Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 7 năm 2022 | 15:40

Sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để bảo vệ người gửi tiền tốt hơn

Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất điều chỉnh hoạt động BHTG.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, Luật BHTG cần sớm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành.

tien_mat.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+

 

Luật BHTG ra đời năm 2012 đánh dấu một mốc quan trọng đối với hoạt động BHTG ở Việt Nam khi lần đầu tiên có một văn bản pháp lý cao nhất và toàn diện nhất điều chỉnh hoạt động BHTG.

Luật BHTG quy định chi tiết các loại tiền gửi được bảo hiểm, tiền gửi không được bảo hiểm. Luật cũng quy định rõ BHTG là bắt buộc, trừ ngân hàng chính sách, còn lại tất cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính vi mô nhận tiền gửi của cá nhân đều phải tham gia BHTG. Quy định tại luật đã bảo đảm quyền và lợi ích cho người gửi tiền, tạo niềm tin cho người dân khi gửi tiền tại tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định tương đối đầy đủ về việc trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, tạo điều kiện thuận lợi để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, thời hạn trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm đều được quy định rõ ràng trong luật.

Trên cơ sở Luật BHTG cũng như các văn bản pháp lý có liên quan, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã triển khai chính sách BHTG một cách toàn diện trên các mảng nghiệp vụ. Các hoạt động như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, giám sát, kiểm tra, thông tin tuyên truyền, tham gia kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước… được thực hiện kịp thời, sát sao, có kế hoạch và đạt được nhiều hiệu quả thực tiễn.

Nhờ có Luật BHTG, hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro lớn mang tính hệ thống, quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo. Trong khi đó, nguồn lực của tổ chức BHTG cũng đã có sự phát triển mạnh, đủ khả năng đáp ứng khi phát sinh nghĩa vụ chi trả cũng như khi thực hiện các nhiệm vụ mà Ngân hàng Nhà nước giao.

Trước xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ của hệ thống tài chính – ngân hàng, Luật BHTG đang được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới và sự thay đổi của hệ thống pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo sự đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các định chế tài chính hoạt động hiệu quả. Cụ thể, BHTGVN đã chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung:

  • Về việc tham gia vào quá trình tái cơ cấu, cần thống nhất quy định của Luật BHTG với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, đảm bảo cơ sở pháp lý cho BHTGVN (như quy định về cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ…) tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém, đặc biệt đối với các QTDND được kiểm soát đặc biệt.
  • Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ: Tham gia xây dựng, thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tham gia BHTG được KSĐB theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG theo phạm vi, nội dung, thời hạn do NHNN quyết định trong trường hợp cần thiết; kiến nghị NHNN xử lý hành vi vi phạm quy định pháp luật về tài chính, ngân hàng và các quy định pháp luật khác liên quan đến nội dung kiểm tra do NHNN giao. Yêu cầu tổ chức tham gia BHTG cung cấp thông tin tại tổ chức của mình về tiền gửi không được bảo hiểm, các khoản nợ của người được BHTG, thông tin khi có sự thay đổi về địa điểm giao dịch. Tuyên truyền về hình ảnh, hoạt động của tổ chức BHTG. Đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức về BHTG và các kiến thức có liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
  • Về tiền gửi, cần bổ sung quy định cụ thể về các loại tiền gửi được bảo hiểm; đồng thời có quy định của NHNN hướng dẫn đối với các loại tiền gửi chưa được quy định tại Luật BHTG.
  • Về phí BHTG, đề xuất sửa đổi quy định theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN. Căn cứ vào khung phí BHTG, NHNN quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại của BHTGVN đối với các tổ chức này. Bổ sung quy định về thời điểm để tính và nộp phí BHTG cho kỳ đầu tiên đối với tổ chức tham gia BHTG mới thành lập là ngày Chứng nhận tham gia BHTG có hiệu lực. Bổ sung quy định về miễn nộp phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG được KSĐB.
  • Về Chứng nhận tham gia BHTG, đề xuất bổ sung quy định đối với tổ chức tham gia BHTG chỉ có một địa điểm giao dịch đồng thời là trụ sở chính, có thể niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG thay cho bản sao. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG cho thống nhất với các văn bản liên quan. Đồng thời, cần bổ sung quy định về cấp bản sao Chứng nhận tham gia BHTG, nêu chi tiết thời gian nộp hồ sơ đề nghị cấp bản sao, thủ tục cấp bản sao... cũng như sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn cấp, cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG, cấp Bản sao Chứng nhận tham gia BHTG theo hướng tăng thêm thời gian.
  • Về vấn đề trục lợi BHTG, đề xuất bổ sung hành vi nhằm mục đích được hưởng nhiều tiền bảo hiểm hơn là một trong những hành vi bị cấm. Bên cạnh đó, để phù hợp với thực tiễn giải quyết khiếu nại về BHTG, đề xuất sửa đổi quy định thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu tại Luật BHTG theo hướng tăng thêm thời gian (lên 30 ngày).
  • Bên cạnh đó, BHTGVN cũng đưa ra những đề xuất để nâng cao năng lực tài chính qua việc sửa đổi, bổ sung về nguồn vốn hoạt động, doanh thu hoạt động, mở rộng danh mục đầu tư của tổ chức.

Lãnh đạo BHTGVN cho biết, Luật BHTG sẽ được sửa đổi trên cơ sở tham khảo, học tập kinh nghiệm của các nước nhằm từng bước hướng tới chuẩn mực chung của quốc tế về BHTG. BHTGVN sẽ tích cực phối hợp với cơ quan hữu quan đề xuất sửa đổi Luật BHTG theo hướng toàn diện để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người gửi tiền và góp phần bảo đảm hoạt động an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng quốc gia.

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top