Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 10 năm 2019 | 15:29

Sự kiện 24/7: Công trình xây dựng tại đèo Mã Pì Lèng có bị xử lý?

Bà Mua Hồng Sinh, Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết: "Hiện, chưa thể trả lời công trình có bị tháo dỡ hay không".

ma-phi-leng.jpg
Công trình xây dựng trái phép nằm trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang)

Thời gian qua, dư luận xôn xao về công trình xây dựng trái phép nằm trên đèo Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang). Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cũng chính thức có báo cáo gửi Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Hà Giang, xác nhận công trình chưa có giấy phép phê duyệt dự án, chưa có giấy phép xây dựng.

“Cho đến hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng”, Cục Di sản văn hóa khẳng định.

Cục Di sản văn hóa khẳng định tòa nhà xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng thuộc các xã Pải Lủng, Pả Vi, Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (được xếp hạng tại Quyết định số 4194/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2009 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Theo Luật Di sản văn hóa, tại Điều 32, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích cũng như việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích được quy định cụ thể: Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I… Các khu vực bảo vệ quy định tại khoản 1 Điều này phải được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc giới trên thực địa.

Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.

Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

“Như vậy, việc xây dựng công trình nói trên không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích, không phải công trình bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, do đó, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan”, Cục Di sản văn hóa nêu.

Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa có Điều 36 ghi: Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường – sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.

Nhằm khuyến cáo cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa ở địa phương về trách nhiệm quản lý, chủ động ngăn ngừa việc triển khai các dự án xây dựng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến di sản, do công trình xây dựng gần khu vực bảo vệ II của Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng, ngày 12/7/2019, Cục Di sản văn hóa đã có Công văn số 495/DSVH-DT.

Cục Di sản đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương xác minh thông tin, kiểm tra quy trình, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đối với công trình xây dựng nói trên, có biện pháp bảo vệ Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng theo Điều 36 nói trên của Luật di sản văn hóa. Cục cũng khẳng định chưa nhận bất cứ văn bản đề xuất thẩm định nào từ phía tỉnh Hà Giang.

Cục Di sản văn hóa tiếp tục phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang thực hiện các biện pháp đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định tại Luật Di sản văn hóa để tham mưu, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án xử lý về vấn đề này theo đúng các quy định của Luật di sản văn hóa.

Chiều 5/10, bà Mua Hồng Sinh, Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc, nói "có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền" khi để công trình xây trái phép trên đèo Mã Pì Lèng.

Tuy nhiên, bà Sinh giải thích, từ khi nhà hàng, nhà nghỉ Panorama bắt đầu xây dựng, huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Nhưng đến nay công trình đã hoàn thành, đi vào hoạt động mà chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các giấy tờ cần thiết.

Theo Phó chủ tịch huyện Mèo Vạc, nhà hàng nằm trên đất nông nghiệp, chưa được cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thổ cư, xây dựng là vi phạm pháp luật. Khu đất này nằm ở vùng ven danh thắng quốc gia Mã Pì Lèng, người dân làm nhà ở riêng lẻ thì huyện có thẩm quyền cấp phép. Nếu người dân xây dựng công trình với mục đích khác thì phải làm hồ sơ thiết kế, để các sở, ngành thẩm định về mật độ xây dựng, chiều cao, số tầng.

"Nhà hàng nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản là vị trí đẹp nhất đèo Mã Pì Lèng. Sai phạm của chủ đầu tư là không làm hồ sơ thiết kế để các cơ quan thẩm định xem có phù hợp với cảnh quan, môi trường hay không", bà Sinh nói.

Huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư nhà hàng, nhà nghỉ Panorama khẩn trương hoàn thiện hồ sơ công trình để các cấp thẩm định. Nếu chủ đầu tư không hoàn thiện được các giấy phép thì huyện sẽ có biện pháp xử lý. "Hiện chưa thể trả lời công trình có bị tháo dỡ hay không", bà Sinh nói. 

40% người say rượu tự lái xe về nhà

 

say-ruou.jpg

Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say.

Khảo sát tại TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018 cho thấy, nam giới gây ra 80% - 90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia - lái xe. Thời gian xảy tai tai nạn thường từ 18 giờ đến 24 giờ và cao hơn vào các ngày cuối tuần; phương tiện chủ yếu là xe máy với 70% - 90% số vụ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, số người tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say và tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao khoảng 36%.

Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Nam, trường Đại học Việt Đức, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, theo số liệu thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, số vụ tai nạn giao thông liên quan tới nồng độ cồn 4%, trong đó tại TP. HCM ở mức 5% và tỉnh Bình Dương là 12%. Tuy nhiên số liệu này thấp hơn rất nhiều so với số liệu thống kê tai nạn giao thông do rượu bia nhập viện tại một số bệnh viện. Nguyên nhân cơ bản của khác biệt trên là do trong nhiều vụ tai nạn giao thông, tình trạng chấn thương của nạn nhân đã gây khó khăn lớn cho công tác xét nghiệm nồng độ cồn.

Vì thế, ông Tuấn đề nghị cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 46 và Luật Giao thông đường bộ với nguyên tắc “nồng độ cồn trong máu bằng 0 khi điều khiển xe máy”; tăng mức phạt tiền và bổ sung các hình phạt mới như lao động công ích. Ngoài ra cần phải tăng cường tuyên truyền giáo dục bằng nhiều biện pháp để thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi và các lực lượng thực thi công vụ cần xử lý mạnh tay.

“Ngoài các chốt cố định thì có các đội tuần tra lưu động thường xuyên khắp thành phố luôn. Không cần lực lượng dày mà chỉ như hiện nay thôi nhưng mà tổ chức bài bản, thường xuyên liên tục và ngẫu nhiên. Đã bắt được là phạt theo quy định của pháp luật. Nếu mà làm được như thế sẽ cải thiện tình trạng uống rượu bia lái xe rất nhiều. Bởi thực tế là các vụ tai nạn giao thông chết người có liên quan rượu bia là lên đến 40% chứ không phải là 4 – 5% như công bố của Bộ Công an”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP. HCM cũng cho biết, tình trạng tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia ở thành phố đến nay chưa giảm; chủ yếu xảy ra tại các quận huyện ngoại thành và cá biệt địa phương có 14/15 vụ tai nạn giao thông chết người do liên quan đến nồng độ cồn.

Thời gian tới, Ban an toàn giao thông TP. HCM sẽ tận dụng các kết quả nghiên cứu được công bố hôm nay để thay đổi phương thức tuyên truyền cho hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Ngọc Tường nói: “Về phía Ban An toàn giao thông thành phố sẽ tận dụng các tài liệu quan trọng này và mời các chuyên gia đầu ngành để tổ chức những hội thảo, tập huấn các lực lượng địa phương và các ban ngành đoàn thể để vừa làm tư liệu công tác tuyên truyền trong thời gian tới và đồng thời để các lực lượng xử lý xử phạt nghiên cứu kỹ về nội dung này để công tác xử phạt đúng quy định và đạt hiệu quả cao nhất”.

Grab thu thêm 3.000-10.000 đồng hành khách trễ quá 5 phút

Grab Việt Nam vừa thông báo sẽ tính phí đối với khách đặt Grab nhưng để xe chờ quá 5 phút từ ngày 10-10, nhằm hạn chế tình trạng đặt xe nhưng không đi hoặc để tài xế chờ đợi quá lâu.

 

grab-hyundai1.jpg

Cụ thể, Grab Việt Nam cho biết từ ngày 10-10, phí "xe chờ quá 5 phút" sẽ được áp dụng trong trường hợp khách hàng không xuất hiện tại điểm đón như đã đặt trên ứng dụng quá 5 phút và tài xế phải chủ động hủy cuốc xe.

Thời gian 5 phút sẽ được tính từ thời điểm tài xế đến điểm đón khách đặt. Khách hàng sẽ nhận được thông báo trên ứng dụng Grab về thời gian cần phải có mặt tại điểm đón.

Phí "xe chờ quá 5 phút" được áp dụng trên toàn quốc 10.000 đồng/trường hợp với dịch vụ GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar 7 chỗ và JustGrab. Phí 3.000 đồng/trường hợp được áp dụng với dịch vụ GrabBike và GrabBike Premium.

Mức phí này sẽ được trừ trực tiếp thông qua phương thức thanh toán khách hàng lựa chọn cho chuyến xe. Tài xế sẽ được hưởng 100% số tiền phí này. 

Khách hàng nào không thanh toán phí này, tài khoản của khách hàng sẽ bị tạm thời vô hiệu hóa tính năng đặt xe trên Grab.

Ngược lại, với trường hợp tài xế tự ý hủy chuyến không lý do, trễ chuyến bị khách phàn nàn, Grab cũng sẽ có hình thức xử lý, đánh giá hiệu quả công việc phù hợp.

Hà Nội được yêu cầu xóa “cà phê đường tàu”

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Hà Nội giải tán các tụ điểm cà phê trong hành lang đường sắt vì mất an toàn giao thông. 

 

ca-phe.jpg

Ngày 4/10, Bộ Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tăng cường tuyên truyền pháp luật về đường sắt đến người dân. 

Thành phố cần tính đến phương án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân; quy hoạch các khu dân cư.

Hà Nội cũng được đề nghị chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN tiếp tục giải tỏa dứt điểm vi phạm của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt; ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt. 

"Thành phố phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt", Bộ Giao thông Vận tải nêu. 

Vài tháng trở lại đây, đoạn đường sắt từ ngã tư giao cắt với phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng mọc lên hàng loạt quán cà phê nằm sát bên đường ray xe lửa, phục vụ các bạn trẻ và du khách nước ngoài với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân sống hai bên đường tàu, ngắm cảnh tàu hỏa chạy xuyên qua lòng phố cổ.  

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top