Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 29 tháng 9 năm 2018 | 11:34

Sự kiện 24/7: HN TƯ 8 sẽ xem xét công tác nhân sự

Sáng ngày 28/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa  XII.

nhtu8.jpg

Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết: Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 2-6/10, và việc Trung ương có xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự bầu Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 8 còn tùy thuộc quá trình chuẩn bị của các cấp có thẩm quyền và cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Bùi Trường Giang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Để tăng cường dân chủ, công khai minh bạch trong sinh hoạt nghị sự và trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân với tổ chức chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Họp báo trước Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đây là nét đổi mới tăng cường công khai minh bạch giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Theo đó, Hội nghị Trung ương 8 sẽ thảo luận, thông qua các nội dung, cụ thể là báo cáo hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự toán ngân sách năm 2019. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời xem xét công tác nhân sự và các nội dung quan trọng khác. Sau khi bế mạc Hội nghị sẽ có 1 cuộc họp báo thông tin kết quả hội nghị đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến dự thảo đề án “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Quy định này được cấu trúc gọn, gồm 4 điều. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, và đặc biệt nhấn mạnh đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trên nguyên lý là có “xây”, có “chống”; “xây” trước, “chống” sau.

Tại buổi họp báo, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh cho biết thêm: Chủ tịch nước Trần Đại Quang vừa từ trần, quyền hạn trách nhiệm Chủ tịch nước theo Hiến pháp quy định. Bộ Chính trị đã phân công đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước. Vì thế việc Trung ương có xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự bầu Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 8 còn tùy thuộc quá trình chuẩn bị của các cấp có thẩm quyền. Đồng thời nhấn mạnh, quyền giới thiệu nhân sự Chủ tịch nước để Quốc hội bầu là việc hệ trọng của Quốc gia, của Đảng cho nên cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định.

Hàng loạt cán bộ ở TP.HCM bị xử lý kỷ luật

Chiều 28/9, trang thông tin điện tử Đảng bộ TPHCM cho biết, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM đã có thông báo kết quả kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm.

 

tphcm.jpg

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật và báo cáo đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm. Cụ thể: Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP nhiệm kỳ 2015 – 2020 và một số cá nhân liên quan đã có những khuyết điểm, vi phạm trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ bị giảm sút. Có 5/7 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP nhiệm kỳ 2015 – 2020 có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật.

Căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với bà Trần Ngọc Nga, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy; thi hành hình thức kỷ luật khiển trách đối với 4 đảng viên gồm: ông Trương Văn Non, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Nguyễn Minh Trí, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; ông Phạm Phú Quốc, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty; ông Châu Văn Dìa, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; phê bình nghiêm khắc đối với ông Nguyễn Đình Thọ, Đảng ủy viên, Trưởng Phòng kinh doanh vốn Công ty.

Ban Thường vụ Quận ủy Quận 8 nhiệm kỳ 2010 – 2015, nhiệm kỳ 2015 – 2020 và các cá nhân có liên quan có những khuyết điểm, vi phạm là: thiếu quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát UBND Quận 8 và Đảng ủy Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 8 trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, để công ty có những vi phạm trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện sửa chữa trụ sở làm việc; đầu tư một số dự án kéo dài, thiếu hiệu quả, đề xuất bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Liên quan đến vụ việc vi phạm nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã yêu cầu các tổ chức Đảng có thẩm quyền tại Quận 8 tổ chức kiểm điểm, xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm theo thẩm quyền quản lý cán bộ.

Qua đó, Ban Thường vụ Quận ủy Quận 8 đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với Đảng ủy Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 8, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Quận 8 đã quyết định thi hành kỷ luật đối với các đảng viên là cán bộ lãnh đạo của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 8, gồm: thi hành hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với 2 đảng viên: ông Nguyễn Văn Vĩ, Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty; ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công ty.

Thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với 7 đảng viên: ông Nguyễn Văn Tốt, Bí thư Đảng ủy Công ty; ông Đỗ Quốc Phong, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty; ông Nguyễn Minh Điền, Đảng ủy viên, Phó Giám đốc Công ty; ông Huỳnh Thái Duy Phúc, Phó Giám đốc Công ty; ông Bùi Duy Phương, Đảng ủy viên, Kiểm soát viên Công ty; ông Biện Hữu Phúc, Kế toán trưởng, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán Công ty; ông Ngô Huy, Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Quản lý đô thị, nguyên Quận ủy viên nhiệm kỳ 2010 – 2015, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Giám đốc Công ty.

Đồng thời, căn cứ các quy định của Đảng và mức độ khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy phê bình nghiêm khắc Ban Thường vụ Quận ủy Quận 8, nhiệm kỳ 2010 – 2015, nhiệm kỳ 2015 – 2020; Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Hà Văn Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Quận 8 và ông Lê Quỳnh Đài, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND Quận 8.

Bị cắt phụ cấp ưu đãi nghề, hàng loạt bác sĩ ở Lâm Đồng xin nghỉ việc

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, hơn 20 bác sĩ, dược sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã có đơn xin nghỉ việc vì bị cắt phụ cấp ưu đãi nghề.

 

bac-sy.jpg

Những bác sĩ, dược sĩ có đơn xin nghỉ việc thuộc lao động hợp đồng, có bằng cấp đại học và được đào tạo chuyên môn theo diện cử tuyển bởi nguồn kinh phí do tỉnh Lâm Đồng cấp. Nguyên nhân xin nghỉ việc được cho là lương thấp, bình quân trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng, cộng với việc bị cắt đi khoản phụ cấp ưu đãi nghề khiến thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình.

Theo bà Phạm Thị Bạch Yến, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, từ 4/2012 đến tháng 10/2017, thực hiện thông tư liên tịch số 02/2012 giữa Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về việc áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề y tế, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã chi trả tiền phụ cấp ưu đãi nghề cho các lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn với tổng số tiền hơn 55 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2017 đến nay, việc chi trả phụ cấp ưu đãi nghề theo thông tư này không còn thực hiện nữa, trong khi Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi trong thu hút các bác sĩ về công tác tại địa phương, vì vậy khó có thể giữ chân họ gắn bó lâu dài với nghề.

Cũng theo bà  Phạm Thị Bạch Yến, từ năm 2011 đến nay, một số đơn vị được UBND tỉnh quyết định giao tăng giường bệnh, tăng nhiệm vụ nhưng không được giao thêm số lượng người làm việc. Vì vậy trước mắt ngành y tế Lâm Đồng không thể tuyển dụng đủ số lượng người làm việc, trong khi có hàng loạt trường hợp xin nghỉ việc đã khiến ngành y tế Lâm Đồng gặp rất nhiều khó khăn.

“Cắt phụ cấp ưu đãi nghề đi thì họ chỉ còn hơn 2 triệu đồng nên các bác sĩ người ta xin nghỉ việc. Hiện nay, đúng ra chúng tôi có đủ biên chế theo thông tư liên tịch số 08/2007 của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, nhưng với định biên theo thông tư này thì ngành y tế không đủ. Đã không đủ mà sau này còn hướng dẫn là phải tinh giản biên chế nữa. Trong khi đó lại không cho hợp đồng lao động, kinh phí thì đã cấp trên giường bệnh rồi nên chúng tôi cũng đâu có xin thêm kinh phí. Bây giờ lại không được phụ cấp ưu đãi nghề cho đội ngũ thầy thuốc, anh em trong ngành dẫn đến không yên tâm công tác”, bà Bạch Yến nói.

Dịch bệnh tay chân miệng và sởi diễn biến phức tạp tại Đồng Nai

Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai ghi nhận hơn 4.000 ca mắc tay chân miệng, chủ yếu là trẻ em dưới 3 tuổi và hơn 125 ca mắc sởi. Khoảng 2 tháng trở lại đây, số ca mắc hai bệnh này tăng đột biến.

 

ctm.jpg

Với bệnh sởi, nếu như tháng 8, Đồng Nai có 23 ca thì trong 3 tuần đầu của tháng 9 đã lên tới 60 ca mắc, chủ yếu là trẻ em dưới 9 tuổi.

Với bệnh tay chân miệng, theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có những tuần bệnh viện tiếp nhận tới 500 ca mắc, nhiều trường hợp bệnh biến chứng nặng, có ca ngừng tim, ngừng thở nhưng may mắn được các bác sĩ cấp cứu kịp thời.

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hiện quá tải, nhiều bệnh nhi đã phải nằm trên các giường bệnh đặt ngoài hành lang.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Dịch tay chân miệng năm nay tăng cao hơn so với 2, 3 năm trước rất nhiều, số ca nặng cũng tăng. Vừa rồi ở đây có một trường hợp tay chân miệng diễn tiến rất nhanh, mới đêm hôm trước qua ngày hôm sau là em bé đã ngưng tim. Gần như ngày nào tay chân miệng cũng có 4 -5 trường hợp thở máy”.

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu tuyến y tế cơ sở, các đơn vị trực thuộc tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đồng thới thực hiện nhiều biện pháp hạn chế bệnh lây lan.

175 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng do thiên tai

Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, từ đầu năm 2018 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai bao gồm: 6 cơn bão, 5 ATNĐ, 212 trận dông, lốc sét, 12 trận lũ quét, sạt lở đất, 7 đợt gió mạnh trên biển, 4 đợt rét đậm, rét hại,…

thien-tai.jpg

Thiên tai đã làm 175 người chết và mất tích, 105 người bị thương

Đã có 1.682 nhà bị đổ, sập và 31.238 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp và 44.094 nhà bị ngập nước.

Thiên tai cũng đã làm 214.416 ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 24.323 ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 26.590 con gia súc và 450.851 con gia cầm bị chết; 11.114 ha thủy sản bị ngập, mất do thiên tai.

Về thủy lợi và giao thông, hơn 332,82 km đê, kè, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt; hơn 55,6 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hơn 8,4 triệu m3 đất đá đường giao thông Quốc lộ, Tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt.

Tổng thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính trên 12.356 tỷ đồng. (Số liệu cập nhật đến ngày 26/9/2018).

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top