Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2019 | 11:32

Quỳnh Phụ (Thái Bình): Huy động tiền của nông dân rồi tuyên bố vỡ nợ

Huy động tiền dưới hình thức góp phường (họ) và vay với lãi suất cao, bà Nguyễn Thị Mến (An Đồng, Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã chiếm đoạt số tiền lên đến nhiều tỷ đồng của hàng trăm người nông dân, đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, ly tán...

4.jpg
Bà con xã An Đồng tố cáo sự việc với phóng viên.

Nông dân điêu đứng

Sự việc bắt đầu từ tháng 8/2018, bà Mến đã huy động tiền của nhiều người tại huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) bằng hình thức góp phường (họ), và huy động vốn lấy lãi suất cao. Với vỏ bọc là người giàu có, cần thêm tiền để xây dựng các dự án sản xuất giày da, chiếu cói tại huyện Quỳnh Phụ, bà Mến đã chiếm được lòng tin được rất nhiều người. Riêng tại xã An có 47 người đưa tiền đến nộp cho bà Mến để lấy lãi. Người ít nhất là 70 triệu đồng, người nhiều nhất hơn 800 triệu đồng.

Thế nhưng, khi đã huy động được nhiều bát phường (họ) với số tiền hơn 15 tỷ đồng, bà Mến tuyên bố vỡ nợ, không có khả năng trả lại tiền cho ai nữa.

Xem những tờ giấy nhận tiền được in sẵn, với những dòng chữ được điền thêm bằng bút mực nguệch ngoạc, chúng tôi không hiểu bằng cách nào mà bà Mến lại có thể khiến cho những người này tin tưởng, giao cho bà ta số tiền lớn mà không chút mảy may nghi ngờ. 

Tiếp xúc với phóng viên, những con người có khuôn mặt mặt khắc khổ, đậm chất nông dân cho biết: “Vì tin bà Mến giàu có, và số lãi suất cao hơn ngân hàng nên chúng tôi đem tiền gửi vào đây”.

Cũng như nhiều bà con khác đang có mặt, bà Nguyễn Thị Vang (SN 1964), trú tại thôn Lễ Văn, xã An Đồng thẫn thờ nói: “Nghe bà Mến nỉ non về lãi suất cao, tôi đi rút hết tiền gửi ở ngân hàng về góp cho bà ấy 640 triệu đồng. Bây giờ thì mất hết rồi”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Lục trú tại thôn Ngũ Xá, xã An Đồng  than thở: “Cả cuộc đời làm lụng tích cóp, nghe bà Mến vẽ ra những dự án xây dựng cho quê hương, tôi xuôi lòng mang 470 triệu đồng đến cho bà ta, để rồi chỉ nhận lại tờ giấy đơn giản này”.

Theo những người có mặt đây, còn rất nhiều hoàn cảnh đáng thương bị bà Mến lừa tiền nữa. Có người khi biết mình bị lừa, hoảng loạn đã nhiều lần tìm đến cái chết, nhưng may mắn được người thân phát hiện và ngăn cản kịp thời.

Mọi người dẫn chúng tôi đi vào thôn Đồng Tâm, xã An Đồng để gặp những hoàn cảnh đáng thương, do cả tin mà đưa tiền góp phường cho bà Mến. Ngôi làng vốn bình yên nay trở nên nặng nề, với những tiếng thở dài. Đến trước một ngôi nhà tuềnh toàng gần cuối thôn, một cụ già bước ra cửa ngước đôi mắt mờ đục trên khuôn mặt già nua nhìn chúng tôi. Cụ là Phạm Thị N., 79 tuổi. sống một mình tại đây. Đưa ra tờ giấy nhận tiền do bà Mến viết, cụ N. chậm rãi nói: “Cả cuộc đời tôi tích cóp được 70 triệu đồng, bà Mến lấy mất rồi”. Nói xong cụ bà lững thững quay vào.

5.jpg

Chị Phạm Thị Hằng tật nguyền vẫn bị lừa 300 triệu đồng

 Chúng tôi tiếp tục tìm đến nhà chị Phạm Thị Hằng (40 tuổi), trú tại thôn Nguyên Xá, xã An hiệp (huyện Quỳnh Phụ). Chị Hằng bị khuyết tật chân trái, là mẹ đơn thân của hai đứa con, đứa lớn mới 7 tuổi. Với vẻ bức xúc, chị Hằng cho biết: “Tôi bị mất 300 triệu đồng. Trong đó 130 triệu đồng góp phường (họ) và 170 triệu đồng cho vay lãi suất. Bà Mến lừa cả những người què như tôi, thì quá táng tận lương tâm”.

Tất cả mấy chục người, nạn nhân của bà Mến cho biết: “Tháng 8/2018 bà Mến huy động tiền của dân, sau đó tuyên bố vỡ nợ nên chưa ai được nhận một đồng tiền lãi nào…”.

Sự im lặng khó hiểu

Khi bà Mến tuyên bố không còn khả năng trả nợ, mọi người vội vàng tìm đến căn nhà cao tầng, nơi hàng ngày bà Mến ở đấy thu tiền góp phường của người dân thì mới biết: Căn nhà này đã thuộc quyền sử dụng của con trai bà Mến. Hiện bà đã chuyển ra sinh sống ở ngoài bãi sông. Không còn cách nào khác, người dân viết đơn tố cáo gửi đến Cơ quan Công an huyện Quỳnh Phụ.

1.jpg

2.jpg
3.jpg
Những tờ giấy nhận tiền của bà Mến. 

Sau khi tiếp nhận sự việc, Công an Quỳnh Phụ đã mời những người có đơn tố cáo lên lấy lời khai, đối chất. 

Tại đây, bà Mến đã thừa nhận: Có tổ chức góp phường (họ) và vay tiền của người dân. Việc tố cáo là đúng. 

Ngày 12/04/2019,  tại trụ sở Công an huyện Quỳnh Phụ, với sự có mặt của cán bộ điều tra, bà Mến cam kết: Sẽ trả tiền cho các khổ chủ, nhưng chỉ trả được 1 triệu đồng/tháng…

Từ đó đến nay, mọi việc rơi vào im lặng. Bà Mến vẫn cứ nhởn nhơ, sống bình yên bên cạnh số nợ đã huy động. Còn hàng trăm người dân An Đồng, An Hiệp và các xã lân cận bị mất tiền đều bỏ bê công việc đồng áng. Họ nói: “Mấy trăm triệu đồng bị lừa mất, nay đi làm đồng với ngày công chỉ mấy trăm ngàn, thì cho đến lúc nào mới lấy lại đủ số tiền đã mất?”.

Chúng tôi đến trụ sở Công an huyện Quỳnh Phụ để tìm hiểu thêm sự việc. Nhưng nhiều lần, đồng chí điều tra viên vụ án đều báo bận, nên không gặp và tiếp cận hồ sơ vụ việc.

Đến nay, vụ việc không có thêm diễn tiến gì mới. Bà Mến vẫn nhởn nhơ, thách thức, vô sự. Còn những người nông dân thì vô vọng trong việc đòi lại số tiền của mình đã cho vay.

Và phía Công an huyện Quỳnh Phụ vẫn cứ im lặng, khó hiểu.  

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin với bạn đọc về sự việc trên.

 

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Hoàng Văn Hướng (Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng- Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: “Sự việc đã có dấu hiệu tội phạm về tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”, và nếu bà Mến dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu, thì có thể phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Về phía cơ quan điều tra Công an huyện Quỳnh Phụ, khi nhận được đơn tố cáo thì phải tiến hành điều tra, làm rõ. Nếu có dấu hiệu tội phạm,  phải khởi tố vụ án hình sự. Nếu không khởi tố, phải có công văn trả lời cho các nạn nhân biết rõ lý do”.

                                                                                    

 

 

 

 

Thế Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top