Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 19 tháng 1 năm 2017 | 3:29

Quảng Sơn: Nỗ lực thoát nghèo

Là xã vùng cao biên giới thuộc Chương trình 135 của huyện Hải Hà (Quảng Ninh), những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Sơn đã vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Mô hình nuôi thử nghiệm lợn thịt chu kỳ 3 tháng 10 ngày của HTX Nông-lâm nghiệp Minh Đăng.

Địa hình bị chia cắt, đường sá đi lại khó khăn, có đến 93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tập quán canh tác, trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế,... là những khó khăn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Sơn đang phải đối mặt trên hành trình XDNTM. Tính đến năm 2015, xã vẫn còn 370/867 hộ nghèo, chiếm  42,67%; thu nhập bình quân đạt 10,36 triệu đồng/người. “Vì vậy, khi triển khai Chương trình XDNTM, chúng tôi lựa chọn những tiêu chí dễ, cần ít kinh phí làm trước, làm đến đâu chắc đến đó, đồng thời lồng ghép các nguồn vốn để hoàn thiện các công trình hạ tầng, xây dựng những mô hình kinh tế mới để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho nhân dân”, ông Phạm Văn Khởi, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, nói.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135 và các chương trình dự án, đến nay, diện mạo xã Quảng Sơn đã có những thay đổi đáng kể. 100% tuyến đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; 93% số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên.

Điều đáng ghi nhận là, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp công sức, tiền của cho chương trình. Sau 5 năm thực hiện chương trình, nhiều điển hình tập thể, cá nhân, nhân dân đã đóng góp được 40 triệu đồng, hiến trên 10.027m2 đất, 300 cây lấy gỗ, cây ăn quả các loại để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2016, xã đã huy động nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ làm sân Trường Tiểu học Quảng Sơn 2 điểm trường đội 7; sân Trường Tiểu học Quảng Sơn 1 điểm trường Cấu Phùng,…

Ông Phạm Văn Khởi,  Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn trao đổi với PV. KTNT.

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí khó thực hiện, những năm qua, chính quyền xã Quảng Sơn đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi theo 4 vùng sản xuất gồm: vùng trồng lúa (185,16ha) với các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt; vùng trồng hoa màu (17,39ha), theo đó tập trung cải tạo đầu tư khu vực ruộng canh tác rau sạch, đưa các giống rau, củ, quả mới vào trồng sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; vùng sản xuất chè diện tích 114,59ha tập trung ở thôn 4, bản Lý Van và Sán Cáy Cọoc; và vùng tổ chức trang trại chăn nuôi, mở rộng phương pháp nuôi bán công nghiệp gắn với chế biến sản phẩm và thức ăn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, tận dụng diện tích tự nhiên rộng, xã phát triển mạnh diện tích rừng trồng (2.970ha), tập trung sản xuất và khai thác các cây công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao như quế, keo,… Cuối năm 2016, xã giảm được 156 hộ nghèo, xuống còn 24,68%; thu nhập bình quân ước đạt 14 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, theo ông Khởi, công cuộc XDNTM trên địa bàn xã Quảng Sơn còn gặp khá nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng dù đã được Nhà nước đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa chưa thực sự phát triển sâu rộng. Một số ít cán bộ, đảng viên nhận thức về phong trào chưa thực sự đầy đủ, một bộ phận nhân dân nhận thức về vai trò chủ thể của mình trong XDNTM còn hạn chế, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa huy động được tối đa nguồn lực đóng góp của nhân dân.

Để đạt được mục tiêu về đích NTM vào cuối năm 2020, ra khỏi Chương trình 135, ông Khởi cho biết, thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Quảng Sơn sẽ tích cực huy động nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn và nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho XDNTM, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và các ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị để thực hiện XDNTM. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng mô hình trồng mía tím, trồng rau và các mô hình kinh tế trên địa bàn.

“Đề nghị Trung ương tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh một số nội dung của các tiêu chí để phù hợp với đặc thù của xã trong quá trình thực hiện chương trình; Nhà nước tăng thêm nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; tỉnh, huyện quan tâm kịp thời phân bổ nguồn hỗ trợ cho địa phương để sớm triển khai các hạng mục công trình theo tiêu chí XDNTM của xã”, ông Khởi kiến nghị.

Kiều Thuỷ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top