Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 1 năm 2020 | 13:41

Quy định 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định về khung giá đất. Trong đó, xác định rõ 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất cũng như quy định về khung giá đối với từng loại đất, theo từng vùng theo quy định của Luật Đất đai.

1.jpg

UBND các tỉnh được phép điều chỉnh khung giá đất tăng nhưng không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.

 

Chia 7 vùng kinh tế xây dựng khung giá đất

Nghị định số 96/2019/NĐ-CP quy định khung giá đất đối với nhóm đất nông nghiệp gồm có khung giá đất trồng cây hàng năm (gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác), khung giá đất trồng cây lâu năm, khung giá đất rừng sản xuất, khung giá đất nuôi trồng thủy sản và khung giá đất làm muối.

Đối với nhóm đất phi nông nghiệp, Nghị định số 96 cũng quy định khung giá đất ở tại nông thôn, khung giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn, khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn, khung giá đất ở tại đô thị, khung giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị, khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.

Đặc biệt, Nghị định số quy định 7 vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất. Cụ thể, đối với vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh, khung giá đất quy định giá đất ở tại đô thị loại 1 đến loại 5, tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 65 triệu đồng/m2.

Vùng đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình, giá đất ở  được quy định với các đô thị đặc biệt, đô thị từ loại 1 đến loại 5 có mức tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa là 162 triệu đồng/m2.

Vùng Bắc Trung bộ gồm các tỉnh  Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, khung giá đất ở tại đô thị từ loại 1 đến loại 5 tối thiểu là 40 nghìn đồng/m2, tối đa là 65 triệu đồng/m2.

Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, với các đô thị từ loại 1 đến loại 5, giá đất ở tại đô thị tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 76 triệu đồng/m2.

Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng, khung giá đất ở tại đô thị từ loại 1 đến loại 5, tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 48 triệu đồng/m2.

Vùng Đông Nam bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP.HCM, giá đất ở với các đô thị từ loại 1 đến loại 5, tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa 162 triệu đồng/m2.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, khung giá đất ở loại đô thị từ 1 đến 5, có giá tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa 65 triệu đồng/m2.

UBND tỉnh được phép điều chỉnh không cao hơn 20% so với khung giá đất

Cụ thể, Nghị định số 96  quy định về khung giá đất lần này cũng được sử dụng để làm căn cứ, trên cơ sở này UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất…

Nghị định số 96 thay thế Nghị định số 104/NĐ-CP ngày14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường  đã đề nghị UBND cấp tỉnh căn cứ khung giá đất để xây dựng dự thảo bảng giá đất, xử lý giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP và trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá đất, bảng giá đất điều chỉnh theo quy định Điều 11 Nghị định 44/2014/NĐ-CP so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất sau khi điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 96/2019/NĐ-CP.

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
Top