Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 4 năm 2018 | 0:13

Sẽ thanh tra đột xuất các vụ việc liên quan đến lĩnh vực TNMT

Phó chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2018 sẽ dành 30% kinh phí, lực lượng phục vụ thanh tra đột xuất các vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường khi có thông tin người dân hoặc báo chí phản ánh.

Dành 30% kinh phí, lực lượng phục vụ thanh tra đột xuất

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2018, ông Lê Vũ Tuấn Anh - Phó chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết ngoài kế hoạch thanh tra, năm 2018 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường thanh tra đột xuất.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra trách nhiệm về quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường tại 4 tỉnh là Bắc Kạn, Bắc Ninh, Quảng Nam và Cà Mau.

Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất 19 khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế ở 6 tỉnh, thành phố Thái Nguyên, Cần Thơ, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Ninh, Bình Định.

Về lĩnh vực môi trường, tập trung thanh tra cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như dệt nhuộm, xi mạ, nhiệt điện. Trong lĩnh vực khoáng sản, tập trung thanh tra và giám sát hoạt động của các tổ chức có hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.

th1.jpg
Phó Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Vũ Tuấn Anh. Ảnh: dantri.com.vn

 

Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Bộ này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và pháp luật về tài nguyên và môi trường hoặc được cấp có thẩm quyền giao; thực hiện kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra đã ban hành trong các năm trước.

“Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xác định sẽ thanh tra đột xuất đối với một số lưu vực sông có vi phạm môi trường lớn như kênh Bắc Hưng Hải, Duy Tiên và thanh tra đột xuất về tài nguyên, môi trường ở một số tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định. Vì vậy, các cơ quan báo chí, phóng viên khi tác nghiệm có các thông tin về về những cơ sở gây ô nhiễm, đề nghị phối hợp, cung cấp cho Thanh tra bộ, Tổng cục Môi trường để thực hiện nhiệm vụ thanh tra đột xuất” - ông Lê Vũ Tuấn Anh thông tin.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, trong năm 2017 các đơn vị trực thuộc đã tiến hành 119 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 915 tổ chức trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố (tăng 29 cuộc và giảm 261 tổ chức được thanh tra so với năm 2016). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 28 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và tổ chức 2 đoàn giám sát hoạt động của đoàn thanh tra. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 323 tổ chức với tổng số tiền trên 35 tỷ, kiến nghị truy thu nộp ngân sách 730 triệu đồng.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng được thanh kiểm tra (có 35% số tổ chức được thanh tra, kiểm tra có vi phạm tập trung ở lĩnh vực môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước); đồng thời kiến nghị chấn chỉnh khắc phục các bất cập, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ này đã nhận tiếp nhận trên 1.400 thông tin phản ánh, kiến nghị về tài nguyên và môi trường qua đường dây nóng, trong đó có 361 thông tin trùng hoặc không đủ cơ sở, điều kiện để xem xét giải quyết. Đến nay, các đơn vị trong Bộ đã trực tiếp xử lý 28 thông tin, hướng dẫn trực tiếp 251 thông tin, còn lại 773 thông tin đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định.

 

Năm 2018: mưa lắm, bão nhiều

Ông Trần Hồng Thái - Phó Tổng cục Trưởng Cục Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, hiện tại Enso được xác định đang ở trạng thái La Nina. Nhiều khả năng Enso sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ nửa cuối năm 2018 với xác suất trong khoảng 55 - 65%.

Dự báo, sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động khu vực Biển Đông, 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018. Vào đầu thời kỳ đầu mùa, bão và ATNĐ có xu hướng xuất hiện nhiều ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía Nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Khả năng cao bão và ATNĐ ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ.

th3.jpg
Năm 2018 sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão. Ảnh minh họa

 

Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như năm 2017. Về năng lực dự báo bão, thiên tai ông Thái cho biết, "năm 2018 năng lực dự báo, cảnh báo bão có thay đổi đáng kể. Điểm nổi bật trong công tác dự báo, cảnh báo bão từ năm 2018 là việc cảnh báo sớm. Việc dự báo đã nâng được thời hạn dự báo, cảnh báo bão sớm đến 5 ngày thay vì 3 ngày như trước đây”.

Ví như trước đây khi xuất hiện bão thì chỉ có thể dự báo được 3 ngày sau, còn bây giờ khi có bão có thể dự báo dài tới 5 ngày. Tương tự, với áp thấp nhiệt đới, có thể dự báo dài tới 3 ngày thay vì chỉ dự báo ngắn 1 ngày như trước đây", ông Thái cho hay.

Tuy vậy, nhưng ông Thái cũng thừa nhận, công tác dự báo, cảnh báo cường độ bão và mưa hiện còn nhiều hạn chế. "Dự báo cường độ bão và mưa lớn là hai vấn đề khó chung với cả những nước có công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc”.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2017 vừa qua, do hiện tượng Enso ở pha trung tính trong nửa đầu năm 2017 và chuyển về pha lạnh (La Nina) cuối năm 2017, nên nền nhiệt độ cả nước ở mức cao, các đợt rét đậm, rét hại ít và không kéo dài. Bất thường là nắng nóng diễn ra kỷ lục ở nhiều nơi, đặc biệt là Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ.

Nửa cuối năm 2017, mưa lớn diễn ra trên diện rộng và liên tục kéo dài ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và các tỉnh Trung Bộ gây lũ, lũ quét, sạt lở.

Tổng cục Môi trường: Chất thải của Formosa đạt yêu cầu

Theo ông Nguyễn Thế Đồng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, đến tháng 4/2018 là tròn 2 năm sự kiện Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

“Hiện nay Formosa đang chịu sự giám sát đặc biệt của tổ giám sát môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập. Theo yêu cầu của Bộ, Formosa Hà Tĩnh đã phải thuê cơ quan chuyên môn thuộc Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam giúp Formosa giám sát thường xuyên về quá trình xử lý các chất thải và xả thải”- ông Đồng cho hay.

Theo báo cáo của các cơ quan khoa học, hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải của Formosa đang hoạt động bình thường. Chất thải sau xử lý đạt yêu cầu về môi trường. Về môi trường xung quanh thì Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn quan trắc môi trường; trong đó báo cáo thường kỳ cho thấy môi trường nước biển đảm bảo tiêu chuẩn.

Đối với hồ sinh học, theo ông Đồng, hiện nay Formosa đã tuân thủ nghiêm yêu cầu của Bộ. Hồ sinh học với diện tích trên 10ha đã được xây dựng xong và đã được đưa vào vận hành, đang được giám sát chặt chẽ. Kết quả cho thấy lượng nước sau xử lý được đảm bảo. Riêng đối với lỗi vi phạm liên quan đến dập cốc khô, dập cốc ướt thì cho phép có lộ trình xử lý trong thời gian 3 năm kể từ ngày vi phạm.

th2.jpg
Kiểm tra tại Formosa Hà Tĩnh. Ảnh dantri.com.vn

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên khẳng địn, lĩnh vực thanh tra chung và thanh tra chuyên ngành đều thực hiện nghiêm theo quy định pháp luật về thanh tra, trong đó có nội dung công khai kết luận thanh tra. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo phục vụ tra cứu kết luận thanh tra được đăng tải trên các trang thông tin điện tử và các đơn vị chuyên ngành.

Cương quyết xử lý Nhà máy đường Bình Định do sai phạm ô nhiễm môi trường kéo dài

 Thời gian qua, nhà máy Bisuco đã có những hành vi cố tình vi phạm về lĩnh vực môi trường, xả thải gây ô nhiễm. Dù UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần yêu cầu tạm dừng sản xuất để có biện pháp khắc phục nhưng Bisuco vẫn chây ỳ và cố tình để sai phạm tái diễn.

1Nhà máy đường Bình Định hoạt động gây ô nhiễm môi trường đã bị UBND tỉnh Bình Định ký “lệnh” đình chỉ hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, khẳng định: “Bình Định kiên quyết không chấp nhận đánh đổi kinh tế để môi trường bị ô nhiễm. Hiện nay, tỉnh đã đình chỉ hoạt động và đang tiến hành các bước để niêm phong nhà máy của Bisuco. Chúng tôi kiên quyết không cho Bisuco sản xuất cho đến khi thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường”.

Trước đó vào đầu tháng 5/2017, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành chức năng địa phương kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Bisuco ngay sau khi nhận phản ánh của người dân. Tuy nhiên, Bisuco phớt lờ yêu cầu của tỉnh vì liên quan đến xả thải, gây ô nhiễm môi trường. Ngày 25/10/2017, UBND tỉnh Bình Định ra văn yêu cầu Bisuco không được sản xuất niên vụ ép mía 2017-2018 cho tới khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại. Đầu năm 2018, tỉnh Bình Định cho phép Bisuco hoạt động thử nghiệm để khắc phục những tồn tại về môi trường nói trên.

Ngày 5/2, Sở TN-MT tỉnh Bình Định tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất và lấy mẫu nước thải của nhà máy sản xuất của Bisuco theo 2 cửa xả ra sông Kôn. Kết quả cho thấy hệ thống xử lý nước thải của Bisuco chưa hoạt động ổn định, nước thải theo 2 cửa xả ra sông chưa đạt quy chuẩn cho phép. Vì vậy, Sở TN-MT Bình Định yêu cầu Bisuco khắc phục các tồn tại về môi trường trước ngày 28/2. Tuy nhiên, Bisuco vẫn chưa khắc phục hoàn toàn những tồn tại, hạn chế này. Ngày 12/3, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản yêu cầu Bisuco tạm dừng hoạt động sản xuất vụ ép mới niên vụ 2017 - 2018 kể từ ngày 23/3 cho đến khi hoàn thành các nội dung về công tác bảo vệ môi trường còn tồn tại.

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top