Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 4 năm 2022 | 10:7

Sẵn sàng “đón sóng”

Quyết định mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3 là một dấu mốc quan trọng của ngành du lịch sau 2 năm “ngủ đông”.

Việc mở cửa du lịch trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam và du lịch Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục ngành này.

Tư duy và cách làm mới

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Đoàn Văn Việt, so sánh với các nước trong khu vực, thời điểm mở cửa này không phải trễ, đồng thời phù hợp với các điều kiện trong nước khi Việt Nam đã nỗ lực bao phủ vaccine và rút kinh nghiệm qua giai đoạn thí điểm bốn tháng vừa qua.

Điểm mấu chốt ở đây là làm thế nào để khôi phục lại hoạt động du lịch một cách khẩn trương, đồng bộ, tạo ra liên kết ngành và liên kết địa phương hiệu quả, hỗ trợ và định hướng phù hợp cho doanh nghiệp.

Sau khi công bố mở cửa lại hoạt động du lịch, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng ban hành kịp thời các phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch. Theo đó, khách nội địa đi du lịch không có bất cứ hạn chế nào. Khách quốc tế chỉ cần xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi đến, không cần cách ly và không cần “hộ chiếu vaccine”.

 

khách-quốc-tế-đến-hà-nội-trong-ngày-đầu-mở-cửa-đón-khách-du-lịch.jpg
Khách quốc tế đến Hà Nội trong ngày đầu mở cửa đón khách du lịch.

 

Khách chỉ cần có xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh. Trước khi nhập cảnh, khách du lịch phải khai báo y tế thông qua ứng dụng PC-COVID và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Tổng cục trưởng, Tổng cục du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng cho biết, tất cả cửa khẩu đón khách thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, cả đón khách đến (inbound) và đưa khách đi (outbound) đều được mở hết.

Chính sách thị thực cũng được khôi phục như trước dịch với việc miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, Đông Bắc Á và miễn thị thực song phương cho 88 nước.

Khách du lịch ra nước ngoài (outbound) thì tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch.

Các địa phương và DN sẵn sàng “đón sóng”

Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch, nhiều địa phương cũng như các công ty du lịch, lữ hành đang sôi nổi mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, sẵn sàng đón sóng du lịch.

Ngay từ ngày 11/3, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa; Phát động Chương trình kích cầu du lịch năm 2022 và đón khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa.

Ngày 18/3, Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL và lễ phát động mở lại hoạt động du lịch.

Tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế năm 2022.

Các địa phương mở cửa du lịch với nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là triển khai đồng bộ các giải pháp từ chính sách xuất nhập cảnh, các biện pháp phòng dịch, thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch, đến xây dựng các sản phẩm du lịch, chuẩn bị về nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số…

Nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị về sản phẩm, dịch vụ, làm mới tour, tuyến; quảng bá, xúc tiến để sớm đón khách quốc tế trở lại.

Ông Lương Duy Doanh - Trưởng ban truyền thông, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO cho biết, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO đã phối hợp với các địa phương như Nghệ An, Tuyên Quang, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Hà Giang... tổ chức các đoàn Famtrip giúp các doanh nghiệp khảo sát các tour tuyến du lịch, nhằm đưa ra các sản phẩm mới thu hút khách du lịch.

 

Năm 2022, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch; trong đó, khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.

Để đạt con số này ngoài những chính sách đột phá, những giải pháp tổng thể còn là sự vào cuộc đồng bộ mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và những doanh nghiệp làm du lịch.

 

Mới đây, Câu lạc bộ lữ hành UNESCO tổ chức đưa đoàn lữ hành khảo sát dịch vụ tiềm năng MICE của tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút hơn 60 doanh nghiệp du lịch, lữ hành tham gia. Đặc biệt, tới đây Câu lạc bộ lữ hành UNESCO tổ chức đoàn Famtrip với hàng chục doanh nghiệp du lịch tới Hà Giang khảo sát đánh sản phẩm du lịch Vị Xuyên (Hà Giang)...

Theo ông Lương Duy Doanh, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong năm 2020 và 2021, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải hoạt động cầm chừng và có thời gian phải đóng cửa dừng hoạt động… đã khiến cho ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề.

Chính vì vậy, trước mắt các địa phương cần tập trung phục hồi thị trường du lịch nội địa và việc kích cầu du lịch là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời điểm hiện nay nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân, du khách đi tham quan, du lịch trong bối cảnh bình thường mới sau đại dịch COVID-19, qua đó từng bước phục hồi ngành du lịch sau dịch bệnh.

Thông qua các chương trình hợp tác, liên kết xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa, các doanh nghiệp du lịch – các điểm đến – các dịch vụ sẽ được kết nối, đưa ra những gói sản phẩm hiệu quả thu hút khách du lịch.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng – Giám đốc Tiếp thị truyền thông Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) cho biết, Vietravel Airlines đã bắt đầu mở bán vé những chặng bay mới như Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đà Nẵng từ 16/3 và Tp. Hồ Chí Minh - Quy Nhơn trước đó.

Đồng thời, Vietravel Airlines sẽ duy trì các đường bay hiện có với tần suất 1-2 chuyến/ngày và đảm bảo tỷ lệ khai thác đúng giờ luôn đạt trên 97%. Tùy theo nhu cầu thực tế của thị trường, hãng sẽ nâng tần suất một số đường bay lên 3-4 chuyến/ngày.

Nhiều dịch vụ mới cũng được các địa phương thực hiện. Mới đây, Đà nẵng vừa tổ chức khai trương tuyến tàu vận tải thủy từ thành phố Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và ngược lại. Tuyến tàu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và khách du lịch, đồng thời kết nối Đà Nẵng với huyện đảo Lý Sơn gần nhau hơn.

Làm mới, xây dựng mới một số sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng thị hiếu khách trong trạng thái bình thường mới đang là mục tiêu, hướng đi của ngành Du lịch Nghệ An. Nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn như “Chèo thuyền Kayak - đi bộ, leo núi-đạp xe đạp địa hình ở đập Phà Lài huyện Con Cuông” và “Khám phá đỉnh Puxailaileng ở huyện Kỳ Sơn” sẽ được đưa vào khai thác. Cùng với đó, hoàn thiện các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái do Quỹ Môi trường toàn cầu (Dự án GEF) hỗ trợ tại Con Cuông, Tương Dương như rừng săng lẻ, Vườn Quốc gia Pù Mát... để phục vụ nhu cầu của khách du lịch và các sản phẩm du lịch trải nghiệm các vườn hoa tại các huyện miền Tây…

Giải pháp gỡ khó và công nhận hộ chiếu vaccine

Hiện nay, Việt Nam đã đạt được thoả thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 17 quốc gia, bao gồm: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nhật Bản, Australia, Cộng hoà Belarus, Cộng hoà Ấn Độ, Vương quốc Cam pu chia, Cộng hoà Philippines, Cộng hoà Maldives, Nhà nước Palestine, Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng hoà Arab Ai Cập, CHXHCNDC Sri Lanka, New Zealand, Cộng hoà Singapore, Cộng hoà Saint Lucia và Hàn Quốc.

Hộ chiếu vaccine của các nước này vào Việt Nam và của Việt Nam đến các nước này được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại.

Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hoá lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.

Tuy đã được mở cửa hoàn toàn đón khách, nhưng các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành… trên cả nước vẫn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, câu chuyện về nhân lực, nguồn vốn để phục hồi thời điểm hậu COVID-19 thực sự nan giải.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới, du lịch Việt Nam cần có tư duy và cách làm mới để “biến nguy thành “cơ”, để ngành du lịch “sống lại” và mở rộng cánh cửa phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, để du lịch khôi phục nhanh nhất sau thời gian dài chịu tác động nặng nề của đại dịch, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ nhằm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, ưu đãi lãi suất. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhà nước tiếp tục cho phép doanh nghiệp ngành du lịch tiếp cận vốn vay ưu đãi, quỹ đất, ưu đãi về thuế để có nguồn lực phát triển. Các doanh nghiệp kiến nghị giải pháp mạnh hơn là lùi thời gian đóng lãi suất ngân hàng và bảo hiểm xã cho doanh nghiệp du lịch đến đầu năm 2023.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top