Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 6 năm 2022 | 10:34

Rộn ràng mùa mận ở Tây Bắc

Hiện, mận hậu Sơn La, mận Tam Hoa Bắc Hà (Lào Cai) đang vào vụ. Năm nay, mận ở các địa phương này đều được mùa được giá khiến bà còn nông dân rất vui mừng.

Mùa mận hậu Sơn La

Từ chỗ để cây mận phát triển tự nhiên, bà con nông dân ở Sơn La đã từng bước thay đổi phương pháp canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng, chăm sóc.... nâng cao chất lượng và giá trị quả mận, góp phần tăng thu nhập cho người trồng.

Gia đình ông Mùa A Phềnh ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La những ngày này phải huy động mọi thành viên trong nhà lên nương hái mận. Mận hậu của gia đình năm nay được mùa, quả sai trĩu, thương lái về thu mua tận bản. Ông Phềnh kể, gia đình đã chuyển hơn 1,5 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng mận hậu từ năm 2014. Những năm qua, cây mận phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình khoảng 30 tấn quả mỗi năm. “Mận nhà tôi bắt đầu bói từ năm kia. Năm đầu tiên được bán được 80 triệu, năm thứ hai (năm 2021) được 200 triệu, có người lên mua tận bản”, ông Phềnh cho biết thêm.

 

man-sl.jpg

Cây mận hậu đã gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người dân Mộc Châu, Sơn La.

 

Cây mận hậu bén rễ trên đất Mộc Châu từ những năm 1980. Đến nay, địa phương này đã trở thành vùng trồng mận lớn nhất cả nước, với hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha. Sản lượng mận năm nay ước đạt 28.000 tấn.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, cây mận hậu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực, giúp người nông dân Mộc Châu thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Bà Hoa cho biết thêm: “Chúng tôi xác định người dân phải tiếp tục phát triển cây mận, với cách ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, làm thế nào để cây mận phát triển tốt hơn, an toàn hơn, tiêu thụ tốt hơn để người dân yên tâm gắn bó với cây mận”.

 

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho mận Sơn La.

Sơn La hiện có 8.160 ha mận, sản lượng 66.100 tấn; 2.240 ha chanh leo, sản lượng ước đạt 28.200 tấn; hơn 1.120 ha bơ, sản lượng ước đạt gần 4.000 tấn, tập trung trên địa bàn các huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu. Thời gian thu hoạch mận bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 6 dương lịch.

 

Mùa mận chín cũng đang rộn ràng trên khắp các nương đồi ở xã Phiêng Khoài – “thủ phủ” mận của huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Thời điểm chính vụ, mỗi ngày, xã Phiêng Khoài tiêu thụ khoảng 200 tấn mận.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, người dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cho hay: “Năm nay mận được giá. Trung bình đạt khoảng 20-30.000đ/kg. Loại mận dọc, to, ngon có khi 100.000đ/kg”.

Để nâng cao giá trị cho quả mận, thời gian qua, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, khuyến khích người dân thay đổi tư duy trong canh tác. Từ chỗ trồng rồi để phát triển tự nhiên, đến nay, khoảng 70% diện tích mận ở Yên Châu đã được người dân đầu tư hệ thống tưới nước. Cây cũng được đốn tỉa, tạo tán và bón phân theo từng chu kỳ. Nhờ vậy, mận cho chất lượng ngon, kích thước to đều, có thể đạt 12-18 quả/kg.

Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, Sơn La cho biết: “Trong năm vừa qua, mận Yên Châu cũng đã được tham gia các chương trình kết nối nông sản, được người tiêu dùng biết tới và dần có thương hiệu, nhất là mận RUBY được một số thị trường trong và ngoài nước biết đến”.

 

man-1.jpg

Mận được thương lái thu mua tận bản hoặc người dân chở về các điểm tập kết trên địa bàn.

 

Với diện tích mận hậu hơn 11.000 ha, tỉnh Sơn La đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho quả mận, thông qua việc xây dựng các vùng trồng theo tiêu chuẩn; khuyến khích, hỗ trợ thành lập các HTX để tổ chức trồng, chăm sóc mận theo quy trình, tiêu thụ ổn định...

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, năm nay, sản lượng mận của tỉnh Sơn La ước đạt khoảng 60.000 tấn. Đến thời điểm này, mận Sơn La cơ bản được tiêu thụ ổn định, mang lại thu nhập trung bình khoảng 150 triệu – 200 triệu đồng/ha. Sơn La sẽ chuyển đổi canh tác những vùng chưa áp dụng khoa học kỹ thuật sang ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh... để cho ra những quả mận có chất lượng cao, đáp ứng thị trường trong nước và các thị trường quốc tế.

Với tiềm năng, lợi thế và định hướng cụ thể, cây mận hậu ở Sơn La đang từng bước khẳng định chất lượng và thương hiệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và giúp bộ mặt của nhiều bản làng ngày một khởi sắc.

Nông dân huyện Bắc Hà được mùa, được giá mận Tam Hoa

Tuy mới bước vào chính vụ nhưng nông dân huyện Bắc Hà đã bán được hơn 1.500 tấn mận Tam Hoa tươi với giá cao. Không chỉ bán đắt hàng, mận Tam Hoa năm nay được mùa, được giá khiến nông dân địa phương vô cùng phấn khởi, xóa đi nỗi lo phải vất vả tìm đầu ra như mùa thu hoạch của năm trước.

Mận Tam Hoa là đặc sản của vùng đất được mệnh danh “Cao nguyên trắng” Bắc Hà, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt, khiến cho quả mận to, giòn ngọt, cùi dày hạt nhỏ, màu tím hồng rất đẹp.

Từ những cây giống đầu tiên lai ghép thành công cách đây hơn 40 năm, đến nay, toàn huyện Bắc Hà có khoảng 350ha mận Tam Hoa nguyên chủng, tập trung ở thị trấn Bắc Hà và các xã: Tà Chải, Bản Phố, Lùng Phình, Thải Giàng Phố, Na Hối và Nậm Mòn.

Ngành nông nghiệp địa phương đánh giá, năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây mận tam hoa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất, sản lượng khá cao, ước đạt hơn 3.000 tấn. Mặc dù sản lượng có giảm so với năm 2021 (khoảng 3.500 tấn) nhưng bù lại sản phẩm có chất lượng cao, quả to và sai, mẫu mã quả cũng đẹp hơn.

Gia đình chị Giàng Thị Mủa thôn Na Áng, xã Na Hối có xấp xỉ 200 gốc mận. Cứ cách bốn ngày, gia đình đi hái một lượt. Mỗi lần hái cho thu từ 20kg trở lên với mức giá trung bình khoảng 50.000 đồng/kg.

Chủ vườn Giàng Thị Mủa chia sẻ, năm nay thời tiết thuận lợi lại được chăm sóc tốt nên mận cho quả to, mẫu mã đẹp, được thương lái ưa chuộng và đặt mua ngay tại vườn.

Tại một số gian hàng được bày bán tại trung tâm thị trấn, mận Tam Hoa có đủ loại với mức giá dao động từ 10.000-80.000 đồng/kg tùy theo chất lượng và kích cỡ của quả.

Trung bình từ 10.000-15.000 đồng/kg mận xô, 20.000-30.000 đồng/kg mận chọn và loại mận to, mọng nhất (mận ngố) giá ổn định từ 40.000-80.000 đồng/kg. Những loại mận đẹp vẫn được du khách và người dân chọn mua dù giá có hơi cao.

Mận Tam Hoa chín rộ vào đầu tháng Sáu hằng năm, dịp này cũng là thời điểm diễn ra Festival cao nguyên trắng Bắc Hà 2022 mùa hè thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Du khách Đinh Mỹ Lan đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, gia đình thường được người thân ngoài Bắc biếu gửi mận tam hoa vào mỗi dịp hè nhưng đây là lần đầu tiên chị được tận tay hái và thưởng thức mận tươi tại vườn nên rất phấn khích.

Mận Tam Hoa của Bắc Hà có vị thơm ngon đặc biệt. Ngoài ăn trực tiếp quả tươi, dùng để làm mứt hoặc sốt cũng rất ngon.

Hiện, các tư thương từ thành phố Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Nội tiến hành thu gom mỗi ngày. Việc tiêu thụ mận Tam Hoa diễn ra thuận lợi khiến các hộ trồng phấn khởi, yên tâm tiếp tục thực hiện dự án mở rộng và cải tạo vườn mận tạp của địa phương.

Đưa mận Tam Hoa vào siêu thị để khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị là mong muốn của những người trồng mận. Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện Bắc Hà đã đẩy mạnh quảng bá và bán trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo, Postmart... giúp nông dân có đầu ra cho nông sản cũng như phục vụ rộng rãi hơn tới khách hàng trong cả nước.

Để thúc đẩy năng suất cây trồng chủ lực trên địa bàn, giúp người dân phát triển kinh tế, Bắc Hà đã hỗ trợ giống cây, phân bón để bà con mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng nông sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà Hoàng Văn Khoa cho biết, xác định được lượng mận cần tiêu thụ năm nay, huyện đã họp, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan có liên quan để tư vấn phương thức cho người dân; mở lớp tập huấn cho đội ngũ công nghệ cộng đồng tại các xã có sản lượng mận lớn để đưa sản phẩm mận lên sàn giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, địa phương hỗ trợ các hộ kinh doanh tạo ra sản phẩm bao bì có mã truy xuất nguồn gốc để khách hàng yên tâm chọn lựa.

 

man-bh.jpg

Chủ vườn mận tại xã Na Hối (Bắc Hà) thu hoạch trái. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

 

Cùng với thu nhập từ mận quả tươi, các sản phẩm chế biến từ mận giúp người trồng có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Tháng 11/2021, sản phẩm "Mận Tam Hoa sấy dẻo" của hợp tác xã Quang Tom đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh Lào Cai.

Mùa mận năm nay, hợp tác xã Quang Tom sản xuất 15 tấn mận Tam Hoa sấy dẻo, góp phần tạo đầu ra ổn định cho người trồng mận tại huyện Bắc Hà. Giám đốc hợp tác xã Sải Thị Bích Huế cho biết, ngoài việc tiêu thụ được mận Tam Hoa tươi, hợp tác xã còn giải quyết được phần nào nguồn lao động tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Theo tính toán, trung bình cứ 100 kg thành phẩm, hợp tác xã sẽ sử dụng từ 12 đến 15 công lao động. Năm 2022, hợp tác xã tiếp tục nâng cấp công nghệ sản xuất, mở rộng quy mô nhà xưởng và lắp đặt hệ thống sấy lạnh công nghệ cao để giúp tăng năng suất, gia tăng chất lượng sản phẩm, thời hạn bảo quản.

Thời gian qua, những cây ăn quả có nguồn gốc ôn đới ở Bắc Hà như mận Tam Hoa, mận Tả Van, Lê VH6, đào Pháp... đã dần trở thành cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao với tổng diện tích đạt hơn 1.300ha.

Năm 2022, địa phương đặt mục tiêu doanh thu từ các loại cây này đạt gần 200 tỷ đồng; đầu tư chế biến sâu đang là hướng đi đúng và bền vững được Lào Cai ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo nguồn thu nhập cao, ổn định cho nông dân, tránh mang tính thời vụ và nâng tầm giá trị nông sản địa phương.

 

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: 2 năm qua, Sơn La luôn tiên phong, là hình mẫu trong sự chủ động, kết nối, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản vào vụ, giúp nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, bài bản, thiết thực có hiệu quả. Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu xoài và nông sản tỉnh Sơn La năm 2022 rất quan trọng, có sự tham gia của các chủ thể, từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Tin tưởng rằng, những chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được mở rộng, củng cố và phát triển, giúp nông sản Sơn La đi được xa hơn, bền vững hơn. Bộ Công thuơng cũng cam kết luôn đồng hành, phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong cả nước nói chung và Sơn La nói riêng trong việc tìm đầu ra và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, một cách hiệu quả nhất. 

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top