Năm 2022, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ để xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường.
Gần 400 dự án chậm tiến độ tại Hà Nội: Thu hồi được 10
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong đó có 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường cho biết, UBND TP. Hà Nội đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo, thực hiện các tổ công tác, lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra các dự án chậm.
Kết quả, hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó: 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì nay đã thu hồi 10 dự án; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng. Với 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, các chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.
Theo vị này, qua thanh tra kiểm tra, nhiều chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đưa đất vào sử dụng. Dẫn đến tình trạng chậm triển khai, theo ông Cường, là do: Chính sách quy định liên quan đất đai quy hoạch có nhiều thay đổi; chờ rà soát theo quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; tình hình dịch bệnh…
Ngoài ra, theo ông Cường, còn có nguyên nhân chủ quan như nhận thức, ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế, nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì không thực hiện nghĩa vụ tài chính, một số chủ đầu tư sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn, một số sở, ngành thực hiện chưa phối hợp đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Từ đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các giải pháp như tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình chây ì không thực hiện kết luận thanh tra.
Đã xử phạt với 1.269 tổ chức vi phạm
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết tháng 11/2021, đơn vị này đã thực hiện 48 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch (đạt 92% kế hoạch được giao), 31 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất; ban hành 8 kết luận kiểm tra và 44 báo cáo kiểm tra.
Trong đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện 16 cuộc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị và thông tin qua đường dây nóng đã được Bộ chuyển về các địa phương với hình thức chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm theo kế hoạch, đạt 100% kế hoạch được giao.
Thống kê trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện 729 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 6.015 tổ chức, thực hiện 490 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.
Qua đó, cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.269 tổ chức với tổng số tiền là hơn 204 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước 912 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11.000 tỷ đồng.
Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp ôm đất bỏ hoang, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ sẽ căn cứ định hướng công tác thanh tra năm 2022 của Thanh tra Chính phủ và kết quả công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 của Bộ để xây dựng Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022.
Theo đó, Bộ sẽ thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực như: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, tài nguyên nước, môi trường và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn, cấp nước đa mục tiêu.
Thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước đối với các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh than. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
Trong lĩnh vực đất đai sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang hóa, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.
Lĩnh vực môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, xi măng, sản xuất gang, thép.
Đồng thời sẽ thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lưu lượng lớn.
Trong lĩnh vực khoáng sản sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, đá vôi là nguyên liệu xi măng, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.
Lĩnh vực tài nguyên nước sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường thanh tra đột xuất đối với các tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường trên cơ sở yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước cũng như thông tin phản ánh của cơ quan truyền thông, của người dân cũng như của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.