Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 7 tháng 3 năm 2020 | 16:11

Sự kiện 24/7: Việt Nam có ca thứ 18 dương tính với SARS-COV-2

Trưa nay (7/3), bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly khoa truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình để theo dõi và điều trị.

15h00 ngày 7/3, Viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thông báo kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 đối với bệnh nhân N.V.T, 27 tuổi, quê Thái Bình, đến Daegu ngày 17/2/2020, trở về Việt Nam trên chuyến bay VJ981 từ Busan đến Vân Đồn ngày 4/3/2020.

Sau khi nhập cảnh Việt Nam, bệnh nhân đã được cách ly tập trung, được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính với SARS-COV-2. Hiện nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang triển khai các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Đây là ca bệnh thứ 18 trên cả nước tính đến thời điểm này.

 

benh nhan thu 18 nhiem covid-19 tai viet nam, tro ve tu han quoc hinh 1
Đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế thành phố kiểm tra sức khỏe các trường hợp người nước ngoài tự cách ly tại 1 doanh nghiệp trong KCN Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình). Ảnh: Báo Ninh Bình

 

Trưa nay (7/3), bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly khoa truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình để theo dõi và điều trị.

 Theo Sở Y tế Ninh Bình, tính đến 17h ngày 6/3, toàn tỉnh có tổng số trường hợp từ vùng dịch về chưa qua 14 ngày và các trường hợp tiếp xúc với những người nghi ngờ nhiễm CoVid-19 đang được quản lý theo dõi tại cộng đồng và tại 03 khu cách ly tập trung là 953 người. Trong đó, cách ly tập trung là 730 người; cách ly tại nơi cư trú là 223 người. Trong ngày, có 11 ca đã hết thời hạn cách ly 14 ngày.

Tổng số ca bệnh nghi ngờ đã được lấy mẫu gửi đi xét nghiệm cộng dồn là 101 ca. Trong đó, 48 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính; 01 trường hợp đã lấy mẫu xét nghiệm nhưng không đủ tiêu chuẩn để xét nghiệm mẫu và đã ra viện; 52 trường hợp tại khu cách ly tập trung, đã lấy mẫu chờ kết quả xét nghiệm. Riêng trong ngày 6/3, tổng số trường hợp giám sát mới tại cộng đồng là 32 trường hợp.

Ngành Y tế  tỉnh Ninh Bình cũng tích cực phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý, cách ly, giám sát các đối tượng trở về từ các nước đang có dịch tại 02 khu cách ly tập trung là Trung đoàn 855 và Trường Quân sự tỉnh; đồng thời phối hợp với Quân đoàn I lập 02 khu cách ly tập trung tại Trường Quân sự - Quân đoàn I và Lữ đoàn 241.

 

 Xử lý nghiêm các đối tượng tung tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19

Công an Hà Nội khuyến cáo người dân cần cập nhật thông tin liên quan đến dịch COVID-19 qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử chính thống của ngành y tế.

Lực lượng bộ đội hóa học phun hóa chất tiêu tẩy khu vực phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, nơi có nhà của bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số đối tượng đã tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận.

Chính vì vậy, Công an Hà Nội khuyến cáo người dân cần cập nhật thông tin liên quan đến dịch COVID-19 qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử chính thống của ngành y tế.

Công an thành phố sẽ chủ động cập nhật thông tin diễn biến dịch bệnh để người dân nắm thông tin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Đặc biệt, Công an thành phố Hà Nội sẽ tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng diễn biến phức tạp của dịch bệnh để đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc tình hình liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam, gây hoang mang trong dư luận.

Ngoài ra, Công an Hà Nội cũng chủ động phối hợp với lực lượng an ninh cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tổ chức giám sát bằng máy đo thân nhiệt, quan sát tình trạng sức khỏe đối với 100% hành khách trên các chuyến bay từ các nước đáp xuống sân bay Nội Bài.

Lực lượng chức năng tổ chức rà soát tất các trường hợp người dân, khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam để chủ động phát hiện các trường hợp lây hoặc nghi nhiễm, phối hợp với ngành y tế xử lý kịp thời.

Công an thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành liên quan, bệnh viện, trạm y tế triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn, không để lây lan bệnh dịch trên địa bàn; chủ động chuẩn bị các trang thiết bị y tế cần thiết bảo đảm sức khỏe cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân.

Kỷ luật, cách chức vụ trong Đảng đối với 4 cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) Đồng Nai đã quyết định thi hành kỷ luật đối với 6 cán bộ Công an tỉnh Đồng Nai. 

Cụ thể, UBKTTU Đồng Nai quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với bốn cán bộ, gồm: Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Công an tỉnh; Thượng tá Hoàng Liên Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng An ninh điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh; Thượng tá Đặng Thế Trung, Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh; Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh. 

Theo UBKTTU Đồng Nai, trong thời gian giữ các chức vụ, bốn cán bộ trên chịu trách nhiệm về một số vi phạm trong lĩnh vực được phân công như: xử lý sai quy trình một số vụ án; quản lý vũ khí quân dụng tại đơn vị; bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính... Vi phạm của các cán bộ trên là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành công an và cá nhân.

Ngoài ra, UBKTTU Đồng Nai cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Đại tá Dương Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Long Thành; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với Thượng tá Phan Trọng Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Xuân Lộc.

Ông Dương Thanh Hải bị kỷ luật vì vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong thời gian lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Phó Thủ trưởng CQCSĐT Công an tỉnh, Phó trưởng phòng CSGT, Trưởng phòng CSGT. Kỷ luật ông Phan Trọng Lộc vì vi phạm trong thời gian lần lượt giữ chức Bí thư Đảng ủy, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Phó Thủ trưởng CQCSĐT Công an tỉnh.

Tây Nguyên quay quắt vì nắng hạn

 

nang-han.jpg

 Ông Lê Văn Hiển, Phó chủ tịch UBND xã Ea Đăh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk), cho biết, toàn xã có khoảng 3000ha cây trồng nhưng nguồn nước từ hai hồ thủy lợi nhỏ chỉ đáp ứng được chưa đầy 100ha, tức khoảng 3% diện tích. Diện tích còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước ở các ao, hồ, giếng của dân. Thời điểm này, các hồ thủy lợi cũng như ao hồ, giếng đã bắt đầu cạn kiệt, nhiều gia đình đã không còn nước tưới cho cây trồng. Chỉ trong thời gian ngắn nữa tình trạng hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng tại xã: “Trung tuần tháng 3 này sẽ khó khăn vì sông suối cách trở nên không tiếp nước về để đáp ứng được cho bà con. Xã lại không có các hồ lớn để trữ nước. Xã cũng đã đề nghị các cấp tạo điều kiện nâng cấp một số đập hoặc xây dựng mới, nhưng do nguồn kinh phí không có nên rất khó khăn".

Cùng với Đắk Lắk, tình trạng khô hạn đang diễn ra khốc liệt ở nhiều nơi trong khu vực Tây Nguyên. Tại các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai, vùng sản xuất mía trọng điểm của cả nước với khoảng 30.000 ha, đang quay quắt vì hạn.

Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó giám đốc Nhà máy đường An Khê, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, cho biết, 15.000 ha mía trong vùng nguyên liệu của nhà máy bị giảm năng suất, hơn 7.000 ha trong số đó chỉ như các bụi cỏ, không thể thu hoạch, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng: "Mặc dù nhà máy cũng tuyên truyền, chính quyền địa phương và người dân cũng rất tích cực trong vấn đề chăm sóc mía nhưng lực bất tòng tâm. Nắng tới 7-8 tháng ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới vấn đề sinh trưởng của cây mía trong giai đoạn vươn lóng, giai đoạn quyết định năng suất".

Còn tại tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Jút cho biết đây là năm thứ 4 liên tiếp tình hình hạn hán diễn ra phức tạp tại địa phương. Trong khi đó chỉ có 15% trong 30.000ha diện tích đất nông nghiệp của huyện chủ động được nước tưới từ các hồ đập thủy lợi. Giải pháp cho các diện tích bị hạn được huyện đề xuất là đầu tư hệ thống bơm nước từ sông Sêrêpôk lên, nhưng để thực hiện được cần nguồn vốn rất lớn.

“Huyện cũng đã có tờ trình cho tỉnh để được hỗ trợ hệ thống bơm, lấy nước từ sông Sêrêpôk, bơm lên và làm mương tưới cho khoảng 5.000ha tại khu vực các xã Nam Dong, Ea Pô, Đăk Wil, Đăk Rông. Dòng sông Sêrêpôk nằm dưới một dãy núi tương đối cao, do đó, phải bơm qua dãy núi này thì mới dẫn nước về cánh đồng được", ông Sơn cho hay.

Thời điểm này mới bắt đầu cao điểm mùa khô, dự báo hạn hán sẽ còn diễn ra rất khốc liệt trong thời gian dài tại Tây Nguyên. Các cấp chính quyền và ngành chức năng các tỉnh đang tích cực chủ động các giải pháp ứng phó với khô hạn, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra.

19/21 hồ chứa nước Ninh Thuận cạn nước!

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết tính đến ngày 5-3, tổng dung tích của 21 hồ chứa nước toàn tỉnh có 194,94 triệu m3 nhưng đến ngày 5-3 chỉ còn 55,07 triệu m3, chiếm 28,3% tổng dung tích.

 

ninh-thuan.jpg

Trong 21 hồ chứa nước, hiện hầu hết các hồ đều cạn nước. Duy chỉ có hồ chứa nước Sông Sắt có dung tích 69,33 triệu m3 là còn chứa nhiều nước với 34,88 triệu m3 và hồ Trà Co (cùng huyện Bác Ái) có dung tích 10,10 triệu m3, hiện còn 4,15 triệu m3.

Ông Đặng Kim Cương - phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận -cho biết tổng dung tích hiện hữu của 21 hồ còn 55 triệu m3, trong đó hai hồ Sông Sắt và Trà Co đã chiếm xấp xỉ 40 triệu m3, nên 19 hồ còn lại ít hoặc không còn khả năng cung cấp nguồn nước tưới cho diện tích cây trồng.

Theo ông Cương, trong vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh có 7.873ha phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới, trong đó có 4.556ha cây lúa, 3.317ha cây màu.

Bước đầu xác định gần 15ha cây lúa bị thiệt hại do hạn hán và nhiều diện tích các loại cây trồng lâu năm có nguy cơ chết do thiếu nước tưới, giảm năng suất, sản lượng.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top