Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 12 năm 2021 | 14:31

Sơn La khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Sơn La” góp phần thúc đẩy, phát triển phong trào lập nghiệp ở địa phương.

Phụ nữ Mộc Châu sáng tạo khởi nghiệp

Khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất cao nguyên, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

 

khoi-nghiep.jpg

Mô hình trồng rau, củ quả của HTX An Tâm (bản An Thái, xã Mường Sang, Mộc Châu).

 

Chị Vì Thị Long Biên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mộc Châu, cho biết: Triển khai Đề án 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Hội đã tuyên truyền, khích lệ tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của hội viên. Đồng thời, hướng dẫn hội viên có ý tưởng kinh doanh, rèn luyện kỹ năng kinh doanh, kỹ năng bán hàng, quảng bá, xây dựng thương hiệu, quản lý tài chính. Hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, giúp hội viên khởi nghiệp bền vững, tạo sự hợp tác, liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Hội còn nhận ủy với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho trên 3.000 hội viên vay phát triển kinh tế, với tổng dư nợ 160 tỷ đồng; duy trì 90 nhóm tín dụng tiết kiệm, 185 mô hình tiết kiệm, tổng trị giá gần 10 tỷ đồng, hỗ trợ  trên 1.000 hộ vay vốn phát triển sản xuất.

Từ năm 2017 đến nay, Hội đã giúp 75 hội viên khởi nghiệp; thành lập 1 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 578 lao động nữ. Phối hợp tổ chức 37 lớp tập huấn về các lĩnh vực: Nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch, kỹ thuật sản xuất; thành lập 10 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, 5 mô hình tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; duy trì 244 mô hình kinh tế tiêu biểu. Đã có 325 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được giúp đỡ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống còn 3,71%. Nhiều mô hình kinh tế điểm được nhân rộng, như: Dịch vụ du lịch của hội viên Lường Thị Hồng Tươi (Mường Sang); nuôi lợn của hội viên Vì Thị Tiến (Hua Păng); trồng bưởi của hội viên Vũ Thị Chiêm (Chiềng Sơn)...

HTX An Tâm ở bản An Thái, xã Mường Sang được thành lập từ năm 2016, do chị Nguyễn Thị Tâm làm Giám đốc. Hiện, HTX có 19 thành viên trồng 8 ha rau, củ quả sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 200 tấn/năm, thu nhập từ 8-10 triệu đồng/thành viên/tháng. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 48 gia đình hội viên để mở rộng sản xuất. Chị Tâm chia sẻ: Để hoạt động hiệu quả, tôi đã tham gia các lớp tập huấn về quản lý tài chính HTX; hướng dẫn sử dụng internet để tìm kiếm thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau củ quả giữa các thành viên; đăng tải hình ảnh sản phẩm, hoạt động của HTX trên Website để quảng bá, giới thiệu.

Năm 2019, Hội Phụ nữ xã Chiềng Khừa thành lập Nhóm phụ nữ khởi nghiệp, với 9 thành viên. Từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của một số đơn vị, nhóm đã liên kết với các hộ dân trong xã để thu mua và tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho bà con. Chị Lò Thị Nguyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, Trưởng Nhóm khởi nghiệp xã Chiềng Khừa, cho biết: Mô hình tập hợp các hội viên có ý tưởng kinh doanh, có cơ hội phát huy sự năng động, sáng tạo và kỹ năng trong kinh doanh, giúp thành viên nâng cao thu nhập và hỗ trợ người dân tiêu thụ và quảng bá nông sản địa phương.

Tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên; tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; kết nối các doanh nghiệp, các chuyên gia để tư vấn, hỗ trợ định hướng hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp... là những giải pháp của Hội LHPN huyện Mộc Châu trong thời gian tới, nhằm giúp hội viên sáng tạo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bền vững.     

Những thanh niên thắp sáng khát vọng khởi nghiệp

Với mong muốn sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao cho người dân, năm 2016, chàng trai Lò Văn Duyên, xã Hát Lót (Mai Sơn) đã khởi nghiệp để thành lập HTX Cao Nguyên chuyên sản xuất rau, củ và trồng cây ăn quả. Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp sạch.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn khoai tây xanh tốt, Giám đốc Lò Văn Duyên giới thiệu: HTX thành lập năm 2016 với 7 thành viên là các thanh niên ở xã. Từ 10 ha đất trồng ngô, sắn chúng tôi chuyển sang trồng xoài, bưởi, nhãn và xen canh các loại rau: Bí đỏ, bí đao, bắp cải, đậu cove, cà chua... theo quy trình VietGAP. Năm đầu sản xuất, HTX đã thu hoạch hơn 100 tấn bí đao, 70 tấn bắp cải, 40 tấn bí đỏ và trên 30 tấn rau, quả khác; tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động địa phương.

Các thành viên thay nhau tìm kiếm, gõ cửa nhiều cơ sở thu mua sản phẩm và kết quả đáng mừng là đã ký kết hợp đồng với 3 công ty thu mua nông sản ở Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh. Đến nay, HTX đã tăng lên 13 thành viên, trồng 52 ha cây ăn quả xen canh rau màu, trong đó có 20 ha đã cho sản phẩm; đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho hơn 10 ha rau màu và cây ăn quả. Bên cạnh đó, để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, năm 2019, HTX đã đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng kho lạnh rộng 200 m², sức chứa tối đa trên 50 tấn nông sản. Năm nay, HTX đã thu 30 tấn nhãn, 10 tấn bưởi, 60 tấn xoài, 80 tấn bí đỏ, 40 tấn bí xanh; tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. 

 

khoi-nghiêp-1.jpg

Mô hình khởi nghiệp trồng hoa trong nhà lưới của đoàn viên Hoàng Trung Thực, bản Úm, xã Huy Thượng (Phù Yên).

 

Tìm hiểu thêm về những mô hình kinh tế của thanh niên khởi nghiệp, chúng tôi đến xã Chiềng La (Thuận Châu) để thăm trang trại nuôi lợn của gia đình anh Lò Văn Thận, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Được biết, anh Thận đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Nông lâm Đông Bắc (Lạng Sơn) vào năm 2008, nhưng anh lại chọn mô hình chăn nuôi để bắt đầu con đường khởi nghiệp của mình. Nghĩ và làm, anh vay vốn của người thân mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 4 con lợn nái về nuôi. Với vốn kiến thức sẵn có trong quá trình học tập và kinh nghiệm tích lũy được từ thực tiễn cuộc sống, cùng với ý chí, sự quyết tâm vươn lên làm giàu của tuổi trẻ, đàn lợn của gia đình anh ngày càng nhân rộng và phát triển. Đến nay, trong chuồng luôn có 10 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng từ 100-150 con lợn thịt.

Có thể thấy, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên đang có sức lan tỏa với nhiều ý tưởng sáng tạo. Trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động hiệu quả của 62 HTX, 42 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ; 12 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp, nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công, như: Phạm Quang Hưng, bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban (Bắc Yên) khởi nghiệp thành công với mô hình dịch vụ du lịch Pu Nhi Farm; Lò Văn Cường, tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong (Mường La) chế tạo máy tuốt lúa, máy ép cám trong sản xuất nông nghiệp; Hoàng Trung Thực, Bí thư Chi đoàn bản Úm, xã Huy Thượng (Phù Yên) khởi nghiệp trồng hơn 1.000 m² hoa trong nhà lưới; Hà Văn Ống, bản Khòng, xã Chiềng Khoa (Vân Hồ) chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt; Tòng Văn Toản, bản Phổng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp) với mô hình kinh tế tổng hợp...

Để phong trào khởi nghiệp của thanh niên phát huy hiệu quả, Tỉnh đoàn Sơn La cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Năm 2020, Tỉnh Đoàn đã phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho 1.035 lượt đoàn viên, thanh niên; tổ chức tập huấn kiến thức khởi nghiệp nông nghiệp OCOP, tư vấn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 1.825 đoàn viên, thanh niên. Từ nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hơn 32 nghìn hộ thanh niên nghèo, cận nghèo vay hơn 1.085 tỷ đồng phát triển kinh tế. Đặc biệt, Tỉnh Đoàn đã tổ chức Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Sơn La năm 2020” với nhiều ý tưởng, dự án được hỗ trợ số hằng trăm triệu đồng, giúp thanh niên có điều kiện hiện thực hóa ước mơ, ý tưởng kinh doanh của mình.

Anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, cho biết: Phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên thời gian qua đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ. Để tiếp tục thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, thời gian tới Tỉnh Đoàn sẽ tập trung triển khai và thành lập “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”, “Vườn ươm thanh niên khởi nghiệp” và “Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” để kịp thời tư vấn, tháo gỡ khó khăn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, lập nghiệp. Tăng cường tạo môi trường tìm kiếm, hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân với các mô hình phát triển kinh tế để tạo ra “chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh”...

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Sơn La” góp phần thúc đẩy, phát triển phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học trong đoàn viên, thanh niên và sinh viên; giúp thanh niên có điều kiện hiện thực hóa ước mơ, ý tưởng khởi nghiệp của mình.

 

khoi-nghiep-2.jpg

Dự án khởi nghiệp từ nuôi lươn và trùn quế của sinh viên Trường Cao đẳng Sơn La

 

Anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Sơn La, cho biết: Qua 4 năm triển khai cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được hơn 500 hồ sơ dự thi của các huyện, thành phố, trên các lĩnh vực. Các ý tưởng sáng tạo,dự án, sáng kiến khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên và sinh viên ngày càng có tính khả thi cao, khai thác tiềm năng thế mạnh, điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Sinh ra và lớn lên ở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, chị Lường Lan Phương nung nấu ý tưởng khởi nghiệp với cách nuôi lợn bản bằng hình thức chăn thả sinh thái. Chị chia sẻ: Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đã tạo động lực để tôi cụ thể hóa một cách nghiêm túc những ý tưởng đang còn trong suy nghĩ. Dự kiến năm đầu tiên triển khai dự án, tôi sẽ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng nuôi 200 con lợn và làm hệ thống chuồng, sân chơi gần 1 ha; trồng 1 ha ngô, chuối rừng làm thức ăn cho lợn và xây dựng chuỗi giá trị thịt lợn bản địa theo hướng nông nghiệp hữu cơ.

Tại huyện Yên Châu, chàng trai Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1994, đang triển khai mô hình khởi nghiệp từ cây hành tím, loại cây trồng truyền thống ở địa phương từng giúp người dân nơi đây xóa đói, giảm nghèo. Những năm gần đây, giá hành lên xuống thất thường, cùng với ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh hại và khó khăn trong khâu đầu ra, nên việc chế biến sản phẩm từ hành tím là giải pháp cần thiết. Anh Tuấn chia sẻ thông tin về dự án: Hành tươi khó bảo quản và sau khi ăn hành tươi hơi thở thường có mùi hôi cay, hăng rất khó chịu; để khắc phục những nhược điểm trên, tôi đã nghiên cứu và đưa ra quy trình hoàn thiện lên men hành đen; loại bỏ được các nhược điểm của hành tươi, ăn dẻo, ngon và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe; trên thị trường hiện chưa có đơn vị nào làm nên tôi rất kỳ vọng dự án  thành công, được nhiều người đón nhận và ủng hộ.

Phong trào ý tưởng khởi nghiệp cũng trở thành phong trào thi đua sôi nổi tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Tại Trường cao đẳng Sơn La, sinh viên Lò Văn Khải, Khoa trồng trọt và bảo vệ thực vật cùng 3 người bạn đã triển khai một dự án khởi nghiệp từ nuôi lươn và trùn quế. Trùn quế và lươn là những loài có vật nuôi ít bị dịch bệnh, dễ chăm sóc, có giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, trùn quế với vai trò xử lý phân thải gia súc giúp giảm ô nhiễm môi trường và cung cấp sinh khối để làm thức ăn cho lươn và các loài vật nuôi khác. Đây là mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín góp phần bảo vệ môi trường và gia tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Sinh viên Lò Văn Khải chia sẻ: Tính khả thi của dự án được thể hiện ở chi phí đầu vào thấp, thiết kế bể không cầu kỳ, có thể tự làm tại nhà. Về thị trường,  nhu cầu thực phẩm từ thịt lươn sạch ngày càng tăng, trong khi nguồn cung chủ yếu từ các tỉnh miền xuôi nên giá thành cao. Vụ trước, chúng tôi nuôi thử 5 kg lươn giống, sau thu hoạch đạt 2 tạ lươn thương phẩm, bán 150.000 đồng/kg, thu về 30 triệu đồng, giúp chúng tôi có thêm kinh phí để tiếp tục đầu tư, hướng tới việc thành lập HTX “Nông nghiệp xanh” để phát triển mô hình kinh tế này.

Có thể thấy, dù ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhưng mỗi ý tưởng khởi nghiệp đều thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo cùng khát vọng lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế của thanh niên các dân tộc trong tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

 

 

 

V.N (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top