Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 11 tháng 2 năm 2018 | 15:43

Sôi động thị trường hàng Tết

Còn khoảng dăm ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, không khí mua sắm Tết của người dân hết sức nhộn nhịp.

Các cửa hàng, siêu thị cũng liên tiếp đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá ưu đãi cao, kèm theo nhiều khuyến mãi để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng (NTD). Điều đáng mừng là trên các kệ bày sản phẩm, chúng tôi nhận thấy, hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường.

sieu-thi.jpg
Người dân chọn mua rau quả, thực phẩm tại hệ thống siêu thị Qmart Hà Nội.
 

Đa dạng phân khúc

Theo ghi nhận từ thị trường những ngày giáp Tết, năm nay các mặt hàng phục vụ Tết như bánh kẹo, rượu, bia, nước ngọt, mứt khá phong phú, đa dạng về số lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp thị hiếu NTD, giá cả các mặt hàng ổn định. Có được kết quả nêu trên là do các doanh nghiệp, tiểu thương đã làm tốt công tác chuẩn bị từ nhiều tháng trước Tết, không để bị động nguồn cung khiến giá cả biến động lớn trong những ngày giáp Tết. Nhằm kích cầu mua sắm trong dịp Tết, các siêu thị cũng đang đẩy mạnh việc triển khai các chương trình khuyến mãi thu hút NTD. Theo khảo sát, các siêu thị đồng loạt thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi dao động từ 5 đến 49% đối với hàng nghìn mặt hàng. So với năm trước, số lượng mặt hàng tham gia giảm giá Tết năm nay tăng cao hơn từ 1.000 đến 1.500 sản phẩm gồm một số loại rau củ quả, trứng gia cầm, bánh kẹo, các loại sữa, các loại dầu ăn, các loại sữa tươi tiệt trùng, các loại bánh ngọt, các loại trái cây, các loại giò chả, giò lụa, lạp xưởng, sản phẩm thời trang,… với mức giảm sâu hơn.

Theo quan sát của phóng viên, tại một số hệ thống phân phối như VinMart, Big C, Lotte Mart,... số lượng giỏ quà Tết khá nhiều với đa dạng phân khúc giá từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/giỏ. Tùy theo mức giá giỏ quà, mỗi giỏ sẽ có số lượng các món đồ và chất lượng khác nhau, nhưng phần lớn các sản phẩm trong giỏ quà Tết là bánh kẹo, cà-phê, trà, đồ khô và rượu của các thương hiệu uy tín trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, các giỏ trái cây cũng khá được ưa chuộng vì tính tiện dụng và thẩm mỹ cao. Với những giỏ trái cây nhập khẩu sẽ có giá từ 300 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng/giỏ, thậm chí có thể lên đến tiền triệu tùy vào nhu cầu của NTD. Bia cũng là sản phẩm được NTD chọn mua khá nhiều, với mức giá từ 270 nghìn đồng/thùng đến 450 nghìn đồng/thùng,… đa dạng chủng loại của các hãng như Budweiser, Saigon,Trúc Bạch, Heineken,...

Không chỉ ở trong các siêu thị đang tấp nập chuẩn bị hàng Tết, mà ngay tại các chợ truyền thống, các mặt hàng đồ khô cũng đã được các chủ cửa hàng chuẩn bị hàng từ vài tháng trước để bảo đảm nguồn cung, tránh “cháy hàng”, “sốt hàng” khi nhu cầu tăng cao. Anh Thành, chủ một cửa hàng đồ khô trong chợ Ngã Tư Sở, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu tháng 11 âm lịch đã chốt số lượng và đặt các mặt hàng đồ khô như nấm hương, mộc nhĩ, miến, bánh đa, măng khô phục vụ NTD những ngày Tết Nguyên đán sắp tới. Việc chuẩn bị hàng từ sớm giúp anh giữ được giá cả ở mức ổn định hoặc dù có tăng hơn so ngày thường nhưng cũng sẽ chỉ tăng không đáng kể từ 5 đến 15%. Mặt khác, tâm lý của NTD hiện nay chú trọng quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc nhiều hơn, bởi tâm lý cả năm có ngày Tết, muốn mua đồ ngon và chất lượng, cho nên giá cả tăng chút cũng không sao.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Tuy NTD không quá lo ngại việc thiếu hàng, sốt giá, nhưng việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong dịp Tết luôn là vấn đề đáng lo ngại. Liên tiếp trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng trên cả nước, nhất là hai thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra nhiều kho hàng, cơ sở sản xuất, chế biến phát hiện nhiều sai phạm như hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng, bốc mùi hôi thối, không có chứng nhận về ATVSTP, nhưng lại đang được chuẩn bị đem đi tiêu thụ.

Hiện, tại một số chợ đầu mối như Đồng Xuân, Long Biên và các tuyến phố bán buôn bánh, mứt, kẹo trên địa bàn TP Hà Nội đã xuất hiện không ít mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để chạy theo lợi nhuận, các tiểu thương đã không ngần ngại đưa những sản phẩm như bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt bí, ô mai, thịt bò khô,... không rõ nguồn gốc, không nhãn mác, không hạn sử dụng xen lẫn những sản phẩm đạt chất lượng để bán cho NTD. Các mặt hàng này chỉ được đựng trong các bao ni-lông to, không nhãn mác, thông tin sản phẩm, được bán theo cân với giá khá rẻ, nhưng lại được nhiều hộ kinh doanh mua buôn về bán lẻ hoặc dùng để trà trộn với hàng có chất lượng. Khi được hỏi, nhiều tiểu thương mập mờ cho hay, đa số hàng khô là do các cơ sở sản xuất tự sấy khô rồi đem bán, chứ không phải do hãng sản xuất theo dây chuyền công nghiệp, cho nên không có bao bì nhãn mác.

Theo Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trịnh Văn Ngọc, cận Tết luôn là thời điểm thị trường hàng hóa có nhiều diễn biến phức tạp, vì vậy NTD cần thận trọng trước những mặt hàng không rõ nguồn gốc, nên chọn hàng hóa có nhãn mác, bao bì, xuất xứ rõ ràng. Trước tình trạng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh bày bán tràn lan, NTD không nên vì giá rẻ mà mua bánh kẹo, mứt không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như không bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy chọn những sản phẩm chất lượng của những thương hiệu uy tín hoặc mua hàng ở những cơ sở bảo đảm ATVSTP. Ngoài ra, cục sẽ chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, xử lý nghiêm những hành vi gian lận để lành mạnh hóa thị trường, giúp người dân yên tâm mua sắm Tết.

Trước tình trạng tràn lan các vi phạm liên quan đến VSATTP, lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa các đợt kiểm tra, các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hy vọng, những quy định mới về xử lý các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 sẽ là liều thuốc đặc trị đối với các vụ vi phạm VSATTP. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, việc bảo đảm VSATTP còn cần sự chung tay góp sức của những người kinh doanh, NTD. Hãy là những NTD thông thái, tẩy chay với thực phẩm bẩn. Với các cơ sở kinh doanh, cần tuân thủ các biện pháp VSATTP để bảo đảm sức khỏe cho mọi người và cũng là cho chính mình.

Minh Khôi

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top