Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 9 năm 2015 | 8:21

Sai phạm khó chấp nhận với gia đình liệt sỹ ở Hải Ninh

Báo Kinh tế nông thôn nhận được đơn của ông Vũ Hữu Tròn ở thôn Thanh Bình phản ánh việc một số cán bộ xã Hải Ninh (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) nhiều năm gây khó khăn trong việc làm thủ tục hưởng chế độ gia đình liệt sĩ...

Mất 13 năm chưa  có giấy chứng tử!

Ông Vũ Tròn đau lòng khi người mẹ có hai con là liệt sĩ nhưng đến nay vẫn chưa được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Theo đơn của ông Tròn, ông có 2 anh ruột đều là liệt sĩ. Đó là Vũ Hữu Niệm, sinh năm 1944, nhập ngũ năm 1967, hy sinh tháng 7/1968 tại mặt trận phía Nam (Giấy báo tử số TH/CM 01901 ngày 20/7/1968; Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 50TT/GA ngày 03/3/1970, bằng số MA-636CL) và liệt sỹ Vũ Hữu Vụ, sinh năm 1946, nhập ngũ năm 1965, hy sinh ngày 18/8/1966 tại mặt trận phía Nam (Giấy báo tử số TH/CM 01592; Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 59/TTGA ngày 08/3/1971, bằng số AG 332/CL).

Năm 2003, bố đẻ ông Tròn là ông Vũ Hữu Đừng mất, từ đó đến nay đã 13 năm nhưng UBND xã Hải Ninh vẫn chưa cấp giấy chứng tử. Không chỉ có vậy, lúc ông Đừng mất, gia đình ông Tròn cũng chưa nhận được khoản hỗ trợ mai táng theo quy định của Nhà nước giành cho thân sinh liệt sỹ.

Cũng theo phản ánh của ông Tròn, kể từ khi Nhà nước có chế độ về tiền tuất (hương khói) cho gia đình liệt sĩ, gia đình ông cũng chưa được nhận chế độ này.

Năm 1997, chính quyền địa phương cấp 1 thửa đất có thu tiền (phiếu thu tiền 2 triệu đồng, ngày 02/6/1997, diện tích 120m2) cho gia đình liệt sỹ để làm nơi thờ cúng 2 liệt sỹ Vũ Hữu Niệm và Vũ Hữu Vụ. Tuy nhiên, từ năm 1997 đến nay, UBND xã Hải Ninh liên tục gây khó khăn và không làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông. Gần đây, UBND xã liên tục có văn bản thúc ép gia đình ông lên làm thủ tục cấp giấy chứng tử cho bố ông nhưng lại bắt ông phải ghi ngày làm giấy chứng tử là từ năm 2015 chứ không phải năm 2003.

“Trục lợi” chế độ thân nhân liệt sỹ?

Trao đổi với phóng viên, ông  Tròn cho biết: “Bố tôi mất cách đây 13 năm nhưng không hiểu vì sao chính quyền lại không làm giấy chứng tử. Gia đình tôi phát hiện ra sự việc này khi đi làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2004 đến nay, tiền lương của bố tôi đi mô?”.

Để làm rõ hơn về những phản ánh này, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND xã Hải Ninh. Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch UBND xã, thừa nhận chính quyền đã yếu kém và có nhiều khuyết điểm. “…Gia đình có phản ánh, chính quyền địa phương thời điểm đó có khuyết điểm, người ta báo mình không làm là mình sai, thời điểm đó anh Lê Hữu Nho là Chủ tịch, giờ anh ấy đã nghỉ”, ông Phương cho biết.

Ông Hoàng Khắc Đạo, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tĩnh Gia cho rằng: Sau khi ông Vũ Hữu Đừng chết, do gia đình không thực hiện hồ sơ đề nghị trợ cấp tiền thờ cúng 1 lần theo Nghị định 28/NĐ-CP ngày 29/04/1995 của Chính phủ nên không có cơ sở xem xét cấp tiền thờ cúng cho 2 liệt sĩ. Bố, mẹ 2 liệt sĩ chết năm 1999 và 2003, giai đoạn này chưa thực hiện Nghị định 210/2004/NĐ-CP ngày 20/12/2004 của Chính phủ và Thông tư 10/2005/TT-BLĐTBXH ngày 05/1/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng nên bố, mẹ 2 liệt sĩ không nhận được tiền trợ cấp mai táng phí và trợ cấp 1 lần theo quy định.

Đề cập tới nghi vấn của gia đình ông Tròn về việc một số cán bộ tại UBND xã Hải Ninh có thể đã “trục lợi” vì chưa làm thủ tục cắt chế độ thân nhân liệt sỹ từ năm 2003 đến nay, ông Đỗ Văn Mười, Trưởng phòng Người có công (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa), cho rằng: Xuất phát từ chính việc làm của UBND xã Hải Ninh không minh bạch nên người ta mới nghi vấn. Còn việc có “trục lợi” hay không thì Phòng Tài chính nắm rõ hơn.

Ông Nguyễn Quốc Trọng, Phó trưởng phòng Phòng Kế hoạch tài chính (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa), lý giải: “Kinh phí trợ cấp cho người có công trên này quản lý chung, tỉnh Thanh Hóa phân cấp cho UBND các huyện, các Phòng Lao động - Thương binh xã phụ trách, hàng tháng kiểm tra, họ tính toán in danh sách chi trả tại đó”.

Còn về việc chính quyền địa phương cấp đất có thu tiền, ông Khương Văn Dũng, Phó trưởng phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tĩnh Gia, cho biết: “Đất UBND xã Hải Ninh bán năm 1997 cho gia đình ông Đừng là bán trái thẩm quyền. Ông Đừng đã chết, liên quan đến quyền thừa kế, nhà ông Tròn có 6 anh em, 2 liệt sỹ đã mất, gia đình phải cung cấp hồ sơ liên quan về xã, biên bản thỏa thuận phân chia di sản; yêu cầu hồ sơ đất, hồ sơ liên quan, giấy chứng tử của ông và bà…”.

Đau lòng nhất là chế độ đối với bà Lê Thị Kệ (vợ ông Đừng, có 02 con ruột là Vũ Hữu Niệm và Vũ Hữu Vụ đều là liệt sĩ). Theo quy định tại Điều 2, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 ngày 20/10/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh năm 1994 thì bà Kệ sẽ được truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Tuy nhiên, sau nhiều lần đề nghị, UBND xã Hải Ninh vẫn chưa thực hiện thủ tục truy tặng danh hiệu cho mẹ ông Tròn.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ngày 30/7/2015, Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Thanh Hóa có Phiếu chuyển đơn số 94/VP-THTT gửi Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia: Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chuyển đơn của ông Vũ Hữu Tròn đến Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia xem xét, giải quyết, trả lời công dân và báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật.

Nhóm PVĐT

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top