Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 1 năm 2020 | 10:24

Sự kiện 24/7: Cả nước sẵn sàng đối phó với dịch viên phổi cấp

Dịch bệnh do virus Corona gây bệnh viêm phổi cấp (nCoV) đang lây lan rất nhanh ở nhiều nước, trong đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.

qn.jpg

Ngày 25/1, giới chức Trung Quốc thông báo số ca tử vong vì dịch bệnh viêm phổi lạ do nhiễm virus corona mới đã tăng lên tới 41 người trong khi số ca bị nhiễm virus này cũng đã tăng tới gần 1.300 người.

Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo 15 ca tử vong vừa xác nhận đều ở thành phố Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện các ca nhiễm loại virus này.

Trong thông báo riêng rẽ, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cũng xác nhận thêm ít nhất 444 ca nhiễm loại virus này, đưa tổng số ca nhiễm bệnh lên tới 1.287 ca.

Tính tới nay, dịch bệnh đã lây lan ra 30 tỉnh thành ở Trung Quốc. Riêng tỉnh Hồ Bắc ghi nhận thêm 180 ca nhiễm mới, trong đó 77 ca ở Vũ Hán. Như vậy, tổng số ca nhiễm ở tỉnh Hồ Bắc tới nay là 729 ca.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ Y tế khẳng định sẽ không để virus corona mới gây viêm phổi cấp lây chéo và lây cho các y bác sĩ.

 

TP. HCM họp khẩn

Sáng 24/1, cuộc họp khẩn thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh do virus Corona gây bệnh viêm phổi cấp đã diễn ra tại Sở Y tế TP.HCM.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Sang, khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp người Trung Quốc là 2 bố con nhiễm bệnh. Sau gần 2 ngày điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, hiện sức khoẻ người con trai tên Li Zichao 28 tuổi đã ổn định hoàn toàn. Còn người cha tên Li Ding 66 tuổi đã hết sốt, tự ăn uống và đi lại được. Hiện, cả hai vẫn đang được theo dõi chặt chẽ tại khu cách ly. Đây là 2 ca nhiễm virus corona đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam.

"Đối với các bệnh nhân đến từ vùng dịch tễ, thì khi đến khám thì qua thăm khám hỏi bệnh, các bác sĩ cấp cứu đã rất cẩn thận, đưa bệnh nhân vào khu vực cách ly sớm, sau đó triển khai hệ thống cách ly bệnh và phòng hộ. Rồi chuyển bệnh nhân trực tiếp đến khoa Bệnh Nhiệt đới để đảm bảo cách ly tuyệt đối 2 vòng", Bác sĩ Sang cho biết.

Thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM cho biết bệnh nhân Li Zhao 28 tuổi, sống ở Long An đã lâu, không bay qua vùng có dịch. Chỉ đến khi Li Zhao tiếp xúc với cha mới bị nhiễm bệnh, từ đó nhận định virus Corona mới này lây từ người sang người. Tuy nhiên, cũng không nên lo lắng vì người vợ của ông Li Zing đi cùng chồng nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu bệnh.

Bên cạnh đó, gia đình ông Li Zing di chuyển từ Nha Trang về TP.HCM bằng tàu lửa nhưng ngồi riêng ở một khoang lạnh. Bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM lưu ý, các trường hợp  nặng và tử vong ở Trung Quốc do bệnh nCoV chủ yếu là trên bệnh nhân có bệnh nền, bệnh mãn tính. Vì vậy, các cơ sở y tế và người dân cần lưu ý đối với người bệnh mãn tính, người có bệnh nền.

"Viện Pasteur cũng đang tiếp tục chỉ đạo, chúng tôi mới thành lập 6 đội cơ động để trực dịch trong những ngày Tết để sẵn sàng tiếp đón, hỗ trợ cho các địa phương 20 tỉnh thành khu vực phía Nam trong công tác giám sát, theo dõi chặt các chỉ đạo các trường hợp gần với các bệnh nhân cũng như hỗ trợ về mặt kỹ thuật", bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng nói.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn Sở Y tế cùng các đơn vị chức năng tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch khi Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo bằng văn bản cụ thể. Đặc biệt, trong những ngày Tết này, sau khi thông tin có 2 ca bệnh là người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc nhập viện tại BV Chợ Rẫy mà trước đó đã ở Hà Nội, Nha Trang, Long An và về TP.HCM nên người dân khá hoang mang, lo lắng.

Vì vậy Sở Y tế cần phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông TP, kịp thời thông tin cho báo chí, tuyên truyền cho người dân không bị tâm lý lo lắng mà vẫn không chủ quan lơ là phòng chống. Ông Liêm cũng mong muốn các bác sĩ tăng cường trực trong những ngày Tết, nhằm phản ứng nhanh nhất đối với các ca bệnh nghi ngờ có những dấu hiệu của bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới Corona.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: Sở Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất trong việc giám sát các hành khách bay đến từ vùng dịch. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng đã sắp xếp khu vực di chuyển riêng cho các khách từ Vũ Hán (Trung Quốc). Các bệnh viện được chỉ định tiếp nhận các bệnh nhân như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 3 bệnh viện nhi trong tình huống sẵn sàng với mọi phương án tiếp nhận bệnh nhân.

Hải Phòng công bố đường dây nóng

Sáng 24/1, Sở Y tế Hải Phòng họp khẩn các đơn vị trong ngành để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona.

Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng Hải Phòng đã xây dựng phương án tập huấn, ứng phó với dịch bệnh, liên hệ với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để gửi mẫu bệnh phẩm trong trường hợp xuất hiện bệnh nhân có nghi ngờ nhiễm bệnh.

Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hải Phòng Nguyễn Minh Thanh cho biết, Trung tâm bố trí nhân lực để giám sát tình trạng sức khỏe của những người đến Hải Phòng bằng đường biển. Trong những ngày Tết, tàu thuyền vẫn ra vào Cảng Hải Phòng, lượt người lưu chuyển trung bình từ 140- 200 người/ ngày, trong đó người đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 50%.

Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Trần Anh Cường, Khoa Bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện. Bước đầu chuẩn bị 60 giường bệnh để đón bệnh nhân. Phương án bố trí bệnh viện dã chiến cũng đã được xây dựng.

Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Truyền nhiễm đã sẵn sàng với công tác phòng chống dịch này.

Còn Giám đốc Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng Trần Minh Cảnh thông tin, bệnh viện đã có kinh nghiệm ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm khác nên các phương án đều chủ động.

Ban Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan cần chủ động tập trung phòng chống dịch, sẵn sàng lên phương án đề phòng dịch bệnh bùng phát, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không làm dư luận hoang mang. Bên cạnh đó, do Bộ Y tế chưa ban hành phác đồ điều trị dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona nên các bệnh viện cần cẩn trọng trong điều trị và dùng thuốc.

Trong trường hợp nghi ngờ có bệnh nhân mắc viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona, gia đình người bệnh cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (đối với người lớn) và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng (đối với trẻ em) để được xử trí, điều trị tốt nhất. Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để tránh xảy ra những vấn đề đáng tiếc.

Sở Y tế Hải Phòng cũng công bố 2 số điện thoại tiếp nhận thông tin liên quan đến bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona là 0902210218 và 0978789499.

Trong sáng 24/1, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành văn bản 509/UBND- VX gửi Sở Y tế. Theo đó, Sở  Y tế căn cứ Quyết định 156/QĐ- BYT ngày 20/1/2020 về việc ban hành kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona trên địa bàn thành phố, báo cáo UBND thành phố phê duyệt.

Quảng Ninh bổ sung 6 máy mới đo thân nhiệt

Quảng Ninh là một trong những tỉnh có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh do khách du lịch, người lao động, học tập nhập cảnh trở về từ các vùng dịch Trung Quốc, đặc biệt là trong thời điểm Tết nguyên đán Canh tý 2020. Để tăng cường các phòng ngừa, tỉnh Quảng Ninh đã bổ sung thêm 6 máy mới đo thân nhiệt từ xa đặt tại 3 địa điểm là những cửa khẩu, cảng quốc tế để kịp thời phát hiện các ca bệnh.

 

bn.jpg

Các nhân viên tại Bệnh viện trung ương Vũ Hán - Ảnh: REUTERS

 

Trong ngày 24/1, tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái vẫn nườm nượp người xuất nhập cảnh. Trạm Kiểm dịch y tế quốc tế Móng Cái đã trang bị đầy đủ trang thiết bị, lực lượng cho công tác phòng, chống dịch bệnh với 02 hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa.

Toàn bộ hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đều được giám sát chặt chẽ qua hệ thống máy đo thân nhiệt từ xa.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết Quảng Ninh đã bổ sung thêm 6 máy mới đo thân nhiệt từ xa và bố trí tập trung tại 3 điểm là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sân bay quốc tế Vân Đồn và Cửa khẩu quốc tế Cảng Hòn Gai để sớm phát hiện các trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, ngăn ngừa dịch lây lan.

Tại Quảng Ninh có 6 máy cũ và được bổ sung 6 máy mới là có 12 máy và bố trí tại 3 cửa khẩu, cảng quốc tế. Mỗi kíp trực có từ 3 đến 4 nhân viên y tế. Đồng thời, tăng cường công tác hỗ trợ từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh để sẵn sàng cung cấp các trang thiết bị y tế chuyên dụng trong phòng chống dịch.

"Đối với các trung tâm y tế mà đặc biệt là các trung tâm y tế có cửa khẩu đã chuẩn bị sẵn các phương án cách ly chuẩn chỉ; toàn tỉnh thành lập chuỗi thường trực cấp cứu chống dịch, trực 24/24 và nếu có nghi ngờ là sẽ báo động đỏ trong toàn ngành”, ông Diện cho biết thêm.

Cho đến thời điểm này, Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh. Theo dự báo của ngành du lịch Quảng Ninh, bắt đầu từ ngày mai (25/1) tức mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý, sẽ có khoảng 1.200 khách du lịch là người Trung Quốc sang Việt Nam bằng các cửa khẩu tại Quảng Ninh. Đây là con số không nhỏ nên việc tăng cường giám sát càng được chú trọng và không được chủ quan, lơ là nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho hay: “UBND tỉnh đã có công điện, và có các phương án chuẩn bị đối phó rất kỹ đối với từng ngành. Riêng ngành du lịch, chúng tôi đã gửi công văn  tới các đơn vị cần tăng cường các biện pháp giám sát, khi phát hiện khách du lịch có dấu hiệu ốm, sốt cần báo cho các đơn vị y tế gần nhất để có các biện pháp xử lý kịp thời”.

Đà Nẵng: Họp khẩn bàn phương án phòng chống dịch viêm phổi cấp

Trưa 24/1, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan bàn phương án phòng chống dịch bệnh viêm phổi do cấp do virus corona đang diễn biến phức tạp tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Báo cáo tại cuộc họp, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết, ngay từ khi nhận được chỉ đạo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona, Sở Y tế TP đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, hệ thống xét nghiệm và các phương án sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xâm nhập vào thành phố. Đồng thời, Sở Y tế cũng ban hành kế hoạch hành động, quy trình giám sát xử lý dịch bệnh nhóm A và các bệnh nguy hiểm truyền nhiễm xâm nhập vào TP. Đà Nẵng.

Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết thêm, ngày 14/1, hai trường hợp nghi ngờ đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam qua cửa khẩu cảng Sân bay quốc tế Đà Nẵng, ngành y tế thành phố đã xử lý kịp thời. Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân âm tính với chủng virus corona.

 

vu_han_pztw.jpg
Thành phố Vũ Hán đặt trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Tính đến 10h ngày 24/1, Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới xuất hiện tại Vũ Hán (Trung Quốc).

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, ngày 22/1, có chuyến bay từ Vũ Hán đến Đà Nẵng chở theo 218 hành khách. Hiện những vị khách này sẽ lưu trú tại Đà Nẵng đến hết ngày 25/1 và chưa có dấu hiệu gì. Từ ngày 30 Tết đến mùng 5 Tết, có 93 chuyến bay từ các tỉnh, thành khác của Trung Quốc đến Đà Nẵng. Để phòng chống dịch bệnh, Sở Du lịch Đà Nẵng đã thông báo cho các khách sạn khi khách có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thì báo về Sở Y tế.

“TP cần có đường dây nóng để các khách sạn kết nối với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch”, Bà Hạnh đề nghị.

Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, bệnh viện đã có quy trình tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do virus corona.

“Hiện, bệnh viện đang bố trí tầng 4 của Khoa Y học nhiệt đới để tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona. Trong trường hợp, nếu số lượng bệnh nhân tăng lên, các bệnh nhân của Khoa y học nhiệt đới sẽ được chuyển qua các khoa khác và dành riêng khoa Y học nhiệt đới cho công tác điều trị, phòng chống dịch”, BS Lê Đức Nhân cho biết.

BS Lê Đức Nhân cũng đề xuất thành phố bố trí một trung tâm hoặc một bệnh viện tách riêng để triển khai công tác điều trị nếu bệnh nhân tăng cao.

Tại cuộc họp, đại diện Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, hiện nay đơn vị  đã bố trí vị trí đỗ biệt lập cho các chuyến bay từ Vũ Hán đến. Tại ga hành khách T2 đã bố trí 2 phòng cách ly với diện tích 35m2. Nhà ga T1 cũng đã bố trí vị trí dự phòng nếu nhà ga T2 quá tải.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không được chủ quan, lơ là; rà soát toàn bộ quy trình phòng chống dịch.

“Khâu quan trọng nhất là giám sát tại các cửa khẩu, thực hiện quy trình phòng chống dịch chặt chẽ 24/24. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của thành phố luôn phải đặt trong tình trạng báo động, để xử lý kịp thời”.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Y tế rà soát, triển khai phương án chọn một bệnh viện riêng biệt để điều trị bệnh nhân khi số bệnh nhân tăng cao.

Không để virus corona lây chéo và lây cho các y bác sĩ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lưu ý, tại Trung Quốc đã thông báo các trường hợp y bác sĩ bị lây bệnh, do vậy các bệnh viện phải hết sức quan tâm đến sức khỏe cán bộ và tăng cường chống lây dịch chéo.

Cũng theo ông Khuê, trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế hiện nay không sử dụng tamiflu để điều trị virus corona mới: "Phác đồ điều trị do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký, sau khi được Hội đồng chuyên môn của Bộ công bố. Chúng tôi khuyến cáo đặc biệt khu vực phía Bắc - đang có các trường hợp nghi nhiễm phải theo dõi, cần tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các cơ quan về dịch tễ để phát hiện sớm các trường hợp để có các biện pháp điều trị và cách ly". 

Trước diễn biến tình hình dịch viêm phổi do virus corona lây lan từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc tới các địa phương khác của Trung Quốc và một số nước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn quyết định không ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng.

Tại cuộc họp khẩn sáng 24/1 của Bộ Y tế về đối phó với dịch viêm phổi do virus corona, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nêu rõ, các chuyên gia đã nói về mức độ lây nhiễm của dịch bệnh và thế giới mới khuyến cáo ở mức "lây nhiễm hạn chế". Tuy nhiên, Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc dài, khách Trung Quốc đến đông nên luôn đặt ở mức cao hơn.

"Đối với Việt Nam, mọi biện pháp coi không phải ở mức lây nhiễm hạn chế mà ở mức lây nhiễm", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Do đó, tới đây cần phải thực hiện nghiêm ngặt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, đặc biệt, tất cả các cơ sở y tế, phải thực hiện nghiêm ngặt chế độ bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế điều trị và tuyệt đối không để lây từ người bệnh sang bác sĩ, nhân viên y tế.

Phó Thủ tướng tuyên bố kích hoạt Trung tâm Khẩn cấp của Bộ Y tế. Theo đó, tất cả báo cáo, giao ban thực hiện theo đúng quy trình và phối hợp chặt chẽ với WHO để kiên quyết không để dịch lây lan và thông tin đầy đủ, chính xác với cộng đồng về mức độ bệnh, mức độ lây nhiễm...

 

Đường dây nóng bảo hộ công dân Việt Nam tại Trung Quốc

Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch viêm phổi cấp và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Trung Quốc và WHO đã khuyến cáo.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới Corona tại Trung Quốc, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Trung Quốc và WHO đã khuyến cáo.

Đối với công dân đang có mặt tại Trung Quốc cần thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch bệnh.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, đề nghị công dân liên hệ theo số đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là: 8613120363638;

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải là 8613661537498;

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh là 0086 13099948529;

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh là 8618587897059;

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu là 8613247675268;

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong là 85225914510 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân là: 84981 84 84 84.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số

    Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top