồng.

Hai năm gần đây, anh tiếp tục vay vốn, đầu tư thêm 20 lồng. Từ lồng bằng tre, luồng anh mạnh dạn đầu tư lồng sắt. Mỗi năm xuất hơn 4 tấn cá thương phẩm, thu về vài trăm triệu đồng.

Một trong những khó khăn của việc nuôi cá lồng là nguồn nước, mùa mưa thường làm cá sốc, và nhiều loại bệnh do ký sinh trùng gây ra. Qua tìm hiểu sách, báo và kinh nghiệm anh học được thì cho cá ăn tỏi là biện pháp tốt nhất.

Muốn cá ăn tỏi, phải bỏ đói chúng vài ngày, sau đó đập dập tỏi thả vào lồng, cá sẽ không mắc bệnh ký sinh trùng và đường ruột. “Cách phòng bệnh này, tôi áp dụng 3 năm nay rất hiệu quả. So sánh với những lồng không cho ăn tỏi, thì cá ở lồng ăn tỏi khỏe, lớn nhanh. Điều quan trọng là, cách này an toàn cho người tiêu dùng, kể cả khi vừa cho ăn xong cũng có thể xuất bán được”, anh Linh cho biết.

Sơn La: Nuôi cá lồng ở bản Ít B

 Phát huy thế mạnh lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân ở bản Ít B, xã Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tận dụng diện tích mặt hồ tập trung nuôi cá lồng, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, để  nâng cao thu nhập cho người dân.

 

ca-long-son-la-9999.jpg

 Nuôi cá lồng HTX Ngọc Hùng 

 

Ít B là bản tái định cư thủy điện Sơn La, những năm qua, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân Ít B đã chú trọng khai thác thủy sản vùng lòng hồ. Theo đó, bản Ít B thành lập HTX Thủy sản Ngọc Hùng, với 162 lồng cá, 14 thành viên tham gia.

 Mỗi lồng cá có diện tích 36 m2, được làm bằng khung thép chắc chắn; tập trung nuôi chủ yếu các loại cá trắm, lăng, chép, rô phi, nheo, trê... Đến nay, HTX đã thu trên 12 tấn cá các loại, với giá từ 30 - 80 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

 Để  cá đạt hiệu quả, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa chuộng, HTX đã tận dụng rau củ, bột ngô, sắn, cỏ voi VA06, làm vó đánh bắt cá tạp từ lòng hồ làm thức ăn cho cá.

 Anh Tòng Văn Loán, Giám đốc HTX Ngọc Hùng, cho biết: HTX mới thành lập, nên gặp không ít khó khăn về vốn, đầu ra sản phẩm chưa ổn định; các thành viên chủ yếu bán lẻ cho các thương lái, số lượng bấp bênh. Bởi vậy, mong muốn của HTX là tìm đầu ra cho sản phẩm, để yên tâm đầu tư, phát triển nghề cá.

Anh Tòng Văn Na, thành viên HTX, cho biết: Năm 2014, tôi vay hơn 100 triệu đồng, nuôi 20 lồng cá, khi HTX Ngọc Hùng thành lập, tôi đã tham gia, và học được cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, đàn cá phát triển tốt, mỗi vụ tôi bán được hơn 2 tấn, thu về 100 triệu đồng. Nuôi cá lồng hiệu quả cao hơn nhiều so việc trồng ngô, sắn.

Ngoài HTX Ngọc Hùng, còn có HTX Bản Ít B nuôi 89 lồng cá với 11 thành viên tham gia. Các HTX được thành lập, không chỉ giúp người dân lòng hồ phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản, mà còn giúp các thành viên liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ khi nuôi cá lồng, đời sống của người dân trong bản ổn định hơn, bản có 38 hộ, hiện chỉ còn 19 hộ nghèo.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top